Cán bộ chính sách xã ăn chặn tiền an dưỡng của dân
Từ năm 2008 đến nay, với thủ đoạn giả chữ ký, ký khống hồ sơ, cán bộ chính sách xã Kỳ Giang (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã biển thủ hàng chục triệu đồng tiền an dưỡng dành cho các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Mạo chữ ký ăn chặn hàng chục triệu đồng
Thực hiện đẩy mạnh công tác đãi ngộ, chăm sóc người có công với cách mạng, từ năm 2008 đến nay, Đảng, nhà nước đã triển khai nhiều chính sách đãi ngộ, chăm sóc đối với các đối tượng là mẹ VNAH, thương bệnh binh, thân nhân liệt sỹ… Các chính sách này được quy định rất rõ ràng tại Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BYT ngày 12/4/2007 về hướng dẫn chế độ chăm sóc sức khỏe đối với người có công với cách mạng, sau đó đã được liên Bộ: Lao động – Thương Binh và Xã hội – Bộ Tài chính – Bộ Y tế sửa đổi bằng Thông tư liên tịch số 25/2010/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 11/9/2010.
Theo nội dung thông tư nêu trên, các đối tượng chính sách sẽ được phân thành hai nhóm: nhóm điều dưỡng mỗi năm một lần và nhóm điều dưỡng luân phiên 5 năm một lần căn cứ từ thực tế (ý nguyện, tình hình sức khỏe của đối tượng được hưởng) cán bộ thực thi chính sách sẽ quyết định đưa đối tượng đi cơ sở an dưỡng với chi phí được quy định là 1.500.000 đồng/người/lần, hay tự an dưỡng ở nhà chi phí 800.000 đồng/người/lần.
Thế nhưng trong suốt 4 năm, từ 2008 đến nay, hàng chục đối tượng trong diện được hưởng chính sách đãi ngộ trên ở xã Kỳ Giang vẫn chưa một lần được hưởng chế độ. Nhiều người đã trực tiếp lên xã hỏi nhưng lần nào cán bộ chính sách xã Kỳ Giang cũng né tránh trả lời. Bất bình, ngày 24/7/2012, một số người dân nằm trong diện được hưởng chế độ trên tại xóm Tân Đình đã tìm đến Phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Anh để hỏi rõ thực hư. Tại đây, cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết huyện đã hoàn thành chi trả tiền an dưỡng cho người dân. Kiểm tra hồ sơ cho thấy phần chế độ của người dân đã bị ông Phan Văn Sơn, cán bộ chính sách xã Kỳ Giang ký mạo danh và ăn chặn hết.
Video đang HOT
Phần gạch xanh là một trong số những hộ bị cán bộ chính sách xã Kỳ Giang giả mạo chữ ký ăn chặn tiền an dưỡng.
Thông tin trên lan nhanh, một ngày sau, những người thuộc diện được hưởng chế độ đãi ngộ tại xã Kỳ Giang đã kéo đến UBND xã yêu cầu làm rõ. Từ đây chuyện cán bộ chính sách xã ăn chặn tiền của các đối tượng chính sách nhanh chóng được phơi bày. Tổng cộng trong suốt 4 năm, từ 2008 – 2012, có đến hơn 40 trường hợp là thương binh, thân nhân liệt sỹ… bị cán bộ chính sách xã Kỳ Giang giả mạo ký khống, ăn chặn tiền an dưỡng, với tổng số tiền hơn 30 triệu đồng.
Bà Hoàng Thị An, thương binh hạng 4/4, trú tại xóm Tân Đình, bị ăn chặn 700.000 đồng tiền điều dưỡng tại nhà năm 2010, bất bình: “Tui đã nhiều lần lên xã hỏi rất cặn kẽ, lúc nào xã cũng ấm ứ, bảo chưa đến lượt, nhưng không ngờ là họ lừa dối tui. Còn mỗi đồng tiền Đảng, nhà nước dành cho những người đã đổ xương máu phục vụ cách mạng mà họ cũng ăn chặn”.
Bà Hoàng Thị An, bà Nguyễn Thị Sinh, hai trong số những đối tượng chính sách bị cán bộ chính sách xã ăn chặn tiền an dưỡng
Bà Nguyễn Thị Sinh, cùng xóm với bà An, cũng bị cán bộ chính sách xã Kỳ Giang ăn chặn 700.000 đồng, đưa bảng danh sách nhận tiền điều dưỡng năm 2010 có chữ ký khống của bà, bực tức nói: “Người dân cúng tôi còn nghèo, nhưng nếu họ nói thiếu tiền xin mượn tạm, chúng tôi sẵn lòng. Đằng này, họ đã không nói một lời còn lừa trên, dối dưới, ký khống để ăn chặn tiền của chúng tôi”.
Nửa đêm ôm tiền đi xin… thông cảm!
Sau khi sự việc trên vỡ lở, từ đêm 26/7/2012, ông Phan Văn Sơn đã âm thầm đi xe máy đến từng nhà đối tượng chính sách xin trả lại tiền. Ông Sơn viện dẫn hàng loạt lý do như thất lạc hồ sơ, tiền ở trên chuyển về chậm… mong được người dân… thông cảm.
Ông Nguyễn Trung Thành, thương binh hạng 4/4, thẳng thắn bày tỏ: “Nếu người dân chúng tôi không đấu tranh, tìm hiểu thì sai phạm này họ sẽ ém nhẹm, lấp liếm rồi. Tội chi thì người dân chúng tôi còn du di, châm chước, còn tội ăn chặn tiền xương máu này chúng tôi đề nghị cấp trên phải làm cho ra nhẽ, phải xử cho nghiêm”.
Người dân xã Kỳ Giang bức xúc, yêu cầu làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm
Cũng theo ông Thành, vì bất bình mà tính đến thời điểm này vẫn có một số người dân kiên quyết không nhận lại tiền từ tay ông Sơn để chờ cơ quan chức năng làm rõ mọi việc. “Sự việc này có trách nhiệm của UBND xã, vì theo bảng danh sách nhận tiền điều dưỡng mà chúng tôi nắm được, ngoài chữ ký của cán bộ chi trả còn có cả chữ ký xác nhận của chủ tịch UBND xã. Điều chúng tôi muốn được rõ là việc ăn chặn này có hay không sự tiếp tay của Chủ tịch UBND xã?”.
Chiều 27/9, trao đổi với Dân trí, một cán bộ của UBND xã Kỳ Giang cho biết, gần hai tháng nay, sau khi sự việc vở lỡ, xã đã thành lập một đoàn thanh tra tiến hành thanh tra toàn diện vụ việc. Kết quả thanh tra chưa được công bố bằng văn bản, nhưng sai phạm của ông Phan Văn Sơn, cán bộ chính sách xã trong việc ăn chặn tiền của đối tượng chính sách là có thực, số tiền sai phạm đã xác định được hơn 30 triệu đồng.
Vị cán bộ này cho biết, ông Phan Văn Sơn đã bị tạm đình chỉ công tác để dành thời gian khắc phục, hoàn trả lại tiền cho người dân theo yêu cầu của cấp trên. “Anh Sơn mới chỉ bị xã đình chỉ công tác, còn việc xử lý kỷ luật như thể nào thuộc thẩm quyền của UBND huyện vì anh Sơn là công chức, thuộc diện quản lý của UBND huyện”- vị cán bộ này nói.
Hỏi trách nhiệm của UBND xã về vụ việc này, vị cán bộ này từ chối trả lời.
Theo Dantri
Khu công nghiệp "nuốt" đường đi của dân
Con đường đi lại duy nhất của gần 40 hộ dân đang bị Khu công nghiệp (KCN) Nam Tân Uyên "nuốt" mất. Hàng loạt cọc bêtông đã được dựng lên để làm tường rào. Người dân đã ngăn chặn, không cho xây tường rào và gửi đơn đến UBND huyện Tân Uyên, nhưng huyện lại hướng dẫn 39 hộ dân ra... toà án để giải quyết.
Ông Vương Thái Hùng (ấp 1, xã Hội Nghĩa, huyện Tân Uyên) cho biết: Từ năm 2007 đến đầu năm 2012, ông và 38 hộ dân được UBND huyện Tân Uyên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại xã Tân Hiệp (nằm sát KCN Nam Tân Uyên) để trồng cây lâu năm. Trên sơ đồ GCNQSDĐ và bản đồ địa chính của xã Tân Hiệp đều thể hiện con đường đất rộng 5m và khi chưa có KCN Nam Tân Uyên thì người dân đã sử dụng thường xuyên con đường này để đi lại. Thế nhưng, vào tháng 3.2012, KCN Nam Tân Uyên bất ngờ đổ trụ trồng cột sắt, xây tường rào lấn hết con đường đất của 39 hộ dân trên.
Bà Nguyễn Trần Phúc Uyên cho biết thêm: Khi bà đến mua đất tại xã Tân Hiệp vào đầu năm 2005 thì phía đối diện vẫn chưa thấy có KCN mọc lên. Đến khi làm thủ tục quyền sử dụng, rồi chuyển mục đích sử dụng sang đất ở hơn 300m2 vào năm 2009, trong sổ đỏ được UBND huyện Tân Uyên cấp vẫn có con đường đất rộng 5m phía mặt trước lô đất. Sau đó, bà được cấp phép xây nhà, được cấp phép kinh doanh nhà trọ.
Tranh chấp xảy ra giữa 39 hộ dân và KCN Nam Tân Uyên, Thanh tra Sở TNMT và UBND huyện Tân Uyên đều "đẩy" trách nhiệm giải quyết sang toà án. Ngày 23.4, Thanh tra Sở TNMT đã có "phiếu hướng dẫn" gửi ông Hùng cho biết, đơn khiếu nại của ông Hùng không thuộc thẩm quyền giải quyết của Thanh tra Sở TNMT và đề nghị ông nộp đơn đến TAND.
Cũng theo Thanh tra Sở TNMT, ngày 9.3, hội đồng hoà giải xã đã mời các hộ dân và đại diện Cty CP KCN Nam Tân Uyên để hoà giải và xác định diện tích lối đi các hộ khiếu nại trước đây là của Cty caosu Phước Hoà, được phục vụ nhu cầu chăm sóc khai thác vườn cây caosu. Hiện nay, phần diện tích đất này nằm trong tổng diện tích 349ha UBND tỉnh Bình Dương đã thu hồi của Cty caosu Phước Hoà và cho Cty CP KCN Nam Tân Uyên thuê theo Quyết định số 2912/QĐ-CT ngày 1.7.2005. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho việc đi lại của các hộ dân, Hội đồng hoà giải xã vận động Cty KCN Nam Tân Uyên để lối đi có chiều rộng 2m, đồng thời các hộ dân để lại thêm 2m để hình thành con đường rộng 4m phục vụ việc đi lại, phần còn lại thì Cty CP KCN Nam Tân Uyên tiến hành xây dựng tường rào, đại diện Cty đồng ý nhưng các hộ dân không đồng tình.
Tương tự cách giải quyết của Thanh tra Sở TNMT tỉnh, ngày 2.8, UBND huyện Tân Uyên cũng đã có phiếu trả đơn cho ông Hùng và đề nghị ông liên hệ TAND huyện Tân Uyên để giải quyết.
Theo LD
Trục lợi hơn 200m3 gỗ làm nhà cho người nghèo Trưởng Ban Quản lý Chương trình 167 của huyện Phước Sơn, Quảng Nam, đã không sâu sát nhiệm vụ để cho Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Thắng trục lợi trái phép 225m3 gỗ làm nhà cho người nghèo với tổng số tiền gần 900 triệu đồng. Gỗ kém chất lượng được Công ty Hoàng Thắng dùng làm cửa nhà...