Cân bằng tam giác chiến lược Nhật, Trung, Ấn
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tới Nhật với nghị trình tăng cường hợp tác an ninh và kinh tế, khởi đầu chiến dịch ngoại giao với ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an ninh trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ông Modi, mới làm thủ tướng Ấn Độ được ba tháng sau chiến thắng với khoảng cách lớn trong cuộc bầu cử hồi tháng 5, là một trong ba người mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe theo dõi trên Twitter. Lý do quan trọng là cả hai đều có lập trường dân tộc gần gũi. “Chúng tôi sẽ cùng tìm hiểu Nhật có thể đóng vai trò tích cực ra sao trong tầm nhìn của tôi vì sự phát triển chung của Ấn Độ” – Reuters dẫn lời ông Modi khẳng định.
Ông Modi (trái) và ông Abe trò chuyện trong chuyến thăm một ngôi đền tại Kyoto hôm qua – Ảnh: Reuters
Theo ông Modi, các lĩnh vực hợp tác chính giữa Ấn Độ và Nhật sẽ là chế tạo, cơ sở hạ tầng, năng lượng và quốc phòng. Trước đây ở cương vị thủ hiến bang miền tây Gujarat, một trong những bang tăng trưởng nhanh ở Ấn Độ, ông Modi từng rất tích cực trong việc thu hút đầu tư từ Nhật.
Tăng cường đầu tư
Ở Nhật, ông Modi cũng sẽ vận động cho một hiệp ước năng lượng hạt nhân song phương, giống với hiệp ước mà Ấn Độ đạt được với Mỹ vào năm 2008.
Phía Nhật muốn đảm bảo Ấn Độ – một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và chưa ký hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân – cho phép Tokyo thanh sát các cơ sở hạt nhân dân sự để đảm bảo những công nghệ và nguyên liệu Nhật không bị sử dụng cho mục đích quân sự.
Mới đây ông Modi đã tới cố đô Nhật Kyoto và gặp gỡ Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ông Modi hi vọng Kyoto sẽ trở thành hình mẫu để New Delhi thực hiện tham vọng xây dựng 100 thành phố “thông minh” ở Ấn Độ, và phát triển cố đô thiêng liêng Varanasi bên bờ sông Hằng.
Tại Tokyo, ông sẽ kêu gọi thêm sự đầu tư từ Nhật để tạo ra thêm việc làm cho lực lượng lao động ở Ấn Độ, mỗi tháng tăng thêm khoảng 1 triệu người.
Video đang HOT
Thủ tướng Ấn Độ cũng đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% các dự án xe lửa, với mục tiêu thu hút các nhà đầu tư Nhật vốn có ưu thế trong lĩnh vực xây dựng các dự án xe lửa hiện đại.
Các tập đoàn Nhật như Honda, Sony, Suzuki hay Toyota là những cái tên quen thuộc ở Ấn Độ. Nhưng trong tổng đầu tư nước ngoài của Nhật, Ấn Độ hiện mới chỉ chiếm 1,2%.
Trong một thỏa thuận quan trọng rất được chờ đợi, Nhật dự kiến bán 15 thủy phi cơ trinh sát U2 hiện đại nhằm giúp quân đội Ấn Độ tăng cường năng lực tìm kiếm cứu nạn, hậu cần và thám báo ở cự ly xa.
Ông Modi còn muốn cả một dự án hợp tác sản xuất loại máy bay này ở Ấn Độ với sự tham gia của các doanh nghiệp Nhật. Nhưng Tokyo muốn đảm bảo New Delhi sẽ không bán loại máy bay này cho bất kỳ bên thứ ba nào trước khi dự án bắt đầu.
Tam giác chiến lược
Bloomberg dẫn lời giáo sư Brahma Chellaney thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách ở New Delhi nhận định mối quan hệ giữa Nhật và Ấn Độ có vai trò quan trọng đối với khu vực, không kém sự trỗi dậy của Trung Quốc hay chiến lược xoay trục của Mỹ. Ông cho rằng Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ là một tam giác chiến lược tại châu Á.
“Hợp tác quân sự thân cận giữa Ấn Độ và Nhật sẽ giúp điều chỉnh sự mất thăng bằng trong khu vực do sự trỗi dậy của Trung Quốc gây ra – giáo sư Chellaney đánh giá – Đó là cơn ác mộng về chiến lược đối với Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ làm tất cả để ngăn chặn nó”. Trên thực tế, Ấn Độ có tranh chấp biên giới với Trung Quốc và rất lo ngại về quan hệ của Trung Quốc với Pakistan.
Quan hệ ngoại giao giữa Tokyo và Bắc Kinh đang sa sút nghiêm trọng thời gian qua do tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Và cả Ấn Độ lẫn Nhật đều từng công khai bày tỏ lo ngại về những động thái gây bất ổn của Trung Quốc trên các tuyến hàng hải huyết mạch ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Chuyên gia Rory Medcalf thuộc Viện Chính sách quốc tế Lowy (Úc) cho rằng hiện tại ông Modi đặt mục tiêu thắt chặt quan hệ chính trị và an ninh với Nhật và Mỹ, trong khi cải thiện quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
“Với chính sách ngoại giao thông minh, ông Modi có thể cải thiện quan hệ với cả Nhật và Trung Quốc. Thông điệp của ông Modi là hiện tại quan hệ Ấn – Nhật không nhắm vào Trung Quốc, nhưng con đường tương lai của hai nước tùy thuộc vào các hành động của Bắc Kinh” – chuyên gia Medcalf đánh giá.
Chiến lược ngoại giao khu vực
Chuyến thăm Nhật của ông Modi chỉ là sự khởi đầu của chiến dịch ngoại giao Ấn Độ tại châu Á nhằm mở rộng ảnh hưởng khu vực.
Theo India Times, Thủ tướng Úc Tony Abbott sẽ có mặt ở Delhi không lâu sau khi ông Modi trở về Ấn Độ, với trọng tâm nghị trình cũng là hợp tác hạt nhân. Ông Modi dự kiến thăm Úc vào tháng 11.
Giữa tháng 9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Ấn Độ, với các chủ đề chính là đầu tư, thương mại, và có thể cả những tranh chấp lãnh thổ ở biên giới. Cũng trong tuần này, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj tới thăm ba nước Đông Nam Á là Myanmar, Singapore và Việt Nam nhằm thúc đẩy “chính sách hướng Đông”.
Vào tháng tới, ông Modi sẽ lên đường sang Mỹ dự hội nghị của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Theo Tuổi Trẻ
Ấn Độ phải xây dựng quân đội để không ai dám coi thường
Tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm nay tuyên bố nước này phải tăng cường sức mạnh quân sự để không nước nào dám có cái nhìn coi thường đối với quốc gia Nam Á.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Ông Modi đưa ra tuyên bố trên trong một buổi lễ biên chế tàu chiến lớn nhất do Ấn Độ tự chế tạo tại thành phố Mumbai.
"Mục đích của chúng ta là đạt được năng lực về các khả năng quốc phòng để không nước nào dám coi thường Ấn Độ", Thủ tướng Modi phát biểu trước các sĩ quan hải quân và các quan chức khác.
Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới, hiện đang trong quá trình thực hiện chương trình nâng cấp quốc phòng trị giá 100 tỷ USD. Chính phủ mới của Thủ tướng Modi đã tăng đầu tư nước ngoài đối với các ngành công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ để đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội.
Ấn Độ từng 3 lần lâm vào các cuộc chiến tranh với đối thủ lâu đời Pakistan. New Delhi cũng tìm cách tăng cường các khả năng quốc phòng để chống lại sự hiện đại hóa quân đội của một Trung Quốc ngày càng hung hăng.
Ông Modi cho hay Ấn Độ phải chấm dứt phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu vũ khí và thay vào đó tập trung cho nghiên cứu, thiết kế và chế tạo nội địa. Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Mỹ gần đây đã vượt qua Nga để trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho New Delhi, tiếp sau là Pháp và Israel.
"Tàu chiến này được chế tạo bởi các kỹ sư, các nhà kỹ thuật và các chuyên gia quốc phòng Ấn Độ. Đó là ví dụ lớn nhất cho thấy những gì chúng ta có thể thực hiện tại Ấn Độ", ông Modi nói.
Tàu chiến INS Kolkata 6.800 tấn được trang bị các hệ thống vũ khí, các thiết bị cảm ứng và công nghệ thông tin hiện đại nhất. Con tàu được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh các khả năng hàng hải của Ấn Độ và giúp bảo vệ các lợi ích chiến lược to lớn của nước này trong khu vực trải dài từ Vùng Vịnh tới Eo biển Malacca.
"Mục đích của chính phủ mới là đưa Ấn Độ từ vị trí nhập khẩu mọi khí tài quân sự tới vị thế có thể xuất khẩu vũ khí", Thủ tướng nói thêm.
Đảng Bharatiya Janata cánh hữu của ông Modi đã lên nắm quyền hồi tháng 5 sau chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử.
An Bình
Theo AFP
Quan hệ với Nhật Bản là ưu tiên cao của Chính phủ Ấn Độ Theo tin trực tuyến của báo "the Times of India", Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chiều 27/6 tuyên bố rằng quan hệ đối tác chiến lược và toàn cầu với Nhật Bản là một ưu tiên cao của New Delhi và ông đánh giá cao tầm quan trọng chuyến thăm Tokyo sắp tới. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên trái) Phát...