Căn bệnh khiến bé trai đau bụng suốt nửa năm
Trước khi nhập viện, bệnh nhi ói ra nhiều máu, tiêu phân máu đỏ tươi, tụt huyết áp. Tiền sử cho thấy trẻ hay bị đau bụng khoảng 6 tháng nay.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố (TP.HCM) cho biết bé B.V.T. (13 tuổi, nam, ở quận Bình Tân) bị xuất huyết tiêu hóa nặng nghi loét dạ dày tá tràng.
Khai thác tiền sử gia đình cho hay trẻ thường xuyên bị đau bụng khoảng 6 tháng nay. Bệnh viện địa phương chẩn đoán em bị viêm dạ dày và cho uống thuốc theo toa. Tuy nhiên, sau đó gia đình không cho trẻ đi tái khám lại.
Sau khi đột ngột ói máu đỏ tươi với lượng nhiều, tiêu phân máu đỏ tươi, trẻ mệt và được cấp cứu tại bệnh viện địa phương. Tại đây, em được truyền 250 ml hồng cầu lắng và thuốc giảm tiết dịch dạ dày. Sau 6 ngày điều trị, tình trạng trẻ không đỡ, thậm chí nặng hơn, ói máu đỏ tươi, nhiều, đi tiêu đen, huyết áp tụt, thậm chí ngất xỉu.
Hình ảnh nội soi bệnh nhi cho thấy viêm hang vị dạng nốt – Loét hành tá tràng Forrest IIB. Ảnh: BVCC.
Video đang HOT
Khi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, trẻ tỉnh, môi hồng nhạt, da niêm nhạt, huyết áp 100/60 mmHg. Sau khi thăm khám và xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán bị xuất huyết tiêu hóa trên mức độ nặng nghi do loét dạ dày tá tràng đang diễn tiến.
Bệnh nhi tiếp tục được truyền 250 ml hồng cầu lắng, thuốc ức chế bơm proton, sau đó nội soi tiêu hóa trên ghi nhận viêm hang vị dạng nốt – loét hành tá tràng Forrest IIB.
Trẻ được nội soi cầm máu 2 lần nhưng vẫn bị ói máu, tiêu phân đen diễn tiến nặng dần. Do đó, các bác sĩ phải chụp CTA khảo sát bất thường mạch máu dạ dày, ghi nhận trong lòng dạ dày vùng đáy vị và bờ cong lớn có máu tụ tăng đậm độ tự phát bên trong.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố phối hợp với chuyên gia Bệnh viện Đại học Y Dược tiến hành chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA) và can thiệp nội mạch cho bệnh nhi.
Sau khi được can thiệp thành công, trẻ được chuyển khoa Hồi sức Ngoại, tiếp tục điều trị thuốc giảm tiết dạ dày và thuốc băng niêm mạc dạ dày. Bệnh nhi sau đó đã tỉnh táo, sinh hiệu ổn định, không còn xuất huyết.
Cảnh báo xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em
Thời gian gần đây, Khoa Nhi - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp trẻ xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng.
Bố mẹ cần chú ý nếu trẻ bị một số biểu hiện như đau bụng dai dẳng, chóng mặt, da xanh. Ảnh minh họa
Một ca bệnh điển hình là trẻ nam, 14 tuổi, có biểu hiện đau bụng vùng thượng vị khoảng vài tháng nay. Trẻ đau chủ yếu khi đói, kèm ợ hơi, ợ chua. Trước vào viện 5 ngày, trẻ đi ngoài phân đen toàn bãi, ngày 1 - 2 lần, kèm theo triệu chứng chóng mặt tăng dần.
Khi nhập viện, trẻ có triệu chứng thiếu máu rõ, da xanh, niêm mạc nhợt. Trẻ được chỉ định truyền khối hồng cầu và nội soi dạ dày tá tràng phát hiện ổ loét hành tá tràng kích thước 5mm, bờ phù nề, đáy có giả mạc trắng. Sau 7 ngày điều trị, trẻ được xuất viện và dùng thuốc theo đơn ngoại trú.
Trường hợp khác là trẻ nữ, 9 tuổi, không có tiền sử bất thường, vào viện vì nôn ra dịch nâu và chóng mặt. Kết quả xét nghiệm Hb: 69 g/l, Hct: 22%. Trẻ được truyền khối hồng cầu và nội soi dạ dày cấp cứu. Kết quả cho thấy hành tá tràng có ổ loét kích thước khoảng 1 cm. Sau 8 ngày điều trị, trẻ được ra viện và dùng thuốc theo đơn ngoại trú.
Trẻ em ít gặp bệnh lý dạ dày - tá tràng hơn người lớn. Bởi, dạ dày trẻ chưa trải qua nhiều thử thách. Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể gặp viêm dạ dày cấp, mạn tính, viêm tá tràng cấp tính như ở người lớn.
Viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ được phân thành hai nhóm là tiên phát - chủ yếu là mạn tính và tổn thương khu khú ở tá tràng mà đa số nhiễm Helicobacter pylori (vi khuẩn HP) và thứ phát - chủ yếu là cấp tính, thường khu trú ở dạ dày, đa số do stress cấp tính và sử dụng một số loại thuốc như Corticoid, thuốc chống viêm không steroid (NSAID)...
ThS.BS Phạm Văn Dương, Khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cảnh báo, viêm loét dạ dày tá tràng không được phát hiện sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Trong đó, có xuất huyết tiêu hóa với biểu hiện đại tiện phân đen/máu hoặc nôn máu. Các tổn thương dạ dày - tá tràng chẩn đoán được bằng nội soi tiêu hóa. Đồng thời, bác sĩ có thể lấy bệnh phẩm để chẩn đoán nguyên nhân hoặc thực hiện thủ thuật can thiệp cầm máu hiệu quả.
Chuyên gia y tế cũng khẳng định, đây là bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Bên cạnh điều trị một số nguyên nhân có thể phát hiện được, chủ yếu là tiêu diệt H. pylori và các bệnh chính gây viêm loét stress thì chế độ sinh hoạt cũng góp phần không nhỏ vào thành công của phác đồ điều trị.
Do đó, cần chú ý cho trẻ ăn đầy đủ 3 bữa chính. Nên ăn đúng giờ. Chia nhỏ bữa trong ngày, không để quá đói hoặc ăn quá no. Khuyến khích trẻ ăn chậm, nhai kĩ. Hạn chế thức ăn chua, cay, nhiều dầu mỡ. Không ăn đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Không cho trẻ xem tivi, chơi điện tử trong khi ăn. Không gây áp lực cho trẻ về cuộc sống, sinh hoạt, học tập...
Nhiều trẻ xuất huyết tiêu hóa, bác sĩ khuyến cáo đề phòng biến chứng Thời gian vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận nhiều bệnh nhi xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng. Bác sĩ khuyên cáo nếu không được phát hiện sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Trường hợp thứ nhất là bệnh nhi nam 14 tuổi, có biểu hiện đau bụng vùng thượng vị...