Cán bộ vào tận miền Nam vận động dân bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc?
Thấy nhiều dấu hiệu mập mờ trong sự việc bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc lập dự án, hàng chục hộ dân không đồng tình. Người dân kể rằng, phía UBND huyện còn cho người về từng nhà dân, thậm chí vào tận miền Nam vận động bán đất.
Cán bộ “nhiệt tình” đi vận động dân bán đất
Dự án không được công khai minh bạch, người dân không được phổ biến, thoả thuận về giá cả đền bù… Đó là lý do khiến hàng chục hộ dân ở xã Nghĩa An, Nam Cường ( huyện Nam Trực, Nam Định) phản ứng mạnh mẽ trước việc chính quyền địa phương lấy đất nông nghiệp sản xuất lâu năm của người dân để giao cho Công ty Bunda Footwear, trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc), chuyên sản xuất giày xuất khẩu.
Mập mờ dự án “bán” 30ha đất nông nghiệp cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Để thuyết phục dân, chính quyền đã đến từng nhà dân ở các xóm 21, 22 và 24 xã Nghĩa An vận động bán đất nông nghiệp cho doanh nghiệp Trung Quốc. Ngoài ra, nhiều gia đình cho biết, một số cán bộ huyện Nam Trực còn vào tận miền Nam, nơi một số con em họ đang công tác, để thuyết phục động viên gia đình bán đất.
Bà Lê Thị Thảo (SN 1958, xóm 24, xã Nghĩa An) cho biết: “Sáng ngày 13/7, có 3 người tìm đến gặp con trai tôi là Phạm Văn Lưỡng, đang làm phụ trách nhà Văn hóa thuộc Học viện Hải Quân Nha Trang. Trong số 3 người thì có 2 người giới thiệu một là anh V. công tác tại Huyện đội huyện Nam Trực và anh T., cán bộ Phòng Công thương tìm đến để vận động con tôi gọi điện về gia đình để bán đất”.
Cùng trường hợp với bà Thảo, 3 cán bộ này sáng ngày 14/7 cũng tìm đến Đại úy Lê Văn Đặng, Giảng viên Khoa công trình, Trường Sỹ quan Công binh, là con của ông Lê Văn Nông để gọi điện về vận động ông Nông bán đất.
Ông Nông cho biết: “Sau khi đoàn công tác huyện vào gặp con tôi, thấy con tôi gọi về gia đình kể lại sự việc. Nó có nói với đoàn công tác là gia đình tôi 3 đời làm cách mạng, nếu đây là dự án lớn của Nhà nước về xây dựng Chính trị, Quốc phòng, an ninh thì gia đình chúng tôi sẵn sàng hiến đất. Còn đây là dự án lấy đất của người dân để bán cho doanh nghiệp Trung Quốc thì yêu cầu các cán bộ làm đúng luật”.
Doanh nghiệp tự “dựng” việc thoả thuận giá cả bồi thường đất nông nghiệp cho người dân.
Do có nhiều dấu hiệu mập mờ trong việc thực hiện dự án, nhiều lần người dân xã Nghĩa An đã gửi đơn lên các cấp chính quyền nhưng không được giải quyết. Vì vậy người dân đã gửi đơn lên Trụ sở Tiếp công dân Trung ương Thanh tra Chính phủ. Phía Trụ sở Tiếp công dân Trung ương Thanh tra Chính phủ đã có văn bản số 3982/TDTW ngày 30/8/2016, yêu cầu người dân gửi đơn đến UBND tỉnh Nam Định để được giải quyết.
Bà Lê Phạm Thi Khuê (81 tuổi), người dân xã Nghĩa An cho biết: “Hiện nay còn rất nhiều hộ chưa bán đất, vì muốn giữ đất lại canh tác. Người dân chúng tôi phải cắm cờ để phản đối việc bán đất cho doanh nghiệp. Còn đất sản xuất chúng tôi còn làm ra lúa gạo. Chứ bán đi rồi lấy gì mà sản xuất, lấy gì để mà ăn? Rất mong các cấp chính quyền giải quyết thấu tình đạt lý”.
Nội bộ thôn xóm, gia đình “lục đục” vì bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc
Video đang HOT
Ông Lê Văn Nông trao đổi với phóng viên Dân trí.
Theo tìm hiểu của phóng viên, để phản đối dự án giao đất cho doanh nghiệp Trung Quốc, hiện nay ở các xóm 21, 22, 24 còn khoảng trên 300 hộ dân là không đồng ý bán đất. Theo người dân, trong những lần vận động dân bán đất, chính quyền vận động đảng viên trước.
Vì có nhiều ý kiến trái chiều nhau, nên nội bộ thôn xóm lục đục, xảy ra mâu thuẫn với nhau. Một số gia đình cần tiền thì đồng ý bán đất, số hộ dân thì không đồng ý bán nên nhiều tranh cãi không đáng có đã xảy ra.
Ông Lê Văn Nông cho biết: “Nhiều gia đình là đảng viên thì họ vận động bán trước để làm gương, đồng thời vận động những người còn lại tiếp tục bán. Nhiều gia đình không muốn bán đất vì muốn làm ăn sản xuất nên mâu thuẫn xảy ra. Nhiều lúc chúng tôi thấy rất buồn vì tình làng nghĩa xóm bị ảnh hưởng”.
Nhiều gia đình lục đục về tranh cãi bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Cũng theo lời ông Nông cho biết, không chỉ nội bộ thôn xóm xảy ra tranh cãi, trong nội bộ gia đình cũng lục đục vì bán đất. Nhiều người khi mất đi, chia đất cho các con cháu, nhưng đông người nên những người đi làm ăn xa thì muốn bán, còn những người ở nhà thì không muốn bán. Vì vậy anh chị em trong nội bộ gia đình cũng tranh cãi nhau.
Người dân xã Nghĩa An mong muốn giữ được mảnh đất này để yên tâm cấy cày, lao động sản xuất.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.
Tuấn Hợp – Đức Văn
Theo Dantri
Mập mờ dự án "bán đất" cho doanh nghiệp Trung Quốc
Trước việc mất đất sản xuất lâu năm cho một dự án xây dựng nhà máy sản xuất giày của một doanh nghiệp Trung Quốc, hàng chục hộ dân 2 xã Nghĩa An, Nam Cường (Nam Định) đã vô cùng lo lắng và bức xúc, cho rằng chính quyền địa phương đã vận động dân "bán đất" thiếu minh bạch.
"Mập mờ" trong việc triển khai dự án của doanh nghiệp Trung Quốc
Theo phản ánh của người dân xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, vào đầu tháng 3/2016, người dân xã này có nghe "loáng thoáng" về việc sẽ có một dự án được xây dựng trên cánh đồng họ đang canh tác.
Mập mờ dự án "bán đất" cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Qua tìm hiểu, người dân được biết, đây là dự án xây dựng nhà máy sản xuất giày xuất khẩu do Công ty Bunda Footwear, trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc).
Đến ngày 13/5/2016, UBND tỉnh Nam Định có văn bản số 994/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Dự án xây dựng nhà máy sản xuất giày xuất khẩu tại xã Nghĩa An và xã Nam Cường, huyện Nam Trực. Tổng mức đầu tư dự án là 1.405 tỷ đồng, diện tích đất dự kiến là 30 ha, trong đó xã Nghĩa An là 28,1 ha và xã Nam Cường là 1,9 ha.
Sau đấy, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường, đại diện Phòng Tổ chức huyện Nam Trực có đến họp chi bộ xóm 22 và 24, thuộc xã Nghĩa An và có nói là sẽ tiến hành họp dân để thông báo về việc triển khai dự án.
Mặc dù đến tháng 5, UBND tỉnh mới có văn bản về việc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án nhưng ngay từ tháng 3, từ xã đến huyện phối hợp với phía Công ty Bunda Footwear liên tục vận động người dân bán đất để triển khai dự án.
Ngoài việc mất đất sản xuất, người dân cho rằng chính những điều thiếu minh bạch của dự án khiến họ không đồng ý bán đất cho doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Nông (SN 1956), đại diện người dân xóm 24, xã Nghĩa An, cho biết: "Vào ngày 5/6, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường và Phòng Tổ chức huyện Nam Trực đã đến họp chi bộ xóm 24, sau đó là xóm 22. Trong cuộc họp chi bộ, đại diện 2 phòng này có nói là sẽ tiến hành họp dân thông báo về dự án này.
"Chưa được họp dân thì chúng tôi bất ngờ nhận được thông báo trên loa truyền thanh thông báo về việc bà con các xóm 21, 22 và 24 lên xã để bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc. Do người dân chúng tôi không đồng ý, nên xã đã viết giấy mời người dân lên xã để nhận tiền hỗ trợ do Nhà nước thu hồi đất trồng lúa cho Công ty Bunda", ông Nông cho biết.
Người dân xã Nghĩa An trao đổi với phóng viên Dân trí, phản đối việc bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc thiếu minh bạch.
Ông Trần Xuân Tĩnh (SN 1962), đại diện người dân xóm 22 cho biết, năm 2014, thực hiện chủ trương "Dồn điền đổi thửa" thành một cánh đồng mẫu lớn, nên khu vực này toàn bộ là khu đất vuông bàn cờ. Khu đất này mỗi năm người dân canh tác 4 vụ, cấy lúa 3 vụ và một vụ gieo mạ.
Sau khi dồn điền đổi thửa dân mới canh tác, sản xuất được 2 năm nay, chuẩn bị được cấp sổ đỏ thì vào đầu năm 2016, Công ty Bunda Footwear tới đưa ra văn bản của tỉnh ra để hỏi mua đất ruộng của nhân dân. "Nếu bán chúng tôi cầm tiền về rồi tiêu cũng hết, nhưng giữ lại đất thì chúng tôi còn có cái canh tác. Vì vậy người dân chúng tôi không muốn bán", ông Tĩnh nói.
Lạ đời "văn tự" xin trả lại đất cho chính quyền!
Sau khi xã viết giấy mời lên nhận tiền, người dân lên đến xã thì phía Công ty Bunda Footwear đưa ra 5, 6 loại giấy tờ như đơn xin tự nguyện trả lại đất, biên bản thỏa thận về việc tự nguyện trả lại đất để Nhà nước thu hồi đất và cho Công ty Bunda Footwear thuê thực hiện Dự án nhà máy sản xuất giày xuất khẩu, thông báo về giá thỏa thuận... để người dân ký vào, lấy tiền trước sự chứng kiến của Chủ tịch UBND xã, Bí thư xã, cán bộ địa chính, xóm trưởng.
Những "văn tự" mua đất của doanh nghiệp Trung Quốc không có chữ ký của chính quyền địa phương.
Điều lạ là ở chỗ, những loại "văn tự" kiểu này chưa được điền tên, thông tin về thửa đất nhưng đã có chữ ký khống của xóm trưởng để phát cho nhân dân. Trong khi đó, người dân cũng không hề được thỏa thuận về mức giá mà được ấn định luôn ở mức 220 nghìn đồng/m2, tương đương 79,2 triệu đồng/sào, bao gồm 20 nghìn đồng/m2 tiền hỗ trợ thêm của công ty.
Ông Lê Văn Nông bức xúc: "Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp nước ngoài chỉ được phép thực hiện dự án tại các khu, cụm công nghiệp. Tuy nhiên khu vực mà công ty Bunda Footwear muốn mua đất làm dự án nằm ngoài khu công nghiệp Nam Giang (thuộc thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực). Không hiểu sao dự án này vẫn được phê duyệt chủ trương? Trong khi đó, có nhiều thông tin cánh đồng chúng tôi đang canh tác là đồng chua, bỏ hoang, làm dân chúng tôi càng thêm bức xúc".
Các hộ dân lên UBND huyện Nam Trực phản đối dự án bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Trao đổi nhanh với phóng viên Dân trí qua điện thoại, ông Ngô Gia Tự, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, ông đã nhận được đơn phản ánh của người dân. Theo ông Tự, dự án có quy mô rộng nếu một số hộ dân không đồng thuận thì có thể thu hẹp dự án lại. Ngoài ra cũng có thể dừng dự án nếu như số đồng người dân không đồng thuận.
Ông Tự yêu cầu phóng viên Dân trí chủ động liên hệ với lãnh đạo huyện Nam Trực để tìm hiểu rõ thêm về dự án.
Để có thêm thông tin 2 chiều từ chính quyền địa phương, phóng viên báo Dân trí đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo huyện Nam Trực (Nam Định) để đặt lịch làm việc, tuy nhiên phóng viên luôn bị từ chối với nhiều lý do như "cưới con Chủ tịch huyện", "gia đình Chủ tịch huyện có đám hiếu"... Trụ sở UBND huyện Nam Trực thì gần như không có bảo vệ trực ở cổng.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến vụ việc này.
Tuấn Hợp - Đức Văn
Theo Dantri
Cầu ngói của bà chúa Trịnh Cách TP Nam Định khoảng 15 km, cầu ngói chợ Thượng là di tích cấp quốc gia được xây dựng nhờ công đức của bà chúa Trịnh từ hơn 300 năm trước. Cầu ngói chợ Thượng, xã Bình Minh (Nam Trực, Nam Định), được xây dựng từ thời Hậu Lê, với sự đóng góp công đức của bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân,...