Cận cảnh buôn lậu “hàng nóng” ở biên giới miền Tây
Tình trạng buôn lậu qua biên giới từ Campuchia vào Việt Nam diễn ra quanh năm ở các cửa khẩu biên giới miền Tây, với các mặt hàng như đường cát, thuốc lá, xăng dầu, trâu bò…
Hiện nay tình trạng buôn lậu thuốc lá ngoài từ Campuchia vào các cửa khẩu ở An Giang luôn “ nóng”, chủ yếu qua đường tiểu ngạch.
Những tay buôn lậu thuốc lá đeo trên mình hàng trăm gói thuốc Hero từ Campuchia để vượt biên vào Việt Nam. Hàng ngày, cửa khẩu Vĩnh Sương, thị xã Tân Châu – An Giang thường xuyên diễn ra những cảnh như thế này.
Tuyến quốc lộ 91 từ Châu Đốc về Long Xuyên (An Giang) mỗi ngày có hàng chục chiếc xe gắn máy phân khối lớn chuyên vận chuyển thuốc lá lậu.
Theo chi cục quản lý thị trường tỉnh An Giang, 4 tháng đầu năm 2014, các lực lượng chức năng đã bắt 835 vụ buôn lậu, hàng hóa trị giá trên 17,4 tỷ đồng. Trong đó, mặt hàng thuốc lá lậu bắt tịch thu trên 278.000 gói.
Thuốc lá điếu sản xuất từ nước ngoài là mặt hàng “nóng” được nhập lậu ồ ạt từ Campuchia qua các cửa ngõ biên giới An Giang, dù các lực lượng chức năng quyết liệt ngăn chặn.
Video đang HOT
Thuốc lá lậu được ngành chức năng bắt được đem đi tiêu hủy.
Song song đó vấn đề buôn lậu đường cát của Thái Lan từ Campuchia vào các cửa khẩu An Giang cũng “nóng” mỗi ngày.
Hằng ngày, từ Campuchia, từng đoàn xe tải siêu trọng, mỗi chiếc chở 600-900 bao đường Thái Lan theo quốc lộ 21 liên tục đổ về Chraythom (thuộc Kohthom, Kandal) đối diện cửa khẩu Khánh Bình, huyện An Phú (An Giang), để chờ cơ hội vào Việt Nam.
Sau khi xuống bến, từng bao đường Thái được nhân công thay bao bì bằng vỏ bao không nhãn mác hoặc vỏ bao đường nội rồi đưa lên băng chuyền chuyển xuống ghe. Thông thường các tay đầu nậu buôn đường hoạt động giữa sông Bình Di, nơi tiếp giáp giữa biên giới Campuchia và An Giang.
Các tay đầu nậu buôn đường thuê tiền công vận chuyển từ bên kia biên giới qua tận nhà kho phía An Giang bên này biên giới khoảng 30.000 đồng/bao.
Ngành chức năng của Ban chỉ đạo 127 tỉnh An Giang, cho biết: Từ đầu năm tới nay các lực lượng chống buôn lậu kiểm tra tạm giữ gần 20 xe tải chở đường cát, chủ yếu khi đang vận chuyển ở nội địa, với tổng số lượng chưa tới 400 tấn. Tuy nhiên, phần lớn số vụ này chưa thể xử lý.
Dân An Giang cho biết, tại khu vực cửa khẩu Tịnh Biên – An Giang mỗi ngày có đến hàng trăm con trâu bò từ Campuchia rầm rập kéo về đường tiểu ngạch đi băng đồng qua kênh Vĩnh Tế vào địa phận An Giang.
Địa bàn có nhiều trâu bò nhập lậu ở An Giang là xã An Phú (Tịnh Biên) và xã Vĩnh Gia (Tri Tôn). Tuyến biên giới Tây Nam hiện nay cấm nhập khẩu trâu bò, nhưng đa phần chưa được kiểm soát dịch đã sang tay cho các lái của Việt Nam đem đi tiêu thụ khắp nơi.
Tình trạng nhập lậu trâu, bò không những khó kiểm soát dịch bệnh mà còn làm cho nhà nước mất đi một khoản thu rất lớn từ thuế nhập khẩu chính ngạch.
Mỗi khi giá xăng dầu nội địa thấp hơn nước ngoài thì tình trạng buôn lậu xăng dầu từ Việt Nam sang Campuchia lại nóng.
Vào lúc cao điểm, các tay đầu nậu ở cửa khẩu biên giới An Giang đưa xăng dầu qua biên giới hàng triệu lít mỗi ngày.
Tuy nhiên thời điểm này, các cửa khẩu ở An Giang ít xuất hiện buôn lậu xăng dầu qua biên giới vì giá xăng dầu giữa 2 bên Việt Nam và Campuchia chênh lệch không nhiều, một vị lãnh đạo Hải quan huyện Tịnh Biên cho biết.
Chợ Gò Tà Mâu (Campuchia) là nơi tập kết các mặt hàng thuốc lá, đường cát, mỹ phẩm, vải vóc, gỗ… chỉ cách thành phố Châu Đốc – An Giang khoảng 1,5km nên rất thuận lợi tuồn hàng lậu vào Việt Nam.
Theo Tri Thức
Buôn lậu rượu, bia ngày càng phức tạp
Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, hiện tại, tình hình buôn lậu bia qua biên giới đang có chiều hướng gia tăng.
Ông Đỗ Thanh Hòa, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tây Ninh cho biết, tại hai bên cánh gà cửa khẩu Mộc Bài bên kia biên giới Campuchia tình hình buôn lậu bia, rượu diễn biến phức tạp. "Các đối tượng buôn lậu không từ một thủ đoạn nào để đối phó với cơ quan chức năng. Nhiều kho chứa hàng chủ yếu là bia và rượu ngoại do các doanh nghiệp tại TP.HCM và doanh nghiệp trong khu thương mại công nghiệp Mộc Bài làm thủ tục hải quan xuất khẩu sang Campuchia bán cho doanh nghiệp Campuchia, nhưng họ không nhập khẩu vào Campuchia mà để lại kho này, sau đó tổ chức chia nhỏ, vận chuyển nhập lậu trở lại khu vực hai bên cánh gà vào nội địa về TP.HCM. Đặc biệt, những thời điểm nhu cầu mặt hàng bia, rượu cao, chênh lệch nhiều, buôn lậu gia tăng hoạt động", ông Hòa cho hay.
Nhiều doanh nghiệp làm thủ tục xuất bia sang Campuchia nhưng không nhập khẩu vào nội địa Campuchia mà để quay vòng về Việt Nam - Ảnh: Thu Hằng
Trong 5 tháng đầu năm 2014, cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh đã kiểm tra, xử lý 26 vụ, tịch thu 1.558 chai rượu và 7.260 lon bia các loại. Tuy nhiên, đây chỉ là con số rất khiêm tốn, trên thực tế, số hàng lậu vận chuyển qua biên giới lớn hơn rất nhiều lần. Dù biết là hàng nhập lậu nhưng các lực lượng chức năng không thể xử lý vì chính sách còn nhiều kẽ hở. Thay vì phải nộp thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt như các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu bia sang Campuchia được miễn thuế và được mở tờ khai không hạn chế. Trong khi người Campuchia được mua tương đối thoải mái.
Ông Phạm Hồng Đức, Phó cục trưởng Cục Hải quan Tây Ninh cho rằng: "Hải quan chỉ có nhiệm vụ giám sát hàng ra khỏi cột mốc. Còn việc có nhập vào Campuchia hay không lại thuộc quyền quản lý của của hải quan nước bạn. Vì vậy, các đối tượng buôn lậu đã nhờ người Campuchia mua, nhưng không mang hàng về, mà mang tới các kho hàng thuộc khu vực vành đai. Lợi dụng đường biên giới dài, quân số lực lượng chống buôn lậu mỏng, nên từ đây hàng lậu tuồn qua lối mòn quay trở về Việt Nam".
Một cán bộ quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh cho hay, giá vận chuyển mỗi thùng bia Heineken nhập lậu có thể lãi cả trăm nghìn đồng. Đây là lý do, người dân ở vùng biên tiếp tay cho buôn lậu.
Không thể chống buôn lậu bằng "hàng rào người"
Trong khi tình hình buôn lậu bia rượu đang diễn biến phức tạp, thì mới đây, Bộ Tài Chính đưa ra dự thảo sửa đổi, bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu bia lên 15 - 30% so với mức đang áp dụng. Mục đích là để hạn chế sử dụng của người tiêu dùng đối với mặt hàng này và tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, ông Đỗ Thanh Hòa lại lo ngại, nếu không có giải pháp chống buôn lậu đi kèm sẽ tăng tình trạng buôn lậu.
Là chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về chính sách công nghiệp, Giáo sư Phan Đăng Tuất (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công nghiệp) cho rằng, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thời điểm này là miếng mồi ngon cho hàng nhập lậu. Ngành bia nguyên liệu nhập khẩu và giá nguyên liệu hàng năm đều tăng, giờ cộng thêm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên sẽ đẩy giá tăng đột biến. Chênh lệch giá càng nhiều, buôn lậu càng tăng. "Hàng rào công cụ chống buôn lậu tốt nhất là hàng rào thuế, phải bằng các chủ trương và các giải pháp kinh tế, không tạo ra kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng trốn thuế chứ không phải là tăng hàng rào "người" căng ra để chống buôn lậu. Chống buôn lậu bằng phương pháp hành chính là cách chống kém hiệu quả nhất và tốn kém nhất vì vừa phải truy đuổi, tịch thu hàng hóa vừa phải bỏ tiền tiêu hủy", ông Tuất bày tỏ.
Để hạn chế buôn lậu bia rượu qua biên giới, ông Đỗ Thanh Hòa kiến nghị, Bộ Tài Chính nên tính toán lại cơ chế quản lý nếu doanh nghiệp xuất mà không có hợp đồng, không có địa chỉ người mua bên Campuchia thì hải quan không mở tờ khai. "Nếu giá bia Việt Nam quá đắt, người ta sẽ mua bia ngoại về uống. Vô hình chung, hàng lậu, hàng giả sẽ tràn vào, dù tăng cường lực lượng chức năng thì công tác phòng chống buôn lậu vẫn khó trăm bề", ông Hòa nói.
Theo Thanh Niên
Xe giường nằm chở hơn 10.000 gói thuốc lá lậu Sáng nay 6.5, Đội Cảnh sát chống buôn lậu (thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế và chức vụ - PC46 - Công an Bình Thuận) đã ra quyết định tạm giữ xe khách giường nằm mang BKS 51B-133.40 vì vận chuyển hơn 10.000 gói thuốc lá điếu nhập lậu. Chiếc xe giường nằm đang tạm giữ tại Công an Bình Thuận Trước đó,...