Cán bộ “chạy loanh quanh” khi nói về công trình không phép ở Tràng An
Công trình “khủng” trái phép trong di sản thế giới Tràng An được xây dựng trong suốt một thời gian dài, ngành chức năng tỉnh Ninh Bình phát hiện yêu cầu xử lý nhưng huyện Hoa Lư lại “chần chừ” kêu khó. Đến khi di sản nhân loại bị xâm phạm, hủy hoại, chính quyền Ninh Bình vào cuộc thì mọi chuyện… đã rồi.
Chỉ đạo một đường làm… một nẻo
Như Dân trí đã phản ánh, công trình “khủng” bậc thang lên xuống đỉnh núi Cái Hạ tại điểm du lịch Tràng An cổ (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) được Công ty CP Du lịch Tràng An xây dựng trái phép từ tháng 8/2017 đến tháng 2/2018 thì hoàn thành. Dự án có quy mô lớn, chiều dài hơn 1km với trên 2.000 bậc thang, hàng trăm khối bê tông cốt thép được khoan, gắn chặt vào hệ thống núi đá vôi vùng lõi di sản.
Dự án “khủng” được xây dựng ngay giữa vùng lõi di sản Tràng An do Công ty CP Du lịch Tràng An thi công và đưa vào khai thác từ giữa tháng 2/2018.
Quá trình điều tra về công trình “khủng” không phép trong di sản Tràng An, PV Dân trí phát hiện nhiều sai phạm có liên quan đến công tác quản lý di sản nhân loại của chính quyền địa phương tỉnh Ninh Bình; đặc biệt là việc buông lỏng quản lý của UBND huyện Hoa Lư.
Chính quyền huyện Hoa Lư đã không thực hiện nghiêm Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình, đề nghị của các Sở ngành có liên quan trong công tác xử lý vi phạm. Cụ thể, giữa tháng 8/2017, Sở Du lịch Ninh Bình phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra đã phát hiện Công ty CP Du lịch Tràng An khoan núi, dựng cột bê tông, xây bậc thang lên núi Cái Hạ, trái phép trong di sản Tràng An.
Việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng đến quy định quản lý và bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Sở Du lịch đề nghị UBND huyện Hoa Lư căn cứ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn kiểm tra làm rõ và xử lý việc làm sai phạm nêu trên theo quy định của pháp luật. Đồng thời, yêu cầu ông Son dừng và tháo dỡ toàn bộ phần xây dựng trái phép, hoàn trả cảnh quan trong vùng di sản.
Cả một vùng di sản bị xâm hại, hủy hoại nghiêm trọng trước sự “bất lực” của chính quyền địa phương.
UBND huyện Hoa Lư sau đó có văn bản chỉ đạo các phòng ban và UBND xã Trường Yên nêu rõ: Quần thể danh thắng Tràng An là vùng cấm, được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế; yêu cầu các phòng chức năng và xã Trường Yên vào cuộc xử lý sự việc có liên quan.
Tuy nhiên, sau đó (ngày 1/9/2017), UBND huyện Hoa Lư lại có văn bản gửi Sở Văn hóa – Thể thao và Sở Du lịch Ninh Bình đề nghị hai Sở này và các Sở, ban ngành liên quan nghiên cứu, xem xét xác minh hồ sơ di tích lịch sử khu vực trên của Công ty CP Du lịch Tràng An đang đề nghị và hướng dẫn cho công ty lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư và lập dự án đầu tư xây dựng công trình bậc cầu thang lên Đàn kính thiên để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành.
Trong thời gian từ khi phát hiện sai phạm của Công ty CP Du lịch Tràng An đến khi UBND huyện Hoa Lư có văn bản đề nghị như trên (văn bản ngày 1/9/2017), UBND huyện Hoa Lư chỉ làm được việc là yêu cầu doanh nghiệp dừng việc xây dựng, không xử phạt hành chính, hay yêu cầu tháo dỡ công trình trái phép như đề nghị của Sở Du lịch Ninh Bình.
Những khối bê tông thô kệch làm phá vỡ cảnh quan di sản văn hóa và thiên nhiên của nhân loại.
Mặt khác, sau khi UBND huyện Hoa Lư có văn bản đề nghị xem xét cho Công ty CP Du lịch Tràng An thì thời gian tiếp sau đó, ông Nguyễn Văn Son vẫn tiếp tục tiến hành xây dựng công trình tiếp mà không gặp phải bất cứ ngăn trở nào từ chính quyền địa phương. Việc xây dựng xâm hại vùng lõi di sản cứ thế ngang nhiên diễn ra trước “bàn dân thiên hạ”.
Cho đến ngày 25/10/2017, khi phát hiện công trình “khủng” trong di sản Tràng An vẫn đang được xây dựng, Sở Du lịch Ninh Bình tiếp tục vào kiểm tra, một lần nữa đề nghị UBND huyện Hoa Lư yêu cầu ông Son dừng xây dựng, tháo dỡ toàn bộ công trình trái phép để không làm ảnh hưởng đến di sản nhân loại.
Không hiểu UBND huyện Hoa Lư kiểm tra, xử lý thế nào, đến khoảng giữa tháng 2/2018 (giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, sau 6 tháng thi công) thì toàn bộ công trình lên xuống đỉnh núi Huyền Vũ của ông Son thông tuyến, sau đó du khách ùn ùn đổ về đây tham quan, bất chấp khuyến cáo về sự nguy hiểm.
Video đang HOT
Trách nhiệm thuộc về ai?
Công trình siêu “khủng” của Công ty CP Du lịch Tràng An đã xâm phạm, phá hủy nghiêm trọng vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An – Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận di sản “kép” từ năm 2014.
Chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, để doanh nghiệp xây dựng công trình “khủng” trong di sản, đến khi hoàn thiện mới sốt sắng kiểm tra xử lý thì mọi việc ở thế… đã rồi.
Sai phạm nghiêm trọng trên của Công ty CP Du lịch Tràng An do ông Nguyễn Văn Son làm chủ bị “vỡ lẽ” khi báo Dân trí phản ánh, lúc này chính quyền tỉnh Ninh Bình mới sốt sắng vào cuộc kiểm tra xử lý sai phạm trước sức ép từ Bộ VH-TT&DL cùng dư luận trong và ngoài nước.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư thừa nhận, công trình đường lên đỉnh núi Cái Hạ do Công ty CP Du lịch Tràng An xây dựng tại xã Trường Yên chưa được cấp phép, đến nay đã hoàn thành, khách du lịch đến đây rất đông và không đảm bảo an toàn.
Theo bà Cúc, khi phát hiện vi phạm của ông Nguyễn Văn Son, huyện đã chỉ đạo các phòng ban và UBND xã Trường Yên kiên quyết xử lý. Quản lý, xử lý sai phạm trên địa bàn huyện giao cho xã. Khi được hỏi xã đã xử phạt hành chính vi phạm chưa, bà Cúc gọi điện cho lãnh đạo xã Trường Yên thì được biết, xã chưa ra quyết định xử phạt. Bà này phân trần với phóng viên: “Chức năng xử phạt là của xã”.
Phóng viên đặt câu hỏi: Có không sự buông lỏng quản lý của chính quyền huyện Hoa Lư, khi công trình xây dựng trái phép trong vòng 6 tháng mà không xử lý, yêu cầu tháo dỡ từ ban đầu? Bà Cúc khẳng định: “Buông lỏng thì không buông lỏng. Do doanh nghiệp xây dựng “chui”, tập kết vật liệu vào ban đêm, xây dựng lén lút chứ không công khai. Lực lượng chức năng huyện, xã không thể canh gác 24/24h được”.
Những khối bê tông thô kệch, xấu xí làm nhếch nhác di sản.
Thực tế theo người dân địa phương phản ánh, ông Son thuê thợ về xây dựng công trình công khai giữa ban ngày, trong thời gian dài. Việc thi công trên đỉnh núi cũng không thể làm về đêm do hiểm trở và rất nguy hiểm.
Ông Bùi Thành Đông, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho hay, Sở rất nhiều lần có văn bản đề nghị huyện Hoa Lư vào cuộc kiểm tra, yêu cầu ông Son dừng ngay việc làm trái quy định, đồng thời tháo dỡ công trình vi phạm để không xâm hại đến di sản.
Người đứng đầu Sở Du lịch Ninh Bình cũng khẳng định, UBND huyện Hoa Lư đủ thẩm quyền để xử lý sai phạm ngay từ ban đầu, không hiểu lý do gì mà chính quyền địa phương lại để việc vi phạm của ông Son tồn tại thời gian dài. Nghiêm trọng hơn công trình hoàn thành, đưa vào khai thác đã phá vỡ cả vùng di sản.
Ông Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho PV Dân trí biết, vụ việc Công ty CP Du lịch Tràng An xây dựng trái phép trong di sản Tràng An hiện nay tỉnh đã nắm được, đang chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra xử lý. Cảm ơn báo Dân trí đã thông tin kịp thời về vụ việc. Tới đây, tỉnh sẽ tổ chức họp tại UBND huyện Hoa Lư, nghe địa phương, các Sở, ban ngành báo cáo, sau đó mới có kết luận cuối cùng về việc tháo dỡ công trình sai phạm.
Chính quyền tỉnh Ninh Bình đang lúng túng trong việc xử lý công trình “khủng” trái phép ở Tràng An.
Thái Bá
Theo Dantri
Cận cảnh công trình "khủng" trái phép trong di sản thế giới Tràng An
Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An là vùng cấm, bảo vệ nghiêm ngặt, thế nhưng hàng trăm tấn bê tông cốt thép vẫn dễ dàng được vận chuyển vào vùng lõi để xây dựng công trình "khủng". Cả một di sản bị phá vỡ, xâm hại nghiêm trọng khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Khu du lịch Tràng An cổ nằm ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình), đây là điểm du lịch chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động nhiều hạng mục. Điểm du lịch do Công ty CP Du lịch Tràng An tự quản lý khai thác. Nằm trong vùng lõi di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, vùng cấm và được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng nhiều năm qua ông Nguyễn Văn Son - chủ doanh nghiệp (người địa phương) đã tự ý xây dựng và cho hoạt động công trình này.
Mới đây, công trình "khủng" đường lên đỉnh núi Cái Hạ (doanh nghiệp gọi là đỉnh Huyền Vũ - nơi vua Đinh đặt đàn Kính Thiên) do ông Son tự ý xây dựng bị phát hiện không phép, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như điều ước quốc tế về di sản nhân loại. Dù chưa xây dựng xong nhưng từ Tết Nguyên đán Mậu Tuất đến nay, điểm du lịch này đã đón nhiều du khách.
Công trình "khủng" được xây dựng với hệ thống bậc thang lên xuống đỉnh núi, tổng quãng đường dài hơn 1km với trên 2.000 bậc thang. Để làm dự án này, ông Son đã thuê thợ đến khoan núi rồi cắm thép vào, sau đó đổ cột bê tông, vận chuyển bậc thang và lan can cốt thép lên gắn vào, tạo thành hệ thống cầu thang núi với sự đồ sộ về quy mô.
Dự án "khủng" không phép trong vùng lõi di sản Tràng An được Công ty CP Du lịch Tràng An thi công trong vòng 6 tháng (từ tháng 8/2017). Trong thời gian này nhiều cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tỉnh Ninh Bình đã đến kiểm tra, lập biên bản vi phạm. Tuy nhiên, không hiểu sao, sau đó công trình vẫn được thi công tiếp và đi vào hoạt động.
Nhiều người đã không khỏi xót xa khi nhìn thấy cả một vùng di sản bị xâm phạm, phá vỡ nghiêm trọng.
Hệ thống bậc thang được xây dựng trên hệ thống núi đá vôi được kiến tạo hàng nghìn năm, nơi đây cũng là vùng núi non hiểm trở từng gắn với "kinh đô đá Hoa Lư" trên 1.000 năm lịch sử. Quần thể Tràng An với những giá trị về văn hóa và thiên nhiên đã được công nhận là di sản thế giới nhưng đã bị xâm hại không thương tiếc.
Leo hết hơn 2.000 bậc thang, lên đến đỉnh núi, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn một vùng rộng lớn. Điều đau lòng là để thỏa mãn được nhu cầu của khách du lịch, cả một vùng di sản quý giá đã bị phá vỡ nghiêm trọng.
Những khối bê tông lớn nằm xen kẽ với hệ thống núi đá vôi triệu năm đã được công nhận là di sản của nhân loại. Khi Công ty CP Du lịch Tràng An tiến hành xây dựng công trình, Sở Du lịch Ninh Bình phát hiện, sau đó nhiều lần có văn bản đề nghị UBND huyện Hoa Lư vào cuộc xử lý, dẹp bỏ công trình. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã không mạnh tay, thờ ơ trong cách xử lý vụ việc dẫn đến công trình trái phép vẫn ngang nhiên được xây dựng và tồn tại đến ngày hôm nay.
Không chỉ những bậc, lan can cầu thang, doanh nghiệp còn làm một chiếc cầu kiên cố bắc từ đỉnh núi này qua đỉnh núi khác để làm đường đi cho khách. Bước đầu đưa vào khai thác, Công ty CP Du lịch Tràng An vẫn chưa thu vé nên lượng người đổ về đây như trảy hội, có ngày lượng khách lên đến gần 20.000 người. Người dân chen chúc nhau trên đường lên núi, ai dám chắc tai nạn không xảy ra? Khi đó ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Đỉnh núi Cái Hạ, ông Nguyễn Văn Son gọi là đỉnh Huyền Vũ - nơi vua Đinh lên ngôi hoàng đế, lập đàn Kính Thiên. Đỉnh núi này, mỗi ngày có hàng trăm lượt người lên đây, cùng nhau chụp ảnh, đứng trên các tảng đá bất chấp sự nguy hiểm rình rập.
Ngay trên đỉnh núi, một khối bê tông cốt thép đồ sộ, thô kệch xấu xí cũng án ngữ. Di sản thế giới trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu và vô hồn.
Nhà vệ sinh cũng được xây dựng trên lưng chừng núi rất phản cảm, nhếch nhác.
Từng phiến đá lớn bị khoan thủng, đập vỡ để tạo lối đi, thay vào đó là những khối bê tông cốt thép. Dấu vết của sự xâm phạm di sản đang còn in rõ trên từng phiến đá, nơi xây dựng công trình "khủng".
Người dân cùng du khách kéo đến chiêm ngắm, tham quan đường lên đỉnh núi Huyền Vũ. Ít người nhận ra được, công trình "khủng" này xây dựng không phép, vi phạm nghiêm trọng pháp luật và đang phá nát di sản thiên nhiên ban tặng.
Các bạn trẻ thích thú chụp ảnh trên chiếc cầu "khổng lồ", điểm bắc qua hai đỉnh núi tại vùng lõi di sản Tràng An.
Nhiều lối đi bậc thang rất dốc và nguy hiểm, tuy nhiên nhiều phụ huynh vẫn cho con nhỏ đi lên.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Thái Bá
Theo Dantri
Công trình "khủng" không phép ở Tràng An "tạm dừng đón khách" Ngày 6/3, Công ty CP Du lịch Tràng An đã treo biển "tạm ngừng đón khách" tại đường lên đỉnh núi Huyền Vũ - công trình xây trái phép trong vùng lõi di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An. Công ty này cũng bị yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động du lịch tại "Tràng An cổ". Trao đổi...