Căn bệnh được mệnh danh ‘ung thư truyền nhiễm’ ở Triều Tiên
Có biệt danh “ung thư truyền nhiễm”, bệnh lao kháng đa thuốc là mối đe dọa sức khỏe thứ nhất tại Triều Tiên.
Hein S Seok là một nữ đạo diễn phim tài liệu người Mỹ gốc Triều Tiên nhưng chưa bao giờ có ý định về thăm quê nhà.
“Ông bà tôi đến từ Triều Tiên nhưng ý nghĩ về thăm đất nước này chưa bao giờ xuất hiện trong tâm trí thôi”, Hein viết trên ABC. “Qua các phương tiện truyền thông, Triều Tiên với tôi là đất nước của vũ khí hạt nhân, nơi cấm đoán đủ mọi thứ”.
Mọi thứ thay đổi vào năm 2010 khi Hein gặp gỡ bác sĩ Stephen Linton, người lập Quỹ Eugene Bell, một tổ chức quốc tế hỗ trợ bệnh nhân lao ở Triều Tiên. Được bác sĩ Linton khuyến khích, nữ đạo diễn quyết định xin visa tới thăm “đất nước bí ẩn nhất thế giới”.
Sau hai năm chờ đợi, Hein cuối cùng cũng đến Triều Tiên với danh nghĩa thành viên của phái đoàn Eugene Bell. Nhiệm vụ chính của cô là quay phim, kể những câu chuyện về cuộc đời và nỗ lực của người Triều Tiên trong cuộc chiến chống lao. Đi cùng Hein có một chuyên gia về bệnh lao, một linh mục và một nhà sử học. Cứ 6 tháng, họ tới Triều Tiên một lần để chuyển thuốc men.
Bác sĩ Stephen Linton (bìa phải), người sáng lập Quỹ Eugene Bell hỗ trợ bệnh nhân lao Triều Tiên. Ảnh: Hein S Seok.
Bệnh lao lây nhiễm qua không khí, phát triển rất mạnh mẽ ở những nơi bị cái nghèo và nạn suy dinh dưỡng hoành hành. Bệnh lao gây nhiễm trùng mạn tính trong phổi, từ từ hóa lỏng mô phải và ăn vào mạch máu.
Bệnh nhân lao có thể tử vong đột ngột khi phổi đầy máu hoặc từ từ qua đời do suy hô hấp.
“Thật khó chứng kiến thời khắc bệnh nhân hấp hối vì bạn sẽ thấy họ cố hớp từng chút không khí”, giám đốc y khoa Eugene Bell là KJ Seung chia sẻ. “Đó là một cái chết đau đớn vì nó diễn ra quá lâu”.
“Thế nhưng, điều khủng khiếp nhất về lao là sự lây nhiễm”, ông Seung tiếp tục. “Bạn không chết một mình mà còn kéo theo những người thương yêu”.
Không chỉ đối mặt với bệnh lao thông thường có thể chữa khỏi trong vài tháng, Triều Tiên còn phải gồng mình chống chọi với bệnh lao kháng đa thuốc (MDR-TB). Người bị bệnh này cần hóa trị liên tục trong thời gian dài, đôi khi lên tới hai năm. Nếu không hóa trị đúng đợt, họ sẽ tử vong. Đây là lý do MDR-TB còn được gọi là bệnh “ung thư truyền nhiễm”. Trên thế giới, mỗi năm có khoảng nửa triệu ca MDR-TB mới.
Bệnh nhân lao kháng đa thuốc phải hóa trị trong thời gian dài. Ảnh: Hein S Seok.
Video đang HOT
Trong thời gian quay phim, Hein gặp cô gái trẻ tên Yongsim. Cha Yongsim bị lao, yếu đến nỗi không thể tự đi nên Yongsim phải cõng ông đến trung tâm điều trị.
Kết quả xét nghiệm cho thấy cả hai bố con Yongsim đều nhiễm MDR-TB. Biết rằng thuốc của Eugene Bell là hy vọng sống duy nhất, cha Yongsim vẫn từ chối điều trị. Tự biết mình ốm quá nặng, ông muốn nhường thuốc cho ai đó cần hơn. Yongsim cũng sẵn sàng bỏ qua cơ hội điều trị để về nhà chăm bố.
6 tháng trôi qua, Hein trở lại trung tâm y tế lao. Yongsim ngồi giữa các bệnh nhân, trông khỏe mạnh hơn nhiều. Thế nhưng, bố cô đã qua đời.
Giờ đây, Yongsim vẫn bật khóc mỗi lần nghĩ đến cha song tự nhủ phải hồi phục thật nhanh để vào trường y. “Tôi muốn giúp đỡ những người chung số phận”, cô nói.
Yongsim quyết tâm trở thành bác sĩ sau khi mất bố vì bệnh lao kháng đa thuốc. Bản thân cô cũng mắc bệnh nhưng may mắn hồi phục. Ảnh: Hein S Seok.
Mỗi chuyến đi, Eugene Bell chuyển thuốc men tới hơn 1.500 bệnh nhân như Yongsim dùng trong 21 ngày. Do các trung tâm lao Triều Tiên vừa thiếu điện vừa thiếu nước, họ phải đem theo cả máy phát điện cùng máy chẩn đoán. Tại một số nơi, máy chụp X-quang từ những năm 1950 vẫn còn được sử dụng.
Không chỉ hạn chế về vật tư, nhiều trung tâm lao bị di dời khiến việc tiếp cận trở nên khó khăn. Hein kể lại có bệnh nhân lao phải đạp xe hai ngày trên đường đất để đến trung tâm điều trị.
Bất chấp những khó khăn, Hein nhận ra đội ngũ y tế Triều Tiên vẫn dốc sức cứu bệnh nhân và trân trọng mọi sự giúp đỡ từ nước ngoài.
“Khi chúng tôi tới, các y bác sĩ Triều Tiên nở nụ cười. Tôi nhận ra mình đang chứng kiến cuộc hội ngộ giữa những người bạn cũ, những người đã cùng nhau hướng đến một mục tiêu chung suốt nhiều thập kỷ”, Hein xúc động.
Gặp nhau, đội ngũ y tế Triền Tiên và các chuyên gia Eugene Bell tay bắt mặt mừng, hỏi thăm nhau tình hình 6 tháng vừa qua. Cùng nhau, họ đã điều trị hơn 3.000 bệnh nhân MDR-TB với tỷ lệ thành công 75%. Đây là thành tựu đáng nể, bởi hiện nay tỷ lệ chữa khỏi MDR-TB trên thế giới mới đạt 45%.
Trở về từ Triều Tiên, Hein hoàn thành bộ phim mang tên Out of Breath. Phim được phát sóng trên kênh ABCngày 19/2.
Mọi suy nghĩ trước kia về Triều Tiên của Hein đã thay đổi.
“Tôi quay phim Triều Tiên vào thời điểm yếu đuối nhất nhưng cũng giàu lòng trắc ẩn nhất”, Hein chia sẻ. Nhiều bác sĩ, y tá nói với cô rằng họ đã tìm được mục đích sống ở những trung tâm bệnh lao.
“Tôi đã trở thành một phần của mối liên kết kỳ lạ đã kéo dài 20 năm và sẽ còn tiếp tục”, Hein tiếp tục. “Bác sĩ Linton đã đúng. Những gì tôi biết trước kia hoàn toàn không phải là những gì tôi quay được”.
Minh Nguyên
Theo VNE
Dùng gừng theo cách này 'độc' khủng khiếp cho cơ thể
Gừng không chỉ là gia vị mà còn là vị thuốc rất tốt cho sức khỏe. Thế nhưng nếu dùng không đúng cách, gừng có thể gây nguy hại vô cùng cho cơ thể con người.
Ảnh minh họa: Internet
Dùng tốt nhất vào buổi sáng và buổi trưa
Trong dân gian Trung Quốc thường truyền nhau câu: "Sáng sớm ăn gừng, tốt hơn cả nước sâm; buổi tối ăn gừng, ngang với ăn thạch tín". Câu nói này cũng đủ nói lên tác hại của việc ăn quá nhiều gừng vào buổi tối.
Nguyên nhân là do vào buổi sáng, khí trong dạ dày nhiều, ăn một chút gừng sẽ giúp dương khí bốc lên, thúc đẩy tuần hoàn máu, kích thích tiết dịch dạ dày, thúc đẩy tiêu hóa.
Ngược lại, đến lúc nửa đêm, âm khí thịnh phát, dương khí co lại, ăn gừng lúc này sẽ vi phạm quy luật sinh lý. Điều này gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và sự trao đổi chất trong cơ thể.
Không ăn nhiều gừng
Mặc dù gừng rất tốt nhưng nó thuộc tính nhiệt nên ăn nhiều có thể gây khô miệng, khát nước, phát nhiệt trong người.
Không phải ai cũng ăn được gừng
Những người thường xuyên mất ngủ, khô cổ họng, táo bónhoặc bị áp xe phổi, bệnh lao, loét dạ dày, viêm túi mật, tiểu đường, đang mọc mụn, mắc các bệnh về gan, bệnh trĩ đều không nên ăn gừng.
Không dùng gừng cho người say nắng
Khi bị cảm lạnh uống nước gừng sẽ rất hiệu quả. Tuy nhiên, trái lại đối với những trường hợp cảm mạo thử nhiệt, cảm mạo phong nhiệt hoặc bị trúng nắng tuyệt đối không cho dùng gừng.
Ảnh minh họa: Internet
Sốt cao không ăn gừng
Uống nước gừng có thể giảm bớt tình trạng cảm lạnh, thế nhưng nếu sốt cao mà cho uống nước gừng sẽ gây ra họa. Bởi gừng có tính nhiệt, sẽ khiến thân nhiệt của người bệnh cao lên, gây tổn thương các mạch máu, thậm chí xuất huyết.
Không ăn gừng bị dập
Gừng tươi đã bị dập dễ sinh ra một loại chất độc cực mạnh là safrol. Chất này có thể làm biến tính, hoại tử tế bào gan, từ đó dẫn đến bệnh ung thư gan.
Không ăn gừng mọc mầm
Gừng mọc mầm mặc dù vẫn còn vị cay nhưng cũng rất nguy hiểm nếu dùng. Vì khi chế biến nó có thể sinh ra chất lưu huỳnh, độc tố gây tổn thương cho gan. Khi ăn loại gừng này, dạ dày và ruột hấp thụ được rất ít chất dinh dưỡng, có thể làm cho tế bào gan nhiễm độc và biến tính, tổn hại tới công năng bài tiết của gan.
Không ăn khi đau dạ dày
Đối với người bị đau dạ dày, viêm loét dạ dày, tá tràng sẽ được các bác sĩ khuyên không nên ăn gừng, vì trong thành phần của gừng có những chất chủ yếu hoạt động trên các niêm mạc dạ dày. Từ đó, các niêm mạc bị kích thích, bào mòn và gây ra những vết loét.
Không ăn bị cao huyết áp
Nước gừng rất tốt đối với người có huyết áp thấp, nhưng với người huyết áp cao chỉ dùng gừng để ngâm chân chứ không nên uống vì rất nguy hiểm. Người huyết áp cao nếu uống nước gừng vào đúng thời điểm huyết áp đang lên cao sẽ như chất kích thích làm cho huyết áp tăng dương quá ngưỡng và gây hưng phấn. Người dùng có thể bị cường huyết áp, gây vỡ động mạch dẫn đến tai biến...
THÁI HÀ (TỔNG HỢP)
Theo Tiền phong
Thành tựu đáng nể của ngành công nghiệp sản xuất vắc xin Việt Nam Trong hơn 30 năm thực hiện tiêm chủng mở rộng Việt Nam đã sản xuất được nhiều loại vắc xin tham gia chương trình, khẳng định sự phát triển của ngành công nghiệp này ở Việt Nam. Bộ Y tế đang đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sản xuất được 14 loại vắc xin cung cấp cho tiêm chủng mở rộng....