‘Cần câu cơm’ của người Cơ Tu
Với những làng nghề, cùng với văn hóa đồng bào Cơ Tu, người dân xã Hòa Bắc ( huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
Với những làng nghề, cùng với văn hóa đồng bào Cơ Tu, người dân xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Một hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế và gắn với bảo tồn nét văn hóa truyền thống của địa phương.
“Mỏ vàng” của ngành du lịch
Hòa Bắc là xã miền núi của huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) cách trung tâm thành phố khoảng 35km. Thôn Tà Lang và Giàn Bí, xã Hòa Bắc có làng nghề thêu dệt thổ cẩm truyền thống, văn hóa của người đồng bào Cơ Tu, du lịch sinh thái với nhiều tiềm năng và lợi thế. Đây được xem là “mỏ vàng” cho sự phát triển du lịch cộng đồng, góp phần vào sự phát triển chung của ngành du lịch thành phố.
4 năm trước, anh Đinh Văn Như – Bí thư thôn Giàn Bí (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) đã xin thủ tục và bỏ vốn đầu tư mô hình homestay A Lăng Như trên mảnh đất 700m2 của gia đình, để cải thiện cuộc sống, bớt phải đi nương, rẫy.
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, anh Như cho hay, sau khi hoàn thành thủ tục pháp lý, anh đã cải tạo mảnh đất trước đây gia đình bỏ hoang thành một căn nhà, ở đó anh sắp xếp bố trí thành những căn phòng lưu trú phục vụ cho du lịch.
Ở khoảng sân trống, anh bố trí những chiếc lều, bạt phục vụ du lịch, tạo thành những sân vui chơi, nghỉ ngơi. Không những vậy, du khách khi đến với nơi đây còn được trải nghiệm các văn hóa bản làng như tìm hiểu về dệt thổ cẩm, đan lát, thưởng thức ẩm thực núi rừng…
“Sau khi homestay hoàn thành, du khách bắt đầu đến với Hòa Bắc nhiều hơn, nhất là dịp cuối tuần và nghỉ lễ. Ngày bình thường, mỗi tháng gia đình tôi đón từ 4 – 5 đoàn khách du lịch đến nghỉ dưỡng, vui chơi. Những ngày lễ thì đông hơn”, anh Như cho biết.
Sau khi homestay A Lăng Như ra đời và mang lại hiệu quả, nhiều hộ dân trong thôn Giàn Bí và thôn Tà Lang cũng bắt đầu hoạt động du lịch, chính quyền tổ chức các sự kiện như: Liên hoan Văn hóa – Thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống người Cơ Tu… nhằm giới thiệu điểm đến cho du khách trong và ngoài nước.
Ông Hồ Phú Thanh – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) – cho hay, hiện xã có 21 điểm du lịch, trong đó có 5 điểm du lịch sinh thái và 16 điểm du lịch cộng đồng, lưu trú. Ước tính hằng năm có khoảng 30.000 lượt khách du lịch đến với xã Hòa Bắc.
“Là 2 thôn có người đồng bào Cơ Tu sinh sống nên có bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc. Mô hình du lịch cộng đồng của đồng bào Cơ Tu đem lại hiệu quả thiết thực, tạo việc làm cho người dân và bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của địa phương”, ông Thanh chia sẻ.
Video đang HOT
Biểu diễn các tiết mục múa truyền thống của người đồng bào Cơ Tu cho du khách xem. Ảnh: A Lăng Như
Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển bền vững
Với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, bà Đỗ Thị Huyền Trâm – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng Hòa Vang – cho rằng, du lịch cộng đồng đã đem lại sắc thái mới, để bà con trân quý và giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương.
“Đối với du lịch cộng đồng, bà con đơn giản là làm những gì họ đã quen, đã hiểu và đã có. Việc tham gia làm du lịch cộng đồng chỉ đơn giản là tăng giá trị những việc thân quen đó lên. Ai làm nghề dệt thì vẫn dệt, ai làm nông thì cứ làm nông… chỉ là khi có du lịch về họ sẽ gắn những điều đó với hoạt động du lịch, biến nó thành câu chuyện để kể, để sẻ chia với du khách. Giá trị của câu chuyện, của bản sắc truyền thống sẽ tăng lên, có thêm sinh kế, thu nhập”, bà Trâm chia sẻ.
Còn TS Chu Mạnh Trinh – Ban quản lý Khu bảo tồn Biển Cù lao Chàm – Hội An cho rằng, du lịch cộng đồng càng làm, càng tham gia, càng hứng thú, và đó là bí quyết của cái du lịch này.
Ông Nguyễn Thúc Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang – cho hay, nhờ sở hữu cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, nhiều lễ hội đặc sắc, đa dạng các làng nghề cũng như công trình kiến trúc cổ, nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của người Cơ Tu đang sinh sống, Hòa Vang có tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
“Từ những lợi thế đó, những năm qua chính quyền TP Đà Nẵng đầu tư thí điểm về phát triển loại hình du lịch cộng đồng với các mô hình homestay mô phỏng theo nhà Gươl truyền thống làm trung tâm, tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, dự án để nâng cao năng lực cộng đồng.
Đồng thời đẩy mạnh việc phục dựng khôi phục các lễ hội truyền thống các hoạt động văn hóa truyền thống. Mở lớp dạy khôi phục làng nghề để bà con làm du lịch cộng đồng. Đây là điểm khởi đầu, là nền móng cho việc phát triển du lịch cộng đồng của huyện Hòa Vang, mang lại hiệu quả về kinh tế, tạo được việc làm. Thực tế, du lịch đã mang lại nguồn thu nhập chính cho họ”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết.
Trải nghiệm các hoạt động văn hóa địa phương.
Đến nay, trên toàn huyện Hòa Vang có 8 địa điểm du lịch cộng đồng tập trung tại 3 cụm: Tà Lang – Giàn Bí – Nam Yên (Hòa Bắc); cụm Túy Loan – Thái Lai (Hòa Nhơn); cụm Trung Nghĩa – Đông Sơn – Hòa Trung (Hòa Ninh). Du lịch cộng đồng không chỉ làm kinh tế, còn phát huy văn hóa của địa phương, góp phần làm đa dạng thêm cho ngành du lịch Đà Nẵng.
“Sau hơn 2 năm đổi mới áp dụng, ngành du lịch đã có bước phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch được mở rộng, Hòa Bắc trở thành điểm đến hấp dẫn mang nét đặc trưng riêng. Góp phần quảng bá hình ảnh và khẳng định vị thế của mình trong quá trình phát triển, hội nhập.
Bên cạnh đó, cần có được những định hướng, giải pháp phát triển, cần có những chiến lược kế hoạch mang tính khả thi, đề xuất những chính sách từ phía Nhà nước, tổ chức phi chính phủ; công tác quản lý, phát huy những yếu tố tích cực, khắc phục hạn chế.
Tập trung phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên đa dạng sinh học và bảo tồn văn hóa truyền thống của từng địa phương. Phát triển du lịch sinh thái bền vững tạo sinh kế cho người dân, đóng góp vào nền kinh tế chung của từng địa phương”, ông Nguyễn Thúc Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang nhấn mạnh.
Ông Tô Văn Hùng – Bí thư Huyện ủy Hòa Vang – cho hay, du lịch cộng đồng thể hiện sự gắn kết, bảo vệ hệ sinh thái, tạo sự gắn kết giữa xã hội, con người và hệ sinh thái tự nhiên. Có sự gắn kết đó thì mới có bảo tồn hướng đến hệ sinh thái bền vững.
Độc đáo bản du lịch người Dao ở vùng cao Hoà Bình
Hoà Bình - Người Dao vùng cao Đà Bắc nay đã biết tận dụng những món quà thiên nhiên ban tặng thành bản du lịch cộng đồng thu hút du khách.
Những nét văn hoá truyền thống của người Dao đã thu hút du khách đến với bản du lịch cộng đồng xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình. Ảnh: Khánh Linh
Ngược lên những con dốc ngoằn ngoèo dựng đứng men theo những sườn núi ở vùng cao Hoà Bình, PV đã có mặt tại bản Dao xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình.
Sau cánh cổng bản, những nếp nhà gỗ truyền thống lợp bằng lá cọ màu nâu trầm lần lượt hiện ra. Bản Dao nằm yên bình trong nắng. Những gia đình dựng nhà sát cạnh nhau, không đắp tường ngăn vách mà quây quần đoàn tụ.
Những ngôi nhà gỗ lợp mái cọ, mái tranh của bản Sưng nằm yên bình dưới chân núi Biều hùng vĩ.
Dẫn PV đi một vòng quanh xóm, anh Lý Văn Nghĩa - Trưởng xóm Sưng chia sẻ: "Bản Dao xóm Sưng, xã Cao Sơn có 77 hộ với 380 nhân khẩu. Tại đây, 100% người dân là đồng bào dân tộc Dao Tiền cùng chung sống".
Theo vị trưởng thôn, trước đây, đời sống của người Dao ở bản Sưng rất khó khăn do thu nhập chủ yếu từ khai thác nông lâm sản.
Năm 2017, với sự trợ giúp của tổ chức Action on Poverty (AOP - tổ chức phi chính phủ Australia), người Dao bản Sưng đã bắt tay vào làm du lịch.
Người Dao bản Sưng nấu lá tắm theo công thức cổ truyền phục vụ du khách.
"Bản Sưng chọn ra 3 hộ gia đình thử nghiệm làm du lịch cộng đồng. Các hộ dân được tập huấn kỹ năng làm du lịch, từ bài trí homestay, nấu ăn, cho đến cách phục vụ du khách" - anh Nghĩa vừa nói, vừa đưa PV đến thăm homestay Xuân Lan của gia đình anh Đặng Văn Xuân.
Homestay Xuân Lan nằm giữa những ngôi nhà trệt của người Dao trên sườn đồi cao ráo. Trong căn nhà khoảng 60m 2, 13 chiếc giường ngủ được sếp san sát nhau, ngăn cách bởi những tấm rèm. Trước nhà là khu nhà ăn dành cho khách du lịch.
Anh Đặng Văn Xuân chia sẻ: "Gia đình bắt đầu làm homestay từ năm 2017. Cùng với số tiền 80 triệu đồng được tổ chức AOP cho vay, gia đình vay mượn thêm đầu tư giường, đệm, máy giặt, nóng lạnh để phục vụ nhu cầu du khách. Hiện homestay có sức chứa khoảng 16 khách".
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng homestay, người dân ở đây còn cùng nhau nuôi lợn bản, gà đồi, trồng rau hữu cơ phục vụ du khách.
Cũng theo anh Xuân, trước đây khi chưa có dịch bệnh COVID-19, trung bình mỗi tuần homestay gia đình đón ổn định 3-4 đoàn khách, mỗi đoàn khoảng 10 người, cho thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng.
"Năm nay khách đã quay trở lại nhờ việc điều phối khách của doanh nghiệp xã hội Đà Bắc CBT, khoảng 4-5 đoàn/tháng. Bà con lại cùng nhau trồng rau, nuôi thêm lợn bản, gà rừng và trồng rau hữu cơ để phục vụ du khách" - anh Xuân nói.
Thích thú trải nghiệm văn hoá và cuộc sống ở bản Sưng, ông Alex Dean (du khách Quốc tịch Anh) chia sẻ: "Khung cảnh ở bản Sưng hùng vĩ và cuộc sống ở đây rất yên bình. Tất cả đã hấp dẫn chúng tôi. Đến đây, du khách còn được trải nghiệm những văn hoá độc đáo của người dân bản địa và sản phẩm truyền thống của họ, rất thú vị".
Sau lưng là núi Biều che chở, trước mặt là những thửa ruộng bậc thang uốn lượn xếp tầng tầng tầng lớp lớp. Bảng lảng trong làn khói bếp là hình ảnh các bà, các mẹ ngồi thêu thổ cẩm, nhuộm chàm. Những hình ảnh bình dị mà ấm áp đã níu chân du khách đến đây.
Trao đổi với PV, ông Ngô Văn Cường - Bí thư Đảng uỷ xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình cho biết: "Người dân bản Sưng đã biết tận dụng những nét hoang sơ mà thiên nhiên ban tặng cùng nét văn hoá độc đáo để thu hút du khách".
Du khách hoà mình vào đêm diễn văn nghệ do người dân bản Dao tổ chức.
Theo vị lãnh đạo, đến bản Sưng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tán cây cổ thụ tương truyền đã vài trăm năm tuổi, băng qua tán rừng già để tới hang Sưng.
"Thời gian tới, bản Sưng sẽ thành lập thêm tổ dệt thổ cẩm, khôi phục nghề làm giấy dó của dân tộc Dao. Đồng thời, phát triển thêm một số hộ tham gia hoạt động dịch vụ du lịch cộng đồng để đáp ứng nhu cầu của du khách" - ông Cường nói thêm.
Thanh Sơn (Phú Thọ) chú trọng phát triển du lịch cộng đồng Thanh Sơn là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ, là nơi giao thoa văn hóa Việt - Mường, đồng thời là địa bàn tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số với những nét văn hóa phong phú, đa dạng. Sở hữu cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng, Thanh Sơn được đánh giá...