Căn bệnh nguy hiểm cầu thủ Đức Chinh mắc, người Việt chiếm tỷ lệ cao nhưng thường chủ quan
Thông tin cầu thủ Đức Chinh mắc phải căn bệnh mà nếu tiếp tục chơi bóng sẽ nguy hiểm tính mạng đang gây sốc cho nhiều người hâm mộ. Đáng lưu ý, căn bệnh nguy hiểm cầu thủ Đức Chinh mắc chiếm tỷ lệ lớn ở nước ta. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh dễ tiến triển thành ung thư, nguy hiểm tính mạng.
Nguy cơ ung thư gan cao gấp 200 lần
Tiền đạo Hà Đức Chinh là một trong những cầu thủ thuộc lứa U23 Việt Nam từng đem lại sự tự hào, niềm vinh quang lớn cho đất nước trong nhiều giải đấu. Sinh năm 1997, tương lai cầu thủ này còn rộng mở phía trước nhưng thông tin trong cuộc họp báo sau trận đấu giữa CLB Đà Nẵng và CLB Sài Gòn chiều 15/3 của HLV Lê Huỳnh Đức (Đà Nẵng) về việc cầu thủ này có thể không chơi bóng được đã khiến nhiều người lo lắng.
Theo thông tin, Đức Chinh đang bị viêm gan siêu vi B (do virus HBV gây ra). Hiện men gan của Đức Chinh rất cao, bác sĩ khuyến cáo không thể chơi bóng được. Nếu đá thì rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới tính mạng.
Cầu thủ Đức Chinh mắc phải căn bệnh viêm gan B
Căn bệnh nguy hiểm cầu thủ Đức Chinh mắc ở Việt Nam cũng nhiều người gặp. Theo thống kê, Việt Nam là nước nằm trong khu vực nhiễm virus viêm gan B cao trên thế giới. Nhiều nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ người nhiễm virus viêm gan B dao động từ 10-20%. Trung bình cứ 10 người ngẫu nhiên có 2 người nhiễm HBV, ước tính có khoảng trên 10 triệu người mang HBV.
PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, thành viên Hội đồng cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, Phó Chủ tịch Hội Gan mật Hà Nội cho biết, nhiều người bị nhiễm siêu vi viêm gan B mạn có thể sống lâu và khỏe mạnh, nhưng có 10 – 20% người bị viêm gan B tiến triển thành xơ gan và ung thư gan nếu không được điều trị sớm. Những người nhiễm virus viêm gan B có xác suất ung thư gan cao gấp 200 lần người bình thường.
Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B ngày càng gia tăng, phần do người dân dè dặt trong việc dùng vacxin phòng bệnh. Phần khác do người dân chủ quan khi biểu hiện thường không rõ ràng. Thời gian ủ bệnh xơ gan và ung thư gan do viêm gan B đến xơ gan và ung thư gan kéo dài từ 10-25 năm. Nhiều người chỉ tình cờ phát hiện ra khi đi khám, kiểm tra sức khỏe hay biết khi đã có hệ quả xơ gan, ung thư gan.
Video đang HOT
Theo chuyên gia, siêu vi viêm gan B là bệnh truyền nhiễm. Bệnh có thể lây truyền qua từ mẹ sang con, chiếm tỉ lệ cao nhất, đặc biệt là ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Cứ 10 người thì có khoảng 5 – 6 người bị viêm gan do lây từ mẹ. Thứ hai là lây nhiễm qua đường máu và thứ ba là lây nhiễm qua đường tình dục.
Làm gì khi phát hiện nhiễm siêu vi viêm gan B?
Theo PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, khi phát hiện mình bị nhiễm siêu vi viêm gan B, mọi người nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để có chương trình theo dõi và điều trị lâu dài nhằm tránh diễn tiến xơ gan và ung thư gan. Không phải tất cả các trường hợp nhiễm siêu vi viêm gan B đều cần thiết điều trị với thuốc kháng siêu vi. Trước khi điều trị, bác sĩ chuyên khoa sẽ đánh giá kĩ lưỡng về mức độ sao chép của siêu vi, tình trạng tổn thương của tế bào gan, lứa tuổi.
Để đánh giá viêm gan B cần nhiều xét nghiệm, trong đó xét nghiệm HBsAg được coi là xét nghiệm bắt buộc. Nếu kết quả HBsAg dương tính cho thấy cơ thể đang bị nhiễm siêu vi B nên cần kiểm tra chuyên sâu hoặc khám chuyên khoa. Mọi người càng cần phải lưu ý khi tự ý tìm cách điều trị hay sử dụng các loại thảo mộc vì một số các chất này được chuyển hóa tại gan sẽ làm tăng gánh nặng cho gan.
Bệnh cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nên mọi người cần kiểm tra sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/ lần, nhất là người có yếu tố nguy cơ cao. Đó là người sống trong gia đình có người bị viêm gan virus B hay ung thư gan.
Ngoài ra, nếu xét nghiệm HBsAg âm tính cần xét nghiệm anti HBs, trường hợp kết quả âm tính cần tiêm phòng vaccin viêm gan B. Bệnh nhân mệt mỏi, đau tức hạ sườn phải, tiểu vàng… nên kiểm tra chức năng gan gồm HBsAg, Anti HCV để có hướng xử lý kịp thời.
Phương Thuận (giadinh.net.vn)
Miễn dịch sau bệnh: Đừng chủ quan!
Trong nhóm bệnh nhiễm có những căn bệnh chỉ bị một lần trong đời nhưng cũng có những bệnh sẽ tái đi tái lại nếu bạn chủ quan rằng mình có kháng thể, thiếu phòng vệ
Ông Tr.V.T (40 tuổi; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) chia sẻ lo lắng trước thông tin một số người nhiễm bệnh Covid-19 do virus corona chủng mới SARS-CoV-2 rồi nhưng vẫn có thể bị lại. Đem thắc mắc hỏi bác sĩ (BS), ông bất ngờ khi nhận được câu trả lời: "Chuyện thường mà, như tay chân miệng năm kia con anh bị vẫn có thể bị lại, lo đề phòng!".
Không phải bệnh nào cũng một lần là miễn nhiễm
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho rằng suy nghĩ các bệnh do nhiễm virus "bị một lần là khỏi lo" là hoàn toàn sai lầm. Khả năng miễn dịch sau bệnh là suốt đời hay chỉ một vài mùa còn tùy vào bệnh.
"Bệnh do virus có thể chia thành 4 nhóm. Nhóm 1 là các bệnh mà virus đi vào cơ thể là ở lại luôn như HIV. Nhóm 2 là các bệnh virus đi vào cơ thể, "ngủ" một thời gian rồi sau đó mới phát bệnh như viêm gan siêu vi B, nhóm herpes. Nhóm 3 là các bệnh đã bị 1 lần là miễn nhiễm suốt đời như sởi và thủy đậu. Nhóm 4 là các bệnh bị nhiều lần trong đời, như tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm, bệnh do phế cầu... và cả Covid-19 do virus corona chủng mới" - BS Khanh phân tích.
Tuy nhiên, sau một bệnh do virus nhóm 4 gây nên, một người khỏe mạnh thường có thể miễn nhiễm với nó một vài mùa bệnh. Ví dụ như đứa trẻ mới bị tay chân miệng thì không thể bị lại ngay trong mùa đó, mà đến các năm sau, khi lại có dịch, mới có nguy cơ. Tương tự với bệnh cúm hay Covid-19.
Nếu thấy trẻ sốt cao, ho... thì nên đưa trẻ đi bệnh viện ngay. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH
Về một số bệnh nhân mắc Covid-19 được cho là tái nhiễm ngay trong mùa, BS Khanh cho biết đây là điều hiếm gặp và chỉ gặp ở những người bị suy giảm miễn dịch nặng, ví dụ người bệnh HIV, người đang điều trị ung thư..., khiến cơ thể họ thậm chí không đủ khả năng tạo được kháng thể để bảo vệ bản thân khỏi phần còn lại của mùa dịch.
Nguy cơ này cũng gặp phải ở cả các bệnh khác, vì vậy người bị suy giảm miễn dịch nặng luôn cần chăm sóc kỹ. Ngược lại, nếu bạn hay con bạn là người bình thường, hệ miễn dịch khỏe mạnh thì không cần lo lắng quá.
Đừng quên phòng các bệnh "đến mùa"
"Tôi từng điều trị cho những em bé mắc tay chân miệng đến 3 lần. Bệnh này có ít nhất 12 chủng virus gây nên, năm nay có kháng thể với chủng này nhưng năm sau có thể bị sang chủng khác. Rồi sốt xuất huyết cũng có 4 chủng dengue, nên bị chưa đủ 4 lần vẫn có thể bị lại" - BS CK II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), cho biết.
Với bệnh cúm, BS Trương Hữu Khanh giải thích: "Có thể mắc nhiều lần cùng một loại virus cúm, bởi nó liên tục biến đổi. Đó là lý do tiêm ngừa cúm năm nào cũng phải tiêm lại". Ngoài ra, ông cũng lưu ý một sai lầm thường gặp: Lầm tưởng Covid-19 là cúm. Covid-19 không phải cúm, vì vậy dù có chích ngừa cúm, vẫn phải tuân thủ các hướng dẫn phòng bệnh Covid-19.
Theo BS Nguyễn Minh Tiến, vì các lý do trên, cho dù bạn đã bị tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm... lần nào hay chưa, đều không được lơ là việc phòng bệnh.
Rửa tay thường xuyên là điều đầu tiên nên nhớ, vì nó vừa giúp phòng các bệnh lây qua giọt bắn đường hô hấp như Covid-19, cúm mà cũng phòng các bệnh lây qua đường tiêu hóa như tay chân miệng, tiêu chảy... Ngoài ra còn cần vệ sinh các bề mặt, tránh đám đông trong các mùa có bệnh lây đường hô hấp, mùa sốt xuất huyết thì cần chống muỗi, diệt lăng quăng...
BS Nguyễn Minh Tiến lưu ý rằng không phải cứ tiêm vắc-xin là khỏi lo mắc bệnh. Đừng tưởng vắc-xin là "áo giáp", ông lấy ví dụ bệnh sởi: Với người từng bệnh thì miễn dịch hoàn toàn nhưng với người chỉ miễn dịch bằng vắc-xin mà ở trong một cộng đồng quá ít người tiêm thì bảo vệ chỉ tương đối, nếu tiêm lúc nhỏ thì khoảng 95%, nếu tiêm khi trưởng thành thì có thể thấp hơn. Đó là lý do với vắc-xin phòng các bệnh nguy hiểm như sởi, người ta cần vận động toàn dân tiêm để có miễn dịch cộng đồng. Hay như vắc-xin viêm gan siêu vi B, nhiều người sau một thời gian sẽ hết kháng thể, phải tiêm lại. Cúm thì năm nào cũng phải tiêm.
Vì vậy, nên nhớ 2 điều: Thứ nhất, nên tiêm vắc-xin, bởi đã tiêm mà lỡ mình có rơi vào tỉ lệ thấp vẫn mắc bệnh thì bệnh cũng nhẹ hơn nhiều; thứ hai, đừng cho rằng tiêm vắc-xin rồi là đã có "áo giáp" mà chủ quan, xem nhẹ các biện pháp phòng bệnh cơ bản. Với các vắc-xin không thể bảo vệ bạn suốt đời thì cần nhớ tiêm lại khi cần thiết.
Theo BS Nguyễn Minh Tiến, cần lưu ý trong nhóm bệnh "có thể mắc lại", nếu gặp phải triệu chứng giống như lần đã mắc trước, ví dụ cơn sốt cao khó hạ của tay chân miệng; các triệu chứng của bệnh cúm... thì đừng chần chừ hay chủ quan mà hãy đưa trẻ đi bệnh viện ngay.
ANH THƯ
Theo Người lao động
Hải sản sống: Ăn thế nào mới an toàn? Các món hải sản sống như sushi hay sashimi tuy rất ngon miệng và giàu dinh dưỡng nhưng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nếu bạn không cẩn thận. Khi ăn sống, bạn cũng cần biết cách chọn hải sản tươi ngon để bạn phòng tránh một số nguy cơ từ thực phẩm này. Hải sản nếu không được nấu chín có...