Cận cảnh các bước làm đẹp của geisha thời hiện đại
Các geisha ngày nay vẫn giữ nguyên phong tục và thói quen của những bậc tiền bối hàng trăm năm trước. Trong các bước dưỡng da, trang điểm, những nàng geisha hiện đại tiếp tục sử dụng các phương pháp đã được truyền lại từ cách đây 300 năm.
Những nàng geisha yêu kiều đã trở thành biểu tượng huyền thoại của văn hóa Nhật Bản. Không chỉ được đào tạo bài bản về kỹ năng âm nhạc, nhảy múa, giao tiếp, họ còn có sự duyên dáng khó cưỡng: da trắng như sứ, môi đỏ thắm như mặt trời, tóc búi cầu kỳ theo kiểu shimada.
Cho đến tận ngày nay, vẫn có hàng nghìn người đang được đào tạo để trở thành geisha tại cố đô Kyoto. Họ là những người gìn giữ một nét văn hóa độc đáo và lưu truyền bí quyết làm đẹp mang đậm màu sắc Nhật Bản cổ cho muôn đời sau.
Các nguyên liệu dưỡng da
Vào những thế kỷ trước, geisha được coi là biểu tượng của thời trang và sắc đẹp. Mọi phụ nữ Nhật đều muốn có vẻ đẹp như geisha. Bí quyết làm đẹp của giới geisha thậm chí được in thành sách.
Thời đó, không có nhiều loại mỹ phẩm dưỡng da bán sẵn nên họ phải sử dụng các nguyên liệu tự nhiên để dưỡng da, giống như các công thức dưỡng da D.I.Y ngày nay. Quá trình làm đẹp, dưỡng nhan của geisha được thực hiện rất kỹ lưỡng, giữ gìn từ trong ra ngoài. Họ cũng phải ăn uống, sinh hoạt điều độ để giữ làn da luôn mịn màng, tươi trẻ.
Nhiều người lầm tưởng rằng, bí quyết dưỡng da của geisha là các loài kỳ hoa dị thảo hiếm có khó tìm, tuy nhiên, sự thực lại đến từ chính những món ăn phổ biến của người Nhật. Những nguyên liệu như gạo, rong biển, cá và trà xanh chính là các thành phần thường được geisha sử dụng để làm đẹp. Trong trà xanh có một chất chống oxy hóa gọi là EGCG, có khả năng trung hòa các gốc tự do, từ đó làm giảm các vết nám và dấu hiệu lão hóa do ánh nắng mặt trời. Trong gạo cũng có chất chống oxy hóa tốt, ngoài ra còn dưỡng ẩm, hấp thụ tia tử ngoại và làm sáng da. Rong biển có chứa hợp chất đặc biệt giúp giữ nước tốt, dưỡng ẩm cho da trong thời gian rất lâu mà không làm nước bị bay hơi khỏi bề mặt da. Ngoài ra, geisha còn sử dụng dầu gan cá mập để dưỡng da bởi nó chứa nhiều dưỡng chất tái tạo làn da mịn màng như da trẻ sơ sinh. Chất này ngày nay được gọi là squalane, có thể được chiết xuất từ olive, nên không ảnh hưởng tới hệ sinh thái.
Các bước dưỡng da
Vì geisha luôn phải trang điểm rất đậm hàng ngày, nên họ cần sử dụng những sản phẩm đặc biệt để giữ da dẻ luôn sạch sẽ, khỏe khoắn. Trước khi trang điểm, họ sử dụng một loại sáp đặc biệt gọi là bintsuke – sáp được những võ sĩ sumo sử dụng để vuốt tóc. Geisha thoa sáp bintsuke lên da giống như kem lót để tạo lớp màng ngăn cách giữa da và các loại phấn trang điểm, giúp da không bị bít lỗ chân lông.
Video đang HOT
Hết giờ làm việc, những nàng geisha sẽ sử dụng các loại dầu thực vật hoặc sữa rửa mặt dạng dầu để tẩy sạch lớp phấn sáp. Các sản phẩm này cũng phải có công thức dịu nhẹ, không chứa gốc xà phòng như mỹ phẩm của người phương Tây.
Tiếp đó, họ sẽ sử dụng một công thức tẩy tế bào chết chứa enzyme đặc biệt làm từ gạo để tẩy sạch lớp sáp bintsuke trên da, làm sạch da thật sâu mà vẫn dịu nhẹ. Trong các bước dưỡng khác như cân bằng da hay dưỡng ẩm, geisha cũng không bao giờ chọn sản phẩm chứa cồn hay xà phòng, để giữ da mình không bị khô và lão hóa.
Các bước trang điểm
Kiểu trang điểm ấn tượng với khuôn mặt trắng như búp bê sứ và đôi môi đỏ thắm đã trở thành hình ảnh bất hủ về các geisha. Nhưng có lẽ, không phải ai cũng hiểu tại sao geisha lại phải trang điểm đậm như vậy.
Cách trang điểm này chịu ảnh hưởng của bộ môn kịch nghệ kabuki truyền thống của người Nhật, khi mà hàng trăm năm trước, người diễn viên phải biểu diễn dưới ánh sáng mờ ảo của những ngọn nến. Nếu không trang điểm đậm như vậy, thì khán giả sẽ khó có thể nhìn rõ biểu cảm của diễn viên. Ngày nay, nhiều người khi tiếp xúc trực tiếp với các geisha trong điều kiện ánh sáng bình thường đã thừa nhận rằng kiểu trang điểm này không quá đậm như khi nhìn qua ảnh.
Lớp trang điểm nền màu trắng được thực hiện bằng cách trộn một chất bột trắng đặc biệt với một dung dịch chuyên dụng để tạo thành hỗn hợp sền sệt rồi thoa lên mặt. Riêng màu son môi đỏ được thực hiện khá kỳ công. Màu son này được tạo từ một chất gọi là beni – chiết xuất tinh khiết từ hồng hoa Nhật Bản. Beni sẽ có dạng như màu nước, hơi sền sệt và khá khô, thậm chí nhìn còn không có màu đỏ. Chỉ khi dùng cọ ướt thoa beni lên môi thì màu son mới lên thành màu đỏ thắm như máu.
Nhiều geisha còn thích giấu beni vào bên trong lòng vỏ sò hay vỏ ốc, để không ai biết đó là nơi họ cất trữ son môi của mình.
Bí mật của mái tóc
Trong khi cả thế giới đang phát cuồng vì dầu dừa, thì geisha Nhật Bản vẫn yêu thích dầu hoa trà. Đây được coi là loại dầu thực vật rất có lợi cho sức khỏe. Geisha dùng dầu hoa trà để nấu ăn, pha đồ uống, dưỡng da, dưỡng tóc. Họ thường sử dụng dầu gội chiết xuất từ gạo và rong biển, sau đó dùng dầu hoa trà để thay cho dầu xả.
Khi còn trong quá trình học hỏi, các geisha tập sự sẽ được một chuyên gia làm tóc giúp búi tóc, sử dụng sáp bintsuke để tạo kiểu, và có thể giữ nếp qua cả đêm nếu ngủ bằng gối làm từ kiều mạch. Nhưng đến khi trở thành geisha chính thức, họ chỉ cần đội tóc giả mà thôi.
Theo Đẹp
Nghi thức làm đẹp của một Geisha hiện đại
Các Geisha hiện đại vẫn tiếp nối truyền thống làm đẹp cầu kỳ với các nguyên liệu từ thiên nhiên để chăm chút dung nhan.
Chăm sóc sắc đẹp mỗi ngày
Các Geisha hiện đại vẫn tiếp nối truyền thống sử dụng những thành phần làm đẹp từ tự nhiên như cám gạo, trà xanh, rong biển...
Tiếp nối truyền thống từ thời xưa, các Geisha hiện đại không sử dụng nhiều mỹ phẩm có hóa chất. Họ ưu tiên dùng những thành phần tự nhiên, dễ kiếm nhất để làm đẹp. Cám gạo, rong biển và trà xanh là 3 thành phần quan trọng nhất trong nghi thức chăm sóc da của một Geisha. Trà xanh chứa một chất chống oxy hóa có tên gọi là EGCG, giúp chống nắng, chống tia cực tím và nuôi dưỡng làn da trẻ trung. Trà xanh cũng là phương pháp được các Geisha sử dụng để điều trị mụn.
Không sử dụng những loại dầu gội, sữa tắm thông thường, các Geisha dùng cám gạo để làm sạch sâu toàn bộ các vùng da. Cám gạo lành tính, hợp với nhiều loại da, lại có tính nắng tẩy tế bào chết rất hiệu quả. Cám gạo được dùng trong hầu hết các bước làm sạch, từ tắm, gội đầu đến rửa mặt.
Công thức dưỡng da của các Geisha cũng rất đặc biệt. Họ sử dụng một loại kem dưỡng bí truyền được làm từ rong biển và dầu gan cá mập. 2 chất này giúp dưỡng ẩm da vô cùng hiệu quả. Họ luôn tin rằng các loại dầu tự nhiên là phương pháp làm đẹp hữu hiệu và thân thiện với làn da nhất.
Trang điểm khi lên sân khấu
Màu son đỏ đặc trưng của các Geisha có tên gọi là 'Kyoto Red', được làm từ chiết xuất tinh khiết của cây rum Nhật Bản.
Khi một Geisha lên sân khấu, họ trang điểm rất đậm. Khuôn mặt được đánh trắng như tượng sáp, môi và mắt được kẻ vẽ rất cầu kỳ ấn tượng. Các Geisha sử dụng một loại bột trắng, mua từ nhà thuốc Đông Y rồi trộn với một vài thành phần bí truyền để tạo ra một lớp phấn có độ kết dính cao, khi sử dụng giống như mang mặt nạ vậy. Làn môi màu đỏ của các Geisha được đặt tên là 'Kyoto Red', Màu son này được làm từ Beni, một chiết xuất tinh khiết từ cây rum Nhật Bản.
Mái tóc cũng là một tác phẩm nghệ thuật của các Geisha. Họ dành hàng giờ trước khi lên sân khấu để tạo kiểu tóc. Kiểu tóc của các Geisha có thể được miêu tả đơn giản là tổ hợp những lọn tóc búi phồng được gắn kết bằng trang sức. Họ sử dụng một loại keo xịt tóc đặc biệt để cố định toàn bộ mái tóc, tránh việc tóc bị xô lệch trong khi biểu diễn.
Xuống sân khấu
Rời sân khấu, các Geisha sử dụng tinh dầu hoa trà để làm sạch sâu các lớp hóa trang.
Vào cuối ngày, các Geisha sẽ trải qua nghi thức làm sạch sâu để lột bỏ toàn bộ lớp hóa trang dày từ khuôn mặt cho tới mái tóc. Họ thường sử dụng tinh dầu hoa trà để làm sạch lớp hóa trang. Với mái tóc, họ sử dụng dầu dừa để nuôi dưỡng và phục hồi. Các Geisha cũng lặp lại quy trình tắm gội với cám gạo trước khi nghỉ ngơi toàn diện.
Theo ngôi sao
Hậu trường hóa trang thành Geisha của Diệp Lâm Anh Nữ ca sĩ mất 2 tiếng để trang điểm và hóa thân thành kỹ nữ Nhật Bản. Diệp Lâm Anh và chuyên viên trang điểm cùng bàn bạc cách hóa trang trước giờ biểu diễn cho liveshow 9 "Bước nhảy Hoàn vũ" tối 21/3. Nữ ca sĩ vào vai một nàng Geisha trong tác phẩm "Hồi ức một Geisha". Đầu tiên, chuyên gia...