Cán bộ đánh máy nhầm, 1.000 người bị “đổi” họ
Trên 30 trường hợp sai họ “Vỏ”, 9 trường hợp sai họ “Đổ”, còn lại tất cả sai họ “Nguyển”. Lỗi này do cán bộ tư pháp xã thời điểm đó là ông Nguyễn Văn Khởi đánh máy nhầm.
Ngày 13/9, thông tin từ lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long cho biết, qua xác minh Phòng Tư pháp huyện Tam Bình (Vĩnh Long) đã xác định có gần 1.100 trường hợp cấp giấy khai sinh sai họ xảy ra trên địa bàn huyện.
Hiện, phòng tư pháp huyện đang tập trung hướng dẫn người dân cải chính họ cho chính xác. Cụ thể, các trường hợp sai họ do lỗi đánh máy của cán bộ tư pháp từ dấu “ngã” thành dấu “hỏi” trong giấy khai sinh, tập trung chủ yếu ở xã Phú Thịnh từ năm 1994 tới 2004. Trong đó, có trên 30 trường hợp sai họ “Vỏ”, 9 trường hợp sai họ “Đổ”, còn lại tất cả sai họ “Nguyển”. Lỗi này do cán bộ tư pháp xã thời điểm đó là ông Nguyễn Văn Khởi (62 tuổi, ấp Phú Thuận, xã Phú Thịnh) đánh máy nhầm.
Để tìm hiểu ông Khởi vô tình hay cố ý đổi họ của người khác, PV NTNN đã tìm đến tận nhà ông. Qua trao đổi, ông Khởi thừa nhận: “Do lúc mới chia tách xã, tôi chưa có đi tập huấn. Sau đó, tôi xin được cái đánh máy chữ của khối vận về đánh khai sinh cho trẻ. Tôi quen tay đánh dấu ngã thành hỏi hết. Không ngờ chỉ sơ suất đánh nhầm dấu mà gây phiền hà cho nhiều người đến thế, tôi thật có lỗi, mong mọi người thông cảm”.
Ông Nguyễn Văn Bảy – Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh, cho biết: “Ông Nguyễn Văn Khởi vào làm cán bộ tư pháp, hộ tịch của xã Phú Thịnh từ năm 1994 cho đến năm 2004. Do sơ suất trong lỗi chính tả mà làm ảnh hưởng đến nhiều người. Điều đặc biệt là bản thân của ông cũng mang họ Nguyễn nhưng không hiểu vì lý do gì mà ông lại có sự nhầm lẫn tai hại đến như thế. Hiện tại chúng tôi rất mong người dân thông cảm vì sơ suất này và tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân lấy lại họ của mình” – ông Bảy giãi bày.
Video đang HOT
Cán bộ tư pháp xã Phú Thịnh hiện tại là ông Trần Văn Tư Nhỏ cho biết: “Theo luật, nếu người nào trên 14 tuổi thì chúng tôi hướng dẫn đến Phòng Tư pháp huyện làm hồ sơ xin chuyển, còn nếu dưới 14 tuổi thì ở xã sẽ chỉnh sửa. Chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp với phòng Tư pháp hoàn thành sớm việc cải chính họ cho bà con”.
Trong xã hiện có gia đình em Nguyễn Thanh Tín (ở ấp Phú An), sau nhiều lần nhờ xã tư vấn và đến huyện Tam Bình làm đơn, mới được “cải chính” họ cha, mẹ, con cho cả gia đình. Trong khai sinh, ông Khởi đánh máy là Nguyển Thanh Tín, tên cha: Nguyển Thanh Tùng và mẹ là Nguyển Thị Thu Hằng.
Theo Đức Khánh (Dân Việt)
Phó thủ tướng yêu cầu di dời trụ sở phải dành đất cho công cộng
Trước nhiều ý kiến lo ngại về các cơ quan "di nhưng không dời" khỏi nội đô thành phố, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu quỹ đất sau khi di dời trụ sở phải dành cho công trình công cộng và giao thông tĩnh.
Tại hội nghị trực tuyến về thực hiện Nghị quyết 16 khắc phục ùn tắc giao thông của Hà Nội và TP HCM sáng 11/9, nhiều giải pháp giảm ùn tắc được các đại biểu đề cập.
Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch UBND Hà Nội, trong 5 năm, thành phố đã đầu tư các tuyến đường với chiều dài khoảng 372 km, tăng 2,3%; nâng tỷ lệ đất dành cho giao thông từ 7% lên 8,1%. Ngoài ra, Hà Nội đã xây dựng nhiều cầu vượt giúp giảm ùn tắc một cách đáng kể, xử lý tình trạng sử dụng trái phép lòng đường, hè phố. Ngoài ra, các trụ sở hành chính ra khu vực Tây Hồ Tây cũng được di dời, tuy nhiên, với các trường đại học đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Theo ông Khôi, bài học kinh nghiệm được rút ra là cần có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự phối hợp của Bộ GTVT. Ngoài ra, thành phố đã xác định từng thời điểm, từng vấn đề để có các biện pháp đột phá khác nhau. Đến nay, Hà Nội chỉ còn 57 điểm thường xuyên ùn tắc cục bộ so với 124 điểm vào năm 2008.
Đường quanh trung tâm thương mại Royal City thường xuyên bị ách tắc. Đây từng là đất của Công ty Cơ khí Hà Nội đã được di dời. Ảnh: HH
Phó chủ tịch TP HCM ông Nguyễn Hữu Tiến cho rằng, các giải pháp kéo giảm ùn tắc giao thông bao gồm tuyên truyền ý thức cho người dân, cải tạo hạ tầng tại các điểm nóng như xây dựng cầu vượt, lắp đặt các dải phân cách, lắp đặt camera thông báo luồng tuyến để người dân biết điều chỉnh hướng đi... TP HCM hiện còn 76 điểm ùn tắc so với 120 điểm vào năm 2008.
Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự an toàn xã hội, cho rằng, các thành phố vẫn tiếp tục bám sát Nghị quyết 16, như xây dựng hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt... Nhưng trước mắt cần có các giải pháp cấp bách như hạn chế phương tiện trong giờ cao điểm ở một số tuyến quan trọng; huy động các lực lượng ngoài cảnh sát giao thông tham gia tổ chức giao thông.
Bày tỏ quan ngại về áp lực giao thông trong các đô thị lõi, ông Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, do có sự sáp nhập 2 tỉnh nên công tác di dời trường học, bệnh viện tại Hà Nội chậm trễ và phải lập lại quy hoạch khu hành chính ở 2 khu Mễ Trì và Tây Hồ Tây với 18 trụ sở Bộ ngành.
Hiện Hà Nội mới có 5 bộ Công an, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học công nghệ, Nội vụ và Thanh tra Chính phủ được di dời ra khu vực vành đai 3. Tại TP HCM đã thực hiện quy hoạch di dời các cảng biển và Nhà máy đóng tàu Ba Son.
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của hai thành phố lớn quyết liệt kéo giảm ùn tắc trong 5 năm qua. Tuy nhiên, một số nhóm giải pháp còn chưa đồng bộ thực hiện như việc di dời trường học, bệnh viện, trung tâm hành chính ra khỏi khu trung tâm; công tác quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè các tuyến phố trong đô thị chưa thực sự hiệu quả.
Phó thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND Hà Nội và TP HCM tiếp tục nghiên cứu các biện pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân và đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển vận tải hành khách công cộng như đường sắt đô thị, xe buýt có sức chở lớn; Kiên quyết, xử lý nghiêm các đơn vị, cán bộ, đảng viên, có dấu hiệu bảo kê, tiếp tay, dung túng các cơ sở kinh doanh vận tải, các bến xe vi phạm các quy định của nhà nước.
Ông cũng yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Hà Nội và TP HCM trong việc xây dựng và xác định tiến độ di dời các trường học, bệnh viện, các cơ quan hành chính nhà nước; đề xuất với Chính phủ cơ chế về tài chính để đảm bảo thực hiện bằng được chủ trương di dời các cơ quan này. Đặc biệt, quỹ đất sau khi di dời trụ sở phải dành cho công trình công cộng và giao thông tĩnh.
Đoàn Loan
Theo VNE
Hà Nội tiếp tục xây dựng cầu vượt Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch Nhằm giải quyết ùn tắc giao thông, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi vừa yêu cầu Sở GTVT khẩn trương hoàn thành thủ tục để xây dựng cầu vượt tại nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch. Dự kiến, cầu vượt kết cấu thép lắp ghép sẽ được xây dựng theo hướng Chùa Bộc - Phạm Ngọc...