Cần cả ngàn tỷ đồng xử lý dịch tả heo châu Phi
Tính đến ngày 13-8, toàn tỉnh có 2.754 hộ chăn nuôi heo tại 371 ấp thuộc 118 xã của 11 huyện, thành phố xuất hiện dịch tả heo châu Phi (ASF) với trên 271 ngàn con heo bị tiêu hủy.
Dịch ASF lan nhanh với số lượng heo tiêu hủy tăng rất nhanh khiến các địa phương tại Đồng Nai cần nguồn kinh phí hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại và để xử lý các ổ dịch ASF.
Xử lý ổ heo dịch tại huyện Thống Nhất. Ảnh: Nguyễn Liên
Đồng Nai đang xin cấp bổ sung 800 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của Trung ương để chi cho công tác phòng, chống dịch ASF. Công tác ngăn chặn dịch cũng lâm vào cảnh khó chồng khó, cần sự tham gia quyết liệt hơn của cả hệ thống chính trị.
Gần nửa tháng qua, heo hơi liên tục tăng giá, hiện giá bán tại trại đang dao động từ 40-42 ngàn đồng/kg, tăng gần 10 ngàn đồng/kg so với tháng trước đó. Nguyên nhân heo sốt giá dù thị trường tiêu thụ ở giai đoạn thấp điểm vì đang vào tháng chay (tháng 7 âm lịch), học sinh chưa tựu trường, chủ yếu do nguồn cung thiếu hụt. Dự báo giá heo còn tiếp tục leo thang trong thời gian tới vì heo ngày càng khan hàng.
Hiện tổng đàn heo của Đồng Nai chỉ còn gần 1,9 triệu con, giảm hơn 600 ngàn con so với cách đây 4 tháng khi chưa xuất hiện dịch ASF do người chăn nuôi giảm đàn và lượng heo tiêu hủy tăng đột biến trong thời gian gần đây. Trong đó, tổng đàn nái hiện chỉ còn khoảng 230 ngàn con, giảm cả 100 ngàn con so với hồi đầu năm.
Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán nhận xét, trong các tháng 5-6 vừa qua, người dân đổ xô bán heo ra thị trường để chạy dịch. Rất nhiều trại thải ra hàng trăm con nái/ngày do dịch ASF lây lan trên đàn nái rất nhanh. “Đàn nái giảm mạnh, dịch ASF vẫn tiếp tục lan nhanh như hiện nay thì phải tính đến chuyện mất nhiều năm người chăn nuôi mới quay lại tái đàn, đầu tư. Cũng chính vì điều này nên hàng loạt công ty cám, thuốc thú y đã đóng cửa hoặc giảm công suất vì dự báo tổng đàn heo đang và sẽ tiếp tục giảm mạnh” – ông Đoán nói.
Trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây, dịch ASF lan nhanh với tổng lượng heo bị tiêu hủy tăng theo cấp số nhân. Trong đó có nguyên nhân do ý thức kém của người chăn nuôi đã tiếp tay cho dịch ASF lây lan. Nguy hại nhất là tình trạng thả chất thải chăn nuôi heo, heo chết ra sông suối, môi trường gây nguy cơ lây lan dịch rất lớn.
Video đang HOT
Đồ họa thể hiện số lượng các địa phương xuất hiện dịch tả heo châu Phi, tổng số heo bị tiêu hủy và một số địa phương có số lượng heo bị tiêu hủy lớn vì dịch tả heo châu Phi; ước tính nguồn quỹ dự phòng hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh. (Thông tin: Bình Nguyên – Đồ họa: Hải Quân)
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Ngọc Liên cho biết: “Dịch ASF đang lan rất nhanh. Thời gian qua, tình trạng heo chết thả trôi theo suối Cầu Quang, từ xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) về TP.Biên Hòa xảy ra thường xuyên, gây không ít khó khăn cho địa phương trong công tác tiêu hủy, xử lý môi trường và ngăn chặn dịch tả lây lan”.
Dịch ASF xuất hiện tại huyện Thống Nhất chậm hơn địa phương đầu tiên của Đồng Nai bị dịch gần 2 tháng nhưng tốc độ lây lan lại rất nhanh, dịch tấn công mạnh vào các trang trại lớn. Hiện 10/10 xã của huyện Thống Nhất đều xuất hiện ổ dịch với gần 48,4 ngàn con bị tiêu hủy, tăng gấp đôi so với 2 tuần trước đó.
Chia sẻ những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Nguyễn Đình Cương lo lắng: “Mật độ chăn nuôi dày đặc cũng có thể là nguyên nhân khiến dịch ASF lan nhanh trên địa bàn. Khó khăn không nhỏ của địa phương là rất khó bắt tận tay và xử lý tình trạng vứt heo chết, heo bệnh ra ngoài môi trường; trong đó nhiều trường hợp thương lái vứt heo chết trong quá trình vận chuyển đi tiêu thụ”.
* Lo vỡ quỹ dự phòng
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp – phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh, kết quả khảo sát tại các địa phương cho thấy, nhiều trang trại nằm ngay trong vùng dịch ASF vẫn an toàn nhờ thực hiện nghiêm túc giải pháp an toàn sinh học. Cụ thể, họ giăng lưới không để một con ruồi, con muỗi vào trại; cách ly công nhân chăn nuôi ở trong trại theo kiểu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Nguồn thức ăn cho công nhân trong trại từ rau đến cá, thịt đều được kiểm soát kỹ, thậm chí được nấu chín trước khi đưa vào bên trong. Đặc biệt, xe vận chuyển cám trước khi vào trại đều được sát trùng, tiêu độc rất kỹ; thương lái và xe vận chuyển không được vào trại vì đây cũng là nguyên nhân lớn gây lây lan dịch thời gian qua.
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến nay, toàn tỉnh cần khoảng 400 tỷ đồng để hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại và chi cho công tác xử lý dịch ASF. Trong khi đó, nguồn quỹ phòng, chống thiên tai của các địa phương chỉ có khoảng 130 tỷ đồng nên các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều kiến nghị được tháo gỡ khó khăn về nguồn kinh phí.
Huyện Vĩnh Cửu hiện đang đứng đầu về tổng số heo bị tiêu hủy do dịch ASF, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương cho biết: “Với 59,3 ngàn con heo bị tiêu hủy, ước tổng số tiền cần hỗ trợ cho người chăn nuôi tính đến cuối tháng 7 đã trên 95 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn quỹ dự phòng của cả cấp xã, cấp huyện chỉ khoảng 15 tỷ đồng nên nguồn chi đang bị âm rất lớn”. Áp lực âm nguồn chi của huyện đang ngày càng lớn vì chỉ trong 2 tuần đầu tháng 8, huyện Vĩnh Cửu đã tăng thêm 4,3 ngàn con heo bị tiêu hủy vì dịch ASF.
Đến nay, huyện Định Quán đã hỗ trợ cho 53 hộ chăn nuôi có đàn heo bị tiêu hủy do dịch ASF với tổng số tiền gần 12 tỷ đồng. Nguồn quỹ dự phòng của các xã, huyện đều đã hết trong khi với số heo đã tiêu hủy, địa phương này cần thêm gần 66,4 tỷ đồng hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi. Với tốc độ dịch bệnh lây lan nhanh như hiện nay, Định Quán đang kiến nghị Sở Tài chính hỗ trợ thêm 200 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch ASF tại địa phương.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh chỉ ra: “Tình trạng lây lan dịch ASF rất nhanh và chưa biết điểm dừng, Sở Tài chính nên cân nhắc lại về con số xin cấp bổ sung 800 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của Trung ương có thể chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của Đồng Nai. Trước mắt, các địa phương cũng cần cố gắng tìm nguồn ứng trước để hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi bị thiệt hại”.
Theo Phó chủ tịch UBND Võ Văn Chánh, trong việc ngăn chặn dịch ASF, các địa phương phải tập trung vào 2 giải pháp: công tác tiêu độc, khử trùng, đặc biệt là khu vực đầu nguồn các suối, ao hồ để hạn chế dịch lây lan do ô nhiễm nguồn nước từ hoạt động xả thải của các trang trại chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần tập trung tuyên truyền để người chăn nuôi thực hiện nghiêm túc các giải pháp an toàn sinh học để bảo vệ trại nuôi. Việc thả heo chết ra suối, môi trường gây nguy cơ lây lan dịch rất lớn. Địa phương nào để xảy ra tình trạng vứt heo chết ra môi trường phải kiểm điểm nghiêm túc; quy rõ trách nhiệm của lãnh đạo xã, huyện về tình trạng này.
Bình Nguyên
Theo Dongnai
Trung Quốc hủy mua thịt lợn Mỹ: Người Việt sẽ ăn thịt lợn Mỹ giá rẻ
6 tháng đầu năm 2019, số lượng thịt lợn, thịt gia cầm nhập khẩu về Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng, Trung Quốc vừa hủy mua lô thịt lợn Mỹ lớn nhất từ trước đến nay thì nguy cơ thịt giá rẻ tràn vào Việt Nam đã hiện ngay trước mắt.
Nhập khẩu tăng đột biến
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố áp thuế nhập khẩu 10% với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc kể từ ngày 1/9/2019, Trung Quốc trả đũa bằng cách hủy mua lô thịt lợn Mỹ lớn nhất từ trước đến nay với khối lượng lên tới 14.700 tấn.
Trước đó, để trả đũa Mỹ, Trung Quốc đã 4 lần hủy mua thịt lợn từ Mỹ: Hủy mua 53 tấn thịt lợn Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 28/2, hủy mua 999 tấn trong tuần kết thúc ngày 21/3, hủy mua 214 tấn trong tuần kết thúc ngày 18/4, giữa tháng 5 cũng đã hủy mua lô hàng 3.200 tấn thịt lợn của Mỹ.
Thịt lợn, thịt gà nhập khẩu tăng mạnh, đe dọa ngành chăn nuôi trong nước. Ảnh: T.L
Cho đến nay, việc Trung Quốc hủy mua thịt lợn từ Mỹ khiến sản phẩm thịt lợn giá rẻ từ Mỹ tràn sang Việt Nam có đúng hay không phải cần thời gian kiểm chứng, nhưng rõ ràng, trong 6 tháng đầu năm 2019, lượng thịt lợn, thịt gia cầm nhập khẩu tăng đột biến cũng cho thấy những tác động từ cuộc chiến này không hề nhỏ.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã chi gần 23,6 triệu USD để nhập khẩu thịt lợn, tăng 6,7 lần so với cùng kỳ năm 2018 (tương đương hơn 3,5 triệu USD). Chỉ tính riêng tại TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2019, doanh nghiệp của thành phố đã chi hơn 10 triệu USD để nhập 5.648 tấn thịt lợn, tăng gần 4.800 tấn và 8,1 triệu USD kim ngạch so với 6 tháng đầu năm 2018. Điều đáng nói, sản phẩm thịt nhập khẩu chủ yếu đến từ Mỹ, với giá cực rẻ, chỉ khoảng 30.000 đồng/kg; thậm chí các loại thịt chân giò, sườn, thịt vụn còn có giá khoảng 23.000 đồng/kg.
Không chỉ với thịt lợn, nhập khẩu thịt gà cũng tăng đột biến. Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu hơn 62.000 tấn thịt gà các loại, chủ yếu là đông lạnh, loại nguyên con, đùi gà, cánh và chân gà công nghiệp. Giá trị nhập khẩu đạt hơn 48,6 triệu USD, tính ra chưa đến 18.000 đồng/kg thịt gà nhập từ Mỹ về Việt Nam.
Sẽ ảnh hưởng chăn nuôi trong nước
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện nay, những tác động của thịt nhập khẩu lên thị trường thịt lợn chưa rõ ràng. "Nhưng về lâu dài, theo tôi, cần tăng cường kiểm soát lượng thịt lợn nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, cộng với độ mở của thị trường ngày càng lớn. Nếu không kiểm soát để nhập ồ ạt, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến chăn nuôi trong nước" - ông Dương nói.
Cũng theo ông Dương, về số lượng thịt nhập khẩu, ngoài một số loại thịt cao cấp cũng có một số loại không phải chính phẩm như chân giò, thịt vụn giá rất rẻ, chỉ hơn 23.000 đồng/kg. "Điều tôi lo ngại là liệu những sản phẩm thịt nhập có đảm bảo chất lượng không, thời hạn sử dụng như thế nào hay lại là loại cận date. Nếu để những loại thực phẩm này tràn về, không chỉ ảnh hưởng đến người chăn nuôi, mà sức khỏe người tiêu dùng cũng bị đe dọa" - ông Dương lo ngại.
Ông Dương cho rằng, điều cốt lõi vẫn là chủ động chăn nuôi trong nước với chất lượng, giá cả phải chăng để phục vụ cho thị trường nội địa, đồng thời đảm bảo cuộc sống của người chăn nuôi.
Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cho rằng, việc thịt lợn Mỹ ồ ạt tiến vào nước ta sau khi bị phía Trung Quốc chối từ là rất cao. Bởi, giá thịt lợn tại Việt Nam đang cao và từ nay tới cuối năm, nguồn cung thịt lợn cũng thiếu. Trong khi, giá thịt lợn Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam hiện tại chỉ khoảng 26.000-30.000 đồng/kg.
Ông Đoán lo ngại, nếu thịt lợn nhập khẩu cứ tràn vào sẽ "giết chết" ngành chăn nuôi trong nước, bởi 3 năm trở lại đây, người chăn nuôi lợn gặp rất nhiều khó khăn do bão giá, dịch bệnh, bây giờ lại phải cạnh tranh với thịt nhập khẩu giá siêu rẻ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm cũng lo ngại trước những lô hàng nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam với giá rẻ. Theo họ, đây có thể là những lô hàng cận hạn sử dụng. Đại diện một doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm kiến nghị, cơ quan nhà nước cần tìm hiểu, công bố giá sàn của thịt gà nhập thế nào để người tiêu dùng và nhà sản xuất trong nước không lo lắng.
Theo Danviet
Giá heo hơi hôm nay 24/7: Giá vẫn èo uột, thịt nhập giá rẻ tăng Khảo sát cho thấy, giá heo hơi hôm nay 24/7 tại miền Bắc đã chặn được đà giảm, giữ ở mức 39.000 - 41.000 đồng/kg, cao nhất cả nước; giá heo hơi hôm nay ở miền Nam vẫn tiếp tục xu hướng giảm thấp trong khi lượng thịt heo nhập khẩu tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm 2019. Giá heo hơi...