Cán bộ cấp chiến lược phải khác cán bộ bình thường thế nào?
“Có thể nói đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là lực lượng nòng cốt của đất nước, quyết định đến bản chất của chế độ, đường hướng phát triển của đất nước. Cần phải nhìn nhận như vậy từ đó mới đi đến vấn đề tiêu chuẩn”, PGS -TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia HCM) nói khi trao đổi với PV Dân Việt.
PGS -TS Nguyễn Trọng Phúc (ảnh PV).
Sáng nay (7.5), tại Hà Nội, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa XII sẽ khai mạc. Một trong những nội dung quan trọng được trình ra Hội nghị là Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. PV Dân Việt có trao đổi với PGS -TS Nguyễn Trọng Phúc xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay, việc lựa chọn xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của Đảng có ý nghĩa quyết định thế nào?
- Các thời kỳ trước đây Đảng ta đều hết sức quan tâm đến xây dựng, tạo dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Trong công cuộc đổi mới phát triển đất nước hiện nay Đảng ta đã xác định lấy xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, còn trong xây dựng Đảng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua có nhấn mạnh, phải lấy công tác cán bộ là then chốt, nghĩa là then chốt của then chốt.
Hội nghị Trung ương sẽ xem xét cho ý kiến về Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược (ảnh TTXVN).
Trong công tác cán bộ việc lựa chọn tìm được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược theo tôi sẽ có ý nghĩa quyết định. Vì sao lại nói như vậy, trước hết chúng ta phải nhận thức đúng vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Nếu không nhận thức đúng vai trò, vị trí thì sẽ không có đề án hay cách thức để thực hiện.
Cán bộ cấp chiến lược là gì? Theo tôi có hai điểm quan trọng, thứ nhất đã nói tới cán bộ cấp chiến lược là có vị trí trọng yếu quyết định đến đường hướng phát triển của đất nước, của Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị. Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải có tư duy chiến lược, phải có năng lực hoạch định cương lĩnh đường lối, chính sách, phát luật.
Thứ hai, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược không chỉ là người quyết định phương hướng, đường lối mà còn là người lãnh đạo, chỉ đạo việc thực thi một cách đúng đắn để hiện thực hóa cương lĩnh, đường lối, chính sách, pháp luật thành hiện thực. Phân tích như vậy để thấy được tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Nếu như lựa chọn đội ngũ cán bộ cấp chiến lược không đúng với yêu cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình phát triển của đất nước.
Video đang HOT
Công tác cán bộ ở nhiệm kỳ khóa XI dù chúng ta đã có những tiến bộ nhưng vẫn có trường hợp không đủ tiêu chuẩn lọt vào Trung ương, sau đó bị thi hành kỷ luật, bị truy tố, đó là bài học khi lựa chọn cán bộ cấp chiến lược hiện nay, ông nghĩ sao?
- Năm 2017, Bộ Chính trị có đưa ra Quy định 90 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Hiện nay, Ban Tổ chức Trung ương xác định đội ngũ cán bộ cấp chiến lược khoảng 600 người, ở Trung ương bao gồm các đồng chí cấp Thứ trưởng, Phó Ban của Đảng và các cấp tương đương trở lên, còn ở địa phương là Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh. Có thể nói đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là lực lượng nòng cốt của đất nước, quyết định đến bản chất của chế độ, đường hướng phát triển của đất nước. Cần phải nhìn nhận như vậy từ đó mới đi đến vấn đề tiêu chuẩn.
Trong thực tiễn đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, Đảng ta lựa chọn từ khóa XI đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII có thể nói là bước tiến, tuy nhiên nó vẫn bôc lộ những hạn chế hay nói cách khác là sơ hở. Tại một Hội nghị T.Ư khóa XI khi bàn về công tác nhân sự cho khóa XII, Tổng Bí thư có nhấn mạnh, kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm…
Trên thực tế vẫn có, chính vì thế vừa qua Đảng ta đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Việc để lọt có thể do tổ chức nhận thức, đánh giá về người cán bộ đó chưa đúng hoặc việc lựa chọn là đúng nhưng khi người cán bộ được trao quyền họ lại lạm quyền, lộng quyền dẫn tới những khuyết điểm, sai lầm.
Có thể nói từ bài học công tác cán bộ sau Đại hội lần thứ XII của Đảng cho đến nay có những vấn đề đáng suy nghĩ khi xây dựng đề án công tác cán bộ làm sao thật chặt chẽ. Nói như vậy cũng không có nghĩa là tuyệt đối hóa được bởi đây là lựa chọn con người. Tôi vẫn phải nói lại là việc lựa chọn cán bộ của tổ chức lúc đó có thể đúng nhưng khi giao quyền lực cho người cán bộ thì bắt đầu có sự chuyển hóa. Tức là đang là người tốt, người trung kiên trở thành người vi phạm, thế mới gọi là tự diễn biến, tự chuyển hóa. Nói như thế để thấy khó có thể tuyệt đối được, tuy nhiên trong công tác cán bộ quy định càng chặt chẽ bao nhiêu, có tiêu chí, tiêu chuẩn rõ càng tốt. Có thể nói chúng ta có nhiều người giỏi và tuổi còn trẻ, nếu lựa chọn, quy hoạch cán bộ được làm một cách bài bản, công khai, dân chủ, lắng nghe ý kiến, không bị chi phối bởi vấn đề gì thì nhất định sẽ lựa chọn được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược tốt.
Là một nhà nghiên cứu, theo ông cán bộ cấp chiến lược cần có những tiêu chí gì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, thưa ông?
- Với tư cách là người nghiên cứu tôi suy nghĩ mấy điểm về đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Khi nói đến cán bộ cấp chiến lược nghĩa là phải có sự khác so với cán bộ bình thường. Từ đó định hình ra tiêu chuẩn cán bộ chiến lược rõ hơn, rõ nhưng lại phải khái quát, khái quát nhưng phải cụ thể.
Thứ nhất, đã là cán bộ cấp chiến lược phải có đạo đức cách mạng trong sáng, dĩ công vi thượng, trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng và Nhân dân, thực sự vì nước vì dân. Cán bộ cấp chiến lược toàn không có biểu hiện gì dính dáng đến tham nhũng, lợi ích nhóm…
Thứ hai, cán bộ cấp chiến lược phải có trình độ trí tuệ, có tư duy chiến lược. Trình độ bao gồm lý luận Mác -Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn trong lĩnh vực được giao; có khả năng để tham gia hoạch định cương lĩnh đường lối chính sách pháp luật, phải thấy trước vấn đề, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói, người lãnh đạo phải thấy trước vấn đề, không thấy trước vấn đề thì không làm lãnh đạo được.
Thứ ba, cán bộ cấp chiến lược phải có năng lực tổ chức thực tiễn để hiện thực hóa cương lĩnh, đường lối, chính sách, pháp luật. Để làm được điều này, đòi hỏi người đó phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa nói và làm, giữa nhận thức và hành động.
Thứ tư, cán bộ chiến lược phải có phong cách lãnh đạo, làm việc đúng đắn. Phong cách này đòi hỏi gắn với thực tiễn thế nào, chống quan liêu thế nào, chống vô cảm thế nào, gần dân thế nào. Từ phong cách lãnh đạo gắn với nhạy cảm chính trị để củng cố uy tín chính trị với cấp dưới, với Nhân dân. Cán bộ cấp chiến lược phải là người được quần chúng và cấp dưới tín nhiệm mới quy tụ, đoàn kết và lãnh đạo được.
Thứ năm, trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cách mạng 4.0 đòi hỏi cán bộ cấp chiến lược phải am hiểu sâu sắc những vấn đề của thời đại, của quốc tế, nhận ra những thuận lợi, khó khăn một cách chủ động để suy nghĩ đường hướng cho đất nước mình, dân tộc mình. Còn như chỉ loanh quanh trong nước, không mở tầm nhìn ra bên ngoài thì đóng góp của cán bộ cấp chiến lược rất hạn chế.
Nói lên năm điểm này là tôi đã suy nghĩ rất nhiều về các thời kỳ cách mạng trước đây. Nghiên cứu cách Hồ Chủ tịch và các nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng ta đã làm, từ đó suy nghĩ vào vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược hiện nay.
Xin cảm ơn ông (!)
Theo Danviet
"Bố trí cán bộ cấp cao, sợ nhất người cho rằng công lao của mình lớn"
"Về bố trí cán bộ ở cấp cao, tôi rất sợ là người có trách nhiệm lớn mà lại chủ quan, cho rằng công lao của mình đã lớn. Tôi lo ngại nhất chuyện đó vì dù lãnh đạo có công lao bao nhiêu thì đất nước vẫn luôn đứng trước những thách thức rất lớn" - nguyên Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt nói.
Hội nghị Trung ương 7 khoá XII của Đảng bước vào chương trình nghị sự chính thức hôm nay, 7/5. Một trong những nội dung trọng tâm được chú ý tại hội nghị lần này là về việc xem xét đề án "Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ", chuẩn bị để hội nghị Trung ương 8 thành lập các tiểu ban lo cho Đại hội XIII. Vấn đề xây dựng bộ máy, công tác cán bộ trong Đảng cũng "nóng" trong mắt các cán bộ hưu trí...
Nguyên Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt: "Tôi nói với Tổng Bí thư, vai quan trọng nhất của anh bây giờ là phải lo đội ngũ cán bộ cho Đảng, chẩn bị cho Đại hội XIII tới đây" (ảnh: Trần Thanh)
Nguyên Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt đặt vấn đề, nghị quyết TƯ 6 khoá VIII đã nêu vấn đề chỉnh đốn Đảng. Giai đoạn đó, nhiều cán bộ cấp cao như Thứ trưởng Bộ Công an, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt nam... cũng đã bị xử lý kỷ luật (trong vụ án Năm Cam). Vụ Lý Tống rải truyền đơn, bản thân ông Duyệt, với tư cách Thường vụ Bộ Chính trị cũng ký quyết định kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao, như Thứ trưởng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh... dù thông tin không công bố rộng rãi.
Ngoài cán bộ vi phạm, theo ông Duyệt, Trung ương khi đó cũng phải xử lý nhiều trường hợp cán bộ tư tưởng không chắc chắn, "chập chờn". Ông Duyệt dẫn chứng vụ ông Trần Xuân Bách (nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng), tướng Trần Độ (cựu Phó Chủ tịch Quốc hội khoá XII).
Những năm 2000-2005, tham nhũng, tiêu cực đã trở thành một trong những vấn đề trầm trọng. Ông Duyệt cho biết, ông từng nói trước hội nghị Trung ương về việc cần thực hiện nghị quyết TƯ 6 lần 2, nói "như một lời thề với dân chứ không phải chỉ như phát biểu trước một cuộc họp". Khi đó, Trung ương đã xác định, nếu không chống tham nhũng quyết tâm cao thì sự suy thoái trong Đảng dễ xảy ra".
"4 nguy cơ với Đảng đã được phân tích ngay từ những năm đầu đổi mới mà vẫn vấp. Vậy nên đến lúc đó mới bung ra một loạt vụ án như Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh... với rất nhiều cán bộ bị xử lý. Tôi vẫn còn ghi sổ đây, đại đa số những người "dính án", tới 2/3, là Đảng viên cả. Tôi đã nói, những người có quyền đều là Đảng viên cả nên mới xảy ra tình trạng thế" - ông Duyệt nhớ lại.
Nguyên Thường vụ Bộ Chính trị chia sẻ: "Vậy nên có dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp, dù có nhiều vấn đề nhưng tôi đều chỉ nhấn vào một việc là xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Lúc nào tôi nghĩ đến chuyện đó vì con người là yếu tố quyết định chứ còn gì nữa. Đảng có mạnh hay không là do tổ chức mà tổ chức chính ở chỗ có chọn đúng cán bộ không, có chọn được người tài không".
Nói cụ thể về việc chọn cán bộ hiện nay, nguyên Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam nhận xét: "Quy chế hiện tại rất chặt chẽ, có vẻ là hướng tốt, nhưng tôi vẫn băn khoăn".
Ông Duyệt phân tích, cụ Nguyễn Văn Huyên 29 năm làm Bộ trưởng Giáo dục, là người do Bác Hồ mời từ Pháp về, không phải Đảng viên nhưng không ai có thể nói cụ Huyên không vĩ đại. Rất nhiều thế hệ cán bộ, trong đó có cả lớp cán bộ như ông Duyệt, đã trưởng thành từ nền giáo dục mà vị Bộ trưởng ngoài Đảng ấy xây dựng.
Ông Duyệt điểm lại tên tuổi những nhà trí thức lẫy lừng khác như Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm... đều là do Bác Hồ đưa ở Pháp về làm, đặt vào những vị trí xứng đáng, tin tưởng giao trọng trách trong thời gian rất dài trước khi họ vào Đảng.
"Vậy nên không cẩn thận, cách quy hoạch kiểu công thức, cái gì cũng phải là Đảng viên thì sẽ dễ dẫn đến hiện tượng vào Đảng không phải do động cơ đúng mà chỉ vì biết là kiểu gì cũng phải có tiêu chuẩn Đảng viên mới được cất nhắc, nên phải ngoi bằng được vào Đảng. Và vào Đảng rồi thì cũng phải ngoi bằng được vào vị trí quy hoạch vì cứ vào quy hoạch, cứ có trong "lớp nguồn" là thế nào cũng được. Vậy thì còn tư tưởng gì vững vàng nữa. Trần thân chui từ lòng đất như chúng tôi bao nhiêu năm tháng, qua bao nhiêu khó khăn thử thách đi lên, nên tôi hiểu, đào tạo người thợ với người lãnh đạo khác nhau ghê lắm" - ông Duyệt nói.
Ông cũng chia sẻ: "Về bố trí cán bộ ở cấp cao, tôi có tâm lý rất sợ là người có trách nhiệm lớn mà lại chủ quan, cho rằng công lao của mình đã lớn. Tôi lo ngại nhất chuyện đó vì dù lãnh đạo có công lao bao nhiêu thì đất nước vẫn luôn đứng trước những thách thức rất lớn".
Nguyên Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam khái quát, không chỉ riêng ông, lớp cán bộ lão thành, nghỉ hưu hiện cũng đều trăn trở về chuyện xây dựng Đảng và công tác cán bộ. Ông nhắc lại, làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị Trung ương 14 khoá XI để chuẩn bị cho Đại hội Đảng khoá XII, ông vẫn khuyến cáo, vấn đề trăn trở nhất, khó khăn nhất chính là chọn con người, bổ nhiệm con người.
"Tôi nói với Tổng Bí thư, vai quan trọng nhất của anh bây giờ là phải lo đội ngũ cán bộ cho Đảng, chẩn bị cho Đại hội XIII tới đây, phải lo làm sao tiếp tục chỉnh đốn Đảng hơn hẳn khoá XI. Hiện Tổng Bí thư đã đang làm nhiều việc rất tốt rồi nhưng vẫn phải tiếp tục, phải không ngừng lưu tâm, chú ý. Việc đó rất khó, đi giải quyết vụ Thái Bình trước đây tôi biết, việc tổ chức bộ máy, sử dụng con người là thách thức nhất. Nhưng phải có "bài", được dân ủng hộ, được các cấp uỷ ủng hộ, được lực lượng lão thành ủng hộ thì việc gì cũng sẽ có cách giải quyết. Tôi chưa thấy có gì khó và thất bại nếu như có cách làm đúng" - ông Duyệt lạc quan.
P.Thảo
Theo Dantri
Tổng Bí thư: "Chạy chức chạy quyền, nay đã làm rõ việc ai chạy, chạy ai" "Ngay từ năm 2014, tôi nêu vấn đề, trong nhân dân có nói chuyện chạy chức chạy quyền, đề nghị làm rõ, có hay không, ai chạy, chạy ai. Nay đã làm rõ một bước nhưng đây vẫn là vấn đề nhức nhối" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói. Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng...