Cán bộ xã phê xấu vào lý lịch của dân là kiểu “giận cá chém thớt”!
Theo nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông, việc cán bộ xã phê vào lý lịch các cháu vì bố mẹ thiếu các khoản đóng góp với địa phương vô tình tạo dấu ấn vào đời không tốt với các cháu. Các cháu sẽ có suy nghĩ không hay về chính quyền cũng như về người lãnh đạo ở địa phương.
Nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông. (Ảnh: I.T)
Giận cá chém thớt
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa cho rằng, trường hợp cán bộ xã phê vào lý lịch của người dân (sự việc xảy ra ở xã An Bình, Nam Sách, Hải Dương và xã Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội-PV) cũng như nhiều vụ gây khó khăn cho người dân khi họ đến xã xin xác nhận (được báo chí phản ánh) vì chuyện gia đình thiếu khoản đóng góp với địa phương là kiểu hành xử “giận cá chem thớt”.
“Cán bộ xã không xử lý được bố mẹ lại quay ra “hành” con cái họ khi các cháu đến xin xác nhận, như thế rất tội nghiệp. Chính việc đó làm cho các cháu có dấu ấn vào đời không được tốt. Các cháu sẽ có suy nghĩ không tốt về chính quyền, về người lãnh đạo ở địa phương đó”, ông Cuông đánh giá.
Sơ yếu lý lịch của tân sinh viên bị cán bộ xã viết nhận xét “chưa chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương”.
Vẫn theo ông Cuông, kiểu cán bộ xã phê vào lý lịch của người dân là kiểu gây áp lực, đè nén người dân. Đây không phải là cách giáo dục tốt để người dân tuân thủ những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hay các quy định ở địa phương.
Video đang HOT
“Người cán bộ ngoài việc hiểu biết pháp luật, phải hiểu biết cả tâm lý xã hội để khi triển khai việc gì đó phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, dùng lý lẽ để giáo dục, thuyết phục người dân chứ không được dùng mệnh lệnh hành chính, tạo áp lực để đè nén người dân. Làm như thế sẽ tạo ra ức chế trong suy nghĩ của người dân, dẫn tới sự phản ứng, chống đối về sau này. Điều này sẽ mang lại hậu quả rất nguy hiểm”, ông Cuông cảnh báo.
Việc nào ra việc đó, không được lẫn lộn
Trụ sở UBND xã Duyên Hà vừa được xây mới khang trang khi xã này xây dựng NTM, nơi vừa xảy ra sự việc đáng tiếc khi cán bộ văn phòng và Chủ tịch UBND xã phê và xác nhận với nội dung trái pháp luật vào sơ yếu lý lịch của tân sinh viên Ngô Việt A gây xôn xao dư luận. (Ảnh: V.T)
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, những trường hợp báo chí nêu về tình trạng cán bộ xã phê xấu vào lý lịch của người dân cho thấy cán bộ cấp cơ sở có vấn đề về trình độ.
“Lẽ ra việc nào đi việc đó, không được lẫn lộn. Việc chính quyền yêu cầu người dân đóng góp các khoản này, khoản kia chưa hẳn đã là hợp lý và hợp pháp nên người dân có thể không đồng tình làm theo”, TS Dũng nói.
Vẫn theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, cán bộ hành xử kiểu đó xuất phát từ quan niệm mình nắm trong tay quyền hành ở địa phương nên làm gì cũng được. Đây là quan niệm hết sức sai lầm.
“Cấp cơ sở không phải là cơ quan có quyền ở địa phương mà là cơ quan lập ra để phục vụ người dân, có thể là việc xác thực hay chứng nhận hồ sơ… Việc xác thực hồ sơ, bản chất là xác nhận việc đó có hay không. Ví dụ người dân khai sơ yếu lý lịch thì cán bộ cơ sở xem họ khai như vậy đã đúng chưa. Còn đằng nay lại lợi dụng để ghi cả nhận xét vào đó là sai mục đích của việc xác thực. Cán bộ xã, phường không có thẩm quyền đánh giá người dân như vậy”, TS Dũng nói.
Trong khi đó, theo TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, vấn đề yếu kém về trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở không phải bây giờ mới đặt ra.
“Nói chung trình độ cán bộ cấp cơ sở nhiều nơi còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó là sự chưa nghiêm túc của người cán bộ, nghĩa là chưa phải người công chức thực thụ. Công chức là phải tận tụy phục vụ nhân dân, nếu chưa đáp ứng được yêu cầu này nghĩa là còn sự bất cập của công vụ cơ sở”, TS Phúc nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở phải tăng cường sự kiểm tra từ cấp huyện, sự giám sát của cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị -xã hội.
“Chúng ta đã có quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí để lựa chọn cán bộ cấp cơ sở, nhưng vấn đề là việc tuyển chọn có được kiểm soát chặt chẽ không, các cơ quan chức năng, hệ thống chính trị có vào cuộc không?”, TS Phúc băn khoăn. Ông Phúc cho rằng nếu vấn đề giám sát công tác công vụ ở cơ sở không được quan tâm đúng mức, lâu dần sẽ dẫn tới sự mất lòng tin của nhân dân với chính quyền các cấp.
“Nhờ sự phát triển của mạng xã hội, nhiều vấn đề bức xúc của người dân đã được thông tin, báo chí vào cuộc phản ánh, các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý kịp thời. Nếu phát huy tốt mặt tích cực của mạng xã hội thì việc giám sát xã hội ngày càng thực hiện tốt hơn”, nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông.
Theo danviet
Hà Nội: Kiểm điểm cán bộ phê "chưa chấp hành" vào lý lịch tân sinh viên
Đến UBND xã Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội) làm thủ tục nhập học, tân sinh viên Ngô V.A. bị cán bộ xã phê vào hồ sơ với nội dung "bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương chính sách của nhà nước, quy định của địa phương"... Chủ tịch Hà Nội vừa yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm cán bộ liên quan sự việc.
Sự việc trên được em Ngô V.A. chia sẻ trên mạng xã hội. Cụ thể, vào ngày 8/8, em Ngô V.A mang hồ sơ đến xã xin xác nhận để nhập học thì cán bộ ở đây nói nhà em chưa đóng tiền xây dựng nông thôn mới (hơn 400.000 đồng). Muốn được xác nhận, thì gia đình em Ngô V.A. phải đóng đủ tiền cho địa phương.
Sau nhiều lần trình bày gia đình hoàn cảnh khó khăn nên chưa đóng được tiền chứ không phải không đóng, nhưng cán bộ xã Duyên Hà vẫn phê vào lý lịch của em Ngô V.A. với nội dung "bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương chính sách của nhà nước, quy định của địa phương".
Bút phê ngày 8/8 của cán bộ xã trên tờ khai lý lịch của em Ngô.V.A.
Trước thông tin trên, ông Nguyễn Đăng Huấn - Chủ tịch UBND xã Duyên Hà xác nhận cán bộ văn phòng xã đã viết nội dung như em Ngô V.A. chia sẻ trong hồ sơ. Ông Huấn cũng cho biết lý do cán bộ xã viết nội dung trên là do gia đình em Ngô V.A. chưa đóng các khoản tiền xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiền làm đường 300.000 đồng/khẩu và tiền điện chiếu sáng từ năm 2012 - 2015 là 130.000 đồng/khẩu.
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Văn Nhàn - Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, đã nắm được sự việc ở xã Duyên Hà. Huyện Thanh Trì đã yêu cầu xã Duyên Hà rút kinh nghiệm nghiêm túc sự việc này. Ngay trong chiều 10/8, UBND xã Duyên Hà phải xác nhận lại sơ yếu lý lịch cho em Ngô V. A..
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nội dung phê mới của xã Duyên Hà vẫn chưa sát với quy định về vấn đề này.
Chiều ngày 10/8, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì kiểm tra, làm rõ nội dung trên; Chỉ đạo UBND xã Duyên Hà thực hiện xác nhận Sơ yếu lý lịch công dân theo đúng quy định.
Ngày 10/8, UBND xã Duyên Hà đã "đính chính" lại bút phê dưới bản lý lịch của em Ngô V.A.
Ông Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu lãnh đạo huyện Thanh Trì và xã Duyên Hà kiểm điểm trách nhiệm cán bộ có liên quan đến vụ việc; báo cáo Thành ủy, UBND Thành phố trước ngày 13/8/2017.
Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Chung còn giao Sở Tư pháp phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra việc thực hiện công văn 1520/HTQTCT-CT ngày 20/3/2014 của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực - Bộ Tư pháp; đảm bảo không để xảy ra việc xác nhận lý lịch công dân không đúng quy định, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Quang Phong
Theo Dantri
Từ "bút phê của PCT xã": Lo ngại trình độ, tư duy của lãnh đạo cấp xã Việc bút phê của Phó chủ tịch UBND xã An Bình ở Hải Dương trong sơ yếu lý lịch cô gái 23 tuổi khiến nhiều người lo ngại về tính công bằng, trình độ và tư duy của lãnh đạo cấp xã. Hai ngày qua, mạng xã hội xôn xao vụ việc anh Nguyễn Danh Cường đưa em gái 23 tuổi đến UBND...