Cận cảnh cánh rừng phòng hộ ‘chết oan’ ở Hải Phòng
Nguồn nước ô nhiễm nặng, không lối thoát nước theo thủy triều lên xuống khiến cánh rừng hàng chục năm tuổi nằm giữa 2 khu công nghiệp lớn ở Hải Phòng bị chết oan.
Thời gian gần đây, cánh rừng phòng hộ phía Bắc đường dẫn (thuộc tuyến đường 356) lên cầu Tân Vũ – Lạch Huyện (hướng Hải An – Cát Hải, TP Hải Phòng) bị chết khô, khiến nhiều người qua lại không khỏi tiếc nuối.
Khoảng 2 năm trước, cánh rừng này còn đang phát triển xanh tốt, như lá phổi xanh khổng lồ nằm ngay giữa 2 khu công nghiệp rộng lớn bậc nhất TP Hải Phòng là Khu công nghiệp Nam Đình Vũ và Khu Công nghiệp Deep C.
Cánh rừng phòng hộ có giá trị to lớn trong việc điều hòa không khí, giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện cánh rừng này đang ‘chết oan’, hệ sinh thái bị hủy diệt.
Ông Phạm Văn Đống (SN 1960, chủ đầm) chỉ tay ra cánh rừng cho biết, cánh rừng phòng hộ này rộng hơn 5ha, là loại rừng trồng và rừng mọc tự nhiên có trước thời điểm năm 2002 khi ông bắt đầu ra đây làm đầm.
“Hồi đó tôi ra đây, cánh rừng đã có và rậm rạp, xanh tốt um tùm. Khoảng 3-4 năm trước, lá cây bắt đầu chuyển màu vàng và dần dần rụng xuống. Hơn 1 năm trở lại đây thì cánh rừng này dần chết khô, nhiều cây đã mục. Cánh rừng này chết ai mà không xót. Trước đây thủy triều lên xuống, cánh rừng xanh tốt, đẹp và mát mắt như thế. Giờ nước như thế này anh bảo cây gì mà sống được”, ông Đông tiếc nuối.
Theo ông Đống, nguyên nhân dẫn đến cánh rừng bị chết là do những năm gần đây, nguồn nước từ bãi rác của thành phố thải xuống khu đầm này. Nước không được tiêu thoát ra biển và nước thủy triều lên xuống cũng không dẫn vào điều hòa nên nguồn nước bị ô nhiễm, dẫn đến cây bị thối rễ và chết hàng loạt.
Video đang HOT
Những cây có tuổi đời hàng chục năm giờ đã chết khô và đang bị mục.
Nhiều năm trước, các hộ nuôi trồng thủy sản làm đơn gửi các cấp chính quyền địa phương, song tình trạng ô nhiễm nguồn nước cũng không được giải quyết dứt điểm.
Nước rỉ rác từ bãi rác Đình Vũ đen ngòm chảy xuống cánh rừng.
Mặt nước nổi nhiều váng dầu mỡ, mùi hôi thốc nồng nặc bốc lên.
Trong khi đó, theo ghi nhận của PV VTC News, ở những điểm cao không bị nước ngập, gốc cây vẫn phát triển xanh tốt bình thường.
Những cây bần chua mọc ở các gồ cao vẫn đang xanh tốt cạnh những cây bị chết khô ở vùng thấp, trũng.
Đặc biệt, một số điểm lân cận cánh rừng chết không bị ảnh hưởng bởi nước rỉ rác từ bãi rác thải Đình Vũ thì cây bần chua và một số loài cây khác vẫn phát triển xanh tốt.
Theo ghi nhận của PV VTC News, toàn bộ khu đầm này nước được chảy qua một cống hộp bắc ngầm qua đường dẫn lên cầu Tân Vũ – Lạch Huyện sang khu vực hành lang lưu không đường dẫn lên cầu.
Tuy nhiên, do quá trình san lấp mặt bằng làm khu công nghiệp Nam Đình Vũ, không có quy hoạch để hệ thống mương thoát nước ra biển, đồng thời nước thủy triều cũng không chảy vào khu rừng, dẫn đến cánh rừng bị ngập úng, không được thau rửa thường xuyên. Mới đây, đơn vị chức năng mới khơi tạm con mương nhỏ qua khu công nghiệp để thoát nước mỗi khi phía trong các đầm ngập úng.
Theo UBND quận Hải An, tính đến tháng 2/2021, toàn bộ diện tích rừng 5,42ha đã chết, không có khả năng phục hồi, môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo kết quả giám định của Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, nguyên nhân cây rừng bị chết là do việc san lấp thực hiện các dự án trong khu vực theo quy hoạch xây dựng khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, dẫn tới phía ngoài sông bị lấp dòng chảy nên nước không lưu thông, làm bao bí xung quanh lô rừng, làm độ mặn của nước tăng cao, lô rừng bị ngập triều thường xuyên (>16 giờ/ngày), ngập triều sâu (trung bình từ 1,5-2,3m).
Thời gian bị ngập triều liên tục làm cho bộ rễ khí của cây bần, cây sú không thể hô hấp được dẫn đến cây bị chết. Khi cây chết làm gốc và bộ rễ bị thối, môi trường nước bao bí sẽ thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ trong đất nhanh hơn gây ô nhiễm môi trường đất, nước, làm cây rừng bị chết hàng loạt.
Theo một cán bộ thuộc đơn vị chức năng của TP Hải Phòng, cánh rừng này đã có mấy chục năm nay, nó là lá phổi xanh của Khu công nghiệp Đình Vũ. Các cấp chính quyền như phường, quận và Chi cục kiểm lâm Hải Phòng phải có trách nhiệm quản lý, chăm sóc và bảo vệ vì rừng là tài nguyên quốc gia, nếu để rừng chết phải chịu trách nhiệm theo luật định.
Toàn cảnh chuyến "chuyển khẩu" 9 con gấu từ Bình Dương về Ninh Bình
9 cá thể gấu ngựa nuôi nhốt 17 năm tại Bình Dương vừa được "chuyển khẩu" đến cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. 2 trong 3 trại nuôi gấu ở Bình Dương sẽ đóng cửa vĩnh viễn.
Tổ chức Four Paws Việt phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương vừa tổ chức bàn giao và tiếp nhận 9 cá thể gấu ngựa từ 3 trại nuôi nhốt gấu tại tỉnh Bình Dương cho cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình.
9 cá thể gấu ngựa được nuôi nhốt trong lồng sắt chật hẹp 17 năm qua.
Các cá thể gấu này được nuôi tại 3 trại từ trước năm 2005. Việc cứu hộ được chuẩn bị kĩ lưỡng từ nhiều tháng trước. Sau khi khảo sát cơ sở nuôi nhốt gấu và thực hiện các thủ tục pháp lý với các cơ quan chức năng, đội cứu hộ đến các trại gấu và thực hiện quy trình bao gồm: gây mê và kiểm tra sức khỏe gấu tại chỗ, đưa gấu vào lồng vận chuyển và di chuyển về Ninh Bình.
Sau hơn 17 năm trong chuồng sắt, các cá thể gấu này đã được chuyển về môi trường sống phù hợp tại cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. Sau khi các cá thể gấu này được bàn giao cho Four Paws Việt, 2 trong số 3 trại gấu này sẽ đóng cửa vĩnh viễn.
Các bác sĩ thú y gây mê cá thể gấu trước khi cứu hộ.
Qua khám sức khỏe, các bác sĩ thú ý phát hiện hầu hết các cá thể gấu đều gặp vấn đề về da, lông, túi mật và thận.
Chuyên gia Emily Lloyd, cán bộ điều phối đợt chuyển giao gấu cho hay: "Buổi cứu hộ diễn ra rất thuận lợi. Kết quả kiểm tra sức khỏe cho thấy các cá thể gặp vấn đề về da, lông, túi mật và thận ở các mức độ khác nhau. Có 2 cá thể đặc biệt suy nhược chỉ nặng 49kg và 59kg và 2 cá thể quá thừa cân (177kg và 175kg)".
Khi về đến cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình, các cá thể gấu sẽ lập tức được chuyển vào khu vực cách ly và ở trong khu vực này trong 3 tuần. Trong thời gian này, chúng được kiểm tra sức khỏe và chăm sóc thú y, xây dựng niềm tin với nhân viên chăm sóc, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp với loài và bắt đầu các bài tập đầu tiên giúp phục hồi bản năng của loài, từ đó chuẩn bị cho cuộc sống mới tại khu bán hoang dã.
Các chuyên gia cứu hộ vận chuyển cẩn thận các cá thể gấu để di chuyển 1.600 km từ Bình Dương về cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình.
Bà Ngô Thị Mai Hương, Giám đốc Tổ chức Four Paws Việt cho biết: "Đây là đợt cứu hộ gấu lớn nhất mà tổ chức từng thực hiện. Thêm 9 cá thể này, chúng tôi đã tiếp nhận tổng cộng 27 cá thể gấu từ tỉnh Bình Dương. Điều này nói lên sự hiệu quả của công tác thực thi pháp luật trong bảo vệ động vật hoang dã của tỉnh Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung".
Bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) chia sẻ: "Chúng tôi hy vọng các tỉnh thành khác còn đang là điểm nóng của nuôi nhốt gấu lấy mật sẽ noi theo ví dụ của tỉnh Bình Dương để Việt Nam sớm không còn có tên trên bản đồ của các quốc gia đang săn bắt, nuôi nhốt gấu và tiêu thụ các sản phẩm từ gấu.
Một bàn chân gấu bị tổn thương do nuôi nhốt quá lâu trong lồng.
Chuyên gia cứu hộ chăm sóc gấu tận tình, chu đáo để sớm ổn định sức khỏe.
Cận cảnh những cây gỗ "khủng" trong rừng đặc dụng chỉ còn lại gốc Lực lượng chức năng Quảng Trị đã kiểm tra và ghi nhận hàng chục cây gỗ trong Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa bị chặt hạ, có cây gỗ đường kính gần cả mét còn nằm tại hiện trường. Đoàn lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, công an... vào hiện trường vụ phá rừng tại...