Cận cảnh 8 ngôi mộ cổ vừa được khai quật ở TP.HCM
Trong quá trình san lấp, giải phóng mặt bằng xây dựng khu nhà ở phường An Phú ( quận 2, TP.HCM) có 8 ngôi mộ cổ được phát hiện. Đây là một quần thể mộ cổ xây dựng bằng đá ong được khai quật ròng rã cả năm trời…
Mỗi ngày các nhà khoa học đều phải có mặt tại hiện trường từ sớm cùng nhân công tiến hành các công việc phát quang, đào đất
Ngoài Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Sở Văn hóa – Thể Thao TP.HCM làm chủ xị, còn có sự tham gia khảo sát của các cơ quan nghiên cứu: Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Trung tâm Khảo cổ học Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ… PGS-TS Nguyễn Lân Cường cũng từ Hà Nội bay vào cùng với các chuyên gia khảo cổ tiến hành ngày đêm xử lý, bơm nước, đãi cát, sàng lọc đất đá vô cùng vất vả để tìm kiếm và làm rõ các dấu tích kiến trúc, hình thức tục táng và các di vật, mẫu vật…
Nhiều người dân ở khu vực này cho biết trước đây khu mộ nằm trên khu đất cao ráo so với xung quanh nhưng do quá trình đô thị hóa khiến cho quần thể mộ bị ngập chìm trong nước và sình lầy với nhiều cây cối đặc trưng của vùng đất phèn mặn.
Mộ ký hiệu 2014.AP.H3.M4 sau khi phát quang giữa đám bần, dừa nước, hút bùn, đào sâu xuống 0,5 m nhóm phát hiện ngoài phần kiến trúc âm còn có một số loại hình gốm sứ, thủy tinh nghi là đồ thờ tự gắn với lễ cúng người đã khuất. Phần quan tài ngôi mộ này đã bị sụp và hủy hoại, chỉ còn phần đáy quan với lớp tro lẫn đất đen. Điều đặc biệt là ở phần đầu quan tài xuất hiện lớp búi tóc dài màu bạc và một số răng. Các di vật tìm thấy như cúc áo, kính mắt, gốm sứ. Căn cứ vào kết quả giám định, PGS-TS Nguyễn Lân Cường cho rằng có thể người nằm dưới mộ là một nam giới ở vào độ tuổi trưởng thành.
Hai mộ song táng ký hiệu 2014.AP.H6.M05-06 bên cạnh nhau cũng nằm trong cỏ lác, lau lách nhưng có kiến trúc khá đẹp, kết hợp giữa đá ong, đá xanh và một số vật liệu hợp chất kết dính. Khu vực huyệt mộ được giới hạn bằng 4 thanh đá, mô hình hai bia mộ ở phía sau và 4 trụ sen bằng chất liệu đá xanh ở bốn góc. Toàn bộ khuôn viên được bao quanh hệ thống tường mộ bằng các khối đá ong, trang trí kiến trúc ở phần bờ nóc mái giống với bình bát sơn trên mũ mão quan lại triều Nguyễn, phía cổng mộ tạo dáng hình các bệ thờ sập chân quỳ ở hai bên tả hữu. Nền mộ và sân thờ lát gạch tàu, bên trên lớp gạch tàu là lớp vữa hợp chất mỏng.
Quá trình khai quật mộ cổ gặp rất nhiều khó khăn và vất vả
Video đang HOT
Mộ ký hiệu 2014.AP.H4.M8 không còn di cốt, trong lòng huyệt chỉ tìm thấy một phần mảnh gỗ quan tài hình chữ nhật đã bị mục nát. Mộ ký hiệu 2014.AP.H2.M14 là của một nam giới 30 – 35 tuổi nên kỹ thuật chạm trổ không được sắc nét cho lắm, trong quan tài di cốt đã mục nát, có dấu vết của vải sợi nhỏ mịn và lớp hạt thực vật kết tảng.
Ngôi mộ cổ cuối cùng thì ô hộc chính giữa cổng mộ phía trước có dạng hình vuông, cát đổ đầy huyệt. Hộp sọ theo thời gian đã bị mủn nát nằm với một ít xương chân lẫn trong lớp chiếu cói… Đáy mộ bị phá hủy nghiêm trọng, duy có mảnh quan còn lại theo kết quả giám định niên đại cách đây khoảng 200 năm…
Nhiều nghi vấn cần được giải đáp
Qua cách thức an táng 8 ngôi mộ cổ, các nhà khoa học cho rằng những người chết thuộc dạng có đời sống kinh tế khá giả. Với các đặc điểm, tạo dáng, trang trí: mô phỏng hình sập chân quỳ ở các bệ thờ, bình phong, trụ biểu búp sen và mô hình lợp mái ngói âm dương cũng như việc chế tạo quan tài với 1/3 thân cây gỗ, nhiều đề tài: hoa cúc, hoa lá cây, hồi văn, sơn son thiếp vàng… chạm trổ trên quách, các đặc điểm an táng bằng nhựa thông, sử dụng thực vật chống khuẩn, chiếu cói, than tro… cho thấy sự kế thừa truyền thống của người Việt từ Đàng ngoài cho đến Đàng trong và thống nhất dưới thời Nguyễn (thế kỷ 19).
Quần thể ngôi mộ cổ nằm trong khu vực toàn sình lầy, lau lách
PGS-TS Nguyễn Lân Cường (áo trắng) từ Hà Nội cũng vào trực tiếp tham gia
“Giở từng trang sách đất” tìm di vật
“Có thể trước đây, họ sinh sống ở vùng khác nhưng khi chết tập trung về đây để chôn vì thời đó quận 2 vẫn còn hoang vắng. Di vật có 1 mắt kiếng tìm được có thể là của người chết sử dụng vì nửa đầu thế kỷ 19 người ta thường đeo kính bằng cột dây chứ không có gọng như bây giờ cũng cần được nghiên cứu thêm. Phần gạch thẻ xây kim tĩnh có thể khai quật xem ngày sản xuất hoặc xưởng sản xuất”, tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu nói.
Còn tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM thì cho rằng: “Cấu trúc mộ song táng không có nấm mộ dạng hình chữ nhật giật cấp bằng hợp chất của các quan lại đại thần thời Nguyễn, các loại hình nấm mộ dạng mu rùa của những người gốc Thuận – Quảng ở miền Trung vào Nam bộ. Ở bên trên cũng là điều khá lạ và khác biệt so với những phát hiện mộ cổ trước đây. Tấm bia sót lại duy nhất ghi hai chữ Đại Nam trong quần thể 8 ngôi mộ cổ cũng hé lộ phần nào về thời gian xây cất mộ. Trong quá trình khai quật, chúng tôi cho sử dụng mọi phương pháp cần thiết để không bỏ sót một di vật nào phục vụ cho công tác nghiên cứu của các nhà khoa học sau này…”.
Ông Lê Tôn Thanh, Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể Thao TP.HCM khẳng định: “Công tác tổ chức khai quật 8 ngôi mộ cổ ở quận 2 trong thời gian một năm qua được khảo sát, thực hiện khá kỹ càng và bài bản. Kết quả thu được rất nhiều hiện vật quý giá về mô hình xây mộ cổ bằng đá ong, các phong tục, tập quán mai táng của người Nam bộ… Từ đó bổ sung vào kho tư liệu khoa học cho thành phố, tiến hành phục dựng và bảo tồn để nghiên cứu, làm rõ những nghi vấn cần giải đáp, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung vào lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn – TP.HCM. Kết quả khai quật 8 ngôi mộ cổ quy mô lần này hi vọng sẽ đóng góp vào trong nghiên cứu mộ đá ong điển hình ở Nam bộ xưa”.
Phát hiện lớp nhựa thông dày dùng để mai táng
Phát hiện khuy áo, mắt kiếng và các đồ dùng sành sứ, gốm
Kể cả mảnh bom, đạn trong chiến tranh
Bia mộ duy nhất được tìm thấy ghi hai chữ Đại Nam cũng giúp cho việc xác định thời gian an táng khu mộ
Lê Công Sơn
Ảnh: Lương Chánh Tòng
Theo Thanhnien
Giải mã bước đầu quần thể 8 mộ cổ tại TP.HCM
Sau gần một năm khẩn trương khai quật và nghiên cứu, ngày 5.9, Bảo tàng Lịch sử TP và Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM đã công bố những nghiên cứu về 8 ngôi mộ cổ ở Q.2 được tạo lập vào khoảng nửa sau thế kỷ 19.
Các nhà khoa học khai quật 2 ngôi mộ song táng - Ảnh: Lương Chánh Tòng
Quần thể khu mộ cổ với 8 ngôi mộ xây bằng đá ong nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 5 km đường chim bay, thuộc khu vực P.An Phú (Q.2) có lối kiến trúc khá độc đáo, thống nhất các bộ phận kết cấu từ ngoài vào phía bên trong, gồm: bình phong tiền, cửa - cổng mộ, sân thờ, huyệt mộ, bình phong hậu, bao quanh là tường thành và các trụ biểu - trụ sen, hướng mộ đều nhìn về phía tây. Ông Lương Chánh Tòng, thư ký dự án, cho biết do toàn bộ khu mộ nằm trong khu vực sình lầy, thuộc khu vực một dự án đang xây dựng nên công việc khai quật phải tiến hành khẩn trương nhưng hết sức thận trọng và tỉ mỉ.
Những ngôi mộ đặc biệt
Các nhà khoa học đặc biệt chú ý tới hai mộ song táng trong quần thể mộ này. Ông Lương Chánh Tòng cho biết: "Huyệt mộ có dạng nam tả, nữ hữu, mộ bên trái xây kim tĩnh bằng đá ong, dưới nền kim tĩnh lát gạch tàu, mộ bên phải xây kim tĩnh bằng gạch thẻ, nền kim tĩnh lát gạch tàu. Cả hai kim tĩnh đặt bên trên các thanh đá xanh và trụ sen cùng mô hình bia mộ bằng đá xanh tạo thành khu huyệt hình chữ nhật với kỹ thuật chốt mộng. Trong lòng kim tĩnh đổ cát vàng, di cốt của hai mộ đã bị tiêu hủy gần hết chỉ còn lại một số răng, một phần hộp sọ và ít đốt xương chân tay". Tại hai mộ song táng này, các nhà khoa học còn thu được những di vật thủy tinh, đĩa đèn gốm đất nung, mảnh gốm sứ... Riêng mộ số 05 còn phát hiện một di vật hình tròn thủy tinh dạng mắt kiếng, dưới đáy quan còn có lớp dầu thông dày 5 - 7 cm và lớp da động vật trải lót.
Mộ ký hiệu 2014.AP.H5.M7 có hệ thống mái giả lợp ngói âm dương, tạo ô hộc ở các điểm phần trụ sen. Ngôi mộ 2014.AP.H3.M10 có những đặc điểm trang trí kiến trúc tương đối hoàn chỉnh, nghệ thuật chạm khắc đá ong tinh xảo, tìm thấy dấu vết của vải quấn chôn nhiều ở phần đầu. Lại có ngôi mộ có ô hộc chính giữa cổng mộ phía trước dạng hình vuông, cát đổ đầy huyệt, phần nắp quan tài được tạo bởi 1/3 thân cây...
Sẽ phục dựng, bảo tồn để nghiên cứu
Chứng kiến những hiện vật và tư liệu tìm thấy được, TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu khẳng định: "Đây là một công trình khai quật quần thể mộ cổ quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở Nam bộ. Việc phát hiện ra nhiều di vật như vải, khuy áo, mắt kiếng, mảnh thủy tinh... khá lý thú. Gạch thẻ dùng để xây dựng kim tĩnh nung rất già, nên nghiên cứu sản xuất vào năm nào. Phương pháp sử dụng cát để hút ẩm thay thế cho đổ chè, nhựa thông trước đây cần được làm rõ...".
Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, cho rằng: "Cấu trúc mộ song táng không có nấm mộ dạng hình chữ nhật giật cấp bằng hợp chất của các quan lại đại thần thời Nguyễn hay các loại hình nấm mộ dạng mu rùa của những người gốc Thuận - Quảng ở miền Trung vào Nam bộ cũng là điều khá lạ và khác biệt so với những phát hiện mộ cổ trước đây. Một tấm bia sót lại ghi hai chữ Đại Nam cũng hé lộ phần nào về thời gian xây cất mộ...". Các nhà nghiên cứu cho rằng việc sử dụng nhựa thông để mai táng ở các ngôi mộ này có truyền thống từ lâu đời ở VN, bắt nguồn từ miền Bắc, theo chân các chúa Nguyễn trên hành trình mở cõi phương nam và phổ biến ở Nam bộ thời Nguyễn.
Hiện 2 ngôi mộ song táng đang được tiến hành cho phục dựng tại khu mộ cổ Gò Quéo (Q.2, TP.HCM) và chờ quy hoạch hoàn chỉnh sẽ tiến hành các thủ tục để đưa vào bảo tồn, xếp hạng di tích trong thời gian tới.
Lê Công Sơn
Theo Thanhnien
Giải mã bí ẩn 8 ngôi mộ cổ ở Sài Gòn Chủ nhân ngôi mộ được táng bằng nhựa thông, sử dụng hạt thực vật chống khuẩn... những kỹ thuật vốn từ ngoài Bắc theo chân người vào Nam mở cõi. Sở Văn hóa Thể thao và Bảo tàng Lịch sử TP HCM vừa báo cáo kết quả việc khai quật 8 ngôi mộ cổ trong dự án Khu đô thị 87 ha tại...