Cận cảnh những “vết lở loét” trên cầu Long Biên
Cầu Long Biên hiện đang “ nóng” trong dư luận về phải bảo tồn, giữ gìn và phát huy những công năng mới…
Nhìn từ xa, cầu Long Biên như một con rồng sắt vắt qua dòng sông Hồng thơ mộng để vào trung tâm Thủ đô Hà Nội. Cây cầu là nhân chứng lịch sử đã trải qua ba thế kỷ thăng trầm của dân tộc trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ.
Tuy nhiên, thực trạng của cây mang giá trị lịch sử này không còn được nguyên vẹn như trước. Đi trên cầu, có thể tận mắt nhìn cận cảnh sự xuống cấp của cây cầu và cách ứng xử thiếu ý thức của nhiều người dân đối với di sản văn hóa, lịch sử này.
Cầu Long Biên bây giờ không còn có kiến trúc hào hoa bởi một thời gian cầu đã bị bom đạn tàn phá. Cây cầu bây giờ là sự vá víu, rỉ sét, thành cầu nhiều thanh giằng bị long, hỏng.
Giá trị di sản của cầu Long Biên là không gì so sánh, bởi vậy cầu rất cần được giữ gìn, bản tồn. Tuy nhiên, cây cầu giờ như “lở loét” khi bị nhiều thanh niên bôi bẩn, viết bậy. Không những thế, nó còn biến thành khu chợ tạm của một số người dân. Họ buôn bán đủ mọi thứ từ rau, củ, quả đến thịt cá, rác vứt bừa bãi trên cầu.
Hình ảnh cầu Long Biên hiện tại:
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối liền trung tâm Hà Nội và trị trấn Gia Lâm (quận Long Biên ngày nay). Đây cũng là cây cầu kim loại có quy mô lớn nhất thế kỷ 20 (dài 1.862m qua sông và hơn 1.300m qua hai bờ sông, với 18 nhịp, 20 trụ đỡ cao hơn 20m) được xây bằng chính những người thợ Việt Nam trong thời gian rất ngắn.
Cầu Long Biên là di sản về kiến trúc độc đáo do người Pháp xây dựng, thế giới ít có công trình như vậy. Giá trị di sản của cầu Long Biên là không có gì so sánh được nên cần giữ gìn, bảo tồn.
Cầu được thiết kế cho nhiều loại phương tiện lưu thông như tàu hỏa, xe đạp, xe máy và người đi bộ
Hiện tại, cây cầy là sự chắp vá, nhiều thanh sắt ở thành cầu đã rỉ sét , bong tróc
Cầu Long Biên là nhân chứng lịch sử nhưng đã bị đối xử như thế này
Video đang HOT
Các bạn trẻ thể hiện tình yêu của mình bằng cách dùng khóa – khóa vào thành cầu khiến thành cầu như một cửa hàng bán khóa
Một số đoạn sắt của thành cầu đã xuống cấp
Hà Nội đang có dự án xây dựng đường sắt mới bên cạnh cầu Long Biên
Các thang gỗ dưới đường ray đã bị thời gian bào mòn
Các ống vít đã rỉ sét, loang lổ
Mất cả mấu ốc
Nhìn thành cầu như một bức tranh nham nhở
Một số bạn trẻ không ý thức được việc mình đang làm
Không biết từ bao giờ, cầu Long Biên đã biến thành chợ
Hàng quán mọc lên, rác vứt bừa bãi…
Phía dưới chân cầu cũng trong cảnh tương tự
Khúc gỗ mục chưa được thay ở đầu cầu
Hàng rào chắn đã bị khoét thủng
Gỗ được buộc vào thành sắt làm cầu thang
Bảo tồn cầu Long Biên là cần thiết nhưng chúng ta hãy đối xử đúng với giá trị vốn có của cây cầu mang nhiều giá trị lịch sử
Ba phương án cải tạo cầu Long Biên do Bộ GTVT đề xuất: Phương án 1: Xây cầu mới tại tim cầu hiện tại, dời 9 nhịp cầu cũ về thượng lưu để bảo tồn. Phương án 2: Xây dựng cầu mới tại tim cầu hiện tại, có kết cấu nhịp dàn thép tương tự thiết kế ban đầu. Phương án 3: Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại và giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.
Theo Khampha
Cầu Long Biên: Chứng nhân vô giá của lịch sử
Cầu Long Biên (xây dựng 1899 - 1902) là một chứng nhân quan trọng trong suốt hơn một thế kỷ không chỉ của Hà Nội mà của cả nước.
Sau những tàu chiến và đại bác, cùng với Đường sắt Việt Nam (khởi công xây dựng 1881), nó là chứng tích quan trọng nhất của thành tựu kỹ thuật - công nghiệp châu Âu tràn vào Việt Nam.
Về mặt kiến trúc và kỹ thuật xây dựng, nó là một công trình tuyệt đẹp có giải pháp thiết kế kiểu giàn treo mà trên thế giới hiện chỉ còn 4 cái như vậy, trong đó có tháp Eiffel (có tài liệu ghi cầu Long Biên do chính kỹ sư Eiffel thiết kế), tức đã trở thành một di sản quý hiếm của nhân loại chứ chả riêng gì của Việt Nam và Hà Nội.
Hình dáng lên xuống, uốn lượn giống con Rồng của nó phù hợp một cách tuyệt vời với lịch sử Rồng bay nghìn năm văn hiến của đất Thăng Long.
Nhóm chiến sĩ đầu tiên qua cầu Long Biên tiến vào tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954 (trái); Cầu Long Biên bị máy bay Mỹ làm hư hại năm 1972
Về công năng kinh tế - xã hội thì khó đánh giá hết được giá trị to lớn của nó trong sự phát triển của không riêng Hà Nội và các vùng phụ cận, không chỉ miền Bắc mà cả miền Trung, miền Nam, đặc biệt là trong giai đoạn rất dài khi nó là cái gạch nối liền duy nhất bằng đường bộ và đường sắt của phần còn lại của cả nước với Việt Nam phía Bắc sông Hồng và trong một thời gian là cả các nước xã hội chủ nghĩa.
Về lịch sử thì nó là chứng tích lịch sử quan trọng của nhiều giai đoạn: giai đoạn thuộc địa, giai đoạn chiến tranh giữ nước, giai đoạn hoà bình, kiến thiết. Lịch sử cầu Long Biên đặc biệt hào hùng trong chiến tranh giữ nước. Sử sách còn ghi cuộc rút lui bảo toàn lực lượng anh dũng của Trung đoàn Thủ đô và một bộ phận nhân dân qua gầm cầu Long Biên có lính Pháp gác ở trên vào đêm ngày 17 rạng sáng ngày 18/2/1947, sau 2 tháng chiến đấu cầm chân quân Pháp tại Hà Nội.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm công trường khôi phục cầu Long Biên năm 1973
Cầu Long Biên vào những ngày lịch sử tháng 10 năm 1954 cũng ghi dấu chân những tên lính viễn chinh Pháp rút qua để xuống Hải Phòng vĩnh viễn rời Việt Nam và đón chào đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô. Những năm chiến tranh chống Mỹ, cầu Long Biên là điểm nóng trên tuyến vận tải chiến lược bị không quân Mỹ tập trung đánh phá và phòng không ta tập trung bảo vệ. Cầu vài lần bị địch đánh hỏng nặng và được khôi phục hoàn toàn vào năm 1973.
Trong những năm khó khăn, nó là một trong những biểu tượng của Hà Nội vất vả, lam lũ.
Về văn hoá, nó là chiếc cầu - ký ức, một phần hồn của Hà Nội, của người Hà Nội. Nó là một trong những cái mà nghĩ về Hà Nội, người ta thường nhớ đến. Nó đi vào văn, thơ, họa, ảnh... Nó là cái mà ngộ nhỡ một mai không còn thì giống như một mảnh hồn Hà Nội bị dứt đi.
Theo Lê Xuân Sơn (Tiền Phong)
Phương án nào cũng phải bảo tồn cầu Long Biên Trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết cầu Long Biên đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng, nên Bộ GTVT rất tôn trọng ý kiến của các nhà lịch sử, nhà văn hóa cũng như người dân góp ý về phương án...