Cận cảnh 2 dự án liên quan tới vi phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh
Khu dân cư thương mại dịch vụ tại xã Phước Tân và dự án BOT đường chuyên dùng thuộc địa bàn TP.Biên Hòa là 2 dự án liên quan tới hàng loạt vi phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh – Phó bí thư Đồng Nai.
Theo thông tin được công bố từ năm 2013, UBND Đồng Nai ban hành 3777/QĐ-UBND cho phép đầu tư dự án Khu dân cư thương mại dịch vụ tại xã Phước Tân, TP.Biên Hòa. Cụ thể, UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty TNHH Cường Hưng làm chủ đầu tư dự án với tổng diện tích 91,75 ha, quy mô dân số khoảng 15.000 người.
Dự án nằm ở vị trí phía bắc giáp trục đường liên xã Phước Tân – Long Hưng, nằm tại cửa ngõ vào Khu dân cư đô thị sinh thái Long Hưng. Phía tây và phía nam giáp sông Buông và sông Trong. Phía đông giới hạn bởi rạch Chiếc, tiếp giáp sân golf Long Thành. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 971 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2012 – 2017.
Diện tích đất này sẽ xây dựng các công trình như nhà ở liền kề, biệt thự, chung cư cao tầng, nhà ở xã hội. Ngoài ra còn có đất hành chính, giáo dục, thương mại – dịch vụ, trạm y tế; công viên cây xanh, hồ nước và đường giao thông.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian giữ các cương vị từ Giám đốc Sở Công Thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch cho đến Phó chủ tịch UBND Đồng Nai bà Phan Thị Mỹ Thanh tham gia điều hành Công ty TNHH Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập; ký các văn bản của UBND tỉnh liên quan tới công ty của chồng. Những việc này vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng và quy định về những điều đảng viên không được làm…
Video đang HOT
Ghi nhận trong ngày 5.7, hàng chục máy móc và công nhân đang thi công lắp đặt hệ thống ống cống các trục đường khu vực phía đông dự án, giáp sân golf Long Thành.
Cũng trong thời gian này, bà Thanh vi phạm liên quan đến một dự án khác là xây dựng tuyến đường chuyên dụng vận chuyển vật liệu xây dựng từ khu vực mỏ đá Tân Cang để tránh ảnh hưởng đến đường dân sinh tại xã Phước Tân. Bà Thanh ký văn bản chấp thuận hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án BOT đường chuyên dùng cho Hợp tác xã An Phát, nhưng không thông qua tập thể UBND tỉnh, chưa báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư.
Dự án này chính thức được khởi công xây dựng từ tháng 3.2016, điểm đầu từ quốc lộ 51 vào đến mỏ đá dài hơn 7 km, mặt đường đổ bê tông. Tuy nhiên, thông tin từ nhiều năm trước chính quyền địa phương có chủ trương yêu cầu các doanh nghiệp khai thác mỏ đá góp tiền làm đường chuyên dụng.
Tuy nhiên, sau khi làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bà Thanh ký văn bản chỉ đạo giao cho Hợp tác xã An Phát (do ông Đỗ Tịnh, chồng bà Thanh thành lập, quản lý) làm đường chuyên dụng BOT, lập trạm thu phí để thu hồi vốn. Trạm thu phí xây dựng cách quốc lộ 51 hơn 100 m. Như vậy các doanh nghiệp khai thác đá buộc phải sử dụng tuyến đường thu phí này.
Tổng mức đầu tư dự án này khoảng 200 tỷ đồng theo hình thức BOT do Hợp tác xã An Phát là nhà đầu tư và Công ty Công ty Cổ phần phát triển Cường Thuận IDICO đảm nhiệm thi công. Thời gian thu phí hoàn vốn hơn 12 năm.
Một số thiết bị máy móc đang được lắp đặt. Dù là dự án BOT nhưng bà Thanh ký văn bản chỉ đạo các sở, ngành và UBND TP.Biên Hòa lấy ngân sách của tỉnh hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng.
Theo P.V (Zing)
Bí thư Đồng Nai: Có đơn tố chị Thanh, tỉnh mới biết
Về tư cách đại biểu Quốc hội của bà Thanh sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chủ tịch Ủy banMTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai nói ngắn gọn: "Mọi việc đã rõ. Tôi không có ýkiến gì thêm".
Sáng 5-7, bên lề kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Đồng Nai khóa IX, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, đã trả lời nhanh về sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh, phó bí thư Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh này.
"Không nắm được" và "không có ý kiến"
Theo ông Cường, những sai phạm của bà Thanh xảy ra từ năm 2008 nhưng tỉnh không nắm được. Chỉ đến khi có đơn tố cáo bà Thanh, tỉnh này mới biết vụ việc.
"Chị Thanh là cán bộ thuộc diện do Ban Bí thư quản lý cho nên từ đơn tố cáo, Ban Bí thư chỉ đạo cho Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương làm. Việc kỷ luật cũng thuộc thẩm quyền của UBKT Trung ương" - ông Nguyễn Phú Cường nói và cho biết tỉnh này đang chờ ý kiến từ Ban Bí thư.
"Bà Phan Thị Mỹ Thanh bị UBKT Trung ương kết luận kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, không đúng quy định, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng... Điều này ảnh hưởng đến uy tín, tư cách trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai của bà Thanh. Vậy ông cho biết Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai có ý kiến như thế nào về việc này? Sắp tới Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai sẽ xử lý việc này như thế nào?" - chúng tôi đặt câu hỏi với ông Huỳnh Văn Tới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai - đơn vị giới thiệu và hiệp thương cho bà Thanh ứng cử ĐBQH. Ông Tới chỉ trả lời ngắn gọn: "Mọi việc đã rõ. Tôi không có ý kiến gì thêm!".
Bà Phan Thị Mỹ Thanh nhận bàn giao nhiệm vụ trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai năm 2006. Ảnh: NGỌC THƯ(báo Đồng Nai)
Có xem xét tư cách đại biểu Quốc hội?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nguồn tin từ UBKT Trung ương cho biết việc xem xét, thi hành kỷ luật với bà Thanh đã được cân nhắc rất thận trọng, kỹ lưỡng. "Đúng là đồng chí Thanh có những vi phạm trong giai đoạn là giám đốc Sở Công nghiệp, rồi phó chủ tịch tỉnh. Xét thời hiệu trách nhiệm kỷ luật hành chính là hai năm thì giờ quá rồi nên UBKT không yêu cầu. Còn về tư cách ĐBQH thì cuộc họp này cũng không đề xuất, vì sai phạm từ trước đó rồi" - vị này cho biết.
Còn nguồn tin từ Ban Công tác ĐB thuộc Ủy ban Thường vụ QH cho hay đến chiều qua (5-7) vẫn chưa nhận được văn bản chính thức của UBKT Trung ương. "Thông thường những trường hợp thế này, nếu có đề nghị xem xét lại tư cách ĐB thì chúng tôi mới vào cuộc. Mức độ thế nào thì cũng tùy hình thức. Nhìn chung, với cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý như bà Thanh thì phải cấp này có ý kiến..." - nguồn tin cho hay.
Một ĐBQH có kinh nghiệm trong công tác bầu cử, xử lý tư cách ĐB có vi phạm chia sẻ thêm: "Điều 40 Luật Tổ chức QH quy định ĐBQH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị QH hoặc cử tri bãi nhiệm. Với trường hợp bà Thanh, việc bị Đảng kỷ luật cảnh cáo chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sự tín nhiệm của cử tri. Tuy nhiên, mức ảnh hưởng thế nào thì khó đánh giá và còn tùy thuộc vào dư luận xã hội, đặc biệt là cử tri tỉnh Đồng Nai, nơi ĐB này sinh sống, công tác. Việc này sẽ phải trên cơ sở đánh giá của MTTQ tỉnh Đồng Nai, cũng như chỉ đạo của trung ương".
Những tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội
Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh;
Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân được nhân dân tín nhiệm...
(Theo dangcongsan.vn)
Theo Nghĩa Nhân - Tiến Dũng
Pháp luật TP HCM
Xem xét kỷ luật Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, UB Kiểm tra Trung ương xác định, trong thời gian dài, bà Thoa nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm. Những vi phạm, khuyết điểm của bà Thoa đến mức...