Cần bố trí đủ nguồn lực
Trong hai ngày thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế – xã hội tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, Báo cáo đánh giá kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Chính phủ là một nội dung được nhiều đại biểu đề cập.
Ghi nhận những kết quả đạt được song các đại biểu Quốc hội đã chỉ rõ những bất cập, kiến nghị cần cân đối, bố trí đủ nguồn lực cho các vùng dân tộc thiểu số, miền núi phát triển hơn nữa.
8 huyện thoát khỏi diện huyện nghèo
Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2016-2018, các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực cao độ cho công tác giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đạt yêu cầu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đề ra.
Trong đó, Chương trình 135 của Chính phủ đã đầu tư 9.106 công trình; duy tu, bảo dưỡng 3.295 công trình; hỗ trợ trực tiếp cho 1,512 triệu hộ nghèo, cận nghèo; tập huấn cho 103 nghìn người, dạy nghề cho 720 nghìn người dân tộc thiểu số. Đã có 8 huyện thoát khỏi diện huyện nghèo; 14 huyện ra khỏi diện hưởng chính sách như huyện nghèo; 34 xã đủ điều kiện ra khỏi diện đầu tư theo Chương trình 135.
Đào tạo nghề giúp bà con dân tộc thiểu số thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Ảnh: Mạnh Dũng
Bên cạnh đó, việc triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đem đến những kết quả bước đầu quan trọng; công tác bảo vệ và phát triển rừng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi có bước chuyển biến tích cực. Tính đến tháng 8-2018, đã có 1.052 xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 22,29% (toàn quốc là 38,32%).
Năm 2017, diện tích rừng bị thiệt hại là 1.451ha (giảm 68% so với năm 2016); 9 tháng năm 2018, rừng bị thiệt hại là 873ha (giảm 22,2% so cùng kỳ năm 2017), về cơ bản rừng tự nhiên đã được quản lý tốt hơn.
Mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non, trường phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được củng cố, mở rộng. Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú được nâng lên. Hiện 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trường THCS, trường tiểu học, hầu hết các xã có trường, lớp học mầm non.
Cả nước có 314 trường phổ thông dân tộc nội trú; 975 trường phổ thông dân tộc bán trú; 5 trường đào tạo dự bị đại học dân tộc. Đã có 51/53 dân tộc thiểu số có học sinh cử tuyển đi học đại học; học sinh là người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ chi phí ăn ở, học tập…
Khắc phục tính ngắn hạn, thiếu chiến lược
Video đang HOT
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã phản ánh được những nét cơ bản về kết quả đạt được trên các lĩnh vực trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Sự nỗ lực của Chính phủ cùng các cấp, ngành đã tạo nhiều chuyển biến tích cực, quan trọng.
Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội chỉ rõ, hiện nay, số hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số còn cao và chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số hộ đồng bào dân tộc, chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp và có xu hướng gia tăng; tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng, miền.
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Đoàn Gia Lai) nhận định, vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là “rốn nghèo” của cả nước, thu nhập bình quân đầu người thấp. Tình trạng thất nghiệp của sinh viên người dân tộc thiểu số đang là vấn đề nổi cộm. Nhiều hộ dân ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi thiếu đất sản xuất, thiếu đất ở; không gian sinh tồn, bảo tồn văn hóa của cộng đồng người dân tộc thiểu số đang ngày càng bị thu hẹp, nhất là vùng Tây Nguyên. Nguyên nhân là do không bố trí đủ nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; một số chương trình chồng chéo, trùng lặp, chưa kịp thời.
Theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Đoàn Bình Phước), qua báo cáo cho thấy, có 118 chính sách đang triển khai và 10 bộ, ngành đang quản lý triển khai những chính sách về đồng bào dân tộc và miền núi. Do vậy, các cơ chế, nguồn lực phân bổ sẽ khác nhau, thậm chí có thể dẫn tới chồng chéo, chưa phát huy được hiệu quả.
Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chưa kể việc tiếp cận y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, việc đánh giá hộ nghèo giữa các vùng, miền có sự chênh lệch, do vậy nếu cào bằng, hiệu quả đầu tư của chính sách sẽ không cao.
Để đời sống kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi được nâng cao hơn nữa, các đại biểu Quốc hội kiến nghị, thời gian tới, Chính phủ cần quan tâm, cân đối, bố trí đủ nguồn lực thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ; định kỳ đánh giá việc thực hiện để bổ sung, sửa đổi phù hợp hoặc ban hành chính sách mới cho giai đoạn tiếp theo, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong giai đoạn vừa qua.
Các đại biểu cũng đề nghị, trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc kêu gọi các nguồn lực xã hội cùng phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi là rất cần thiết. Chính phủ cần có định hướng và đầu mối quản lý, sử dụng nguồn lực xã hội hóa này hiệu quả. Đồng thời, Chính phủ rà soát các chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi để khắc phục tính ngắn hạn, thiếu chiến lược, giúp đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thoát nghèo, vươn lên.
Tuấn Lương
Theo Zing
Những người bán mạng cho phép màu kinh tế ở Trung Quốc
Những người khoan đá cho các công trình xây dựng ở Thâm Quyến mắc bệnh phổi nặng, khiến họ yêu cầu thành phố này bồi thường.
Công nhân khoan đá tại một công trình ở Trung Quốc. Ảnh: Alamy.
Chỉ cần đi 4-5 bước, Wang Zhaogang, 52 tuổi, quê ở Hồ Nam, lại phải dừng để hít thở. Ông thở khò khè đầy khó nhọc, theo SCMP.
Wang chỉ nặng 40kg, sụt 15 kg so với năm trước. Trong năm nay, ông đã 5 lần đi từ quê ở huyện Tang Thực - một trong 10 huyện nghèo nhất ở Trung Quốc - đến thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông để đề nghị chính quyền thành phố giúp đỡ những công nhân xây dựng như ông.
Nhìn lên những tòa nhà chọc trời của thành phố, nơi ông đã làm công nhân xây dựng từ năm 2004 và phải đánh đổi bằng sức khỏe của mình, Wang nói: "Chúng tôi được đối xử như lũ kiến chứ không phải con người. Tôi đã bán mạng cho Thâm Quyến. Nếu tôi biết sự nguy hiểm của việc dùng búa khoan đá, tôi sẽ không bao giờ làm việc đó dù nghèo đến mức nào".
Tháng 8 năm ngoái, Wang biết rằng mình chẳng còn sống được bao lâu khi ông nhiễm bệnh bụi phổi silic giai đoạn ba vì nhiều năm tiếp xúc với bụi silic trong công việc. Thay vì lặng lẽ chấp nhận số phận, ông đã kiến nghị để đòi chính quyền Thâm Quyến bồi thường.
Ông là một trong số hơn 600 công nhân từ Hồ Nam muốn được nhận tiền điều trị y tế và hỗ trợ gia đình, phản ánh cái giá mà người lao động phải trả cho phép màu kinh tế biến Thâm Quyến từ một làng chài im lìm thành thành phố với GDP 338 tỷ USD vào năm 2017.
Trong khi Thâm Quyến kỷ niệm 40 năm kể từ khi chính sách mở cửa của Trung Quốc giúp thành phố này trỗi dậy, hoàn cảnh bi đát của những công nhân từng xây dựng các tuyến tàu điện ngầm và tòa nhà nổi bật của thành phố cho thấy rằng bảo vệ người lao động vẫn là vấn đề, một thập niên sau khi Trung Quốc ra luật vào năm 2008 yêu cầu chủ lao động ký hợp đồng với nhân công.
Gu Fuxiang, 51 tuổi, mắc bệnh bụi phổi silic giai đoạn hai, nói rằng Thâm Quyến không thể đạt được thành công "mà không có sự đóng góp của những bệnh nhân như chúng tôi. Tôi đã phải trả giá bằng mạng sống của mình để đóng góp cho thành tựu của Thâm Quyến".
"Tôi rất cần tiền", Gu nói thêm. "Tôi cần tiền để phụng dưỡng bố mẹ, đóng học phí cho con và trả hết nợ. Tôi không còn nhiều thời gian nữa. Tôi còn phải lo chuyện hậu sự của chính mình".
Bụi phổi Silic là bệnh viêm phổi không chữa được do hít phải bụi silic trong không khí kéo dài khi các công nhân dùng búa khoan để khoan đá granite cứng ở lòng đất Thâm Quyến nhằm xây móng cho các tòa nhà. Họ kiếm được 200-300 NDT (29-44 USD) một ngày, cao hơn ba lần so với các loại công việc xây dựng khác tại thời điểm đó.
Kể từ những năm 1990, người lao động từ Hồ Nam đổ xô đến các thành phố như Thâm Quyến, nhận khoan đá để nhanh chóng kiếm tiền. Nhưng vào những năm 2000, nhiều người bắt đầu ngã bệnh và qua đời.
"Nhiều người bị bệnh viêm phổi do họ hít bụi mỗi ngày mà không có công cụ bảo hộ lao động", Geoffrey Crothall, phát ngôn viên của China Labor Bulletin, tổ chức bảo vệ quyền cho người lao động có trụ sở tại Hong Kong, cho biết.
Các kiến nghị của người lao động chỉ giúp họ nhận được những khoản từ thiện nhỏ, một phần vì hầu hết người lao động thiếu tài liệu chứng minh họ đã làm việc tại các công trình trước khi mắc bệnh.
Hơn 200 công nhân đã đến Thâm Quyến lần thứ sáu để gây sức ép với chính quyền thành phố vào tháng 9. Họ lên kế hoạch đi thêm chuyến nữa trong tháng này, sau khi các quan chức chưa giữ lời hứa giúp đỡ họ.
Biên bản từ các cuộc họp cho thấy giới chức cam kết đẩy nhanh tiến độ xử lý yêu cầu bồi thường của 227 công nhân có thể xuất trình hồ sơ làm việc. Giới chức cũng hứa hẹn rằng sẽ điều phòng khám di động đến Hồ Nam để kiểm tra các công nhân khác. Lãnh đạo thành phố Thâm Quyến đồng ý đến thăm những công nhân ốm yếu.
Crothall cho rằng mặc dù có những biện pháp pháp lý mà người lao động có thể thực hiện, chúng tốn nhiều thời gian và công sức. "Rất nhiều người không có tài liệu chứng minh việc làm", ông nói. "Một số có thẻ làm việc từ những năm 1990, nhưng với bệnh nguy hiểm do nghề nghiệp, bạn phải nộp đơn yêu cầu bồi thường trong một năm sau khi mắc bệnh".
"Vì vậy, các thủ tục pháp lý thực sự không khả dụng với họ. Lựa chọn duy nhất là kiến nghị với thành phố Thâm Quyền giàu có và phát triển với hy vọng họ làm điều đúng đắn", Crothall bình luận.
"Giờ là năm 2018 rồi nhưng các công việc nguy hiểm vẫn tồn tại", Wang nói. "Không có sự cải thiện. Nhiều người lao động tiếp tục bị viêm phổi. Chính quyền tiếp tục phớt lờ chúng tôi".
"Nhưng chúng tôi rất quyết tâm. Nếu kiến nghị ở đây không được thì chúng tôi muốn kiến nghị lên chính quyền tỉnh Quảng Đông. Nếu Quảng Đông cũng không được thì chúng tôi có thể đến Bắc Kinh".
Gia đình các công nhân xây dựng giơ dòng chữ "Thâm Quyến, hãy đền bù cho lá phổi của chồng chúng tôi". Ảnh: SCMP.
Tuy nhiên, thời gian cũng là trở ngại. Nhiều người từng làm việc cùng Wang đã chết, những người còn sống đang vật lộn với các hóa đơn bệnh viện.
Zhong cho biết công nhân cảm thấy bị bỏ rơi dù đã đóng góp cho sự phát triển của Thâm Quyến. "Chúng tôi bị bệnh và sắp chết; chính phủ ít nhất nên trả các hóa đơn y tế cho chúng tôi", ông nói. "Họ không thể chỉ ngồi đó và nhìn chúng tôi chết. Không có gì buồn hơn là nhìn các anh em của mình chết một cách chậm chạp và đau đớn, để lại vợ con. Chẳng bao lâu nữa cũng đến lượt chúng tôi".
Crothall đồng ý rằng việc giải quyết các kiến nghị diễn ra quá lâu dù chính quyền Thâm Quyến đã đồng ý lắng nghe ý kiến của người lao động.
"Nhiều người sẽ sớm ra đi", Crothall nói. "Thật đáng buồn rằng nhiều chính quyền địa phương nghèo hơn đang chờ họ chết và hy vọng vấn đề sẽ được giải quyết theo cách đó".
Theo Phương Vũ (VNE)
Bác sĩ khá, giỏi về vùng sâu, vùng nghèo công tác 23 bác sĩ chuyên khoa 1 sẽ về công tác tại các huyện nghèo, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân vùng khó khăn. Khóa 12 đào tạo bác sĩ chuyên khoa 1 đã được Bộ Y tế phối hợp với Trường đại học Y Hà Nội tổ...