Cán bộ ở TP.HCM không được đi nước ngoài trong đại dịch Covid-19
Cán bộ, công chức TP.HCM được yêu cầu không đi nước ngoài trong thời điểm điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, kể cả những trường hợp được duyệt từ trước khi có dịch.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết các cán bộ, công chức ở TP.HCM được yêu cầu hạn chế đi nước ngoài để tập trung chống dịch – Ảnh: Ngọc Dương
Tất cả cán bộ, công chức không được đi nước ngoài
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết để tập trung chống dịch bệnh Covid-19, TP.HCM đã yêu cầu tất cả cán bộ, công chức, viên chức của thành phố không được đi nước ngoài, kể cả những trường hợp đã được UBND TP.HCM duyệt trước khi có dịch. Đối với những trường hợp đặc biết, thật sự cần thiết phải có ý kiến của Chủ tịch UBND TP.HCM.
“Việc này không chỉ bảo vệ cho bản thân, gia đình, cộng đồng mà còn thể hiện trách nhiệm của người lãnh đạo, cán bộ, công chức và đảng viên trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 của cả nước”, ông Tuyến nhấn mạnh.
Toàn thế giới có hơn 125.000 ca nhiễm Covid-19, WHO chính thức tuyên bố đại dịch
Chuyển sang họp trực tuyến
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, TP.HCM yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện hạn chế các cuộc hội họp đông người, giảm các cuộc họp không cần thiết. Đối với những cuộc họp cần thiết phải tổ chức thì đẩy mạnh chuyển sang họp trực tuyến. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng giao Sở TT-TT kết nối trực tuyến một số cuộc họp của UBND TP.HCM qua Trung tâm Báo chí TP.HCM để phóng viên các báo đài T.Ư và TP đến tác nghiệp, hạn chế đến điểm họp.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc UBND Q.4 – Ảnh: Sỹ Đông
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM, cho biết hình thức họp trực tuyến được TP.HCM và Sở áp dụng từ nhiều năm qua và phát huy nhiều tác dụng, giúp cho lãnh đạo các địa phương cách xa trung tâm TP.HCM không phải tốn thời gian đi lại. Bên cạnh đó, các hội nghị phổ biến, hướng dẫn các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng được áp dụng hình thức họp này. Một số quận, huyện cũng đã áp dụng họp trực tuyến với các phường, xã trực thuộc như Q.Bình Tân, H.Củ Chi và H.Nhà Bè.
Từ khi diễn ra dịch bệnh Covid-19 đến nay, Sở đã áp dụng hình thức họp này nhiều hơn để hạn chế tiếp xúc. Trong thời gian tới, hình thức này sẽ tiếp tục được áp dụng với phạm vi rộng hơn.
“TP.HCM đã đầu tư một hệ thống họp trực tuyến dùng chung cho các sở, ban, ngành và quận, huyện bao gồm 45 điểm cầu cố định và một số điểm cầu di động chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc họp trực tuyến của lãnh đạo TP.HCM và đơn vị”, bà Trinh cho hay.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết cải cách các dịch vụ công theo hướng trực tuyến chính là biểu hiện thực chất, góp phần phòng, chống dịch trong thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh. Ý nghĩa của cải cách dịch vụ công trực tuyến càng thiết thực cho người dân, đem lại tiện lợi, sự minh bạch, công khai trong quá trình cải cách thủ tục hành chính.
Theo Thanh niên
Hội họp trực tuyến mùa dịch
Một loạt bộ, ngành đã dừng các cuộc họp trực tiếp, chuyển qua làm việc trực tuyến (online) để phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Một cuộc họp trực tuyến tại TP.HCM - Ảnh: Đình Phú
Không chỉ tiết kiệm tiền của, việc chuyển đổi từ hình thức họp "offline sang online", theo các chuyên gia, là rất phù hợp với tình hình dịch bệnh đang "căng như dây đàn" hiện nay.
Vì càng tụ họp đông người, nguy cơ lây nhiễm càng cao. Trong khi đó, thực tế các cuộc họp trực tuyến với sự kết nối internet có nhiều ưu điểm như hiển thị hình ảnh trực quan, sinh động; kết nối đa điểm; chia sẻ thông tin giữa những người dùng cách xa nhau, truyền âm thanh và dữ liệu đồng thời như ở thời gian thực.
Họp trực tuyến, xử lý hồ sơ qua mạng
Một trong những cơ quan tiên phong trong thực hiện họp, xử lý công việc trực tuyến là Bộ LĐ-TB-XH. Bộ trưởng bộ này, ông Đào Ngọc Dung, đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, từ ngày 9.3, Bộ LĐ-TB-XH đã tạm hoãn các cuộc họp và các hội nghị, hội thảo tập trung đông người. Để bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ và chất lượng công tác chuyên môn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại các đơn vị.
Ông Nguyễn Bá Hoan, Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết thêm: "Từ 9.3, lãnh đạo Bộ tổ chức các cuộc họp trực tuyến, trao đổi với lãnh đạo các đơn vị ngay tại phòng làm việc thông qua thiết bị đầu cuối.
Tại điểm cầu, các đơn vị, lãnh đạo đơn vị có thể triệu tập thêm các cán bộ liên quan tham dự để nắm bắt được ngay chỉ đạo của Bộ trưởng". Cũng theo ông Hoan, trong thời gian này, đối với lãnh đạo Bộ, lãnh đạo đơn vị đang đi công tác, có thể sử dụng thiết bị di động (iPhone, iPad, điện thoại) để tham gia họp.
Màn hình kết nối cuộc họp giao ban trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thừa Thiên-Huế - Ảnh: X.S
Trong quá trình trao đổi, có thể trình chiếu các file văn bản, số liệu, hình vẽ... có liên quan thông qua hệ thống điều hành trực tuyến. Những trường hợp trong diện cách ly 14 ngày (không cách ly tập trung) cũng sẽ làm việc online tại nhà.
"Hệ thống điều hành trực tuyến gồm 10 bộ thiết bị đầu cuối đã tích hợp đầy đủ màn hình hiển thị, camera, âm thanh... được Bộ LĐ-TB-XH đầu tư từ năm 2019.
Trong những ngày qua, cách thức hoạt động, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Bộ từ hình thức họp tập trung sang họp trực tuyến không hề gặp khó khăn, ngược lại, đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Bộ, cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí, giảm thời gian làm việc", ông Hoan cho biết thêm.
Tại Bộ KH-ĐT, kể từ khi cách ly tại nhà, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT vẫn điều hành mọi việc thông qua email, phần mềm quản trị nội bộ theo chương trình chính phủ điện tử. "Các cán bộ vẫn đi làm tại trụ sở bình thường. Tuy nhiên, lịch làm việc hằng ngày của Bộ cũng hoãn nhiều cuộc họp trực tiếp, hầu hết đều chuyển qua làm việc online và phần mềm quản lý nội bộ", đại diện Bộ KH-ĐT chia sẻ.
Trước đó, ngày 10.3, Văn phòng Bộ GD-ĐT cũng có văn bản gửi các đơn vị thuộc cơ quan Bộ yêu cầu tạm hoãn các chuyến công tác nước ngoài, các hội nghị, hội thảo tập trung đông người cho đến khi có thông báo mới. Trong trường hợp cần thiết, phải báo cáo Bộ trưởng để xem xét quyết định. Cùng với đó là tăng cường ứng dụng CNTT để vừa bảo đảm phòng chống dịch bệnh, vừa thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ và chất lượng công tác chuyên môn của đơn vị.
Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cũng thông tin bộ này đã dừng một hội thảo về luật Thanh niên theo kế hoạch tổ chức tại Phú Quốc trong các ngày 9 - 10.3. "Những hội nghị đông người, hoặc đi công tác xa bằng máy bay, chúng tôi dừng lại hết", ông Minh nói. Theo ông Minh, khi hạn chế hội họp, lãnh đạo Bộ tăng cường giao ban trực tuyến với cán bộ, nhân viên, đồng thời sử dụng tài liệu online; trường hợp phải họp tập trung thì số người tham dự ít nhất có thể, ghế ngồi xếp cách nhau 2 m.
Tương tự, Bộ Quốc phòng cũng hoãn các hội nghị, cuộc họp tập trung đông người chưa cần thiết, chuyển sang họp trực tuyến hoặc trao đổi qua điện thoại. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Đơn cho biết thêm, Bộ tạm dừng các chuyến công tác nước ngoài không thực sự cấp bách.
Tại Hà Nội, Văn phòng Thành ủy cũng thông báo dừng, không tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng bộ TP và buổi gặp mặt lãnh đạo TP qua các thời kỳ (trước đó dự kiến diễn ra vào ngày 16.3). Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Một trái tim hồng" nhân dịp này, dự kiến tổ chức tối 16.3, cũng dừng tổ chức...
Tiết kiệm và an toàn
Tại một cuộc họp trực tuyến mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết nếu làm tốt chính phủ điện tử cũng là một giải pháp ngăn ngừa Covid-19, khi hiện nay nhiều cơ quan, đơn vị, trường học ứng dụng chính phủ điện tử trong giao dịch, hạn chế tiếp xúc trực tiếp.
Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 2 vừa ban hành ngày 10.3, Thủ tướng một lần nữa yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương gương mẫu trong việc sử dụng chữ ký số cá nhân, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh cải cách các dịch vụ công theo hướng trực tuyến chính là biểu hiện thực chất, góp phần phòng, chống dịch trong thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh. Ý nghĩa của cải cách dịch vụ công trực tuyến càng thiết thực cho người dân, đem lại tiện lợi, sự minh bạch, công khai trong quá trình cải cách thủ tục hành chính.
Ông Mai Tiến Dũng cho biết thêm ngày 13.3 dự kiến sẽ có từ 15 - 20 dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia (CDVCQG). Điều đáng nói nữa là hầu hết các dịch vụ này đều chú trọng đến thanh toán trực tuyến. Như các dịch vụ thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; nộp thuế cá nhân; thu phí, lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy; đăng ký khai sinh và cấp phiếu lý lịch tư pháp...
Theo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ, tính từ ngày khai trương (tháng 12.2019) đến 10.3 vừa qua (tròn 3 tháng), CDVCQG đã có trên 77.200 tài khoản đăng nhập; hơn 20,9 triệu người truy cập tìm hiểu thông tin dịch vụ; trên 2,6 triệu bộ hồ sơ đồng bộ trạng thái, trong đó có trên 13.100 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ CDVCQG.
Cùng với đó, Chính phủ cũng sắp khai trương hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ để giảm bớt báo cáo giấy tờ, trực tiếp. Số liệu do các bộ, cơ quan cung cấp cho thấy, bình quân hằng năm, mỗi bộ, cơ quan có khoảng 20 báo cáo định kỳ gửi Chính phủ, Thủ tướng. Như vậy, ước tính tổng số
22 bộ, cơ quan báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là 440 báo cáo/năm. Còn theo tính toán của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, nếu điện tử hóa tất cả các báo cáo này và kết nối với Chính phủ, thì sẽ tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước khoảng 460 tỉ đồng/năm.
Theo Thanh niên
Thanh Hóa: 41 giáo viên, học sinh đang cách ly tại nhà Tại Thanh Hóa, đến thời điểm này có 41 cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh đang được nghỉ học, cách ly do đã đến và đi từ vùng có dịch hoặc tiếp xúc với người thuộc diện cách ly. Tại tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, học sinh THPT, học viên Giáo dục thường xuyên, sinh viên các trường Cao đẳng, Đại...