Cận cảnh tàu sân bay “khủng” của Trung Quốc
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc vừa công bố những hình ảnh mới nhất của Liêu Ninh, tàu sân bay duy nhất của quân đội nước này, với đầy đủ trang thiết bị.
Theo đó, trên boong có tám chiến đấu cơ J-15, một chiếc trực thăng vũ trang Z-8 và một trực thăng cứu hộ Z-9. Tất cả các chiến cơ J15 đều được sơn màu và ký hiệu hải quân, mang đầy đủ vũ khí, thể hiện đang trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Tàu Liêu Ninh vốn là tàu sân bay cũ của Hải quân Liên Xô có tên “Varyag” do Nhà máy đóng tàu Nicolaev của Ukraina đóng năm 1985, hạ thủy tháng 11/1988. Đầu những năm 1990, Liên Xô cũ tan rã, do nguyên nhân kinh tế nên Nga và Ukraina không đạt được thỏa thuận về tiếp tục hoàn thiện con tàu này nên Nga dùng “Varyag” gán nợ cho Ukraina.
Tháng 6.1999, con tàu được một công ty giải trí Macao mua. Tới năm 2002, tàu được kéo về Hong Kong, và đến tháng 4.2005, nó được đưa về Nhà máy đóng tàu Đại Liên rồi được tiến hành cải tạo thành tàu sân bay mang tên Liêu Ninh. Tháng 8.2011, việc cải tạo hoàn thành, Liêu Ninh được đưa vào biên chế hải quân từ tháng 9/2012.
Tàu dài 302m, rộng 70,5m, mớn nước 8,97m. Đường băng dài 304,5m, rộng 75m, độ chếch phía đầu đường băng cất cánh 14 độ. Kho chứa máy bay dài 153m, rộng 26m, cao 7m. Tàu có lượng giãn nước rỗng 53.050 tấn, khi mang đầy đủ trang bị là 59.100 tấn; được trang bị 12 động cơ tổng công suất 200.000 mã lực; tốc độ 29 hải lý/giờ. Tàu có thể chạy liên tục 8.000 hải lý. Thủy thủ đoàn gồm 1.960 người và 626 nhân viên phục vụ bay.
Liêu Ninh được trang bị 12 bệ phóng tên lửa chống hạm P700 (SS-N-19), 4 cụm tên lửa phòng không SA-N-9 với 192 đạn; 8 tổ hợp phòng không ZM87 “Kashtan”, 4 khẩu súng máy phòng không AK-630 (30 ly 6 nòng), 2 cụm hỏa tiễn phóng bom chìm chống tàu ngầm RBU-12000, mỗi cụm 10 ống phóng.
Tài liệu Trung Quốc nói Liêu Ninh có thể mang tới 50 máy bay các loại. Tuy nhiên, một tờ báo Nga ngày 3/9/2014 nói, tàu này chỉ có thể mang kíp chiến đấu 36 máy bay gồm 24 chiếc J-15, 4 trực thăng trinh sát Z-18, 6 trực thăng chống ngầm Z-18H và 2 trực thăng cứu hộ Z-9C.
Dưới đây là một số hình ảnh về tàu Liêu Ninh vừa được công bố.
Video đang HOT
Theo Danviet
Tiêm kích J-15 rơi, mộng 'biển xanh' của Trung Quốc thêm dài
Vụ tai nạn của chiến đấu cơ J-15 gần đây bộc lộ những hạn chế của Trung Quốc trong quá trình xây dựng lực lượng tác chiến biển xanh đáng tin cậy.
Tiêm kích Cá mập bay J-15 luyện tập hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh:Xinhua
Truyền thông Trung Quốc hôm qua xác nhận một chiếc tiêm kích J-15 của không quân nước này đã rơi khi luyện tập hạ cánh trên đường băng mô phỏng của tàu sân bay hồi tháng 4, khiến phi công thiệt mạng khi nhảy dù. Theo giới phân tích quân sự, sự cố này có thể là đòn giáng nặng nề vào giấc mơ biển xanh mà quân đội Trung Quốc vẫn đang ấp ủ.
"Vụ tai nạn chết người này có thể là dấu hiệu cho thấy chiến đấu cơ J-15 không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của một chiếc tiêm kích hạm (tiêm kích có thể cất hạ cánh trên tàu sân bay), và đây sẽ là nỗi thất vọng rất lớn cho hải quân Trung Quốc", SCMP dẫn lời Antony Wong Dong, chuyên gia quân sự ở Macau, cảnh báo.
Tiêm kích J-15 chính là mẫu máy bay chủ lực hoạt động trên tàu sân bay Liêu Ninh đầu tiên của Trung Quốc, cũng như những tàu sân bay đang được lên kế hoạch đóng mới. Tàu sân bay được coi là một công cụ quan trọng để Trung Quốc có thể vươn ra hoạt động ở những vùng biển xa, phục vụ cho tham vọng "biển xanh" của hải quân nước này. Để hiện thực hóa giấc mơ đó, hải quân Trung Quốc buộc phải có trong tay lực lượng không quân mạnh, với những chiếc tiêm kích hạm đáng tin cậy và hiệu quả.
Tiêm kích nhái
J-15 được Tập đoàn chế tạo máy bay Thẩm Dương, Trung Quốc bắt đầu sản xuất hàng loạt từ năm 2012, dựa trên các công nghệ mà nước này tuyên bố là "tự phát triển". Trả lời phỏng vấn Xinhua năm 2013, Sun Cong, người thiết kế mẫu máy bay này, tuyên bố rằng J-15 có sức mạnh không kém gì tiêm kích thế hệ 4 của phương Tây.
Ông này nói rằng tiêm kích J-15 có bán kính tác chiến hơn 1.000 km khi được lắp đặt động cơ nội địa WS-10A, "đạt tới các tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới, gần bằng tiêm kích F/A-18 của Mỹ". Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng xác nhận thông tin J-15 được gắn động cơ nội địa WS-10A chứ không phải động cơ Saturn AL-31F của Nga.
Khi J-15 ra mắt vào năm 2010, giới phân tích quân sự đã rất ngỡ ngàng với tiến bộ trong công nghệ hàng không Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích quân sự quốc tế nhanh chóng nhận ra rằng mẫu tiêm kích có biệt danh là "Cá mập bay" này về cơ bản chỉ là bản sao chép của tiêm kích Su-33 được không quân Nga đưa vào biên chế từ giữa thập niên 1990.
Ria Novosti dẫn lời đại tá Igor Korotchenko, quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Nga, cho rằng việc Trung Quốc thử nghiệm hạ cánh thành công J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh không phải là thứ gì đó ghê gớm, bởi phiên bản gốc Su-33 đã cất hạ cánh thuần thục trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga từ lâu.
"Bản nhái J-15 của Trung Quốc không thể đạt được đến những tính năng hoạt động như tiêm kích hạm Su-33 của Nga. Tôi không loại trừ khả năng Trung Quốc quay trở lại đàm phán với Nga để mua thêm Su-33", ông này nói.
Nhà thiết kế Trung Quốc Sun Cong cũng thừa nhận những thách thức gặp phải trong quá trình phát triển J-15. Ngoài yêu cầu phải có khả năng tác chiến không thua kém các máy bay hoạt động trên đất liền, tiêm kích hạm cần phải bay được ở vận tốc cực thấp để có thể đáp xuống đường băng ngắn trên tàu sân bay.
Một chiếc J-15 được vận chuyển bằng thang máy xuống khoang chứa máy bay của tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: Chinanews
Với việc tự so sánh J-15 với F/A-18 Hornet của Mỹ, các nhà thiết kế Trung Quốc có vẻ như hy vọng rằng chiếc tiêm kích nhái này có thể hoạt động ưu việt hơn cả phiên bản gốc Su-33, để đóng vai trò là vũ khí đáng tin cậy trên các tàu sân bay hoạt động trên biển xa.
'Đâm lao phải theo lao'
Các chuyên gia quân sự chỉ ra rằng với sự cố khiến chiếc J-15 gặp nạn khi đang luyện tập hạ cánh trên đường băng tàu sâu bay mô phỏng, Trung Quốc sẽ còn phải khá lâu nữa mới có thể sở hữu một mẫu tiêm kích hạm có đủ độ tin cậy và hiệu năng tốt để mở rộng tầm hoạt động trên biển.
Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc cho biết phi công Zhang Chao lái chiếc J-15 trong khi hạ cánh hôm 27/4 đã gặp trục trặc với hệ thống điều khiển điện tử fly-by-wire, và đã cố gắng mở hết tốc lực động cơ để cứu máy bay nhưng không thành công. Chiếc tiêm kích đâm xuống đất, Zhang phóng dù ra ngoài và thiệt mạng khi bị chấn thương khi tiếp đất.
"Cũng giống như những vụ tai nạn trong quá trình bay thử nghiệm Su-27 trước đây, lý do được đưa ra là trục trặc trong hệ thống điều khiển, nhưng rất có thể đó là do vấn đề về chất lượng sản xuất", chuyên gia Wong nhận định.
Hồi tháng một, tạp chí quốc phòng Kanwa ở Canada cho biết chương trình phát triển tiêm kích J-15 của Trung Quốc được tiến hành quá chậm chạp, không đủ đáp ứng yêu cầu của hải quân. Từ năm 2012 đến 2015, tập đoàn Thẩm Dương chỉ có thể chuyển giao cho hải quân Trung Quốc khoảng 10 chiếc J-15.
Chiến đấu cơ này đã nhiều lần thử nghiệm cất hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh, nhưng việc J-15 trang bị động cơ WS-10A vốn nổi tiếng với độ tin cậy kém, hiệu suất thấp đã ảnh hưởng đáng kể đến quá trình xây dựng một phi đội tiêm kích hạm hiện đại, uy lực của hải quân Trung Quốc.
Tiêm kích J-15 hoạt động trên tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: 81.CN
Một số nhà quan sát quân sự cho rằng với hiệu năng hoạt động kém, tính ổn định không cao, Cá mập bay J-15 ngày càng khiến hải quân Trung Quốc thất vọng, và có thể phải tính tới phương án tìm mẫu máy bay khác để thay thế tiêm kích này.
Bản thân nhà thiết kế J-15 Sun Cong cũng nói rằng ông hy vọng J-31 sẽ trở thành mẫu tiêm kích hạm tiếp theo của Trung Quốc. Khi được đăng tải trên website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tuyên bố này của ông Sun đã bị cắt bỏ khỏi bài phỏng vấn. Bắc Kinh từng úp mở về khả năng chế tạo tiêm kích hạm thế hệ mới J-31, tuy nhiên đến nay họ chưa có các động thái rõ ràng để phát triển mẫu máy bay này thay thế cho J-15.
Còn chuyên gia Wong cho rằng hải quân Trung Quốc đang ở thế "đâm lao phải theo lao" và không thể từ bỏ chương trình chế tạo J-15. "Vì trước mắt chưa có bất cứ mẫu máy bay nào thay thế, tôi cho rằng quân đội Trung Quốc sẽ không bỏ ngang kế hoạch, mà vẫn buộc phải tiếp tục sản xuất J-15", ông nói.
Trí Dũng
Theo VNE
CV-16: Bí ẩn động trời phía sau tàu sân bay Liêu Ninh Số 16 trong số hiệu tàu sân bay Liêu Ninh nói lên quãng đường từ một đống sắt vụn trở thành một tàu sân bay như hiện nay. Chi phí mua tàu bằng 1/18 chi phí kéo tàu qua eo Bosphorus Tiền thân của tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc là khu trục hạm chở trực thăng Varyag được Liên Xô khởi...