Cận cảnh Vũng Chùa – Đảo Yến, nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thể theo nguyện vọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc còn sống, Vũng Chùa – Đảo Yến đã chính thức được chọn là nơi an táng Đại tướng. Vũng Chùa – Đảo Yến, một thắng cảnh tuyệt đẹp ở xã Quảng Đông, H.Quảng Trạch, Quảng Bình.
Khung cảnh thanh bình trên đường vào Khu du lịch sinh thái Vũng Chùa – Đảo Yến
Vũng Chùa – Đảo Yến nằm cách Đèo Ngang (ranh giới giữa 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh) khoảng 7 km. Người dân địa phương từ lâu vẫn gọi đây là thế đất rồng cuộn hổ ngồi, nơi dãy Hoành Sơn đâm từ dãy Trường Sơn ra biển lớn.
Từ QL1, chúng tôi theo con đường lớn trải nhựa xuôi về bến cảng Hòn La, sau đó tiếp tục lên thuyền của một ngư dân để ra Đảo Yến. Biển trong xanh, phẳng lặng êm ái sau cơn bão. Thuyền nhỏ, tốc độ chạy khá chậm, chừng 20 phút thì chúng tôi đến được Đảo Yến.
Các xóm chài Bãi Xóm, Bãi Làng nằm liên tiếp nhau nối Khu du lịch sinh thái Vũng Chùa – Đảo Yến với Khu công nghiệp cảng biển Hòn La dưới chân đèo Ngang
Bờ cát dài hoang sơ ở Vũng Chùa
Tháp chuông trong khu vực núi Xóm Mới, mặt hướng nhìn ra Đảo Yến
Video đang HOT
Những mỏm đá nhô ra biển
Từ cảng biển Hòn La có thể đi tàu để nhìn toàn cảnh Vũng Chùa và ra Đảo Yến
Đảo Yến hiện ra trước mũi tàu. Người dân địa phương bảo thế của Đảo Yến là thế hổ phục, nằm trấn giữ đất liền và biển lớn
Phía bắc Đảo Yến là những vách đá sắc nhọn
Hang yến trên Đảo Yến
Mũi phía đông Đảo Yến
Bãi sỏi dọc phía bắc Đảo Yến
Bờ cát hoang sơ với “hoa văn dã tràng”
Từ trên Đảo Yến nhìn xuống gành đá bên dưới
Những bậc thang đá dẫn vào hang yến
Nhìn từ xa, Đảo Yến toát lên dáng vẻ một thế núi uy nghi, nằm trấn giữa đất liền và biển cả. Khi đến gần hơn, chúng tôi không khỏi thích thú ngắm nhìn những vỉa đá xuyên cao tầng tầng lớp lớp, đan xen, cuộn vỗ cùng từng đợt sóng bạc xóa.
Một người dân bản địa dẫn đường cho chúng tôi bảo tên gọi Đảo Yến xuất hiện sau này, khi có một công ty khai thác, nuôi yến đến hoạt động. Chứ trước kia, người dân vẫn gọi đây là Hòn Nồm, theo cách tính phương hướng.
Sau cuộc họp ngày 7.10 giữa T.Ư, tỉnh Quảng Bình và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thể theo nguyện vọng của Đại tướng lúc còn sống và của gia đình, Vũng Chùa – Đảo Yến được chọn là nơi an táng Đại tướng. Theo thông cáo đặc biệt về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần của Ban chấp hành T.Ư Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ VN và Quân ủy T.Ư thì quốc tang của Đại tướng sẽ được tổ chức từ 12 giờ ngày 11.10 đến 12 giờ ngày 13.10. Lễ an táng diễn ra vào ngày 13.10 tại quê nhà Quảng Bình.
Ngày trước, trên đảo có rất nhiều chim yến, bây giờ thì ít hơn rồi. Anh Đức, người dẫn chúng tôi ra Đảo Yến, lái thuyền lượn một vòng quanh đảo và chỉ cho chúng tôi một hang yến rất lớn. Tấp thuyền vào một gành đá, chúng tôi lên đảo.
Nếu không tính đến sự hiện diện của chúng tôi, thì Đảo Yến chỉ có một nhóm nhân viên của công ty nuôi yến đang làm việc tại đây. Đảo được tạo bởi hai hòn nối liền nhau. Đi lên đỉnh đảo, phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy cảnh tàu thuyền qua lại rất thanh bình, nhìn xuống dưới chân đảo là cảnh sóng vỗ gành đá rì rào.
Vì sao có tên gọi Vũng Chùa? Theo dân địa phương, ngày xưa trên Đảo Yến có dấu tích nền móng một ngôi chùa lớn nên bà con gọi là Vũng Chùa. PVThanh Niên Online đã thử tìm đến địa điểm đó nhưng không thấy gì. Người dân quanh vùng lý giải, qua thời gian, bị mưa bão, sóng biển bào mòn, dấu vết xưa cũ ấy nay cũng đã mất rồi.
Khu vực biển Vũng Chùa rất kín gió vì được bao bọc bởi 3 hòn đảo: Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nồm, vì vậy đó là nơi neo đậu tàu thuyền tránh trú bão.
Đảo Yến cách đất liền tại thôn Thọ Sơn chừng hơn một cây số. Quang cảnh Vũng Chùa – Đảo Yến mênh mông, thoáng, đẹp. Đứng trên đảo, nhìn vào đất liền là những bãi cát chạy dài, cây cối xanh tươi. Từ Đảo Yến trong ra xa có thể thấy được Hòn La và Hòn Gió. Ba hòn tạo thành một hình tam giác, thế tựa vững chải như kiềng ba chân.
Hỏi về phong thủy của khu vực Vũng Chùa – Đảo Yến, một lão ông trong vùng chép miệng mà rằng: “Rất ít nơi có được vị thế đẹp như ở đó, vừa thanh bình vừa kín gió, lưng tựa núi mặt nhìn ra biển lớn”.
Đến Vũng Chùa – Đảo Yến, chúng tôi còn được nghe kể về một dãy núi chạy dài nối từ đất liền ra biển, gần như bức tường thành vững chắc án ngữ Vũng Chùa và nằm rất gần với Đảo Yến. Dân địa phương gọi dãy núi này là Xóm Mới và Xóm Làng, tên gọi xuất phát từ những làng xóm dân cư bên đông đúc, bên thưa thớt ngày xưa. Trên dãy núi này giờ trồng khá nhiều cây keo. Theo nhiều người trong vùng, gần 10 năm về trước, ông Võ Điện Biên, người con trai trưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã về xin thuê đất, đền bù cây cối. Quan sát bằng mắt thường, từ hướng biển, PV Thanh Niên Online có thể nhìn thấy ngay khu vực uốn lượn, kín gió, có 2 tháp nhà mái ngói đỏ. Người dân địa phương kể ở đó còn 2 nhà sàn gỗ được chở từ Lệ Thủy ra, dựng lên.
Theo TS Phan Viết Dũng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa thông tin Quảng Bình, Vũng Chùa – Đảo Yến là thắng cảnh nằm chung trong vịnh Hòn La mà sách Đại Nam dư địa chí ước biêncủa Cao Xuân Dục thời nhà Nguyễn gọi là vịnh La Sơn. Trong sách nêu rõ vịnh La Sơn được bao bọc bởi những ngọn núi như những bức tường thành, phía đất liền là dãy Hoành Sơn “thế như rồng cuốn hổ ngồi, trùng trùng điệp điệp lan ra tận biển” với đỉnh Mũi Rồng che chắn phía tây – bắc, ở phía đông có nhiều đảo nhỏ (dân gian gọi là hòn)… Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, đặc sản nơi đây ngoài yến sào, sò huyết, tôm hùm còn có loài “Cửu khổng quyết minh” hay còn gọi là bào ngư. TS Dũng cho biết quần thể danh thắng này gắn liền với rất nhiều truyền thuyết dân gian, như việc người dân vùng này không dám chặt cây chò trắng vì đây là loại cây tương truyền được long vương dùng xây thủy cung dưới biển. Mà long vương từng nổi sóng lớn giúp dân nhấn chìm chiến thuyền của quân Chiêm khi đến quấy phá dân làng thời Đại Việt. Dân gian còn truyền miệng chuyện năm vua Lê Thánh Tông xuất thủy quân đánh Chiêm Thành, đã dừng lại nơi đây lập đàn xin thần linh phù hộ thắng giặc và chúng sinh an lành. Sau đại thắng, vua lại trở về lập đàn cáo cùng trời đất. Thời chống Mỹ, từ tháng 5.1972 đến 15.1.1973, chiến dịch Hòn La đã biến nơi đây thành điểm tiếp nhận hàng hóa viện trợ đường biển để tránh Mỹ đánh phá các cảng biển Hải Phòng, Bến Thủy. Tuy nhiên chỉ tính riêng năm 1972 Mỹ đã thả vào đây 22.000 quả bom các loại nhưng với tinh thần kiên cường bất khuất, quân dân Quảng Bình đã đưa hàng ngàn tấn gạo vào bờ chi viện cho miền Nam.
Theo TNO
Hà Nội đã nghiên cứu đặt tên đường, phố Võ Nguyên Giáp từ lâu
Thành phố Hà Nội đã nghiên cứu về vấn đề đặt tên đường, phố Võ Nguyên Giáp từ lâu. Trong nhiều phiên họp, có ý kiến nên đặt tên đường, phố Võ Nguyên Giáp ngay khi đại tướng còn sống...
Tại cuộc họp giao ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chiều 8.10, nhận được câu hỏi về việc thành phố Hà Nội có kế hoạch cụ thể thế nào về vấn đề trên, ông Phan Đăng Long- Phó trưởng ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, thành viên Hội đồng đặt tên đường, phố Hà Nội, cho biết:
Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch đã có quy chế rõ về việc đặt tên đường, phố, trong đó địa danh được ưu tiên hàng đầu, sau đó mới đến danh nhân. Bên cạnh đó, với danh nhân cũng có quy định: Tối thiểu sau 10 năm từ khi qua đời mới được đặt tên đường, phố.
"Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đặc biệt. Vừa qua, Hà Nội đã họp và quyết định về việc đặt tên con đường mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt dù thời gian cố Thủ tướng qua đời chưa đủ theo quy định. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là nhân vật lịch sử đặc biệt, được Hà Nội và cả nước quan tâm. Việc dành một con đường hiện đại, xứng đáng, có ý nghĩa nhất hiện nay mang tên đại tướng là điều chắc chắn", ông Long cho biết.
Với câu hỏi về việc GS, TS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội đưa ra mong muốn lựa chọn tuyến đường cao tốc từ Nội Bài đến cầu Nhật Tân, nối sân bay vào trung tâm Thủ đô để đặt tên đường mang tên đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Long nhấn mạnh: Mỗi con đường trước khi đặt tên cần họp bàn với sự tham gia của nhiều ban, ngành.
"Chọn đường xứng đáng thì không thể vội vàng. Đặt tên cho mỗi con đường cần sự nghiên cứu, bàn thảo kỹ lưỡng bởi phải xem xét con đường ấy với cái tên được đặt có phù hợp với nhiều yếu tố kèm theo hay không. Thành phố Hà Nội đã nghiên cứu về vấn đề đặt tên đường, phố Võ Nguyên Giáp từ lâu. Trong nhiều phiên họp, có ý kiến nên đặt tên đường, phố Võ Nguyên Giáp ngay khi đại tướng còn sống bởi đại tướng là người có công lao, đức độ và cần để sẵn đường, phố để đặt tên khi đại tướng qua đời.
Nhưng theo tôi, nếu báo cáo với đại tướng điều này từ trước thì chắc chắn đại tướng sẽ không đồng ý và dân cư ở khu vực này cũng sẽ gặp nhiều khó khăn vì đường, phố không có tên trong thời điểm chờ. Tại kỳ họp HĐND thành phố tới, vấn đề này sẽ được đưa ra họp và Hà Nội sẽ nghiên cứu nghiêm túc, thận trọng về việc chọn đường, phố nào cho phù hợp", ông Long cho biết.
Theo Dân Việt
Nhiều lần xót xa nhìn bữa cơm Đại tướng "Bữa trưa của Đại tướng và phu nhân có khi chỉ có chút cơm trắng và 2 quả trứng luộc. Ông nhường bà và bà lại nhường ông", Đại tá Trần Hồng, người chụp ảnh riêng của Đại tướng, chia sẻ. Chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ năm 1972, sau này Đại tá Trần Hồng được ông chọn là người chụp...