Cần bỏ giấy phép vô lý trong nhập khẩu ô tô
Phải đoạn tuyệt với những quy định kìm hãm phát triển. Gốc rễ là do tư duy “quyền anh, quyền tôi”.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, năm 2011, Thông tư 20 của Bộ Công Thương đưa ra quy định đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu xe hơi phải có giấy ủy quyền chính hãng cùng nhiều đòi hỏi ngặt nghèo khác. Thông tư đã làm cho khoảng 180 DN phá sản, tính đến thời điểm này.
Nhìn nhận về câu chuyện này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, một trong những tác giả của Luật DN, tỏ ra rất buồn. “Nếu cần, Nhà nước vẫn có thể hạn chế nhập khẩu ô tô nhưng phải bằng hàng rào kỹ thuật chứ không phải bằng một mệnh lệnh hành chính như Thông tư 20″ – TS Cung nói với Pháp Luật TP.HCM.
Trái luật, tước cơ hội của các DN nhỏ
. Phóng viên: Theo chúng tôi được biết, trong đợt rà soát các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trái với Luật DN, Luật Đầu tư hồi tháng 6 vừa qua, Thông tư 20 được đem ra mổ xẻ rất nhiều. Vấn đề cơ bản đối với thông tư này là gì, thưa ông?
TS Nguyễn Đình Cung: Theo Luật Đầu tư, từ ngày 1-7, các bộ, ngành và UBND các địa phương không được ban hành các ĐKKD. Nếu chiếu theo Điều 7 Luật Đầu tư quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, rồi Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ và đặc biệt là Hiến pháp thì Thông tư 20 đều trái luật, vi hiến.
. Vì sao ông khẳng định điều đó?
Một trong những điểm mấu chốt là Thông tư 20 yêu cầu nhà nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền của chính hãng sản xuất. Yêu cầu này, xét đến cùng, là chính sách đảm bảo sự độc quyền cho một nhóm nhỏ các DN lớn trong lĩnh vực này. Khi đảm bảo sự độc quyền này, Thông tư 20 cũng đồng thời tước đoạt cơ hội của nhiều DN khác và xâm phạm lợi ích chính đáng của đại đa số người tiêu dùng.
Thông tư này, như chúng ta thấy, đã triệt tiêu động lực phải cung cấp dịch vụ và hàng hóa cạnh tranh nhất của các DN độc quyền. Chẳng còn ai cạnh tranh với họ thì tội gì họ phải có dịch vụ tốt nhất, hàng hóa tốt nhất?
. Vừa qua, không chỉ các DN nhập khẩu ô tô còn “thoi thóp” kêu cứu, mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề nghị Chính phủ cần bãi bỏ thông tư này. Chắc ông cũng đồng tình?
Chính phủ đang cam kết liêm chính và kiến tạo phát triển thì không nên duy trì Thông tư 20. Chính phủ sẽ gửi thông điệp rất tích cực cho môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, tạo niềm tin và động lực cho khu vực DN tư nhân trong nước nếu thông tư này được bãi bỏ.
Theo tôi, xét cả về mặt pháp lý, thực tiễn và quản lý nhà nước, không còn cơ sở nào để “vương vấn” với Thông tư 20.
Video đang HOT
Các doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi kêu gọi bãi bỏ quy định vô lý trong Thông tư 20. Ảnh: CTV
Gốc rễ là do tư duy “quyền anh, quyền tôi”
. Chúng ta đã bàn nhiều về Thông tư 20. Nhưng chúng tôi được biết còn nhiều quy định “na ná” thông tư này?
Nhiều lắm. Chẳng hạn những quy định về quy mô bồn chứa, số lượng vỏ bình của DN kinh doanh gas, công suất nhà kho của các DN xuất khẩu gạo, rồi các quy định về máy móc phải thế này, nhân sự phải thế kia… Tất cả quy định trên là sự can thiệp của quản lý nhà nước vào chuyện nội bộ của DN. Gốc rễ của sự can thiệp này nằm ở tư duy “quyền anh, quyền tôi” của các bộ, ngành. Trong khi, như tôi đã nói rất nhiều lần, cần phải “thị trường, thị trường, thị trường hơn”.
Tôi vẫn cho rằng cần phải loại bỏ sự ám ảnh và tư duy của một thời kỳ kinh tế “kế hoạch hóa tập trung”, đoạn tuyệt với những quy định kìm hãm sự phát triển. Để xây dựng một môi trường kinh doanh tự do, bình đẳng, cạnh tranh theo nghĩa đầy đủ nhất của kinh tế thị trường.
. Thưa ông, phải chăng việc thúc đẩy một môi trường kinh doanh tự do, bình đẳng, cạnh tranh mới chỉ bắt đầu?
Chúng ta chưa thể hài lòng, bởi ngay cả Luật DN, Luật Đầu tư mới tạo được tiền đề cho việc tôn trọng và khuyến khích quyền tự do kinh doanh. Điều cần thiết hơn là phải có thể chế để tự do kinh doanh gắn chặt với cạnh tranh thị trường một cách công bằng và trật tự, cũng như việc các DN phải được tiếp cận nguồn lực thông qua trao đổi trên thị trường chứ không phải bằng cơ chế “xin-cho”.
Thực tế là chưa có cạnh tranh công bằng giữa các DN. DN thiếu “mối quan hệ” đang chịu nhiều thua thiệt. Những DN làm ăn tử tế, liêm chính vẫn có thể bị thua thiệt bởi hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Bởi thế, tôi muốn nhấn mạnh rằng cần phải đoạn tuyệt với các quy định kìm hãm phát triển, xây dựng thể chế đủ mạnh để đảm bảo việc cạnh tranh công bằng. Chỉ có cạnh tranh mới là động lực sống còn của DN và là nhân tố bảo đảm cho kinh tế thị trường được vận hành đầy đủ, hiệu quả.
. Xin cám ơn ông.
Không ít công chức quên mất chữ “đồng hành” Nghị quyết 19/2015 mang tính đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Sau hai năm thực hiện, chỉ có 13/63 địa phương và 4/22 bộ, ngành có gửi báo cáo kết quả thực hiện về Chính phủ. Việc triển khai soạn thảo các nghị định thực hiện Luật DN, Luật Đầu tư đã ban hành từ năm 2014 nhưng suốt cả năm 2015 và quý I-2016, các bộ, ngành vẫn “đủng đỉnh” và không tránh khỏi thiếu sót. Gần 50 nghị định hướng dẫn đã được thông qua đúng theo kế hoạch nhưng việc xóa bỏ các ĐKKD và giấy phép con bất hợp lý đã chưa được giải quyết dứt điểm. Kỷ luật thực thi không nghiêm đã vô hiệu hóa nhiều nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ. Nhiều giải pháp đúng nhưng triển khai chậm trễ và không đến nơi đến chốn nên môi trường kinh doanh vẫn chưa được cải thiện nhiều như kỳ vọng. Những rào cản đối với hoạt động đầu tư kinh doanh còn nhiều, thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo. Trên con đường “đồng hành” cùng người dân và DN, không ít công chức đã bỏ quên mất chữ “đồng”. Sức nóng và sự thôi thúc của cải cách chưa thấm được tới hành vi và thái độ của từng công chức ở cơ sở để mỗi người dân và DN có thể yên tâm được. TS VŨ TIẾN LỘC, Chủ tịch VCCI Nghị quyết 19, rồi Nghị quyết 35 của Chính phủ mới đây thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, nói một cách công bằng, vẫn có những chính sách tốt nhưng kết quả thực hiện lại có một khoảng cách khá xa so với trên giấy tờ. TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG
CHÂN LUẬN thực hiện
Theo_PLO
Buôn ô tô: Kinh doanh tự do hay phải có điều kiện?
Một số ý kiến đề nghị nâng cấp Thông tư 20 về nhập khẩu xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống thành Nghị định về điều kiện kinh doanh. Như vậy sẽ phải sửa Luật đầu tư, điều này có thể thực hiện?
Sửa Luật Đầu tư vì ô tô?
Đề xuất này được ông Lâm Chí Quang, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), đưa ra tại Hội thảo "Đề xuất sửa đổi bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh" diễn ra mới đây.
Theo ông Quang, chỉ có xe nhập khẩu chính hãng mới đảm bảo chất lượng, độ an toàn và quyền lợi cho khách hàng. Ngoài ra, còn liên quan đến chuyện bản quyền, thương hiệu của sản xuất. Nếu cho nhập khẩu tràn lan sẽ gây ra khiếu kiện - ông Quang nói.
Đại diện Công ty Honda Việt Nam, bà Bùi Thị Hồng, cũng đề nghị: Thông tư 20 đã hết hiệu lực từ 1/7/2016, trong khi nghị định thay thế chưa có. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng ban hành quy định mới thay thế, giữ nguyên tinh thần của Thông tư 20.
Đại diện cho các DN nhập khẩu chính hãng, ông Trần Tấn Trung - Công ty Audi Việt Nam, cho rằng, thị trường ô tô nhập khẩu hiện rất cạnh tranh với hàng loạt thương hiệu lớn nên không thể nói là độc quyền. Bản thân doanh nghiệp nếu làm không tốt, chính hãng sẵn sàng hủy bỏ, không cấp giấy ủy quyền và chuyển sang cho nhà phân phối khác.
Với xe nhập chính hãng, khách hàng sẽ được đảm bảo quyền lợi từ bảo hành, bảo dưỡng đến hưởng các chế độ chăm sóc của nhà sản xuất, yên tâm không lo lắng nếu xe bị dính lỗi phải triệu hồi,... Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập không chính hãng thường mua xe về bán xong là thôi.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhập khẩu không chính hãng thường mua xe qua khâu trung gian, giá mua thường cao hơn chính hãng, nhưng về nước lại bán rẻ hơn. Chỉ có gian lận thương mại mới như vậy, ông Trung nghi ngờ.
Ông Lâm Chí Quang nói thêm, có những mẫu xe giá nhập khẩu chính hãng khai 45.000 USD thì DN không chính hãng chỉ khai 15.000 USD, nhờ đó giá tính thuế thấp và giảm khoản chi rất lớn, DN hưởng lợi nhưng Nhà nước thất thu.
"Chúng tôi đề nghị giữ nguyên các quy định của Thông tư 20, để đảm bảo cho thị trường có sự ổn định, minh bạch và không gây tác động xấu tới những DN làm ăn chân chính, đầu tư bài bản", ông Quang kiến nghị.
Tuy nhiên, các luật sư lại cho rằng, theo Luật Đầu tư mới, kinh doanh ô tô không thuộc 267 ngành nghề có điều kiện. Do đó, muốn nâng cấp Thông tư 20 lên thành Nghị định về điều kiện kinh doanh ô tô thì trước hết cần phải sửa Luật Đầu tư. Phải đưa ô tô vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này, liệu có thực hiện được? Và có nên làm?
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, cơ quan chức năng có chủ trương sửa Luật Đầu tư ngay trong năm nay. Dự kiến sẽ loại bỏ khoảng 70 ngành nghề đang thuộc nhóm kinh doanh có điều kiện và thêm vào 10 ngành nghề mới. Nhưng với ô tô, ông Đức cho rằng "không thể được".
Ông Đức lý giải, ngoài Luật Đầu tư, theo quy định của Hiến pháp, Luật Dân sự thì quyền tự do kinh doanh công dân chỉ được hạn chế bằng luật. Muốn hạn chế ngành nghề nào đó phải có 3 điều kiện là: ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và đạo đức. Kinh doanh ô tô không ảnh hưởng đến 3 lĩnh vực trên, vì vậy không thể hạn chế hay áp đặt điều kiện kinh doanh cho nó và nếu muốn, trước hết phải sửa Hiến pháp. Đó là điều không thể và cũng không thấy có lý do gì phải sửa, ông Đức nói.
Theo một số chuyên gia, các quy định của Thông tư 20 chỉ áp dụng cho xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống. Giả sử có sửa Luật Đầu tư, đưa ô tô thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì sẽ phải áp dụng cho cả xe chở khách từ 10 chỗ trở lên và xe tải các loại. Như vậy, xe tải, xe khách nhập khẩu cũng bắt buộc phải có ủy quyền chính hãng. Điều này chắc chắn phát sinh nhiều hệ lụy cho thị trường ô tô.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, khi nói đến kiểm soát nhập khẩu ô tô là liên quan đến kiểm soát chất lượng và kiểm soát thị trường.
Với kiểm soát chất lượng thì có thể khẳng định về mặt pháp luật, Việt Nam hiện đã có đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng ô tô sản xuất trong nước và nhập khẩu vào Việt Nam. Bất cứ ô tô nào lăn bánh tại Việt Nam đều được đăng kiểm và đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật.
Vấn đề triệu hồi xe cũng đã được quy định tại Thông tư 19 của Bộ GTVT. Triệu hồi xe lắp ráp sản xuất trong nước hay xe nhập khẩu (trong đó gồm cả nhập khẩu uỷ quyền hay không uỷ quyền) đều như nhau. Cần phải phát huy quy định này chứ Thông tư 20 của Bộ Công Thương không nên gánh thêm nhiệm vụ bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.
Việc DN trong nước mua ô tô từ các nhà cung cấp ở nước khác hợp lệ, cho dù không được nhà sản xuất uỷ quyền trực tiếp tại Việt Nam vẫn hợp pháp, chủ nhãn hiệu (nhà sản xuất) không có quyền ngăn cấm. Do vậy, không nên dựng hàng rào để ngăn cản.
Thông tư 20 cũng không làm giảm nhập siêu ô tô. Nếu năm 2011, Việt Nam chi 1,02 tỷ USD để nhập khẩu ô tô, thì sang năm 2015 là 2,98 tỷ USD. Tỷ lệ nhập khẩu ô tô nguyên chiếc 2011 chiếm 0,94% tổng giá trị nhập khẩu, nhưng đến 2015 là 1,81% tổng giá trị nhập khẩu.
"Các quy định cần phải bảo đảm lợi ích đông đảo người tiêu dùng, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, chứ không phải để hạn chế quan hệ phân phối và luật hoá các quan hệ này", ông Tuấn nói.
Trần Thủy
Theo_VietNamNet
Nếu bỏ Thông tư 20 về nhập khẩu và kinh doanh ô tô: Giá xe sẽ tăng hay giảm Liệu giá xe ô tô nhập khẩu sẽ tăng hay giảm khi bỏ Thông tư 20 về nhập khẩu và kinh doanh ô tô. Nếu duy trì Thông tư 20 ai sẽ thực sự được hưởng lợi? Có cạnh tranh thì người tiêu dùng sẽ mua được xe ô tô với giá hợp lý Theo thông tin trên báo Bzlive, chia sẻ tại...