Cận cảnh tàu du lịch nửa tỷ USD sau 20 tháng “phơi mình” trên biển
Sau 20 tháng phơi mình trên biển ở tư thế nghiêng, tàu du lịch hạng sang Costa Concordia từng trị giá hơn nửa tỷ USD của Italia cuối cùng đã được kéo thẳng đứng trở lại. Mạn phải của tàu đã bị hư hại nặng nề và bị úa vàng sau thời gian ngâm trong nước biển.
Tàu Costa Concordia đã được kéo thẳng đứng vào sáng sớm ngày 17/9 giờ địa phương.
Lực lượng phải nỗ lực trong 19 giờ liền để trục vớt con tàu.
Mạn phải của tàu là phần bị ngâm trong nước biển suốt 20 tháng qua.
Toàn bộ mạn phải của tàu đã bị nhuốm màu vàng do nằm trong nước biển quá lâu.
Mạn phải của tàu bị vỡ nát, dúm dó do đâm phải đá ngầm.
Cảnh tượng đổ nát sau khi tàu được nâng khỏi đá ngầm.
Video đang HOT
Thảm họa tàu du lịch Costa Concordia xảy ra vào thứ Sáu, ngày 13/1/2012.
Con tàu đã đâm phải đá ngầm, bị mắc cạn và bị lật nghiêng rồi chìm một phần ngoài khơi đảo Giglio ở phía tây Italia.
Khi gặp nạn, con tàu chở trên 4.200 người. 32 trong số đó đã thiệt mạng và thi thể của 2 nạn nhân cho tới nay vẫn chưa được tìm thấy.
Con tàu nặng 114.000 tấn, dài 290m, với 4 hồ bơi, 5 nhà hàng và 13 quán bar.
Trước khi gặp nạn, con tàu trị giá khoảng 570 triệu USD.
Sau nhiều tháng nằm “phơi mình” trên biển, giới chức Italia ngày 16/9 đã tiến hành trục vớt con tàu.
Các dây cáp được dùng để kéo tàu trở về vị trí thẳng đứng.
Hàng loạt thiết bị đã được huy động để trục vớt tàu. Cho tới nay, hoạt động trục vớt con tàu đã tiêu tốn 800 triệu USD và có thể còn tốn kém nhiều hơn nữa khi chiến dịch cứu hộ hoàn tất.
Người dân địa phương quan sát vụ trục vớt tàu từ xa.
Sau khi được nâng thẳng đứng, con tàu sẽ được kéo đi để tháo dỡ, dự kiến vào năm tới.
An Bình
Theo Dantri
Italia chi 800 triệu USD trục vớt siêu tàu du lịch bị lật nghiêng
Italia hôm nay sẽ tiến hành một trong những chiến dịch cứu hộ lớn nhất, khó khăn nhất và cũng là tốn kém nhất trong lịch sử hàng hải thế giới nhằm trục vớt siêu tàu du lịch Costa Concordia, hơn một năm rưỡi sau khi tàu bị lật nghiêng do đâm phải đá ngầm.
Tàu Costa Concordia nằm nghiêng ngoài khơi Italia suốt hơn 1 năm rưỡi qua.
Cơ quan bảo vệ dân sự Italia cho hay chiến dịch trục vớt dự kiến bắt đầu lúc 6 giờ sáng ngày 16/9 giờ địa phương. Tuy nhiên, kế hoạch trên đã bị lùi lại 2 giờ do một cơn mưa giông vào đêm qua.
Lực lượng cứu hộ trước tiên phải kéo con tàu nằm nghiêng, nặng 114.000 tấn và có chiều dài tương đương 3 sân bóng đá, trở lại vị trí thẳng đứng. Nhiệm vụ này dự kiến mất 12 giờ.
Đây được xem là chiến dịch cứu hộ phức tạp và tốn kém nhất trong lịch sử hàng hải thế giới. Các kỹ sư trước đó chưa bao giờ cố gắng nâng một con tàu lớn như vậy ở quá gần bờ.
Các nguồn tin cho biết trận mưa giông đêm qua đã làm trì hoãn việc bố trí một xà-lan chở phòng điều khiển từ xa. Từ phòng điều khiển này, các kỹ sư sẽ sử dụng các thiết bị để đưa con tàu ra khỏi một khu vực có đá ngầm, nơi nó đang nằm nghiêng.
Các thiết bị được bố trí để trục vớt Costa Concordia.
Các nhân viên cứu hộ đã nối các dây cáp và xích kim loại khổng lồ vào con tàu để kéo nó thẳng đứng trở lại.
Sau đó, họ sẽ kiểm tra toàn bộ con tàu và bắt đầu giai đoạn tiếp theo của chiến dịch trục vớt - nỗ lực sửa chữa tàu và cho nó nổi trở lại - và cuối cùng là kéo nó đi để bị tháo dỡ.
Người đứng đầu chiến dịch cứu hộ, ông Nick Sloane, cho hay phải bắt đầu trục vớt Costa Concordia ngay bây giờ hoặc không bao giờ, vì thân tàu đã dần bị suy yếu và có thể không tồn tại được thêm một mùa đông nữa.
Nếu chiến dịch cứu hộ không thành công, các nhà môi trường đã cảnh báo rằng các chất độc hại có thể rò rỉ ra biển. Tuy nhiên, các lưới và vật chắn đã được bố trí sẵn sàng để gom bất kỳ chất độc hại nào có thể bị rò rỉ từ con tàu.
Lực lượng cứu hộ phải kéo con tàu nằm nghiêng thẳng đứng trở lại.
Dự án cứu hộ cho tới nay đã tiêu tốn 800 triệu USD và có thể còn tốn kém nhiều hơn nữa khi chiến dịch cứu hộ hoàn thành.
Tàu du lịch Costa Concordia đã bị lật nghiêng sau khi đâm phải đá ngầm ở ngoài khơi đảo Giglio, phía tây Italy tháng 1/2012, khi tàu đang chở trên 4.000 hành khách. Thảm họa đã khiến 32 người thiệt mạng. Con tàu đã nằm nghiêng trên biển kể từ đó.
5 người đã bị buộc tội ngộ sát trong thảm họa trên và thuyền trưởng của tàu, ông Francesco Schettino, hiện đang bị xét xử về tội ngộ sát và bỏ mặc con tàu.
An Bình
Theo AFP, BBC
Nga cấp gạo, buộc trục xuất lao động Việt tại khu tạm giữ Chính quyền Nga đồng ý cấp gạo, nước uống đúng tiêu chuẩn... cho khu tạm giữ lao động Việt Nam và từng bước hoàn tất hồ sơ trục xuất số lao động này. Số lao động được đưa về khu lều bạt đã lên 619 người. Trao đổi với Lao Động ngày 5.8, đại diện Ban Cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam...