Cận cảnh tổ ấm tuềnh toàng của Quốc Vượng
Có được công việc ổn định, thu nhập đều hằng tháng qua công việc bốc vác, Quốc Vượng ấp ủ sẽ có một ngày cất căn nhà đàng hoàng cho gia đình như một cách “sửa sai” với bố mẹ sau 8 năm “trôi nổi”, từ lần dính bán độ tại SEA Games 2005.
Quốc Vượng bên gia đình
Một ngày đầu mùa Đông, tôi trở lại căn nhà của Quốc Vượng, nơi từng là tâm điểm khi Quốc Vượng bị cơ quan cảnh sát điều tra khám nhà sau vụ bán độ tại SEA Games 23 (2005). Lẩn khuất sau con ngõ sâu ở đường Trần Hưng Đạo (TP.Vinh), căn nhà của Quốc Vượng hiện tại không khác là bao so với năm 2005.
Vẫn còn đó cái chuồng gà, phản gỗ dưới cái lán được che bằng những tấm lợp xi-măng. Không gian xưa khơi gợi lại biết bao kỷ niệm và Vượng “Cơ” bắt đầu câu chuyện bằng cái chép miệng: “Tôi vẫn dằn vặt lắm khi bao năm đi đá bóng nhưng vẫn chưa dựng được căn nhà khang trang cho bố mẹ, vợ con ở”.
Ngồi liền kề đó, ông Quang-bố Quốc Vượng nói: “Tôi cũng chả bao giờ trách mắng con cái, chuyện cũ qua rồi, giờ chỉ mong nó làm ăn, có lương hằng tháng về nuôi gia đình của nó là mừng lắm rồi”. Nhắc đến chuyện tiền bạc, tôi vẫn nhớ như in giai thoại, khi Quốc Vượng ra hầu tòa, ông Quang đã phải đi tàu chui từ Vinh vào Nam để gặp mặt con.
Hỏi Quốc Vượng có bị sốc không khi bố không có tiền mua vé, phải nhảy tàu chui vào thăm mình, Vượng buông lời: “Tất cả lỗi lầm là ở mình, hình ảnh bố khăn gói quả mướp vào thăm mình lúc đó cứ ám ảnh mãi trong suốt thời gian ở trại”.
Sau bao năm, ông Quang giờ tóc muối tiêu, mặt nhiều nếp nhàu. Có lẽ ông đã phải quá vất vả trong thời gian Vượng ở trại cũng như quãng thời gian mà cựu tiền vệ này rơi vào cảnh thất nghiệp.
Video đang HOT
Ngày công an khám nhà Vượng, tôi vẫn nhớ như in câu trả lời của ông khi chỉ tay vào chiếc xe Dylan màu đỏ dựng bên cái chuồng gà: “Đấy, mấy năm nó đi đá bóng mua được cái xe đó, nhưng giờ nó phải đội nón ra đi rồi”.
Những năm qua, khi trở lại với bóng đá, Quốc Vượng cũng đỡ đần được một phần cho gia đình trong việc trả những món nợ mà bố mẹ anh đã vay để có tiền tiếp tế cho Vượng, lúc ở trại. Nhưng bây giờ, căn nhà tuềnh toàng vẫn chưa thể được chuyển thành cơ ngơi khang trang như giấc mơ của anh.
Làm chân bốc vác, lương tháng được 6 triệu đồng, Quốc Vượng lúc thì dành tiền mua gói bánh cho con chị gái ruột, khi thi biếu ông bà Quang ít gọi là nhưng chủ yếu phải “nộp” cho vợ mua sữa cho cậu con trai kháu khỉnh Lê Quốc Long.
Với Vượng, cuộc sống của gã bốc vác cứ thế trôi qua, khép lại những năm tháng tung hoành trên sân cỏ đỉnh cao. Và có lẽ, bây giờ cứ mỗi lần nghĩ đến những quả “nã đại bác” của Quốc Vượng, nhiều người sẽ khó tránh khỏi cảm giác nuối tiếc về tiền vệ tài hoa một thời của bóng đá nội.
Theo VNE
Nỗi niềm của Phước Vĩnh
Dính chấn thương vào phút cuối, cánh cửa dự AFF Cup 2012 có nguy cơ đóng chặt với Phước Vĩnh.Trung vệ đang chơi cho Đà Nẵng không nản chí mà vẫn hy vọng vượt qua khúc cua quyết định trước mắt.
Phước Vĩnh đứng dậy mạnh mẽ để khoác áo tuyển Việt Nam. Ảnh: TTVH.
Sớm lên đội một Đà Nẵng từ năm 18 tuổi, Phước Vĩnh hội đủ tố chất một trung vệ điển hình. Chiều cao 1m79, cùng lối đá dựa vào khả năng phán đoán, chọn vị trí, thay vì kiểu chém chặt như nhiều trung vệ khác. Nhờ sự trưởng thành vượt bậc so với tuổi tác, Phước Vĩnh được gọi tập trung lên U23 Việt Nam tham dự SEA Games 2005 tại Bacolod (Philippines). Ác mộng thay, vì chút sai lầm, Vĩnh cùng Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh, Bật Hiếu, Văn Trương dính vào đường dây bán độ, rồi dính vòng lao lý khi trở về từ nước bạn.
Sau khi mãn án, con đường trở lại của Phước Vĩnh rất chông chênh. Bóng đá là cứu cánh duy nhất cho trung vệ trẻ này làm lại mình và nuôi sống cả gia đình. Vĩnh thừa nhận những ngày trở lại tập luyện cùng đồng đội trên sân Chi Lăng chẳng dễ dàng gì với bản thân mình.
Tự thân Vĩnh thừa nhận, gia đình và CLB là chỗ dựa cho chính mình. Vĩnh thuật lại: "3 năm chịu án xong, tôi ra đời với nhiều gánh nặng trong lòng. Nếu không có bóng đá, tôi không biết phải làm gì để tìm lại hướng đi cho mình. Khổ nỗi những ngày đầu khó khăn đến thế. Thể lực yếu, cảm giác bóng chưa ổn. Phải mất gần 3 tháng khổ luyện ròng rã, tôi mới thấy mình ổn ổn cả đôi chân lẫn thể lực. Vậy mà đã 5 năm tôi trở lại thi đấu đỉnh cao và có hai chức vô địch V-League, một chiếc Cup quốc gia trong tay. Ngày trở lại, tôi cũng chẳng thể mơ mình lại có thể đạt được những thành tựu như thế".
Có lẽ người Châu Lê Phước Vĩnh chịu ơn nhất chính là HLV Lê Huỳnh Đức. Ngày Vĩnh trở lại sân thi đấu, cảm giác lẫn màn thể hiện chưa được tốt nhất. Trước áp lực từ xung quanh, chiến lược gia họ Lê vẫn bảo vệ cậu học trò và tạo cơ hội cho Vĩnh làm lại mình.
Thế nên, khi đội nhà gặp khó khăn, Vĩnh chấp nhận mạo hiểm sự nghiệp để cứu thầy. Đó là mùa giải 2010, Đà Nẵng phải phân mình tham dự mặt trận châu lục lẫn nội địa. Căng mình quá sức, nửa đội hình đội bóng sông Hàn dính chấn thương. Phước Vĩnh cũng dính chấn thương gối nặng nhưng xin tiêm thuốc, băng gối để vào sân thi đấu. Kết quả cuối mùa, vết đau ở gối càng nặng và Vĩnh phải sang tận Singapore để chữa trị, sau một mùa giải cày ải ở CLB.
Kể lại giai đoạn nhọc nhằn nhất trong ngày trở lại, Vĩnh không hề tiếc nuối về quyết định liều mình phút ấy. Dù có thể phải trả giá bằng sự nghiệp bị đứt đoạn, Vĩnh sẵn sàng làm lại như thế, nếu thời gian có thể xoay ngược.
Có cảm tưởng ngoài vẻ thư sinh, Phước Vĩnh luôn tiềm ẩn dòng máu chiến binh trong mình. Có lúc vấp ngã, hoặc ngoại cảnh tác động, Vĩnh vẫn thể hiện ý chí vươn lên mạnh mẽ, kiên cường hơn.
Khi Như Thành, Phước Tứ vắng mặt ở lần tập trung này, Phước Vĩnh cùng Minh Đức được gửi gắm nhiều hy vọng ở hàng thủ Việt Nam. Oái oăm thay, con đường sự nghiệp của Vĩnh lại tiếp tục bị ngăn trở bởi chấn thương. Suốt 3 trận khởi động đầu tiên, Phước Vĩnh phải ngồi ngoài chấn thương. Nhìn thấy đồng đội ở Đà Nẵng như Thanh Hưng, Nguyên Sa, Quốc Anh tung hoành trên sân, Phước Vĩnh không khỏi bồn chồn chân cẳng, mong được đeo giày ra sân thi đấu đến thế.
Trận đầu tiên trở lại sau giai đoạn vắng mặt, Phước Vĩnh để lại ấn tượng với pha dùng thân mình phá bóng trên vạch vôi cầu môn trong trận gặp Lào. Nhưng chính Phước Vĩnh cũng như Đình Luật có hai pha cản phá hời hợt, chút nữa khiến mành lưới đội nhà bị rung lên.
Phước Vĩnh bảo mình mới trở lại chưa tốt, đôi khi có tình huống như bị "ma ám". Nhưng hai trận sau đó, Vĩnh thể hiện sự chắc chắn, bản lĩnh hơn hẳn khi Việt Nam gặp Indonesia và Malaysia, bên cạnh việc thể hiện khả năng bọc lót, phán đoán tốt bên cạnh Gia Từ khi gặp U23 Hàn Quốc và Malaysia.
Đang có đà trở lại ngon trớn, chấn thương lại bất chợt xuất hiện không đúng lúc trong buổi tập tại TP Nha Trang. Ban huấn luyện đã lo lắng khi bác sĩ cho biết khớp gối của Vĩnh bị chấn động mạnh và có hiện tượng chảy máu. Nếu tình hình không sáng sủa hơn trước khi sang Thái Lan vào ngày 20/11, Vĩnh sẽ vắng mặt trong chuyến đi này.
Mới trở lại tuyển Việt Nam sau 7 năm, Phước Vĩnh không muốn bỏ lỡ khoảnh khắc này. Trước buổi tập cùng đội nhà, cầu thủ gốc Đà Nẵng cứng cỏi cho biết: "Các bác sĩ cho biết, tôi chỉ chảy dịch ở gối chứ không quá ảnh hưởng khớp xương. Phải chờ thêm đợt chụp phim và kiểm tra kỹ lưỡng nữa, bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền mới cho biết mức độ tổn thương thế nào. Bản thân tôi thấy mình vẫn khá ổn sau những ngày nghỉ, khi vết đau không còn đau như mấy ngày trước. Tôi tin mình sẽ kịp hồi phục chấn thương và cùng đội tuyển sang Thái Lan thi đấu".
"Phải mất 7 năm, tôi mới trở lại đội tuyển nên tôi khao khát thể hiện mình. Chấn thương không ảnh hưởng đến tôi lắm, bởi tôi là mẫu trung vệ chơi phán đoán, thiên về đầu óc như Như Thành vậy. Vẫn còn một tuần để tập luyện và hy vọng, tôi tin Trời sẽ giúp mình toại nguyện", anh tâm sự.
Một lý do không nhỏ để Phước Vĩnh chứng minh mình còn rất hữu dụng khi bước vào độ tuổi 27 đầy nhiệt huyết. Màn thể hiện ở đội tuyển cũng là cơ hội Vĩnh thể hiện mình, trước khi đàm phán với CLB Đà Nẵng do hợp đồng hiện tại sẽ đáo hạn tháng 3/2013. Bây giờ bóng đá khó khăn, cầu thủ càng phải nỗ lực để giữ "cần câu cơm" cho mình. Và Vĩnh cũng cần nỗ lực để chứng minh "thương hiệu" để nuôi gia đình mình cũng như tìm kiếm danh hiệu còn thiếu ở cấp độ đội tuyển quốc gia.
Phước Vĩnh đang chiến đấu với chấn thương và khó khăn đeo đuổi trong mấy tháng qua. Nếu cứ giữ ý chí cầu tiến như đang có, trung vệ có dáng vẻ thư sinh sẽ có được điều mình muốn.
Theo Ngoisao
Quốc Vượng, Văn Quyến & Công Vinh: Đời nào ai biết được chữ ngờ! Có những ngã rẽ thay đổi cả cuộc đời của một con người, một cầu thủ. Một chút xót xa, một chút tiếc nuối và một chút nghẹn lòng khi nghĩ đến Quốc Vượng, Văn Quyến... Đâu đã đến chục năm, trước kỳ SEA Games 23 định mệnh (2005), Quốc Vượng cũng như Văn Quyến đều là những cái tên chói sáng bậc...