Bộ Giao thông ủng hộ làm đường trên cao “giải cứu” Tân Sơn Nhất
Trao đổi với PV Dân trí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết giải pháp tháo nút thắt ùn tắc giao thông từ khu vực tiếp cận vào sân bay Tân Sơn Nhất – TPHCM bằng phương án làm đường trên cao là khả thi, Bộ GTVT ủng hộ đề xuất này.
Như Dân trí đã đưa tin, hướng tuyến đường trên cao được Công ty cổ phần Hạ tầng Đông Á và các đối tác đề xuất sẽ xuất phát từ nhà ga quốc tế T2, đi trước mặt nhà ga quốc nội T1 ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất trên đường Thăng Long, sau đó tiếp tục đi trên cao theo đường Phan Thúc Duyện, vượt qua công viên Hoàng Văn Thụ, tiếp đất theo 2 nhánh Nguyễn Văn Trỗi và Hoàng Văn Thụ để vào trung tâm thành phố.
Góp ý về đề xuất này, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng xây dựng đường trên cao để giải quyết tình hình ùn tắc giao thông tại khu vực Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là cần thiết. Cục Hàng không Việt Nam cũng khẳng định phương án hướng tuyến được đề xuất là tối ưu nhất, tuy nhiên khi thi công xây dựng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khai thác tại Cảng hàng không.
Trong văn bản gửi lên Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ chủ quản chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch một số hạng mục công trình tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Cục Hàng không cũng yêu cầu xây dựng biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình thi công chi tiết, thống nhất với các đơn vị có liên quan trước khi triển khai để sự ảnh hưởng tối thiểu nhất đến hoạt động khai tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn nhất.
Về phía Bộ GTVT, trao đổi với PV Dân trí, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong tương lai gần, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ được mở rộng thêm nhà ga T3 và thêm 1 đường cất-hạ cánh nên áp lực giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất sẽ rất lớn, vì vậy cần 1 giải pháp khả thi nhất để chống ùn tắc hiệu quả.
“Giải pháp làm đường trên cao được đề xuất với hướng tuyến phù hợp với quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, vì vậy Bộ GTVT ủng hộ về chủ trương làm đường trên cao. Bộ Giao Bộ GTVT sẽ xem báo cáo Chính phủ về phương án này trong quy hoạch giao thông TPHCM” – Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay.
Video đang HOT
Sơ đồ hướng tuyến đường trên cao được đề xuất
Theo Công ty cổ phần Hạ tầng Đông Á và các đối tác (đơn vị đề xuất), đây là hệ thống cầu cạn, kết cấu dầm hộp thép, quy mô mặt cắt ngang tuyến chính 3 làn xe và các đường nhánh là 2 làn xe. Hướng tuyến này được các đơn vị liên quan đến quản lý hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất đánh giá là tốt nhất trong giai đoạn hiện nay để giải quyết ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Hệ thống đường trên cao có vốn đầu tư dự kiến khoảng 2.600 tỷ đồng, được thực hiện trong khoảng 18 tháng. Tuyến đường trên cao được kỳ vọng có thể kết nối thuận lợi với tuyến đường trên cao số 1 từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TPHCM mà thành phố đang có chủ trương xây dựng, đồng thời kết nối linh hoạt với nhà ga T3 sẽ xây dựng trong tương lai gần.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
3.500 tỷ đồng làm đường trên cao giảm ùn tắc cho Tân Sơn Nhất
Đường trên cao dài hơn 5 km nối các nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất với xung quanh được đề xuất xây dựng với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng.
Liên danh gồm 3 nhà đầu tư trong nước vừa đề xuất với Sở Giao thông Vận tải TP HCM xây dựng đường trên cao chạy quanh sân bay Tân Sơn Nhất với tổng chiều dài hơn 5 km, rộng 7,5-12,5 m (tùy theo đoạn) để giải quyết ùn tắc giao thông ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong đó, đoạn chính đi trên cao bắt đầu từ đường Trường Sơn (sau ngã ba đường Cửu Long) rồi đi qua trước cửa nhà ga T2 (ga quốc tế), T1 (ga quốc nội) và nối đến nhà ga T3 (dự kiến sẽ xây dựng phía đường Hoàng Hoa Thám).
Dự án cũng gồm một nhánh đường trên cao khác được đề xuất xây dựng chạy dọc đường Thăng Long đi vào đường Phan Thúc Duyện, sau đó xuyên qua công viên Hoàng Văn Thụ và nối với đường phía dưới tại điểm giao giữa đường Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi.
Các tuyến đường xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc. Ảnh: Duy Trần
Bên cạnh việc xây 2 nhánh đường trên cao chính, nhà đầu tư còn đề xuất xây 6 nhánh cầu để kết nối với các tuyến đường từ dưới lên. Trong đó, nhánh cầu N1 kết nối từ đường chính ở đường Trường Sơn đến nhà ga T3 để vào đường trên cao phía đường Thăng Long với chiều dài hơn một km.
Nhánh cầu N2 kết nối từ đường Trường Sơn để vào nhà giữ xe quốc nội với chiều dài 230 m. Nhánh N3 kết nối từ đường ra của nhà ga quốc nội để nối vào khu vực nhà ga T3. Các nhánh còn lại gồm N4, N5, N6 là các nhánh cầu nối xuống các đường Thăng Long, Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ.
Dự án đường trên cao này có tổng số vốn khoảng 3.500 tỷ đồng và được liên danh 3 nhà đầu tư đề nghị thực hiện theo hình thức PPP (hợp tác công - tư).
Trước đó, hồi tháng 6, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) cũng đề xuất xây dựng đường trên cao số 1 dài 9,5 km nối sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TP HCM với kinh phí khoảng 15.000 tỷ đồng. Tuyến đường có hướng từ nút giao Lăng Cha Cả (giáp giới quận Tân Bình - Phú Nhuận) rồi chạy dọc đường Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long - Phan Xích Long nối dài - cầu Phú An (phường 22, quận Bình Thạnh).
Cửa ngõ Tân Sơn Nhất là một điểm nóng về ùn tắc về giao thông vào giờ cao điểm do lượng xe lưu thông quá lớn. Thời gian gần đây, kẹt xe ở khu vực này còn xảy ra cả vào ban trưa. Để giảm ùn tắc, từ ngày 10/9, Sở GTVT TP HCM sẽ cấm xe tải hoạt động từ 6h đến 22h hàng ngày trên một số tuyến đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất như Trường Sơn, Phạm Văn Hai, Thăng Long...
Mới đây, sau chuyến làm việc với TP HCM, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Quốc phòng phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng việc sử dụng khu đất quốc phòng phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất (khoảng 21 ha) để đầu tư nâng cao năng lực khai thác sân đỗ tàu bay, đường lăn và nhà ga, nâng công suất hệ thống nhà ga hành khách sân bay Tân Sơn Nhất đạt khoảng 40-50 triệu hành khách một năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Bộ GTVT cũng được giao chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài nhà ga lưỡng dụng đã có trong quy hoạch, thống nhất với Bộ Quốc phòng nghiên cứu quy hoạch thêm các nhà ga khoảng 10-20 triệu hành khách mỗi năm và một Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay.
Hữu Nguyên
Theo VNE
15.000 tỷ làm đường trên cao từ Tân Sơn Nhất vào trung tâm TP.HCM Tuyến đường trên cao số 1 từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TP.HCM dự kiến được khởi công vào năm tới với tổng mức đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng Các tuyến đường trên cao được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng giao thông quá tải hiện nay của TP.HCM. Ảnh minh họa Tuyến đường này sẽ bắt đầu...