Cận cảnh 2 khu tập thể sắp sập vẫn đông dân sinh sống
Khi mưa bão nhiều hộ gia đình có đến bốn thế hệ trong khu tập thể ở Giảng Võ và Thành Công (Hà Nội) lại vác chăn màn chạy nạn.
Đó là thực trạng sinh sống của hàng trăm hộ dân đang ở hai khu tập thể C8 Giảng Võ và E6 Thành Công (Quận Ba Đình, Hà Nội), 2 công trình đang bị xuống cấp nhiều năm qua.
Phản ánh về tình trạng diễn ra tại khu tập thể C8, bà Trần Thị Minh Sâm (70 tuổi) sống tại khu tập thể cho biết: “Khu tập thể C8 được xây dựng vào những cuối thập niên 60 thế kỷ trước cho cán bộ Công an Quận Ba Đình ở, sau này nhiều hộ có điều kiện tách ra, ai chưa có điều kiện vẫn ở đây. Gia đình tôi ở đây từ những ngày đầu đến nay đã bốn thế hệ cả con cháu, và hai chắt cùng sống chung căn hộ với diện tích sử dụng 28 mét vuông”.
Cũng tương tự như khu tập thể C8, dãy tập thể E6 Thành Công cũng xuống cấp và khiến nhiều hộ dân sống trong lo âu, sợ hãi. Chú Long (56 tuổi) sống ở trên tầng 5 cũng cho biết: “Mỗi lần bão về, gần nhất là bão số 2 vừa rồi là những hộ trên cao, sát với cầu thang, chúng tôi lại phải vác chăn màn chạy sang trường học phía sau để lánh nạn vì tường rung mạnh, nhà mưa dột.
Nhiều nhà có trần, tường nhà long tróc từng mảng vữa rất nguy hiểm. Trước cơn bão số 2 vừa rồi, khu tập thể phải thuê thợ hàn về hàn hàng loạt những lan can bị hở cốt thép tránh tình trạng bị bật bung rơi xuống. Sau bão, các vết nứt lại há rộng thêm một chút, khiến chúng tôi rất hoang mang”.
Trước tình trạng trên, nhiều hộ dân ở hai khu tập thể C8 Giảng Võ và E6 Thành Công có mong muốn sớm được UBND thành phố hoàn thành kế hoạch tu bổ và di dân đến nơi an toàn, thuận lợi cho các con em đang tuổi đi học.
Một số hình ảnh tại hai khu tập thể:
Người dân trong khu tập thể Giảng Võ sống cảnh khổ sở, sợ hãi. Nhiều lan can chắn trước cửa nhà dân bị vỡ, nứt tung mảng bê tông còn trơ cốt thép rất nguy hiểm. Đường lên cầu thang ngổn ngang những vật liệu công nhân đang thi công hệ thống giá đỡ cho khu nhà. Lan can được người dân tận dụng cơi nới mở rộng diện tối đa để phơi quần áo, để đồ cá nhân.
Với mỗi cầu thang có 30 hộ dân, cả khu tập thể C8 có tới 90 hộ với hàng trăm khẩu già trẻ ngày ngày vẫn đối mặt với những mối nguy hiểm.
Tại khu tập thể C8 Giảng Võ, Ba Đình, tình trạng xuống cấp có thể nhìn thấy ở cả ba khu cầu thang và nặng nhất tại cầu thang số 3. Từ dưới tầng 1 lên đến tầng 5 của khu tập thể, phần lớn vách tường sát mép cầu thang bị tách rời nhau đến nửa gang tay, có thể nhìn xuyên qua và các đồ vật nhỏ có thể dễ dàng lọt qua khe.
“Khu cầu thang 3 là nơi xuất hiện sự lún sụt, tách nứt tường rõ rệt nhất là mỗi khi công trường phía trước đóng cọc bê tông làm móng nhà khiến người dân lại được phen sợ hãi, mất ngủ vì tường rung lên bần bật”, người dân cho biết.
Video đang HOT
Bà Sâm trong bếp với chiều ngang 1,5 m. Phía trong là nhà vệ sinh không đi nổi hai người.
Cận cảnh những vết nứt, tách tường với cầu thang. Từ tầng 1 lên tầng 5 hầu hết các bức tường đều bị nứt tách, có chỗ vết nứt gần bằng gang tay.
Căn hộ 28m2 của bác Long có những lúc 12 người chung sống.
Công nhân được thuê đến để tu bổ.
Tại khi tập thể E6 Thành Công, tình trạng giống như C8 Giảng Võ, công nhân đang gấp rút tiến hành tu bổ.
Tường nứt vỡ cả gạch lộ ra bên ngoài.
Nhiều hộ dân tận dụng lan can cơi nới tăng diện tích phơi quần áo, để đồ cá nhân hay trông hoa, cây xanh.
Hiện tại, hai khu tập thể đang nằm trong kế hoạch tu bổ thực hiện các biện pháp cấp bách bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân của UBND thành phố Hà Nội. Sở xây dựng sẽ khẩn trương kiểm định và kết luận về chất lượng hai công trình trước ngày 5/7 và triển khai các bước tiếp theo; sau đó Quận Ba Đình sẽ công bố quy định về nhà nguy hiểm và tiến hành di chuyển các hộ dân, áp dụng các biện pháp di chuyển tạm các hộ dân đến nơi an toàn nếu có mưa bão bất thường. UBND thành phố yêu cầu Sở Quy hoạch – kiến trúc khẩn trương lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Giảng Võ và Thành Công, trình UBND thành phố phê duyệt trong tháng 7 này.
Theo vietbao
Ám ảnh 'kiếp sống sợ hãi' giữa thủ đô
Sự xuống cấp trầm trọng của các ngôi nhà tập thể đang hàng ngày đe dọa tính mạng hàng ngàn người dân Hà Nội.
Được xây dựng từ cách đây hơn nửa thế kỷ, các khu nhà tập thể từng là mơ ước của nhiều công chức nay đã trở nên dột nát nghiêm trọng, gây khó khăn trong sinh hoạt, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đe dọa tính đến những người đang sử dụng.
Ghi nhận của phóng viên TS, tại hầu hết các khu tập thể cũ ở Hà Nội như Giảng Võ, Bách khoa, Văn Chương, Kim Liên, Nam Đồng, Thành Công, Nguyễn Công Trứ... đều ở trong tình trạng xuống cấp trầm trọng.
Mặc dù xuống cấp nhưng cảnh tượng 6-7 con người chen chúc trong một căn phòng với diện tích khoảng 20-30m2 là hình ảnh dễ bắt gặp ở bất cứ khu tập thể nào.
Do đã cũ, tường của các ngôi nhà đã bị nứt, móng sụt lún, hệ thống điện nước không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt... Đã vậy, người dân ở mỗi căn hộ thường xuyên cơi nới diện tích sử dụng khiến những ngôi nhà đã già nua càng phải gồng mình gánh thêm những chiếc "chuồng cọp", nguy cơ về một sự đổ vỡ luôn rình rập.
Hình ảnh những khu tập thể cũ giữa lòng Hà Nội.
Trước đây, trong các khu nhà tập thể luôn có những khoảng sân để sinh hoạt chung và trẻ em vui chơi, nhưng nay những khoảng sân này đã biến thành nơi để xe, thậm chí thành các khu chợ sầm uất. Nhà đã cũ kỹ, xuống cấp lại bị vây quanh bởi chợ búa mất vệ sinh khiến các hộ nơi đây luôn cảm thấy bị "ngộp thở".
Khu tập thể E4 - Đại học Y Hà Nội (phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội) được xây dựng từ năm 1974 để phục vụ sinh viên. Sau đó, hơn 100 căn hộ được chuyển thành nhà ở cho cán bộ của trường.
Mỗi phòng của khu tập thể này có chiều rộng 1,8 mét, chiều dài gần 8 mét. Do diện tích phòng quá nhỏ, hầu hết người dân đều cơi nới thêm để làm khu bếp và nhà vệ sinh.
Hậu quả, hệ thống thoát nước của các hộ dân đều không được đấu nối vào hệ thống thoát nước chung của ngôi nhà mà hầu hết thông qua những ống nhựa dẫn thẳng nước thải từ các "chuồng cọp", chảy qua đầu người dân, rồi đổ ra sông Lừ trước nhà E4.
Lối vào khu tập thể A2 Giảng Võ như một hang tối và ẩm thấp
Cũng như nhiều nơi khác, khu tập thể Kim Liên được người dân cơi nới để tăng diện tích sử dụng. Các hộ dân tại khu tập thể B16 - Kim Liên cho biết, khu nhà này được thiết kế với hai loại phòng, phòng lớn có diện tích 21,5 mét, phòng nhỏ có diện tích 13,5 mét. Nhưng hầu hết các hộ dân đều cơi nới để tăng diện tích.
Điều đặc biệt, khu tập thể này được thiết kế 4 căn hộ đi chung một cửa, chung một lối hành lang. Trước đây, theo thiết kế ban đầu, 4 căn hộ dùng chung khu phụ bao gồm nhà bếp và nhà vệ sinh.
Nhưng về sau, nhiều vấn đề nảy sinh do sinh hoạt chung nên các hộ dân đã thống nhất ngăn diện tích khu phụ thành 4 phòng nhỏ cho từng hộ dùng riêng.
Bác Mai (ở phòng 323, nhà B16) cho biết, ở khu này, 4 gia đình cũng chung một cửa vào, chung một lối hành lang nên sinh hoạt rất bất tiện, nếu gia đình bên cạnh có tiếng cãi vã hay nói chuyện to là coi như 3 phòng còn lại mất ngủ.
Trần của nhà tập thể A2 Giảng Võ đã mục nát, vôi vữa rơi xuống, gây nguy hiểm cho người dân.
Không kém phần xập xệ so với những nơi khác, các nhà tập thể ở Giảng Võ (quận Ba Đình) cũng xuống cấp trầm trọng khiến người dân lúc nào cũng sống trong sợ hãi khi hiện trượng sập trần nhà, nứt tường liên tiếp diễn ra.
Ông Nguyễn Tất Diện (phòng 108 khu tập thể A2 Giảng Võ) cho biết, những khu ở đây được xây dựng từ những năm 1959-1960 hiện đã xuống cấp và mục nát.
Lối cầu thang vào tòa nhà giống như một cái hang tối, hai bên tường ẩm mốc chằng chịt dây điện, hệ thống cầu thang không hề có bóng điện, một số gia đình còn lấn chiếm khu vực trống ở hành lang cầu thang làm chỗ để đồ đạc, nấu ăn khiến các khu này trở nên nhếch nhách, tối tăm.
Bên trên, những mảng trần liên tiếp sập xuống khiến mỗi ai đi qua cũng nơm nớp sợ trần rơi trúng đầu, người lớn càng không dám cho trẻ con ra chơi ở hành lang.
Cảnh nhếch nhác bên trong các khu tập thể.
Tình trạng cơi nới ở đây không chỉ xảy ra ở trước, sau mỗi căn hộ mà còn diễn ra trên nóc của ngôi nhà, các hộ ở trên thường đặt những bể nước bê tông hoặc khoan cắt rồi xây dựng phía trên thành một tầng tum để nới rộng diện tích sinh hoạt.
Đặc biệt, toàn bộ các khu tập thể ở Giảng Võ đều không hề có thiết bị chữa cháy, trong khi nguy cơ cháy nổ ở những ngôi nhà này rất cao. Người dân biết vậy nhưng cảnh sống chen chúc nhau từng xentimet, nên ít người quan tâm đến việc phòng cháy chữa cháy nên cháy nổ có xảy ra thì cũng phó mặc cho "số phận".
Đặc biệt, tại khu tập thể C8, tình trạng xuống cấp đã được chính quyền thành phố báo động tới mức nguy hiểm. Chủ tịch UBND TP Hà Nội mới đây đã yêu cầu các sở, ngành chức năng ưu tiên tập trung áp dụng ngay các biện pháp cần thiết, cấp bách đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Cùng với nhà tập thể C8 Giảng Võ, nhà E6 khu tập thể Thành Công cũng thuộc diện xuống cấp đến mức nguy hiểm, có khả năng xảy ra sự cố sập đổ theo thông báo của UBND TP Hà Nội.
Tuy nhiên, không phải khi UBND TP có thông báo về sự nguy hiểm của 2 khu nhà trên thì nhiều chuyện mới được phát lộ. Thực tế, người dân sống vẫn trong nỗi sợ hãi, ám ảnh từ nhiều năm nay.
Nhiều giải pháp, nhiều bản quy hoạch đã được Hà Nội xây dựng, triển khai nhưng tính đến hiện tại, số nhà tập thể được cải tạo vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo vietbao
Hà Nội: Lội bì bõm trên phố sau trận mưa kéo dài Cơn mưa lớn kéo dài từ đêm qua đến sáng nay 24/6, khiến nhiều tuyến phố ở Hà Nội bị ngập úng cục bộ. Gió mạnh ảnh hưởng của cơn bão số 2 cũng khiến một số cây lớn ở Hà Nội bị quật đổ. Do ảnh hưởng của cơn bão số 2 từ đêm 23/6, những đợt mưa lớn kéo dài liên...