Cán bộ cấp chiến lược khóa XIII sẽ được bồi dưỡng kiến thức gì?
Các học viên sẽ nghiên cứu 46 chuyên đề về vấn đề xây dựng Đảng, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Bồi dưỡng kiến thức mới cho 95 học viên trong 2,5 tháng
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, nhất là cán bộ cấp chiến lược được Đảng xác định là nhiệm vụ quan trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục.
Từ nhận thức sâu sắc về tình hình thực tế, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có chủ trương tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho các cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược của Đảng và Nhà nước. Trong năm 2018, 2 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 1 lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho các Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã được tổ chức thành công. Đây là bước đổi mới trong công tác cán bộ, nhằm nâng cao hơn nữa năng lực và sức chiến đấu của Đảng và hệ thống chính trị trong thời kỳ mới.
Để góp phần tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan Trung ương phối hợp, chuẩn bị tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược, trực tiếp chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp tới.
Ngày 6/8, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho 95 cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII.
Sau nhiều tháng chuẩn bị, ngày 6/8, lễ khai giảng 2 lớp đã được tiến hành ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Hai lớp gồm 95 học viên là những cán bộ được phê duyệt quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XIII); quy hoạch chức danh cấp trưởng các ban, ngành, đoàn thể chính trị – xã hội ở Trung ương, giai đoạn 2020-2025; quy hoạch chức danh Bí thư các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương giai đoạn 2021-2026.
PGS.TS Nguyễn Viết Thảo – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, 95 học viên của 2 lớp sẽ học tập tập trung tại Học viện trong 2 tháng rưỡi. Các học viên sẽ nghiên cứu 46 chuyên đề, trong đó trong đó 37 chuyên đề do các chuyên gia trong nước và 9 chuyên đề do các chuyên gia quốc tế thực hiện, về vấn đề xây dựng Đảng, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Học viện đã mời các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm thực tiễn đến từ Nhật Bản, Australia, Trung Quốc… biên soạn và trực tiếp tham gia báo cáo các chuyên đề cho lớp học. Trong đó, có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; các Bộ trưởng, Uỷ viên Trung ương Đảng, các nhà khoa học đầu ngành, các nhà hoạt động thực tiễn có uy tín trong nước và quốc tế. Các chuyên đề được biên soạn công phu, được tổ chức thẩm định một cách chặt chẽ và chỉnh sửa nghiêm túc trước khi ban hành. Các giảng viên soạn bài theo phương pháp giảng dạy tích cực, trực tiếp trao đổi, thảo luận với học viên.
Các chuyên đề được tập trung cập nhật, phân tích, đánh giá về những vấn đề rất mới, cơ bản, cấp bách, quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển đất nước cũng như sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là một sự chuẩn bị rất chủ động, tích cực từ sớm, phục vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dự kiến tổ chức năm 2021.
Dự kiến sẽ tổ chức 5 lớp bồi dưỡng kiến thức mới
Video đang HOT
Theo Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, điểm khác biệt nổi bật của các lớp bồi dưỡng lần này là các chuyên gia tham gia biên soạn nội dung chương trình đồng thời là người báo cáo chuyên đề và chủ trì thảo luận, thay vì mỗi chuyên gia phụ trách các khâu như trước đây. Điều này góp phần bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về nhận thức, phong cách, kỹ năng của giảng viên cũng như học viên trong quá trình giảng dạy – học tập – thảo luận.
Ngoài ra, lớp học còn có các hoạt động đi khảo sát thực tế tại địa phương và ở nước ngoài để các học viên nghiên cứu, tìm hiểu thêm một số kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Tuy nhiên, so với khóa trước, các lớp bồi dưỡng lần này sẽ không tổ chức đi nhất loạt mà lựa chọn từng chuyên đề, đi theo từng nhóm để việc học tập đạt chất lượng, hiệu quả nhất.
Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Viết Thảo.
“Việc Trung ương tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ cấp chiến lược là sự tiếp nối thành công về công tác nhân sự, công tác chuẩn bị Đại hội của nhiệm kỳ XII và các nhiệm kỳ trước. Để phục vụ khóa XIII, dự kiến sẽ tổ chức 5 lớp cho 3 đối tượng: các cán bộ được quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; các cán bộ được quy hoạch Trưởng các cơ quan, đoàn thể Trung ương, Tập đoàn, Tổng công ty lớn; các cán bộ được quy hoạch Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương” -PGS.TS Nguyễn Viết Thảo nhấn mạnh.
Nhìn lại việc chuẩn bị nhân sự cho khóa XII, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Học viện đã tổ chức 6 lớp dự nguồn với hơn 500 cán bộ tham dự. Trong số đó, có 114 cán bộ tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, số còn lại, các học viên đều trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan Trung ương, địa phương.
Khi chuẩn bị lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII, Học viện đã có sự kế thừa rất thuận lợi từ kinh nghiệm, nội dung, phương pháp của các lớp bồi dưỡng ở khóa XII, đồng thời đáp ứng yêu cầu mới, Học viện có nhiều sự điều chỉnh, bổ sung, cập nhật. Dự kiến sẽ tổ chức 5 lớp bồi dưỡng kiến thức mới, mỗi lớp không quá 50 học viên.
Mặc dù thời gian bồi dưỡng được rút ngắn từ 4 tháng (ở khóa trước) xuống còn 2 tháng rưỡi, song ông Nguyễn Viết Thảo nhấn mạnh rằng, dung lượng, nội dung cũng như chất lượng bồi dưỡng không những được duy trì mà chắc chắn sẽ nâng cao. Lý giải về việc rút ngắn thời gian, ông Nguyễn Viết Thảo cho biết, kinh nghiệm từ lớp dự nguồn khóa XII và trong những năm chuẩn bị nhiệm kỳ XIII vừa qua, các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương đã tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đối tượng 3 và bồi dưỡng dự nguồn rất bài bản.
Nhiều vấn đề nếu ở Trung ương thì mới được bồi dưỡng, nhưng các cán bộ đã được nghe, nghiên cứu ở các lớp bồi dưỡng ở địa phương cho nên ở lớp cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII này, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh không kết cấu lại các chuyên đề đã trùng lặp, cho phép rút ngắn thời gian bồi dưỡng.
Khẳng định các lớp học này là kết quả của sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm và tầm nhìn chiến lược của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với công tác cán bộ cấp chiến lược của Đảng và Nhà nước, cùng với đội ngũ học viên là những cán bộ lãnh đạo, quản lý tiêu biểu về mọi mặt, PGS.TS Nguyễn Viết Thảo tin tưởng rằng lớp học sẽ hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra./.
Theo Kim Anh/VOV.VN
Tăng cường phối hợp đào tạo lý luận chính trị
Đó là phát biểu chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại buổi làm việc với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh diễn ra chiều 7/8, tại Hà Nội.
Cùng dự buổi làm việc có: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: HM
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Viết Thảo đã khái quát kết quả công tác của Học viện từ năm 2016 đến nay. Theo đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng và Nhà nước thời gian qua được Học viện đổi mới toàn diện. Trước hết là thực hiện quản lý hệ thống một cách thống nhất về chương trình, nội dung, phương thức kiểm tra, đánh giá, quản lý học viên. Cụ thể, Học viện xây dựng 8 khung chương trình các lớp bồi dưỡng theo chức danh đáp ứng yêu cầu. Học viện đã hoàn thành xây dựng 14 giáo trình đào tạo thạc sỹ chuyên ngành lý luận chính trị; 24 khung chương trình, đề cương chi tiết giáo trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ; 3 khung chương trình, đề cương chi tiết, bài giảng bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ các nước: Campuchia, Angola, Mozambique. Từ đầu năm 2018, Giáo trình cao cấp lý luận chính trị được biên soạn, nghiệm thu đưa vào sử dụng trong toàn Học viện. Giáo trình chú trọng nội dung của Nghị quyết Đại hội XII, lồng ghép việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện. Học viện đã xuất bản 66/73 tập bài giảng của các trường chính trị, trường bộ, ngành và đưa vào phục vụ giảng dạy, học tập.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô và chất lượng; trong đó các loại hình nhiệm vụ khoa học ngày càng đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, Học viện đã triển khai một chương trình khoa học trọng điểm cấp quốc gia, giai đoạn 2016- 2020, với 20 đề tài nhánh; tổ chức nghiên cứu năm chương trình cấp bộ trọng điểm, với 58 đề tài nhánh.
Trong công tác cán bộ, Học viện đã quản lý thống nhất công tác cán bộ trong toàn hệ thống và có nhiều cố gắng trong sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đến nay, Học viện Trung tâm đã giải thể, hợp nhất ba đơn vị cấp vụ vào một, sáp nhập sáu đơn vị dưới cấp vụ trực thuộc Giám đốc Học viện theo hướng xóa bỏ, hợp nhất các phòng, ban; giảm từ 134 phòng, ban xuống còn 16. Các Học viện trực thuộc giảm từ 123 đơn vị xuống còn 112 đơn vị.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Viết Thảo cho rằng, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Học viện vẫn tồn tại một số hạn chế, như: Chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; công tác đấu tranh tư tưởng, đấu tranh lý luận đã có kết quả nhưng so với vị thế thì chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Học viện đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư sớm phê duyệt Chiến lược phát triển Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn 2045; quan tâm đầu tư cơ sở, vật chất để tăng cường, đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tập trung; có cơ chế, chính sách phù hợp cho đội ngũ cán bộ lý luận.
Học viện đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương giao Học viện chủ trì, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân; phối hợp chặt chẽ hơn với Học viện trong tổ chức các hội thảo khoa học, nghiên cứu, biên soạn, xuất bản Tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam; đẩy mạnh công tác truyền thông chính trị có định hướng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Thời gian qua, Học viện và Ban Tuyên giáo Trung ương có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để thực hiện những nhiệm vụ trong chức năng, và nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.
Cùng với sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo trong thời gian qua, Học viện cũng đã triển khai thực hiện có hiệu quả việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trung, cao cấp. Trọng tâm là đào tạo về cao cấp lý luận chính trị và đào tạo chức danh cho cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Học viện đã có sự đổi mới trong cách thức quản lý, đào tạo học viên theo nguyên tắc quản lý hệ thống từ Học viện Trung tâm cho đến các Học viện trực thuộc. Nhờ vậy đã tạo ra những kết quả bước đầu trong công tác quản lý, đào tạo.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HM
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Nhiệm kỳ này, Học viện đã đưa các trường chính trị trở lại trong hệ thống giáo dục chính trị thống nhất từ cao cấp xuống trung cấp lý luận chính trị và bước đầu triển khai thực hiện triển khai thực hiện tổ chức, sắp xếp bộ máy tại các trung tâm chính trị ở các địa phương đã thực hiện Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng mong muốn, Trưởng Ban Tuyên giáo sớm cho ý kiến về việc thay thế Quyết định 185 về bồi dưỡng lý luận chính trị ở các Trung tâm để tạo sự đồng bộ trong quản lý hệ thống.
Cùng với đó, việc giáo dục lý luận chính trị cho các trường cao đẳng, đại học và các trường phổ thông, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương sớm có chỉ đạo thống nhất, định hướng tư tưởng, tạo sự thống nhất.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, những buổi làm việc như thế này là cơ hội được nghe ý kiến chỉ đạo, trao đổi những vấn đề mới đặt ra hiện nay trong công tác tư tưởng, giáo dục lý luận chính trị, triển khai nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về "tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới".
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Thưởng bày tỏ nhất trí và đánh giá cao với những nội dung thảo luận tại buổi làm việc. Nêu một số điểm cần phối hợp giữa hai bên, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, sự thống nhất trong công tác phối hợp qua lại giữa hai cơ quan là rất quan trọng và cần thiết. Việc này không chỉ thúc đẩy hai cơ quan hoàn thành nhiệm vụ của mình mà còn góp phần làm tốt hơn nữa công tác giáo dục tư tưởng, lý luận chính trị của Đảng trong thời gian tới. Thời gian qua, hai cơ quan luôn gắn kết, chia sẻ, góp ý lẫn nhau trong phối hợp công việc và đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Vấn đề tham mưu, định hướng về công tác lý luận chính trị đến năm 2030; công tác nghiên cứu về các lãnh tụ tiền bối của Đảng, công tác giáo dục lý luận chính trị cho các cán bộ, đảng viên và trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, dư địa để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa hai bên còn rất lớn, do đó, hai bên cần tăng cường phối hợp hơn nữa trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là đào tạo lý luận chính trị; có hướng liên thông từ sơ cấp tới trung cấp và cao cấp, đồng thời, tính toán về nội dung chương trình học.
"Tỉnh nào cũng mong muốn Trưởng Ban Tuyên giáo tháo gỡ khó khăn làm sao để đào tạo cao cấp, đáp ứng được yêu cầu bồi dưỡng cán bộ cho nhiệm kỳ sắp tới. Điều đó cho thấy dù Học viện đã thực hiện tốt nhưng công tác đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đòi hỏi có sự tính toán cụ thể" - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Xung quanh đến vấn đề đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, góp phần hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu, thời gian tới, Học viện chú trọng hai nội dung: Thứ nhất trong phổ biến, nghiên cứu thì hiện có hai đối tượng tinh hoa và đại trà. Với mỗi đối tượng phải thông qua những hình thức phổ biến khác nhau để mang lại hiệu quả cao nhất. Học viện tham gia tốt với Ban Tuyên giáo làm rõ những khái niệm mới sau mỗi nhiệm kỳ Đại hội, nâng cao tri thức của Đảng, của dân tộc. "Học viện trung tâm nghiên cứu quốc gia về vấn đề chính trị thì cũng phải là môi trường đối thoại những vấn đề về lý luận chính trị tốt nhất, cởi mở nhất, thẳng thắn nhất". Đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ.
Về vấn đề đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, đấu tranh chống lại những suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống bên cạnh một lực lượng tham gia tích cực của giáo viên, học viên, sinh viên, các tạp chí, sách, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị Học viện phải là đơn vị giữ vai trò quan trọng trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thế lực thù địch, suy thoái về tư tưởng đạo đức lối sống.
Về những kiến nghị Học viện nêu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận, ủng hộ và sẽ trình cấp cao hơn xem xét./.
Hoàng Mẫn
Theo ĐCSVN
Bồi dưỡng cán bộ quy hoạch cấp chiến lược của Đảng Ngày 6-8, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khai giảng lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho 95 đồng chí cán bộ được quy hoạch vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước dự lễ khai giảng. Ảnh: TTXVN Lớp bồi dưỡng diễn ra trong thời gian...