Cán bộ TP.HCM được tăng thu nhập từ ngày 1.4
Nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ, công chức sẽ được tăng thu nhập 0,6 lần trong năm nay.
Ngày 16.3, kỳ họp thứ 7 HĐND TP.HCM khóa IX với sự thống nhất cao đã thông qua đề án tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ không chuyên trách.
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1.4. Đối tượng là cán bộ có hiệu quả công việc tốt (dựa trên đánh giá hàng quý, hàng năm) được tăng thu nhập gấp 0,6 lần theo nguyên tắc không cào bằng. Từ năm 2019 đến 2020 tăng dần lên tối đa 1,8 lần.
Kinh phí cho việc này lấy từ nguồn thu được để lại hàng năm, nguồn cải cách tiền lương năm trước chuyển sang, nguồn tiết kiệm 10% khoản chi thường xuyên, nguồn 50% tăng thu ngân sách quận – huyện, nguồn ngân sách thành phố…
Điều chỉnh đề án thu hút nhân tài
Đây là đề án nhận được nhiều góp ý, phản biện nhất. HĐND cũng điều chỉnh đối tượng thu hút và phạm vi áp dụng của đề án.
Theo đó, lực lượng lao động sáng tạo trẻ được tách khỏi đề án, bởi nhóm này đã được Chính phủ quy định chính sách thu hút riêng. Còn chuyên gia, nhà khoa học được tuyển dụng sẽ làm việc ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập (trừ cơ quan trung ương đóng ở TP.HCM, các cơ quan ngành dọc, lực lượng vũ trang).
Họ phải có công trình nghiên cứu xuất sắc, nhiều kinh nghiệm đào tạo, tư vấn, vận hành… Khi được tuyển chọn, nhân sự được trợ cấp ban đầu tối đa 100 triệu đồng, hưởng lương chuyên gia cao cấp, cùng các chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học, hỗ trợ nhà ở công vụ, kinh phí thuê nhà…
Lĩnh vực cần tuyển chọn là: công nghệ thông tin, xây dựng đô thị thông minh; công nghệ hỗ trợ, dịch vụ kho bãi, vận tải; nông nghiệp công nghệ cao, tế bào gốc; trung tâm tài chính; xây dựng hạ tầng hiện đại; công trình phòng chống thiên tai, xử lý sự cố môi trường; vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, linh kiện điện tử cao cấp; trí tuệ nhân tạo và trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, văn hóa xã hội, thể dục thể thao…
Gần 9.500 tỷ đồng đầu tư hai dự án nhóm A
Video đang HOT
HĐND cũng ra Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư hai dự án công nhóm A sử dụng vốn ngân sách, tổng mức đầu tư 9.495 tỷ. Gồm dự án xây dựng rạp xiếc, biểu diễn đa năng Phú Thọ và dự án bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ đầu tư xây dựng Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc (phục vụ SEA Games 31 vào năm 2021).
Ngoài ra, HĐND TP.HCM phê chuẩn tổng số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập là 119.976; và tổng số biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính năm 2018 là 12.345 người.
Trước đó, hai đề án điều chỉnh phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ ôtô, điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, cũng được thông qua.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ảnh: H.C
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá cao các đề án, đã tạo động lực giải quyết những vấn đề lớn, cũng như cho tầm nhìn chiến lược phát triển thành phố. Ngoài ra, việc tăng phí đỗ ôtô và phí bảo vệ môi trường còn giúp điều chỉnh hành vi, lập lại trật tự đô thị…
Chỉ ra các khó khăn, thách thức thành phố đang gặp phải, bà Tâm yêu cầu cả hệ thống chính quyền khẩn trương đưa các đề án “đi vào cuộc sống”. Nghị quyết thông qua các đề án lần này có nhiều điểm mới, khó nên UBND thành phố cần hướng dẫn kịp thời, thường xuyên thanh tra công vụ… cũng như điều chỉnh, bổ sung, để tiếp tục trình HĐND các nội dung còn lại trong các kỳ họp tới.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Nghị quyết 54 của Quốc hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của thành phố. Ngay sau khi được HĐND thông qua các đề án, ông sẽ chỉ đạo các sở ngành triển khai bằng những kế hoạch chi tiết, khoa học với tinh thần trách nhiệm, không đùn đẩy, không để sót công việc. Thành phố quyết tâm không để xảy ra tình trạng “chủ trương, quyết sách đúng nhưng thực hiện yếu kém”.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết, song song với các đề án của cơ chế đặc thù, thành phố cũng đang xây dựng 4 nhiệm vụ trọng tâm của đề án Đô thị thông minh.
Theo Tuyết Nguyễn – Hữu Công (VNE)
TP.HCM: Tăng thu nhập cho cán bộ, lo "ai cũng hoàn thành tốt"
Nhiều ý kiến cho rằng, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức là cần thiết, nhưng phải theo hiệu quả công việc, không cào bằng mới tạo được động lực làm việc.
Ngày 2.3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội Dự thảo đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý.
Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM - phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hồ Văn
Tại hội nghị, PGS.TS Võ Trí Hảo (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho biết, đề án nhằm tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức, tuy nhiên chưa tạo ra sự cạnh tranh giữa các đơn vị. Ông cho rằng, nên phân chia các đơn vị thành 3 nhóm theo thành tích công việc để áp dụng mức tăng thu nhập cao nhất là 1,8 lần, chứ không cần đợi đến năm 2020 như đề án.
TS Võ Trí Hảo phát biểu ý kiến tại buổi phản biện. Ảnh: Hồ Văn
"Theo đó, nhóm đầu sẽ được hưởng mức thu nhập tăng thêm là 1,8 lần, nhóm giữa là 1,2 lần và nhóm cuối là 0,6 lần. Thành phố phải tính toán, đưa ra tiêu chí đánh giá kết quả làm việc của các đơn vị một cách khoa học, hợp lý", ông Hảo nói.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM băn khoăn chuyện làm sao để tránh "cào bằng", đảm bảo công bằng trong đánh giá cán bộ, công chức. Quy trình đánh giá cán bộ hiện nay rất phức tạp, do đó khi triển khai đề án sẽ xuất hiện nhiều vấn đề tâm tư, cán bộ, công chức lo đánh giá không công bằng.
TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, việc đánh giá sẽ có bất cập, khó công bằng. Ảnh: Hồ Văn
"Tiêu chí đánh giá, tổ chức đánh giá cán bộ làm sao, quyền người đứng đầu như thế nào để đảm bảo công bằng. Chứ có khi "giàu" rồi lại mất đoàn kết, tăng thu nhập thì lại đánh giá không tốt, rồi làm hoạt động hạn chế. Tôi nghĩ phải có thêm đề án đánh giá cán bộ, công chức kèm theo đề án này", ông Ngân đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Châu Minh Tỷ - nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM lo ngại cách đánh giá cán bộ mang "tính chất bình quân", người giỏi cũng được, người yếu cũng vậy là bất hợp lý.
Về ý kiến phân loại các đơn vị thành phố thành 3 nhóm để tăng chi thu nhập, ông Tỷ nói: "Chúng ta không nên đánh giá bình quân mà phải cá thể hóa cán bộ, công chức. Vì đơn vị yếu kém thì vẫn có cán bộ làm việc hiệu quả, đơn vị hoàn thành công việc tốt nhưng vẫn có cán bộ yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ".
Bên cạnh đó, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM đề nghị có tiêu chí đánh giá hợp lý, nếu đánh giá chung chung thì ai cũng hoàn thành nhiệm vụ tốt, rất khó phân loại, đánh giá cán bộ.
Ông Nguyễn Tất Năm - Trưởng phòng Lao động - Tiền lương, tiền công (Sở LĐTB&XH TP.HCM) đề nghị phân tích thêm cho từng đối tượng, phải phân loại cán bộ để chi tăng thu hợp lý, tạo động lực làm việc. "Tôi e rằng nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ là được tăng thu nhập thì ai cũng tốt hết vì câu chuyện dĩ hòa vi quý", ông Năm nói.
Ông Nguyễn Tất Năm - Sở LĐ-TB&XH TP.HCM sợ rằng việc đánh giá sẽ cào bằng. Ảnh: Hồ Văn
Trước sự quan tâm của nhiều đại biểu về tiêu chí đánh giá cán bộ, vai trò thủ trưởng đơn vị, ông Đỗ Văn Đạo - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, hiện nay công tác đánh giá cán bộ là trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị theo hướng dẫn của Trung ương, thành phố. Do đó, ông mong các đại biểu chia sẻ.
"Chúng ta biết vấn đề lương và thu nhập hiện nay còn nhiều bất cập. Thời gian tới, Sở nghiên cứu để đánh giá sát hơn với nhiệm vụ, công việc của cán bộ, công chức. Việc bình chọn dễ "dĩ hòa di quý", chúng ta phải có cách làm khoa học hơn. Vai trò quan trọng trong đánh giá cán bộ là sự công tâm, quán xuyến của thủ trưởng cơ quan", ông Đạo nói.
Năm 2018, TP.HCM dự kiến chi 2.342 tỷ đồng tăng thu nhập cho cán bộDự kiến, đề án trên sẽ được trình lên HĐND TP.HCM tại kỳ họp bất thường vào giữa tháng 3. Đây là đề án nằm trong số 21 nội dung, đề án của UBND TP.HCM triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Theo đề án, hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm trong năm 2018 là 0,6 lần, năm 2019 là 1,2 lần và đến năm 2020 thì tăng thêm 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ.Đối tượng được chi trả thu nhập tăng thêm là cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn được cơ quan thẩm quyền đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Nguyên tắc thực hiện chính sách chi trả tăng thêm đảm bảo "gắn với hiệu quả công việc" và "không cào bằng". Việc chi trả căn cứ vào kết quả đánh giá hiệu quả công việc của năm đó và thực hiện chi trả sau khi có kết quả đánh giá hiệu quả công việc hàng năm của từng cán bộ, công chức, viên chức. Hiện TP.HCM có 11.645 công chức, 122.157 viên chức và 6.440 cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn. Theo đó, dự kiến nhu cầu kinh phí để tăng thu nhập năm 2018 là hơn 2.342 tỷ đồng.
Theo danviet
Thứ trưởng Bộ Tư pháp về giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Ông Lê Tiến Châu - Thứ trưởng Bộ Tư pháp về giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang và được giới thiệu để Hội đồng nhân dân tỉnh bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2016 - 2021. Chiều (16.3), Ban Tổ chức T.Ư cùng Ban thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đã tổ chức lễ...