Cận cảnh công trình ngầm phát lộ sau 50 năm bị vùi lấp
Việc đào bới đã tạm dừng, tuy nhiên những gì được phát lộ cho thấy địa đạo tại thôn Bình Túy (xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) là một công trình ngầm rất quy mô trong chiến tranh.
Trong các ngày 16 đến 18.4, người dân Bình Túy đã tiến hành thám sát tại 2 hố
Địa đạo được người dân thôn Bình Túy tìm thấy vào ngày 16.4 tại khu vực vườn gần nhà Anh hùng lực lượng vũ trang Trương Thị Xáng (sinh năm 1947).
Ông Trương Hoàng Lâm (62 tuổi, em ruột anh hùng Trương Thị Xáng) cho biết ngày 22.2.1965, trong một trận càn, quân địch sau khi không thể bắt sống 300 người trú ẩn trong địa đạo đã hạ sát chị gái ông.
Một số người dân địa phương cho hay địa đạo này được đào không theo đường thẳng mà theo đường zích zắc.
Địa đạo dài khoảng 6 km, trong kháng chiến, những người tham gia đào địa đạo đã khôn khéo dùng những ống tre dài, chặt hết mắt để làm ống thông hơi.
Những ống dẫn khí này được đặt ngụy trang trong các nhà dân hoặc trong các bụi tre, lùm cây um tùm.
Ngày 21.4, hoạt động đào bới, khai quật địa đạo đã tạm dừng và chờ ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền .
Ngành văn hóa tỉnh Quảng nam cho biết trước mắt phải giữ nguyên hiện trạng. Sau đó, Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Thăng Bình sẽ phối hợp với UBND xã Bình Giang lập hồ sơ để Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch trình UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Những hố thám sát được đào trong vườn nhà dân trên nền đất cát kém bền vững
Video đang HOT
Để phát lộ địa đạo, người dân phải đào sâu xuống 3 m và đào ra các khu đất lân cận mới tìm thấy
Theo người dân địa phương, địa đạo này chạy theo đường zích zắc
Vì nhiều lý do như: sợ sập móng nhà, sợ vấp phải vật nổ còn sót lại… nên UBND xã Bình Giang yêu cầu người dân tạm dừng đào bới
Phần địa đạo đã phát lộ dài khoảng 6 m tại khu vực gần đài thờ anh hùng Trương Thị Xáng
Địa đạo này khá rộng, người lớn có thể chui lọt dễ dàng
Khu vực này có địa chất khá tốt với loại đất pha sét
Một viên đá được đẽo phẳng phiu tìm thấy trong lòng địa đạo
Trong một nhà dân xuất hiện điểm sụt đất có thể dùng que nhọn để đâm thẳng xuống, sâu khoảng 2 m. Đây có thể là nơi địa đạo đi qua
Ông Trương Hoàng Lâm thắp nhang tưởng nhớ đến người chị anh hùng Trương Thị Xáng
Địa đạo được phát hiện có liên quan đến người anh hùng Trương Thị Xáng
Hoàng Sơn thực hiện
Theo Thanhnien
Người dân khai quật địa đạo bị chôn vùi 50 năm
Địa đạo dài khoảng 6km đang được người dân Quảng Nam khai quật sau khi bị vùi lấp từ năm 1965.
Ngày 18/4, hàng chục người dân thôn Bình Tuý (xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) tiếp tục khai quật địa đạo bị vùi lấp từ 50 năm trước.
Ông Nguyễn Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Bình Giang cho hay, hệ thống địa đạo này dài khoảng 6 km, toả đi 3 hướng trong thôn. Địa đạo được đào từ thời kháng chiến chống Pháp và mở rộng thêm những năm sau đó để nuôi giấu cán bộ và người dân địa phương trong thời kỳ chiến tranh.
Ông Trương Hoàng Lâm bên miệng địa đạo nằm trong khu vườn, nơi chị gái ông hy sinh 50 năm trước. Ảnh. Tiến Hùng.
Trong trận càn ngày 22/2/1965, miệng địa đạo nằm ở khu vườn của bà Trương Thị Xáng bị lộ. Biết tin lính Việt Nam Cộng hòa sẽ tăng cường chi viện để công phá địa đạo, bà Xáng tìm cách đánh lạc hướng rồi báo tin, hướng dẫn toàn bộ 300 cán bộ, du kích thoát khỏi vòng vây.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bà Xáng quay trở lại và bị bắn chết ngay miệng hầm khi mới 18 tuổi. Địa đạo bị vùi lấp bằng lựu đạn và thuốc nổ từ đó đến nay. Năm 2012, bà Xáng được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Theo người dân địa phương, địa đạo được thiết kế theo hình dích dắc, nằm cách mặt đất khoảng 3m, lấy các bụi tre để làm điểm nối ống thông hơi. Chiều cao ban đầu của địa đạo này hơn 1,2m, rộng khoảng 1m, đủ để 3 người cùng đi bên trong.
Địa đạo nằm cách mặt đất khoảng 3m, trong thời chiến địa đạo đủ rộng để 3 người cùng đi bên trong. Ảnh. Tiến Hùng.
Ông Võ Công Thăng (88 tuổi, thôn Bình Tuý), người nhiều năm tham gia đào địa đạo này cho hay, trong 2 cuộc kháng chiến, xã Bình Giang là một trong những điểm bị địch càn quét ác liệt. Người dân trong xã đã nảy ra sáng kiến đào địa đạo bí mật dưới lòng đất để làm nơi nuôi dưỡng cán bộ, chiến sỹ cách mạng.
"Để nhanh hoàn thành, có lúc làng ra chỉ tiêu cho mỗi người dân một ngày phải đào được 3m hầm. Nhằm tránh bị phát hiện, số đất đào lên được người dân cẩn thận bỏ trong rổ rồi mang ra sông Trường Giang đổ. Đến khoảng những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, khi chiến tranh bước vào giai đoạn ác liệt, hệ thống địa đạo với nhiều ngóc ngách, lối thoát hiểm được người dân hoàn thành", ông Thăng nhớ lại.
Ông Trương Hoàng Lâm (61 tuổi, em ruột của bà Xáng), cho hay mặc dù không nhớ chính xác nhưng trong ký ức của ông cũng như nhiều người trong thôn thì miệng địa đạo bắt đầu từ chính khu vườn của gia đình, điểm cuối hướng ra sông Trường Giang.
Mặc dù chính quyền đã cho dừng việc khai quật vì lo ngại vật liệu nổ sót lại, nhưng người dân vẫn tiếp tục đào bới ở nhiều khu vực trong thôn. Ảnh. Tiến Hùng.
"Địa đạo là nơi gắn liền với rất nhiều chiến tích, nhiều lần người dân trong thôn mong muốn được khai quật nhưng còn vướng mắc chuyện hồ sơ, thủ tục cũng như kinh phí nên vẫn chưa thực hiện được", ông Lâm nói và cho biết cách đây 2 ngày hàng xóm của ông đã vô tình phát lộ miệng địa đào trong lúc đào gốc tre và người dân đã tiến hành khai quật.
Do lo ngại vật liệu nổ còn sót lại, UBND xã Bình Giang đã cho dừng việc khai quật ngay sau đó nhưng người dân vẫn tiếp tục đào bới. Đến hôm nay, nhiều điểm thoát hiểm nằm trong hệ thống địa đạo được phát lộ.
Tiến Hùng
Theo VNE
Mỹ: 'Quy mô, tốc độ cải tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đáng lo ngại' Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho rằng quy mô cải tạo đất của Trung Quốc trên Biển Đông là đáng lo ngại và yêu cầu nước này kiềm chế những hoạt động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Những hình ảnh cho thấy trước (trái) và sau khi Trung Quốc bồi đắp đảo mới ở Gaven, quần đảo Trường...