Cán bộ xã vẫn còn làm khó khi người dân hỏi thông tin đất đai
Nghiên cứu công khai thông tin Quản lý đất đai do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố chỉ ra rằng, việc công khai thông tin đất đai tại Việt Nam đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đầy đủ so với yêu cầu của luật pháp.
Việc công khai thông tin về đất đai cần được đẩy mạnh hơn nữa
Góp phần sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn
Nghiên cứu chỉ ra rằng, những cải cách trong vài thập kỷ vừa qua đã giúp cải thiện tình hình công khai thông tin liên quan đến các vấn đề đất đai. Tuy nhiên, ở một vài nơi, công chức có trách nhiệm vẫn không cung cấp thông tin theo quy định.
Bà Victoria Kwakwa – Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhận định: “Nâng cao minh bạch trong quản lý đất đai là một vấn đề then chốt tại Việt Nam, nhằm sử dụng tài nguyên đất hiệu quả và bền vững hơn”.
So sánh kết quả với một nghiên cứu tương tự được tiến hành vào năm 2010, nhóm nghiên cứu thấy rằng mặc dù có nhiều thông tin được công khai hơn – đặc biệt là ở những địa phương có mức độ phát triển hơn với các nguồn thông tin trực tuyến dồi dào thì vẫn còn nhiều việc cần làm.
Do vậy, nghiên cứu kêu gọi Việt Nam thể chế hóa quyền tiếp cận thông tin dưới hình thức một luật quy định nguyên tắc mọi thông tin là công khai trừ những thông tin nằm trong danh mục ngoại lệ.
Về phía Bộ Tài nguyên – Môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng: “Báo cáo nghiên cứu này sẽ là nguồn tư liệu tham khảo đối với các cơ quan quản lý đất đai, giúp tăng cường việc công khai thông tin đất đai tại Việt Nam”.
Người có trách nhiệm từ chối cung cấp
Được biết, để tiến hành nghiên cứu, các chuyên gia đã kiểm tra tình hình công khai thông tin liên quan đến đất đai trên các trang web của 63 tỉnh thành cũng như tại các cơ quan chức năng của từng tỉnh, 126 huyện và 321 xã vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014.
Video đang HOT
Nhóm nghiên cứu đã gặp phải những vấn đề về thái độ, năng lực và công tác chỉ đạo, ví dụ như các cán bộ chỉ đơn giản từ chối những yêu cầu cung cấp thông tin hoặc đòi giấy giới thiệu. Ở cấp xã, nhiều cán bộ xã lại không có mặt trong giờ làm việc hoặc trả lời là họ cũng không có các thông tin được yêu cầu cung cấp.
Nghiên cứu cũng đưa ra một số khuyến nghị cho tất cả các địa phương được khảo sát về cách thức cải thiện tình hình công khai thông tin của mình, và tất cả các tỉnh đều được chia sẻ những thực tiễn công khai thông tin tốt được áp dụng ở một số cơ quan hành chính để họ có thể học hỏi lẫn nhau.
“100% các khuyến nghị này là có thể thực hiện được, điều đó có nghĩa là mỗi tỉnh, huyện hay xã biết chính xác mình cần làm để có thể nâng cao tính minh bạch” – bà Trần Thi Lan Hương, đồng tác giả của báo cáo nghiên cứu, khẳng định.
“Chúng tôi hy vọng những khuyến nghị thiết thực của báo cáo sẽ giúp các cơ quan trung ương và địa phương cải thiện tình hình tiếp cận thông tin của người dân trong quản lý đất đai,” ông Jim Carpy – Trưởng đại diện Văn phòng Bộ phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID) tại Việt Nam, chia sẻ.
Nghiên cứu công khai thông tin Quản lý đất đai là một phần của dự án “Minh bạch Việt Nam” do DFID tài trợ và Ngân hàng Thế giới thực hiện.
Theo_An ninh thủ đô
Thường Tín (Hà Nội): Sai phạm tràn lan trong quản lý đất đai
Hàng loạt các sai phạm trong quản lý đất đai vừa được phát hiện tại xã Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội). Có dấu hiệu bao che của lãnh đạo xã này...
Vi phạm tràn lan
Thông qua đường dây nóng của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều hộ dân xã Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội) phản ánh về việc, hàng loạt các công trình xây dựng trái phép, vi phạm luật đất đai tại địa phương, kéo dài nhiều năm, nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm và đang có dấu hiệu gia tăng.
Theo đó, tại khu vực ruộng Cầu Gạo (thôn Đặng Xá, xã Vạn Điểm) có đến gần chục hộ dân tự "quy hoạch", chuyển đổi trái phép đất nông nghiệp sang đất ở với diện tích hàng nghìn m2.
Một xưởng may ngang nhiên hoạt động trên đất nông nghiệp, thuê lại của hộ ông Nguyễn Văn Phương
Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Phương (thôn Đặng Xá, xã Vạn Điểm, Thường Tín, Hà Nội) nhận chuyển nhượng diện tích 1.687m2 đất nông nghiệp, mục đích xây dựng các công trình kiên cố, vi phạm luật đất đai trong khi cơ quan chức năng chưa phê duyệt chủ trương quy hoạch.
Các công trình kiên cố ông Phương xây dựng ngoài việc để sinh hoạt còn cho thuê kiếm lời.
Chưa hết, sau khi nhận chuyển nhượng đất, ông Phương tiếp tục chuyển nhượng đất cho ông Nguyễn Văn Xì với diện tích 350m2 để xây dựng nhà ở (hiện tại, đất hộ gia đình ông Nguyễn Văn Phương và ông Nguyễn Văn Xì đang có tranh chấp với 1 hộ dân khác).
Trước thực tế trên, từ năm 2004 UBND xã Vạn Điểm đã nhiều lần lập biên bản xử phạt hành chính, đồng thời yêu cầu hộ gia đình này tự tháo dỡ công trình vi phạm, nhưng ông Phương vẫn không chấp hành.
Diện tích đất nông nghiệp được ông Nguyễn Văn Phương xây dựng công trình kiên cố vi phạm
Điều đáng nói là, ngoài hộ gia đình ông Nguyễn Văn Phương, có đến gần chục hộ dân khác tại thôn Đặng Xá cũng có vi phạm tương tự, nhưng đến nay vẫn chưa được chính quyền cơ sở đưa ra biện pháp giải quyết triệt để.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các hộ dân nơi đây, việc xây dựng các công trình kiên cố, vi phạm luật đất đai, đã có sự chấp thuận của chính quyền địa phương: "Chúng tôi xây dựng nhà cửa mà không thấy cơ quan chức năng nói gì, nên chắc là không vấn đề gì", một hộ dân (xin giấu tên) cho biết.
Hợp thức hóa sai phạm
Việc sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp tại thôn Đặng Xá (Vạn Điểm, Thường Tín, Hà Nội) đã xảy ra nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. Mặt khác, trách nhiệm của chính quyền để xảy ra những sai phạm trong quản lý đất đai thì vẫn chưa được làm rõ.
Trước những phản ánh nêu trên, lãnh đạo xã Vạn Điểm thừa nhận rằng, việc nhiều hộ dân sử dụng đất không đúng đúng mục đích đã diễn ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, việc xử lý sai phạm là điều không dễ làm: "Hiện tại, tất cả các hộ dân có diện tích đất nông nghiệp sử dụng sai mục đích đã được chính quyền địa phương lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời báo cáo lên lãnh đạo huyện Thường Tín xin ý kiến chỉ đạo xử lý triệt để", ông Nguyễn Văn Khải, Phó chủ tịch xã Vạn Điểm cho biết.
Ông Nguyễn Văn Khải, Phó chủ tịch xã Vạn Điểm
Tuy nhiên, để biện minh cho những sai phạm trong quản lý đất đai, ông Khải cho rằng, rất khó thực hiện việc quản lý xây dựng công trình kiên cố trên diện tích đất nông nghiệp (đất chưa được quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng): "Hầu hết các công trình vi phạm đều được xây dựng lén lút, mỗi lúc một tí, do vậy, việc kiểm tra xử lý của chính quyền địa phương cũng gặp nhiều khó khăn".
"Hiện tại, hiệu quả canh tác diện tích đất nông nghiệp tại khu vực Cầu Gạo phát huy hiệu quả kém, do vậy UBND huyện Thường Tín phê duyệt quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở, bao gồm cả diện tích các hộ dân vi phạm", ông Khải cho biết.
Nếu ông Khải nói đúng, điều này đồng nghĩa với việc, thay bằng cách xử lý sai phạm trong thẩm quyền cho phép, lãnh đạo xã Vạn Điểm lại cố tình bao che, hợp thức hóa cho những sai phạm vừa được phát giác bằng cách xin chủ trương quy hoạch đất đai?.
Trao đổi về vấn đề này, ông Khải cho biết, đây là những sai phạm diễn ra từ thời kỳ trước, nên chúng tôi đang tìm cách tháo gỡ".
Tuy nhiên, tại thời điểm làm việc, lãnh đạo xã từ chối cung cấp quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết "khu dân cư Đặng Xá".
BBT sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Theo Giáo Dục