Cận cảnh nút giao thông 3 tầng đầu tiên tại Việt Nam trước khi đón khách
Trước khi nút giao thông khác mức Ngã ba Huế đón người dân Đà Nẵng và du khách lên tham quan (sáng 24/3 đến tối 26/3), trưa 23/3 PV đã có dịp cận cảnh cầu vượt 3 tầng đầu tiên này của Việt Nam.
Ngày 29/3, nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng Đà Nẵng, công trình nút giao thông khác mức Ngã ba Huế – cầu vượt 3 tầng đầu tiên tại Việt Nam, sẽ chính thức khánh thành và đưa vào khai thác.
Đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân và du khách, từ 8h30 – 20h30 các ngày 24 – 26/3, chủ đầu tư là Tập đoàn Trung Nam sẽ tổ chức cho mọi người lên tham quan cây cầu vượt có kiến trúc ấn tượng và độc đáo này.
Cầu vượt 3 tầng Ngã ba Huế sắp khánh thành và đưa vào khai thác
Khu vực Ngã ba Huế vốn là đầu mối giao thông quan trọng, giao cắt đồng mức giữa QL1 với trục đường Điện Biên Phủ dẫn vào trung tâm TP Đà Nẵng và đường sắt Bắc Nam nên thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông (TNGT).
Số vụ TNGT tại đây chiếm hơn 30% tổng số vụ TNGT trên toàn TP, trong đó có nhiều vụ nghiêm trọng và đau lòng. Cầu vượt 3 tầng Ngã ba Huế ra đời chính là để xóa “điểm đen” về ách tắc và TNGT này.
Trong đó, tầng mặt đất dành cho các nhánh rẽ đường bộ không giao với đường sắt, cho phép tất cả các loại xe cơ giới lưu thông theo hướng đường Trường Chinh đi vào và ra khỏi TP kết hợp với cầu bộ hành vượt đường sắt; cầu vượt tầng 1 là vòng xuyến trên cao có đường kính 150m với các nhánh rẽ cho phép tất cả các loại xe cơ giới và xe máy lưu thông theo 4 hướng ra vào TP; cầu vượt tầng 2 với nhịp dây văng và cầu dẫn dành cho các loại xe cơ giới lưu thông từ Thừa Thiên – Huế vào TP Đà Nẵng và ngược lại.
Đáng chú ý, nút giao thông khác mức, lập thể hình xuyến này lấy cảm hứng từ Linga và Yoni – biểu tượng văn hóa của đồng bào Chăm với ý nghĩa tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của loài người để làm ý tưởng thiết kế kiến trúc.
Trong đó, điểm nhấn kiến trúc của toàn bộ công trình là trụ tháp Linga cao 65m kết hợp với hệ cầu dây văng parabol 2 mặt phẳng nằm giữa vòng xuyến Yoni nhằm gợi lên hình ảnh về một cửa ngõ mà ở đó dòng chảy cuộc sống không bao giờ ngơi nghỉ.
Đó cũng là sự hòa hợp của âm – dương, của thiên thời – địa lợi – nhân hòa để đưa Đà Nẵng lên những tầm cao mới…
Với quy mô xây dựng vĩnh cửu và thiết kế hiện đại, cầu vượt 3 tầng Ngã ba Huế có tổng chiều dài hơn 2,5km, gồm 50 nhịp cầu, cống hộp và tường chắn đường dẫn đầu cầu.
Toàn công trình có tổng cộng 491 cọc khoan nhồi đường kính 1m, 1,2m, 2m; 57 trụ và mố cầu, 1 trụ tháp cao 65m, hệ dây văng 2 mặt phẳng, vòng xuyến có đường kính rộng 150m… với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng, cao hơn cầu Rồng (1.700 tỉ đồng), cầu Trần Thị Lý (1.500 tỉ đồng)…
Đặc biệt, điều kiện thi công công trình rất phức tạp do vừa thi công vừa đảm bảo giao thông cho cả đường bộ và đường sắt, di dời công trình ngầm nổi và đền bù giải tỏa giải phóng mặt bằng với khoảng 450 hộ dân, có mặt bằng tới đâu thi công tới đó.
Do vậy, nhiều lúc phải điều chỉnh hồ sơ thiết kế thay đổi biện pháp thi công cho phù hợp…
Thế nhưng điều khiến nhiều người kinh ngạc là thời gian thi công công trình này chỉ 16 tháng (cầu Rồng 44 tháng, cầu Trần Thị Lý 36 tháng).
Video đang HOT
Tuy tiến độ thi công đạt mức kỷ lục như vậy nhưng chất lượng và yếu tố kỹ, mỹ thuật công trình vẫn đảm bảo, được các bộ, cơ quan chuyên ngành của TƯ đến kiểm tra, đánh giá đây là công trình có chất lượng, tiến độ, kiến trúc cần được nhân rộng và áp dụng cho các dự án cũng như các TP lớn khác trong cả nước.
Trước khi cầu vượt 3 tầng Ngã ba Huế mở cửa đón khách vào tham quan (từ sáng 24/3), trưa 23/3, PV Infonet đã có dịp cận cảnh nút giao thông đặc sắc này.
Dưới đây là những hình ảnh mà PV ghi nhận được:
Trụ tháp Linga cao 65m kết hợp với hệ cầu dây văng parabol 2 mặt phẳng nằm giữa vòng xuyến Yoni nhằm gợi lên hình ảnh về một cửa ngõ mà ở đó dòng chảy cuộc sống không bao giờ ngơi nghỉ
Toàn công trình có tổng cộng 491 cọc khoan nhồi đường kính 1m, 1,2m, 2m; 57 trụ và mố cầu…
Từ Huế vào lên cầu vượt ở tầng 3 rồi hướng thẳng vào trung tâm TP Đà Nẵng
Nhánh rẽ ở tầng 2 hướng vào Nam
Và nhánh rẽ ở tầng 2 nối với trục Tây Bắc sẽ được TP Đà Nẵng khởi công xây dựng ngày 29/3/2015
Tầng mặt đất dành cho đường sắt và các nhánh rẽ đường bộ không giao với đường sắt
Cầu vượt dành cho người đi bộ và đi xe đạp…
băng qua đường sắt khi có tàu chạy qua
Công nhân đang hoàn thiện các công đoạn cuối cùng và vệ sinh công trình
Khẩn trương hoàn tất việc lát vỉa hè, trồng cây xanh, thảm cỏ…
Và gắn bảng tên công trình!
Và gắn bảng tên công trình!
Theo Infonet
Dân cản trở công trình vì... nhà mất giá
Chiều 11/2, hàng chục hộ dân sống hai bên đường Điện Biên Phủ (đoạn dưới chân công trình cầu vượt Ngã ba Huế), quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng đã kéo ra công trình để ngăn cản việc thi công vì họ cho rằng công trình đã ảnh hưởng đến cuộc sống, việc kinh doanh của họ.
Theo phản ánh của người dân, khu vực này nằm trong diện giải tỏa đền bù theo hình thức tái định cư tại chỗ. Trước đây, lòng đường Điện Biên Phủ rộng 48m, vỉa hè 4m. Tuy nhiên, khi công trình này sắp đi vào hoạt động thì những hộ dân sống dưới chân cầu, đường mỗi bên chỉ còn 7m, ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh của họ.
Mặc dù thành phố cũng đã có quyết định hỗ trợ cho các hộ dân trên nhưng theo họ vẫn chưa thỏa đáng.
Người dân kéo ra công trình để ngăn cản việc thi công
Chị Lê Thị Trầm - kinh doanh thuốc tây - cho biết, hồi trước chưa làm cầu, người đi bộ có thể băng qua được để vào tiệm thuốc của chị mua thuốc. Nhưng từ khi xây cầu, việc buôn bán thất thu. Đường nhỏ nên giá trị ngôi nhà cũng bị giảm xuống. Trước ngôi nhà này chị mang đi cầm cố, ngân hàng định giá là 4 tỷ đồng nhưng nay chỉ còn 1 tỷ đồng.
Còn anh Đào Ngọc Tập - buôn bán tạp hóa cũng cho biết, chỉ trên một tuyến đường, nhà bên cạnh (không bị ảnh hưởng bởi công trình) có giá 4,7 tỷ đồng, còn như nhà anh giờ bán 3 tỷ không ai mua. Anh mong muốn được đền bù thỏa đáng đúng với giá trị của nó.
Khi công trình cầu vượt Ngã ba Huế được triển khai, đường trước mặt nhà dân chỉ còn lại 7m đã ảnh hưởng việc kinh doanh của họ
Ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền quận Thanh Khê đã có mặt tại hiện trường và kêu gọi người dân hãy giải tán, ngừng cản trở việc thi công để công trình được hoàn thành đúng tiến độ.
Theo UBND quận Thanh Khê, ngày 3/2, UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý chủ trương hỗ trợ một phần đối với các hộ bị ảnh hưởng do thay đổi giảm mặt cắt đường (trước mặt nhà) khi hình thành nút giao thông khác mức Ngã ba Huế. Mức hỗ trợ thấp nhất là 1.874.000 đồng/m2, mức cao nhất là 6.559.000 đồng/m2. Miễn giảm thuế năm 2015 đối với các hộ các hộ dân bị ảnh hưởng.
Khánh Hồng
Theo Dantri