Cận cảnh đời thường của lính đặc công
Nhắc đến bộ đội đặc công, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những người lính giỏi võ thuật, tác chiến bí mật, táo bạo, đánh hiểm thắng lớn. Nhưng ít ai biết rằng, những người lính tinh nhuệ được coi là “quả đấm thép” của Quân đội Việt Nam cũng rất giỏi “tăng gia sản xuất”.
Chiến đấu viên Đội 11, Liên đội Đặc công 9 chăm sóc vườn cây ăn quả.
Đã thành nếp, sau giờ huấn luyện, những chiến đấu viên ở Lữ đoàn Đặc công 113 (Binh chủng Đặc công) lại tiếp tục thao luyện trên “mặt trận tăng gia” của đơn vị.
Thượng tá Phùng Văn Quý, Phó Lữ đoàn trưởng Quân sự Lữ đoàn Đặc công 113 cho biết, mặc dù đóng quân trên địa bàn trung du, đất đai khô cằn không thuận lợi cho công tác tăng gia sản xuất, lại thường xuyên phải cơ động thực hiện các nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng và Binh chủng Đặc công, nhưng cán bộ, chiến sĩ của đơn vị luôn xác định phải tự lực thực hiện công tác hậu cần với cố gắng, quyết tâm cao nhất.
Năm 2015, Lữ đoàn tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch đột phá nâng cao chất lượng bảo đảm đời sống bộ đội, gắn với các phong trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”; “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”; “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” và hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Hậu cần Quân đội (11/7/1950 – 11/7/2015).
“Với diện tích tăng gia 4 hecta, do đất đai rất khô cằn, sỏi đá, chúng tôi phải chở đất màu từ nơi khác về để trồng rau xanh, cây ăn quả.
Chỉ tiêu tăng gia của toàn đơn vị là phải đảm bảo từ 130-140 kilogam rau xanh/1 người/năm; 36-40 kilogam thịt lợn/1 người năm; 6kg cá/1 người năm…”, Thượng tá Phùng Văn Quý nói.
Phóng viên Tiền Phong ghi lại những hình ảnh về người lính đặc công ở Lữ đoàn Đặc công 113 trên “mặt trận tăng gia”, ngày 17/3.
Thiếu úy Tô Anh Quang, đoàn viên Đoàn cơ sở Lữ đoàn Đặc công 113 nhổ cỏ tại vườn rau thanh niên.
Video đang HOT
Phun thuốc diệt muỗi tại khu chăn nuôi.
Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Thanh Thùy (Quân y Lữ đoàn Đặc công 113) trong giờ tăng gia sản xuất.
Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Đình Tuấn – Trạm trưởng trạm chế biến tập trung (trái) đang cấp phát thực phẩm cho các bếp ăn của Lữ đoàn
Chiến sĩ Mũi 1, Đội 1, Liên đội Đặc công 27 đang thực hiện chế độ kiểm tra nội vụ vệ sinh buổi sáng.
Theo Tiền Phong
Giải mật các phương pháp đột nhập của Đặc công Việt Nam
Đặc công Việt Nam là lực lượng đã khiến cả quân Pháp và Mỹ luôn ám ảnh vì họ hành động xuất quỷ nhập thần và có thể ra vào những nơi mà địch cho là được bảo vệ cẩn mật nhất.
&'Độn thổ'
Đây là phương pháp căn bản và chủ đạo của Đặc công Việt Nam. Khi xác định một mục tiêu tấn công, đặc công của ta sẽ trinh sát và theo dõi mục tiêu kỹ lưỡng để tìm ra các sơ hở phục vụ cho việc đột nhập. Dù các căn cứ quân sự của Mỹ thời chiến tranh Việt Nam được bố trí đến hàng chục lớp rào với đủ loại dây thép gai cùng các thiết bị giám sát, bảo vệ nhưng vẫn không tránh khỏi các sơ hở.
Một chiến sĩ đặc công thuộc Lữ đoàn 198 đang tập vượt hàng rào thép gai.
Các sơ hở đó, như James G. Zumwalt viết trong cuốn Chân trần chí thép: "Mìn bên trong các hàng rào thép gai tạo cảm giác an toàn cho những người phòng thủ, nhưng cũng gián tiếp tạo thuận lợi cho phe xâm nhập. Do có mìn nằm giữa các hàng rào nên người ta không thể vào đấy để cắt cỏ - thế nên cỏ mọc rất um tùm. Cỏ cao tạo ra tấm ngụy trang lý tưởng cho những kẻ đột nhập vào căn cứ. Do quá tự tin vào mạng lưới bảo vệ, binh tướng ở trong doanh trại để cho cỏ mọc tự do từ vành đai ngoài cùng vào tận trong cùng, giúp cho người đột nhập có thể ẩn nấp trong suốt hành trình của mình".
Chiến sĩ đặc công Lữ đoàn 198 ngụy trang bằng cỏ. Ảnh minh họa.
Thuật ngụy trang bằng cỏ được Đặc công Việt Nam vận dụng trong nhiều trận đánh táo bạo vào căn cứ định. Trong đó, trận đặc công rừng Sác tập kích kho bom thành Tuy Hạ là một ví dụ:
Trong tập hồi ký "Một thời rừng Sác", đại tá Lê Bá Ước kể về trận tập kích lần thứ hai vào kho bom thành Tuy Hạ tháng 12/1972 : "Đêm 11/12, tổ chiến đấu gồm 5 người do đồng chí Hai Quyết làm tổ trưởng, đồng chí Hòa tổ phó xuất kích. Trước 4 giờ sáng ngày 12/12 tất cả đã lọt vào giữa ruột khu kho. Tổ trưởng và tổ phó mỗi người một mũi thọc sâu và trung tâm tìm đúng kho bom thì trời sắp sáng. Cả tổ phải ém lại trong khu cỏ tranh ở giữa khu kho. Tổ chiến đấu quyết định ẩn nấp ở đây, nếu lộ sẽ đánh quyết tử. Năm người nằm đấu chân vào nhau quay đầu ra các hướng để quan sát.
Đến xế chiều một chiếc máy xúc tiến lại định xúc đống sắt vụn bên cạnh tổ đặc công nằm. Tổ phó Hòa giắt quả thủ pháo vào lưng rồi khom người tiến lên đón đầu chiếc xe. Tên lính định bỏ chạy nhưng Hòa một tay chỉ vào miệng, một tay chỉ vào quả thủ pháo. Tên lính hiểu ra: "Câm mồm, nếu không thì chết". Sau đó Hòa chọn chỗ khuất ngồi giám sát tên lính làm việc. 8h tối, tên lính chưa dám rời khỏi xe trong khi 4 chiến sĩ đặc công của ta đã tỏa đi các mục tiêu. Hoà ở lại trèo lên xe cảnh cáo tên lính: "Muốn sống về với vợ con, anh cứ làm việc bình thường, sau 9 giờ sẽ ra về theo tốp lính thợ, thấy gì để yên đó, không được nói với một ai". Rồi Hoà cũng lao tiếp theo anh em. Tổ chiến đấu mải miết đặt mìn, gắn kíp hẹn giờ vào kho bom. Mìn được gắn vào giữa ruột quả bom dưới cùng để nếu có tình huống lộ thì địch vẫn thua vì nổ 1 quả sẽ kích nổ cho cả kho. Nửa đêm, cả tổ rời kho Tuy Hạ sau khi tìm cách giải thoát cho người lính Sài Gòn".
Sau khi đặc công rút về đến căn cứ thì kho bom Tuy Hạ khói lửa ngút trời. Tiếng nổ và các đám cháy đến 3 ngày sau vẫn còn tiếp tục. Kết quả trận đánh khiến 80% kho bom với khoảng 60.000 quả bom (tương đương 18.000 tấn bom) bị phá hủy.
Chiến sĩ đặc công có nhiều thủ thuật ngụy trang, tùy theo địa hình địa vật, họ sẽ hóa trang cho phù hợp.
Ngoài ngụy trang bằng cỏ, đặc công còn nhiều thủ thuật ngụy trang khác tùy theo màu sắc của môi trường quanh mục tiêu. Những chiến sĩ đặc công có khả năng vùi mình trong cát nóng cả ngày cũng như &'hóa trang' bằng bùn đất để hòa vào với địa hình xung quanh. Khả năng ngụy trang của bộ đội Đặc công Việt Nam đã được phát triển đến mức nghệ thuật và đó là một trong những bí quyết thành công của họ.
Thả trôi theo dòng nước
Trên môi trường sông nước, thủ thuật đột nhập căn bản là thả trôi trên sông với ống thở để tiếp cận các mục tiêu của địch. Trận đánh tàu 13000 tấn của Mỹ trên sông Lòng Tàu ngày 5/12/1968 do đặc công rừng Sác thực hiện là một ví dụ.
Theo cuốn Những trận đánh tiêu biểu của bội đội đặc công, tối 4/12, một tổ đặc công gồm 3 chiến sĩ đã mang theo bộc phá bơi theo sông Lòng Tàu để tiếp cận mục tiêu. Khi đến cửa rạch Chà Là trên sông Lòng Tàu thì gặp biệt kích địch. Các chiến sĩ phải dìm bộc phá xuống nước và bắt đầu lặn xuống sông, chỉ nhô ống thở lên để tránh bị phát hiện. Đến nửa đêm, thủy triều lên, nước bắt đầu chảy xiết từ ngoài biển vào nên tốc độ bơi thả cũng tăng lên. Tổ đặc công đã vượt qua mọi tuyến giám sát của địch và áp sát được vào cầu tàu số 4 nơi có con tàu 13000 tấn.
Một tổ đặc công nước đang tập luyện. Ảnh minh họa.
Các chiến sĩ chia nhau hành động. Hai chiến sĩ mỗi người một đầu sợi dây bơi đi buộc cố định dây vào dây neo và bánh lái của tàu. Sau đó, người thứ ba đẩy khối bộc phá 200 kg áp sát mạn tàu ở vị trí gần khoang máy và buộc cố định vào sợi dây do hai người kia đã buộc để giữ cho khối bộc phá không bị nước cuốn trôi. Đặc công đã sử dụng kíp hẹn giờ và rút lui khỏi trận địa. Khi họ rời đi được khoảng 800m thì bộc phá nổ. Con tàu 13000 tấn chở đầy dầu nhanh chóng cháy nổ dữ dội và từ từ chìm xuống sông.
Đối phó với đám quân thú
Bên cạnh các thiết bị điện tử cùng hàng rào dày đặc quanh căn cứ, quân Mỹ còn sử dụng nhiều loài thú có khả năng đặc biệt như chó hoặc ngỗng để bảo vệ các căn cứ quan trọng. Chó nổi tiếng giỏi đánh hơi người còn ngỗng thì có thể nghe thấy tiếng động từ rất xa và khi phát hiện được tiếng động nó sẽ kêu lên báo hiệu. Đôi khi chúng còn thả rắn ra xung quanh căn cứ khi trời tối và đến sáng thì gọi rắn về.
Để vô hiệu hóa &'đội quân thú' này', chiến sĩ đặc công ta cũng có nhiều thủ thuật. Vì những con ngỗng rất sợ rắn nên trước khi đột nhập đến gần, bộ đội ta ném vào gần đàn ngỗng những thân cây khoai môn hay dọc mùng hoặc thân cây bèo khiến ngỗng tưởng là rắn mà rụt cổ nằm im. Để làm "điếc" mũi chó thì trước khi đột nhập, chiến sĩ đặc công chỉ mặc độc một chiếc quần đùi rồi nằm phơi sương vài đêm cho hết hơi người. Họ cũng mang theo dao găm để nếu không còn cách nào khác thì đây là vũ khí hữu dụng để khử đám khuyển nhanh chóng và gọn ghẽ nhất mà không có tiếng động. Đối phó với rắn, các chiến sĩ mang theo thuốc kị rắn để vô hiệu hóa chúng.
Nhờ những thủ thuật mưu trí sáng tạo nói trên và ý chí quyết tâm, lực lượng đặc công Việt Nam đã đánh trên 19.000 trận trong kháng chiến chống Mỹ, diệt hàng vạn tên dịch, phá hủy hàng ngàn vũ khí như xe tăng, thiết giáp, pháo và gần 4 triệu tấn bom của địch. Những chiến công của Đặc công Việt Nam đã đi vào huyền thoại trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ và là nỗi ám ảnh với quân thù.
Theo Người Đưa Tin
Những người lính 'nở hoa trong lòng địch' Những ngày đầu ra quân huấn luyện năm 2015, chúng tôi được tận mắt chứng kiến các chiến sỹ đặc công và những chiến đấu viên (CĐV) của Lữ đoàn Đặc công 429 thuộc Binh chủng Đặc công thực hiện nhiệm vụ một cách thuần thục trong tình huống giả định: Mũi đặc công tiến công nhóm bạo loạn lật đổ (BLLĐ), giải...