Cán bộ liên quan gian lận thi cử ra tòa ‘nói như hành tinh nào xuống’
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan bức xúc khi cán bộ liên quan vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 không ăn năn, hối cải, chỉ tìm cách thoát tội.
Chiều 22/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách năm 2019; kế hoạch năm 2020.
Các đại biểu cũng thảo luận một số nội dung khác như đề án phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nghị quyết xóa nợ thuế, cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và nước…
Tại tổ TP.HCM, các đại biểu đề cập việc xử lý gian lận thi cử gây chấn động dư luận trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan khẳng định bà rất bức xúc khi đạo đức của một số công chức đáng báo động.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng không thể chấp nhận việc một số cán bộ liên quan gian lận điểm thi không hối cải, chỉ tìm cách thoát tội. Ảnh: Việt Hùng.
“Có trường hợp ra tòa xử mà nói như ở hành tinh nào xuống, không còn gì gọi là liêm sỉ”, bà nói về thái độ trước tòa của một số cán bộ.
Theo bà Lan, với sai phạm như gian lận điểm thi, lẽ ra, cán bộ phải thấy có lỗi, nhận tội, thấy được vi phạm của mình đánh mất lòng tin của rất nhiều người, tương lai của nhiều con em. Ngày trước, kém 0,25-0,5 điểm, thí sinh đã không có cửa vào đại học. Thế nhưng, với việc nâng điểm hàng loạt ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, một số cán bộ lại chối bỏ một cách hết sức ấu trĩ.
Đại biểu Phong Lan khẳng định không thể chấp nhận việc cán bộ không có thái độ ăn năn, hối cải khi vụ việc bị phát hiện mà chỉ “điên cuồng phản ứng bằng mọi cách để thoát tội”.
Nữ đại biểu đề nghị xem lại đạo đức công vụ, con người, không chấp nhận việc cán bộ quản lý nói một đàng làm một nẻo.
Video đang HOT
“Chúng ta cố gắng xây dựng để xã hội tốt đẹp hơn mà bây giờ, con cháu nhìn vào thấy không được”, bà Lan nói.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng lãnh đạo cần đánh giá, chỉ đạo nhằm tạo đồng thuận trước vấn đề gian lận thi cử. Vấn đề người dân đặt ra là trước những sai sót, vi phạm, khuyết điểm lớn như vậy, tính trung thực của các bộ và việc tôn trọng người dân như thế nào.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm rất bức xúc trước việc xử lý gian lận điểm thi. Ảnh: Lê Trai.
Cử tri đánh giá việc công bố vi phạm, nguyên nhân, cách xử lý như vừa qua là thiếu tôn trọng, coi thường nhân dân. Không cán bộ, lãnh đạo nào có con được nâng điểm nhận khuyết điểm. Đây là sự né tránh, không tạo được sự đồng thuận khiến người dân cảm thấy bị coi thường.
“Thậm chí, có người nói rằng thà không nhận khuyết điểm, không thi hành kỷ luật, không kiểm điểm và đừng công bố, họ còn cảm thấy đỡ hơn. Công bố rồi, người ta thấy có gì đó chua chát như bà con dòng họ nâng điểm vì quan tâm, quan hệ cá nhân, chứ không có tiền bạc gì. Người ta cho rằng cách nói đó thiếu trung thực”, bà nhấn mạnh.
Bà Tâm cũng cho rằng việc đánh giá, nhận định, đưa ra các hình thức xử lý phải mang tính răn đe cao hơn, là bài học kinh nghiệm để cán bộ không tái phạm.
Vụ án nâng điểm thi THPT quốc gia 2018 được cho là gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay. 222 thí sinh được nâng điểm ở Hà Giang (114), Sơn La (44), Hòa Bình (64). Trong đó, những thí sinh ở Hà Giang được trả lại điểm thật trước khi xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 16 bị can về các tội danh khác nhau. Trong đó, Sơn La 8 người, Hòa Bình 3 và Hà Giang 5.
Với 108 thí sinh liên quan gian lận ở Sơn La, Hòa Bình, Bộ GD&ĐT công bố kết quả chấm thẩm định khi các em đã trúng tuyển vào nhiều trường đại học công an, quân đội, sư phạm, y, kinh tế… Thậm chí, một số em còn đỗ thủ khoa các trường đại học lớn ở Hà Nội.
Sau khi rà soát, nhiều trường đã cho thôi học sinh viên liên quan gian lận thi cử. Bộ Công an đã trả 53 sinh viên về Sơn La, Hòa Bình. Các trường quân đội cũng trả về địa phương 7 trường hợp. Một số sinh viên khác vẫn được học, dù được nâng điểm, vì không có căn cứ xử lý.
Nhiều cán bộ cũng bị xem xét kỷ luật vì liên quan “đại án gian lận” của ngành giáo dục.
Theo Zing.vn
Vụ sửa điểm thi ở Sơn La : Khởi tố thêm tội nhận hối lộ, bắt cựu PGĐ Sở
Công an tỉnh Sơn La hôm nay khởi tố bổ sung để điều tra tội Đưa hối lộ và Nhận hối lộ, bốn ngày sau khi tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại.
Đồng thời cơ quan này cũng thi hành lệnh bắt tạm giam ông Trần Xuân Yến, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT.
Theo VnExpress, ngày 22/10, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bổ sung tội Nhận hối lộ đối với bị can Lò Văn Huynh (phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo) và khởi tố, bắt tạm giam bà Lò Thị Trường (người có con được nâng điểm) về tội Đưa hối lộ.
Cơ quan điều tra cũng ra quyết định bắt tạm giam bị can Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) do ông Yến đã thay đổi lời khai trong quá trình xét xử vừa qua gây khó khăn cho công tác điều tra.
Các quyết định tố tụng trên đã được VKSND tỉnh Sơn La phê chuẩn.
Bị cáo Lò Văn Huynh tại tòa. Ảnh: VNE
Theo Tuổi trẻ, tại phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử tại Sơn La, bà Lò Thị Trường (mẹ của thí sinh Lù Mạnh Hùng) khai có quan hệ gia đình, gọi bị cáo Lò Văn Huynh (cựu phó trưởng phòng khảo thí) bằng chú. Kỳ thi THPT quốc gia 2018, bà Trường đến nhà bị cáo Huynh "nhờ ông xem điểm trước cho con sau khi thi".
Bà Trường không nhớ con mình được bao nhiêu điểm, chỉ biết là trúng tuyển vào trường an ninh. "Cháu đã bị trường trả về, lý do điểm chấm lại không đạt", bà Trường nói.
HĐXX cho bị cáo Huynh lên đối chất. Ông Huynh xác nhận lời khai của bà Trường là đúng. Tuy nhiên, ông Huynh khai sau kỳ thi bà Trường có đến đưa 300 triệu đồng cảm ơn nhưng ông đã trả lại. Sau lời khai trên, bà Trường xác nhận có đưa tiền cho ông Huynh. Thời điểm đưa tiền tại nhà ông Huynh.
Theo lời bà Trường, sau khi đưa tiền được 2 ngày thì ông Huynh đã trả lại.
Do phiên tòa có tình tiết mới nên HĐXX đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Tòa yêu cầu làm rõ nguồn gốc số tiền, hành vi thỏa thuận của các bị cáo và những người liên quan sau để xác định đủ hay chưa đủ cấu thành tội nhận hối lộ và đưa hối lộ:
1. Nguyễn Thị Hồng Nga khai đã nhận của ông Trần Văn Điện (cán bộ thư viện Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên) 1,040 tỉ đồng để giúp sửa bài, nâng điểm cho 4 thí sinh.
2. Cầm Thị Bun Sọn khai đã nhận của bà Hoàng Thị Thành (chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai) 440 triệu đồng để giúp sửa, nâng điểm cho con trai.
3. Lò Văn Huynh khai đã nhận của ông Nguyễn Minh Khoa (cựu phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) 1 tỉ đồng để giúp sửa, nâng điểm cho 2 thí sinh; ngoài ra còn 1,1 tỉ đồng nữa thỏa thuận nhưng chưa đưa nhận.
Lò Văn Huynh còn khai nhận của bà Lò Thị Trường (phụ huynh có con được nâng điểm) số tiền là 300 triệu đồng để giúp sửa nâng điểm cho con trai.
4. Đặng Hữu Thủy khai đã nhận của bà Nguyễn Thị Kim (kế toán trường THPT Tô Hiệu) 150 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Mai Hà (giáo viên trường THPT Tô Hiệu) 150 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Xuyên (giáo viên trường THCS Mường Bằng 1) 200 triệu đồng để giúp sửa, nâng điểm cho bốn thí sinh.
Riêng trường hợp bà Bùi Thị Xuân (Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La) có hứa hẹn sau khi giúp nâng điểm sẽ đưa cho Thủy 270 triệu đồng, nhưng đến nay Thủy chưa nhận được tiền.
Theo danviet
Gian lận thi cử ở Sơn La : Bố không biết nhờ xem điểm trước là vi phạm, con vẫn thôi học Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La nhờ bị cáo Trần Xuân Yến "xem trước điểm thi" nhưng không nghĩ việc đó vi phạm quy chế thi của Bộ GD&ĐT. Sáng 17/10, phiên xét xử sơ thẩm vụ gian lận thi cử ở Sơn La chuyển sang phần thẩm vấn các nhân chứng và những người có quyền lợi và nghĩa vụ...