Cận cảnh tàu kiểm ngư bị 7 tàu Trung Quốc đâm bẹp
Tàu kiểm ngư 951 của Việt Nam bị 7 tàu Trung Quốc đâm mạnh khiến nhiều phần biến dạng, thủng khoang máy chính, nước biển tràn vào, 2 kiểm ngư viên bị thương.
Lan can mạn trái tàu KN 951 bị hỏng nặng. Ảnh: Việt Cường – Hoàng Thường
Vào lúc 8h30 ngày 23/6, khi cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 15 hải lý, tàu CSB 8003 cùng các tàu chấp pháp Việt Nam nhận lệnh tiếp cận giàn khoan để đấu tranh, tuyên truyền.
Khi tàu Việt Nam còn cách giàn khoan 10,5 hải lý, phía Trung Quốc đã đưa hàng loạt tàu hải cảnh, tàu kéo ra ngăn cản tàu ta. Tàu hải cảnh 3210 của Trung Quốc chạy với vận tốc 17-18 hải lý/giờ với chiến thuật dùng tốc độ cao, đi áp sát tàu CSB để dùng còi, loa công suất lớn nhằm uy hiếp. Có lúc tàu hải cảnh chạy cách tàu CSB 8003 với khoảng cách 200m bên mạn trái.
Sát phía bên phải, phía sau tàu CSB 8003 là tàu hải cảnh 2401 và 31. Còn các tàu hải cảnh 13, 13101, 46105, 1412 đuổi theo nhóm tàu kiểm ngư.
10h15 phút, tàu CSB 8003 nhận lệnh đi về hướng tây bắc hỗ trợ tàu KN 951 vừa bị tàu Trung Quốc đâm. Lúc này, có lẽ đoán tàu CSB 8003 đến hỗ trợ tàu KN 951, nên các tàu Trung Quốc điên cuồng lao theo với tốc độ cao để ngăn cản.
Đặc biệt, tàu hải cảnh 46105 chạy xuyên qua đội hình với vận tốc 22 hải lý/giờ. Các tàu này tạo thành thế gọng kìm, vây ép để tạo điều kiện cho các tàu phía sau lao lên đâm húc tàu CSB 8003. Trước tình thế như vậy, Đại úy Nguyễn Văn Hưng, thuyền trưởng tàu CSB 8003, bình tĩnh, đưa tàu vòng tránh một cách linh hoạt để thoát khỏi thế bao vây của các tàu Trung Quốc.
Khoảng hơn 14h, tàu CSB 8003 tiến vào khu vực tàu KN 951. Lúc này, tàu KN 951 đã rách nát toàn bộ phần mạn tàu, hai bên be mạn phía đuôi tàu bị bẹp dúm, biến dạng hoàn toàn.
Video đang HOT
Tàu CSB 4033 gần đấy đã hạ xuồng chạy sang đón các phóng viên lên tàu KN 951 để nắm bắt tình hình. Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, lúc 9h30, tại tọa độ 290 32′ – 111023′32″ cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 14,5 hải lý về phía Tây, tàu KN 951 và tàu CSB 4033 đã bị 7 tàu Trung Quốc gồm 5 tàu hải cảnh và 2 tàu kéo, bao vây.
Với lợi thế áp đảo hẳn về số lượng và độ hung hãn, các tàu Trung Quốc bao vây nhắm thẳng đến tàu KN 951. Lợi dụng sự hỗn loạn trên thực địa, tàu kéo Hữu Liên 9 sử dụng tốc độ cao tiếp cận, đâm húc vào mạn phải tại khu vực cầu thang tiếp giáp boong trung và boong lái của tàu KN 951. Sau khi đâm húc, tàu kéo Hữu Liên 9 đã ghì chặt không cho tàu KN 951 quay trở để cho tàu kéo Tân Hải 285 từ ngoài lấy đà lao vào tiếp tục đâm mạnh tàu KN 951.
Lúc 9h32, tàu hải tuần 11 tiếp cận tàu KN 951, sử dụng vòi rồng để phun nước với âm mưu tấn công tới tấp, nhằm triệt tiêu sức sống của tàu KN 951 và uy hiếp tinh thần của các kiểm ngư viên Việt Nam. Cùng lúc đó, tàu kéo Tân Hải 285 sử dụng tốc độ cao đâm thẳng vào chính giữa mạn trái tàu KN 951. Trước diễn biến quá bất ngờ này, tàu CSB 4033 phối hợp với các tàu chấp pháp khác cơ động cắt mũi, cắt lái các tàu Trung Quốc để hỗ trợ giải vây cho tàu KN 951.
Trung Quốc đâm và phun vòi rồng. Ảnh: Việt Cường – Hoàng Thường
Các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư dàn đội hình tạo thành bức tường bảo vệ cho tàu 951 tránh những cú đâm va tiếp của các tàu Trung Quốc. Tàu Trung Quốc sau đó tiếp tục truy cản, đuổi theo nhóm tàu chấp pháp của ta ra xa đến 15 hải lý so với giàn khoan.
Như vậy, chỉ trong vòng một phút rưỡi, tàu KN 951 liên tiếp bị hai cú đâm cực mạnh của các tàu Trung Quốc. Toàn bộ lan can mạn trái tàu KN 951 bị sập, biến dạng. Những phần thép be mạn bị dồn lại, dúm dó. Xuồng cứu sinh bên mạn trái, phía trên boong trung bị thủng. Toàn bộ giá đỡ xuồng bị hỏng nặng. Một phao bè cứu sinh tự thổi bị văng mất.
Từ phần cabin trở về sau lái dài khoảng 10m bị biến dạng hoàn toàn. Nguy hiểm nhất là cú đâm húc chí mạng của các tàu Trung Quốc đã gây ra những lỗ thủng ở ngay khoang máy chính bên mạn trái khiến nước biển tràn vào. Các kiểm ngư viên phải gấp rút dùng vật liệu gia cố, chèn vào những vết nứt để chống chìm. Ở bên mạn phải, buồng y tế, buồng C02, một phòng ngủ, phòng kho bị đâm sập, lõm cả vào trong. Ánh sáng tràn vào phía trong con tàu tan hoang. Hai kiểm ngư viên trên tàu KN 951 bị thương nhẹ. Sau đó, tàu KN 951 được sửa chữa để tiếp tục hoạt động.
Trước đó, lúc 11h, các tàu Trung Quốc dừng vây ép. Lúc 11h40, 1 tàu quét mìn Trung Quốc mang số hiệu 840 chạy hướng nam, vận tốc 14 hải lý/giờ, cách tàu CSB 8003 khoảng 500m ở phía nam tây nam, cách giàn khoan 16 hải lý.
Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, ngày 24/6, Trung Quốc dùng nhiều tàu, tổ chức thành nhóm từ 5-10 tàu, bố trí thành đội hình vòng cung, cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 10-11 hải lý, để ngăn cản tàu Việt Nam tiếp cận. Hôm qua, tàu Trung Quốc tiếp tục có hành động hung hăng, manh động và có ý đồ vây ép, đâm va, phun vòi rồng vào các tàu chấp pháp Việt Nam thực thi nhiệm vụ. Tàu KN 951 (bị tàu Trung Quốc đâm “hội đồng” hôm 23/6) bị tàu kéo số 32 của Trung Quốc áp sát cách 100m. Tàu 284 áp sát, ngăn cản ở khoảng cách gần nhất 10m. Từ 13 giờ 10 phút đến 14 giờ 25 phút hôm qua, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam phát hiện một máy bay cánh bằng số hiệu CMS-B3586 cách giàn khoan 12 hải lý, bay ở độ cao khoảng 500-700m.
Theo Tiền phong
Trung Quốc cho thấy họ đang thiếu trách nhiệm
Ông Renato De Catro một học giả thuộc Đại học De la Salle của Philippines, tại buổi trao đổi với báo giới trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế: "Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử" diễn ra tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 19 đến 21-6-2014, đã phân tích khía cạnh sức mạnh của công luận quốc tế trong vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
- Phóng viên: Xin ông cho biết đánh giá của mình về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng biển của Việt Nam?
Ông Renato De Catro: Tôi nghĩ, việc Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam thì họ cũng có thể làm tương tự như thế trong vùng biển của Phi-líp-pin. Có thể nói là trong vụ việc này, cả Phi-líp-pin và Việt Nam đều trên cùng một con thuyền.
Học giả Renato De Catro. Ảnh: Yên Ba
- Đã có nhiều tiếng nói đề cập tới việc Việt Nam nên kiện Trung Quốc ở một tòa án quốc tế về hành động của họ trên Biển Đông. Ông có nghĩ rằng, Việt Nam và Phi-líp-pin có thể tham khảo lẫn nhau trong vụ việc như vậy không?
Chúng tôi đã đề nghị phía Việt Nam tham gia một vụ kiện như vậy rồi. Đấy là quyết định của người dân Việt Nam. Chúng tôi không thể bảo các bạn phải làm gì, nhưng lời đề nghị của Phi-líp-pin vẫn còn đó.
- Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc tiếp tục từ chối tham dự một vụ kiện như vậy?
Đến lúc này, những gì liên quan đến vụ kiện Trung Quốc là Tòa trọng tài thường trực đã yêu cầu phía Trung Quốc cung cấp các giải thích, bằng chứng pháp lý về đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của họ để trả lời các phản bác của phía Phi-líp-pin trong Bản ghi nhớ được gửi tới tòa ngày 30-3-2014 vừa qua. Phía Trung Quốc đã không trả lời. Chúng tôi không hy vọng là vụ kiện của Phi-líp-pin sẽ buộc phía Trung Quốc chấm dứt những đòi hỏi của họ về "đường 9 đoạn" ở Biển Đông, nhưng bằng vụ kiện Trung Quốc, Phi-líp-pin muốn cộng đồng thế giới thảo luận công khai về những gì mà Trung Quốc đang làm tại đó.
- Với việc Trung Quốc có xu hướng sử dụng sức mạnh trong việc giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông, cho đến nay, có vẻ như những bằng chứng phản bác, những nỗ lực của cộng đồng quốc tế dường như vô nghĩa. Ông có thể cho biết, quan điểm của ông về chuyện này như thế nào?
Tôi không nghĩ những nỗ lực đó là vô nghĩa.
Thứ nhất là dư luận quốc tế vẫn có một ý nghĩa rất quan trọng và có sức mạnh của nó. Trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây hồi thập niên 60 thế kỷ trước, Việt Nam đã tận dụng rất tốt điều này. Dư luận sẽ giúp cho cộng đồng quốc tế nhận rõ những gì mà Trung Quốc đang làm. Nếu phớt lờ những bằng chứng pháp lý và dư luận quốc tế, Trung Quốc cho thấy họ đang thiếu trách nhiệm về mặt đạo đức, trong khi họ đang nỗ lực để trở thành một cường quốc trong thế kỷ 21. Trung Quốc đang là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới; họ nghĩ có thể dùng tiền mua được hầu hết mọi thứ nhưng họ thiếu sự chính trực về mặt đạo đức, hay còn gọi là các giá trị của Khổng giáo.
Thứ hai là dư luận quốc tế cũng buộc Trung Quốc sẽ phải trả một cái giá nào đó cho những gì mà họ đang hành xử. Có thể thấy điều này qua việc Việt Nam cung cấp những bằng chứng về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của dư luận quốc tế, phản đối những hành động của phía Trung Quốc. Thế là Trung Quốc cũng buộc phải có những động thái để biện minh cho hành động của họ. Tôi nhớ là họ đã phải thuê nguyên cả một trang của một tờ báo lớn ở Phi-líp-pin để đăng tải các thông tin nhằm bào chữa cho việc họ đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Tôi không biết chính xác là họ phải chi bao nhiêu tiền cho việc đó nhưng chắc chắn là rất đắt! Hãy hình dung ra họ phải làm như vậy ở khắp nơi trên thế giới, ở Oa-sinh-tơn, ở Luân Đôn; tôi không rõ họ có làm vậy ở Pa-ri không!
- Việc Phi-líp-pin sử dụng các hoạt động pháp lý chống lại những đòi hỏi phi lý về lãnh thổ của Trung Quốc đã mang lại những lợi ích gì?
Trước hết là để dư luận thế giới nhận biết được những gì đang diễn ra và thảo luận về nó. Trung Quốc sẽ phải biện minh cho các hành động của họ. Với việc sử dụng các biện pháp pháp lý để chống lại những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, Phi-líp-pin đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước cũng như công luận quốc tế. Tôi nhớ một trường hợp hồi tháng 4 vừa qua, có một hội nghị quốc tế diễn ra ở thủ đô Ma-ni-la của Phi-líp-pin. Đoàn Trung Quốc đã đề nghị với chủ tọa là không cho phép các quan chức ngoại giao Phi-líp-pin đề cập đến vụ kiện Trung Quốc. Làm sao họ lại có thể hành động một cách ngạo mạn như vậy, khi yêu cầu người Phi-líp-pin không được nói về vấn đề của Phi-líp-pin trên đất Phi-líp-pin? Nó cho thấy sức ép của dư luận quốc tế đối với hành vi sai trái của Trung Quốc khiến Trung Quốc đã phải hành xử như thế nào để bào chữa cho hành động của họ.
- Xin cảm ơn ông!
Theo ANTD
Tàu Trung Quốc đâm biến dạng tàu Kiểm ngư Việt Nam Lợi dụng sự hỗn loạn, tàu 09 của Trung Quốc đã lao đến đâm vào mạn phải, khu vực cầu thang tàu Kiểm ngư 951 của Việt Nam. Sau đó ghìm chặt không cho tàu Kiểm ngư 951 xoay trở để cho tàu khác lao vào đâm. Tàu Kiểm ngư Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm hư hỏng nặng Vào khoảng 9h30...