‘Cán bộ tổ chức bức xúc vì thông tin chạy công chức 100 triệu’
Theo ông Hoàng Quốc Long, Phó vụ trưởng Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ), chỉ vì thông tin “ chạy công chức 100 triệu đồng” mà đội ngũ công chức nói chung mang tiếng xấu.
Trao đổi với báo chí chiều 5/2, ông Hoàng Quốc Long, Phó vụ trưởng công chức viên chức đã giải thích về đợt thanh, kiểm tra thông tin “chạy công chức 100 triệu ở Hà Nội” mà Trưởng ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực phát ngôn tại kỳ họp HĐND thành phố tháng 12/2012. Theo ông Long, sau đó ông Dực đã không cung cấp được thông tin cụ thể về thời điểm, địa chỉ hay người “chạy” dù Ban thường vụ thành ủy lẫn Bí thư Phạm Quang Nghị đã đích thân làm việc với ông Dực.
Về phía Bộ Nội vụ, lãnh đạo Bộ chỉ đạo Vụ công chức, viên chức phối hợp Hà Nội, nếu có thông tin người nào hay tổ chức làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. “Báo cáo các đồng chí là chúng tôi làm ngày làm đêm, mang tiếng chỉ vì một vài thông tin như vậy. Hiện, các đồng chí cán bộ tổ chức từ quận huyện, bộ ngành rất bức xúc trước thông tin này”, ông Long nói.
Phó vụ trưởng Công chức, viên chức Hoàng Quốc Long. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Liên quan tới con số 30% công chức làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp về” mà Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu, ông Long cho hay, thông tin này từng được đại biểu Quốc hội nêu ra tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đánh giá về gần 3 triệu công chức, viên chức ông Long cho rằng, trong thời gian qua, đội ngũ này đã hoàn thành tốt sứ mạng của mình. Theo cách hiểu của ông Long, Phó thủ tướng đưa ra con số đó để các bộ ngành, địa phương tiếp tục rà soát, tinh giản đội ngũ nhằm cải cách chế độ tiền lương và chất lượng cán bộ.
Video đang HOT
“Một cơ quan cũng như một cỗ xe, có những bộ phận các đồng chí tưởng không quan trọng nhưng nó là cấu thành của một cỗ máy. Nếu cắt 30% thì cỗ máy không hoạt động được”, ông Long ví von.
Trao đổi thêm về hai nội dung này, Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, có thể bây giờ chưa phát hiện ra người “chạy công chức” nhưng vẫn phải tiếp tục chờ các cơ quan có thẩm quyền và Bộ Nội vụ làm rõ. “Qua đợt thanh, kiểm tra vừa rồi ở Hà Nội cũng phát hiện sai phạm như vi phạm quy trình, quy chế tuyển dụng chứ không phải không”, ông Tuấn nói.
Để hạn chế tiêu cực trong thời gian tới, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu tổ chức lại phương pháp thi tuyển. Riêng Bộ đã thí điểm và tổ chức chính thức việc thi tuyển vào Bộ bằng hình thức thi trực tuyến trên máy tính vào đầu tháng 1 vừa qua.
Ông Tuấn cho rằng, trong số công chức, viên chức “có một tỷ lệ nhất định không làm việc”. Sau khi có ý kiến của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ đã chỉ đạo điều tra để có đánh giá về thực trạng đội ngũ công chức ngay trong quý 1, từ đó đưa ra đề xuất giải pháp.
“Làm thế nào để những người gia nhập đội ngũ công vụ phải tận tụy làm việc phục vụ nhân dân, đất nước một cách tự nguyện. Vấn đề không phải lương cao hay thấp mà còn là tinh thần trách nhiệm với nhân dân, xã hội”, ông Tuấn nói.
Theo VNE
Chạy công chức: Đã chạy dại gì mà nói!
Việc CA huyện Ứng Hòa (Hà Nội) chưa phát hiện đưa, nhận tiền trong vụ tiêu cực thi công chức, hiện đang khiến dư luận hoài nghi!
Chủ nhiệm UB Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực phát biểu về "chạy" công chức tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội (Ảnh: Tiền Phong)
Lật lại, vụ tiêu cực đợt thi tuyển công chức giáo viên mầm non, tiểu học và THCS huyện Ứng Hòa năm 2012, sau khi nhận phản ánh của dư luận, tháng 10/2012, UBND huyện Ứng Hòa đã có quyết định thành lập đoàn kiểm tra, xác minh thông tin.
Bỗng dưng mất điểm gốc?!
Kết quả, sau hơn một tháng làm việc, đoàn kiểm tra đã có báo cáo kết quả. Cụ thể, đã xác định 16 trường hợp thí sinh dự thi được tác động thay đổi điểm thi, ở 16 phần thi thực hành giảng bài.
Trong 16 người được "ưu ái" nâng điểm thì có 7 thí sinh, đã trúng tuyển. Tuy nhiên, trong quá trình xác minh, các cặp chấm khẳng định không xác định được điểm thực tế của từng bài thi. Do vậy, UBND huyện đã báo cáo đề nghị với tập thể Ban Thường vụ giữ nguyên kết quả trúng tuyển để đảm bảo ổn định tình hình tại địa phương.
Trước thông tin này, TS Ngô Thành Can, Phó Trưởng khoa Tổ chức và quản lý nhân sự (Học viện Hành chính), người từng có kinh nghiệm nhiều năm tham gia hội đồng chấm thi công chức nhận định: Quy trình chấm thi công chức đã đưa ra những yêu cầu nghiêm ngặt, trong đó việc giữ phiếu chấm điểm gốc (điểm thực tế) của từng thí sinh là một trong những yêu cầu bắt buộc. Ông Can lý giải: thông thường, kết quả bài thi chấm vòng đầu tiên sẽ chỉ được lưu vào phiếu điểm, sau đó trải qua quá trình thẩm tra, phúc khảo, kết quả cuối cùng mới được đưa vào biểu điểm. "Thực tế, nhiều hội đồng thi cũng đã từng để đánh mất phiếu điểm gốc do yếu tố thời gian, ngoại cảnh tác động", ông Can cho biết.
Tuy nhiên, đối với trường hợp tại Ứng Hòa, dư luận tỏ ra ngạc nhiên khi kỳ thi tuyển công chức năm 2012 của huyện mới diễn ra song phiếu điểm gốc không hiểu vô tình hay hữu ý mà lại " bỗng dưng biến mất" khi đoàn thanh tra vào cuộc. " Chuyện này đối với người ngoài thì ngạc nhiên nhưng đối với người liên quan thì lại là chuyện bình thường. Giả sử công tác thi tuyển có vấn đề, lỗi sơ suất trong hoạt động làm mất phiếu điểm gốc sẽ nhẹ hơn rất nhiều so với lỗi vi phạm quy chế thi", ông Can nói và nhận định " Nếu nhanh tay xử lý thì chuyện lớn biến thành chuyện bé mà thôi"!
Liên quan tới vụ việc trên, báo cáo Công an huyện Ứng Hòa cũng khẳng định cho tới 26/12, lực lượng công an chưa phát hiện được trường hợp nào đưa tiền hoặc nhận tiền để nâng điểm thi tuyển. Chính vì vậy, Ủy ban Kiểm tra huyện ủy và UBND huyện Ứng Hòa chỉ xét kỷ luật về Đảng và chính quyền đối với từng cá nhân có sai phạm theo hướng: Cảnh cáo về Đảng và chính quyền, điều chuyển về cơ quan khác.
Bình luận về thông tin này, ông Can nói: " Đây là sự việc nhạy cảm, người chạy và người được chạy chả ai dại gì mà nói ra số tiền đã nhận và đã mất. Để bắt được quả tang, thì không còn cách nào khác phải dấn thân. Một khi sự dấn thân đó không được phép của cơ quan thẩm quyền thì vô tình người điều tra sẽ trở thành tội phạm hối lộ".
Không khó để phát hiện chạy công chức
Cho rằng chuyện phát hiện tiêu cực thi công chức nằm trong tầm tay của các cơ quan chức năng, ông Bùi Đức Lại, chuyên viên cao cấp của Ủy Ban Tổ chức TƯ thẳng thắn nhìn nhận: " Tiêu cực thi công chức nếu có thì đa số người liên quan là cán bộ đảng viên. Ủy ban Kiểm tra cấp ủy hoàn toàn có thể làm việc này, thậm chí phải mời Sở Nội vụ báo cáo rõ, nếu cá nhân vi phạm ở cấp cao thì Ban Kiểm tra TƯ sẽ vào cuộc can thiệp". Dẫn ra ví dụ như cảnh sát giao thông đứng ở ngã ba đường, khi vi phạm xảy ra, không cần ai phải mời mà tự thân anh phải đứng ra can thiệp "Câu chuyện tiêu cực thi công chức cũng vậy, cơ quan chức năng có đủ khả năng thanh tra và làm tốt, chỉ có điều họ có muốn làm thực sự hay không mà thôi", ông Bùi Đức Lại nói.
Về phía người dám công khai thông tin " chạy công chức 100 triệu", tại thời điểm này, khi trả lời phóng viên, ông Trần Trọng Dực cho biết, mình không được mời làm thành viên trong đoàn thanh tra về vụ việc này.
Trước thông tin này, ông Bùi Đức Lại, tỏ ra ngạc nhiên: "Tôi không hiểu vì lý do gì mà TP Hà Nội lại không mời anh Dực tham gia. Bởi với tư cách cá nhân, anh Dực là người phát ngôn và nắm trong tay bằng chứng vụ việc, về trách nhiệm pháp lý, một Vị chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy càng phải vào cuộc làm rõ tiêu cực trong nội bộ đảng viên cấp ủy của mình", ông Lại khẳng định.
Chiều 3/1, trao đổi với phóng viên, ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, ông Trần Trọng Dực đã cung cấp tất cả bằng chứng liên quan tới thông tin chạy công chức cho đoàn thanh tra mà ông này đã phát biểu trước đó tại kỳ họp HĐND. "Anh em trong đoàn thanh tra đã nắm trong tay chứng cứ mà anh Dực cung cấp, hiện cũng đã báo cáo với tất cả cơ quan chức năng liên quan" ông Tuấn nói.
Theo xahoi
Bộ Nội vụ chưa nhận báo cáo vụ "chạy" công chức Chiều 25/12, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết ông chưa nhận được báo cáo của UBND TP Hà Nội về công tác tuyển dụng công chức của thành phố. Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực là người từng nêu vấn đề chạy công chức không dưới 100 triệu đồng- Ảnh: Xuân Long...