“Cán bộ thanh tra phải dũng cảm đấu tranh với cái sai, không bị mua chuộc”
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhấn mạnh: “ Cán bộ thanh tra phải thật sự tận tuỵ với công việc, dũng cảm trong đấu tranh với cái sai và không bị mua chuộc”.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018 của Thanh tra Chính phủ ngày 27/7, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã biểu dương và ghi nhận những nỗ lực, kết quả mà toàn ngành thanh tra đạt được.
Dù vậy, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế, yếu kém mà ngành thanh tra cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc, đề ra giải pháp khắc phục. Đó là việc kết luận một số cuộc thanh tra còn chậm (có vụ việc kết luận nhiều lần), có vụ việc thanh tra chỉ ra khuyết điểm nhưng xử lý thế nào lại không nêu, quản lý đoàn chưa chặt chẽ, có nhiều trường hợp tiêu cực trong tiến hành thanh tra, chất lượng một số cuộc thanh tra còn hạn chế.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chậm được khắc phục, hiệu quả công tác tiếp công dân chưa cao, giải quyết khiếu nại tố cáo còn chậm. Có vụ việc còn thiếu chính xác, chưa khách quan, công dân chưa đồng tình, bức xúc, kéo dài.
Tình hình khiếu nại tố cáo còn tiềm ẩn nhiều khó lường, phức tạp, khiếu nại lên Trung ương tăng cao, giải quyết việc việc khiếu nại tố cáo còn chậm, tỷ lệ giải quyết thuộc thẩm quyền thấp so với kế hoạch đề ra (71,5%). Quá trình giải quyết còn né tránh, đùn đẩy, không mạnh dạn sửa sai.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình chỉ đạo tại hội nghị.
Trong khi đó, công tác phòng chống tham nhũng của nhiều cấp, nhiều ngành còn thiếu quyết liệt, việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo còn hạn chế, số vụ việc phát hiện còn ít so với thực tế vi phạm…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Cán bộ thanh tra phải thật sự tận tuỵ với công việc, dũng cảm trong đấu tranh với cái sai và không bị mua chuộc”.
Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018, Phó Thủ tướng yêu cầu, Thanh tra Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương nỗ lực triển khai công tác xây dựng pháp luật, nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng.
Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để khắc phục sơ hở, bất cập trong quản lý nhà nước, chỉ ra những nguyên nhân phát sinh khiếu nại tố cáo kéo dài, đặc biệt là các quy định về thu hồi đất, giá đất, bền bù, tái định cư. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, phòng chống tham nhũng.
Video đang HOT
“Các kết luận thanh tra phải bảo đảm chính xác, khách quan, các trường hợp có dấu hiệu tội phạm phải chuyển sang cơ quan điều tra, đồng thời gửi cho Viện Kiểm sát biết để theo dõi, phối hợp”- Phó Thủ tướng yêu cầu.
Đồng thời đẩy mạnh giám sát hoạt động của các đoàn thanh tra, nâng cao chất lượng thẩm định dự thảo kết luận thanh tra và công tác xử lý sau thanh tra để thu hồi tiền, tài sản về cho Nhà nước. Chủ động theo dõi, đôn đốc các cơ quan liên quan thực hiện kết luận thanh tra, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh, bảo đảm kết luận thanh tra phải được thực hiện hiệu quả, kiểm tra sau thanh tra, ai gây ra phải cũng phải xử lý, không có chuyện “hạ cánh an toàn”.
Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình chỉ đạo tập trung phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ việc tham nhũng; tập trung thanh tra các vụ việc nhạy cảm, có nhiều dư luận, xã hội bức xúc.
“Đẩy nhanh tiến độ thanh tra, kết luận các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng, đổi mới phương thức theo dõi, đánh giá kết quả công tác phòng chống tham nhũng, chỉ rõ những nơi làm tốt, nơi làm chưa tốt”- Phó Thủ tướng yêu cầu.
Tại hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định quyết tâm của toàn ngành, sẽ nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2018 toàn ngành đã triển khai 3.827 cuộc thanh tra hành chính và 92.913 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 9.873 tỷ đồng, 32.627 ha đất; đã kiến nghị thu hồi hơn 7.875 tỷ đồng, và 357 ha đất.
Qua thanh tra đã phát hiện 80.600 tổ chức, cá nhân có vi phạm, tổng số tiền vi phạm 5.553 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 5.156 tỷ đồng.
Theo Dân Trí
Dấu hiệu sai phạm kết quả thi ở Sơn La: Tiết lộ bất ngờ!
Cụm thi số 14 tại Tỉnh Sơn La do Sở GD-ĐT Sơn La chủ trì, phối hợp với trường Đại học Tây Bắc, trường Đại học Thủ đô Hà Nội và trường Cao đẳng Sơn La để tổ chức kì thi THPT quốc gia năm 2018. Sau khi tổ chức kì thi, trường Đại học Tây Bắc có đại diện thuộc Ban chấm thi của tỉnh này.
Hơn 22h đêm ngày 21/7, trao đổi với báo chí, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), Tổ trưởng Tổ công tác kiểm tra kết quả thi "bất thường" ở Sơn La cho biết, qua tình hình thực tế, trong những ngày qua các cơ quan của Bộ Công an, công an tỉnh Sơn La chủ trì phối hợp với tổ công tác để điều tra, xác minh, làm rõ những dấu hiệu sai phạm.
Ông Mai Văn Trinh cho biết có dấu hiệu can thiệp, làm thay đổi kết quả thi của thí sinh ở cụm thi số 14.
"Bước đầu cho thấy, đã có một số sai phạm quy chế thi, đặc biệt là ở khâu chấm thi. Trong đó, có dấu hiệu can thiệp, làm thay đổi kết quả thi của thí sinh. Hiện nay, các cơ quan của Bộ Công an, Công an Sơn La đang tích cực điều tra làm rõ các sai phạm", ông Trinh khẳng định.
Ông Trinh cho biết, Bộ GD&ĐT đang tổ chức chấm thẩm định một số bài thi Ngữ văn.
"Với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, Tổ công tác chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La cao nhất để sớm có kết quả, kết luận cuối cùng, hoàn thành nhiệm vụ. Khi nào có kết quả, chúng tôi sẽ sớm cung cấp", ông Trinh thông tin.
Thông tin Cụm thi số 14 có sai phạm đặc biệt ở khâu chấm thi khiến khá nhiều người bất ngờ bởi Bộ GD-ĐT luôn khẳng định quy trình chấm thi vô cùng chặt chẽ, rất khó xảy ra sai phạm.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng cử thanh tra chấm thi ủy quyền cắm chốt tại Hội đồng chấm thi (cán bộ thanh tra chấm thi là giảng viên của trường ĐH) cũng như có cả cán bộ giám sát chấm thi ở Hội đồng chấm thi (cũng là giảng viên các trường ĐH). Câu hỏi đặt ra, với quy trình chặt như vậy nhưng vẫn để xảy chuyện tẩy xóa, chỉnh sửa bài thi thì các đại diện được Bộ GD-ĐT ủy quyền đã làm gì và trách nhiệm của họ đến đâu?
Nếu như câu chuyện ở Hà Giang là sử dụng công nghệ để gian lận và đã qua mặt hàng loạt người cùng tham gia ở Ban chấm thi trắc nghiệm cộng với việc vắng mặt bất thường của hai thanh tra chấm thi ủy quyền của Bộ GD-ĐT còn có thể lý giải phần nào của vụ việc, còn ở Sơn La dường như vẫn là một ẩn số.
Trao đổi với Dân trí, đại diện của trường ĐH Thủ Đô Hà Nội khẳng định, nhà trường chỉ cử giảng viên làm công tác thanh tra coi thi và phối hợp coi thi ở cụm thi số 14. Toàn bộ khâu chấm thi ở cụm thi này nhà trường không tham gia, không có giảng viên nào là thanh tra chấm thi hoặc là giám sát chấm thi ở cụm thi số 14.
Trong khi đó, xác nhận với Dân trí, Tiến sĩ (TS) Đỗ Hồng Đức - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Tây Bắc cho hay, trường ĐH Tây Bắc có cử hai đồng chí đi thanh tra chấm thi ở Lai Châu, còn ở cụm thi số 14 - Sơn La chỉ có TS Đức là người tham gia vào Ban chấm thi.
TS Đức cũng thông tin, thanh tra chấm thi ở Sơn La được Bộ GD-ĐT cử lên là trường ĐH Xây dựng Hà Nội.
Trước câu hỏi của Dân trí, là thành viên của Ban chấm thi thì TS có thấy dấu hiệu bất thường gì hay không?
"Hiện nay tôi chưa tham gia vào đợt này nên tôi chưa thể có câu trả lời. Mọi thông tin báo chí có thể liên hệ với anh Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng để nắm bắt", TS Đức nói.
Ông Đức cho hay, từ hôm tổ công tác của Bộ GD-ĐT lên làm việc Sơn La đến nay ông vẫn chưa được mời đến làm việc.
Trong khi đó trao đổi với Dân trí, lãnh đạo Phòng đào tạo trường ĐH Xây dựng Hà Nội xác nhận có cán bộ của trường tham gia vào công tác thanh tra chấm thi ở Sơn La.
Theo hướng dẫn thanh tra, kiểm tra thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 của Thanh tra Bộ GD-ĐT, việc thanh tra chấm thi thực hiện quy định tại Điều 8 Thông tư số 23/2016/TT-BGDĐT; quy định tại Khoản 3 Điều 8, từ Điều 23 đến Điều 28 Quy chế thi và Mục 1, Mục 2 Phụ lục V, Phụ lục VI Hướng dẫn số 991, trong đó tập trung vào một số nội dung: Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thi, các ban của Hội đồng thi liên quan đến công tác chấm thi, gồm có: thành phần Ban chấm thi; việc vận chuyển, bàn giao, bảo quản bài thi; việc bố trí khu vực chấm thi, phòng chấm thi (2 vòng độc lập), phòng chấm kiểm tra đối với bài thi tự luận; việc chuẩn bị phòng chấm thi, thiết bị chấm bài thi trắc nghiệm; Việc đánh phách bài thi tự luận (bố trí khu vực làm phách, việc bảo mật phách); Công tác chấm thi và quản lý điểm bài thi: việc thực hiện quy định về chấm thi và chấm kiểm tra bài thi tự luận, ghép phách bài thi tự luận; việc thực hiện quy định về chấm bài thi trắc nghiệm; việc thực hiện quy định về nhập điểm và quản lý điểm bài thi.
Nhiệm vụ rất rõ ràng như vậy thì ở Sơn La cán bộ thanh tra chấm thi cắm chốt liệu có phát hiện ra dấu hiệu bất thường hay không?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, thanh tra đã yêu cầu các cán bộ này giải trình. Theo giải trình thì các cán bộ này không phát hiện ra dấu hiệu bất thường nào.
Ông Bằng cũng cho rằng, với những sai phạm tinh vi thì rất khó để thanh tra phát hiện. Chẳng hạn như ở Hà Giang theo quy định chìa khóa phải giao cho hai người cầm thì ở đây họ bất chấp giao cho một người cầm để vào gian lận. Hơn thế nữa là thanh tra chấm thi không hoạt động vào ban đêm, nếu đối tượng liều lĩnh thực hiện sai phạm vào ban đêm thì cũng không thể giám sát được.
Nguyễn Hùng
Theo Dantri
Tài xế tông hai nữ sinh tử vong đã sử dụng rượu bia Ngày 17/7, một lãnh đạo Công an huyện Krông Nô (Đắk Nông) cho biết, đơn vị đã khởi tố vụ án liên quan đến vụ tai nạn khiến hai nữ sinh tử vong tối 15/7. Bước đầu cơ quan chức năng xác định trước thời điểm gây tai nạn, tài xế đã sử dụng bia, rượu. "Sau khi xảy ra vụ tai nạn,...