Cần bản án nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung
rao đổi với phóng viên sau phiên tòa sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên kết thúc trưa 9/6, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, việc điều tra, truy tố, xét xử, tuyên án đối với Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo trong vụ án cho thấy sự quyết tâm lớn của các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt với vụ án kinh tế, chức vụ có tính chất phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Mặc dù tại phiên tòa, luật sư và các bị cáo đưa ra nhiều lý lẽ gỡ tội khác nhau song cơ quan bảo vệ pháp luật đã củng cố chứng cứ, lập luận chặt chẽ, đủ sức thuyết phục, do đó các tội danh cáo buộc là khách quan. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như Nguyễn Đức Kiên cần phải có bản án nghiêm khắc hơn.
Việc tuyên mức án 20 năm tù về tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (lừa đảo 264 tỉ đồng) là còn nhẹ bởi theo Điều 139 – BLHS, hành vi lừa đảo từ 500 triệu đồng trở lên, người phạm tội bị phạt 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Nguyễn Đức Kiên không chỉ gây hậu quả vật chất khi lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hàng trăm tỉ đồng nói trên mà với các thủ đoạn tinh vi, gian xảo, bị cáo còn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng lòng tin của khách hàng trong lĩnh vực này.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB) lĩnh mức án cao nhất – tổng cộng 30 năm tù giam cho 4 tội danh truy tố.
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, Ủy ban thường vụ Quốc hội khẳng định, đối với những vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, việc tuyên các bản án không chỉ trừng phạt đối tượng phạm tội mà còn nhằm răn đe, phòng ngừa chung, nhất là củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hết sức cam go, phức tạp.
- Theo dõi vụ án Nguyễn Đức Kiên (còn gọi “ bầu Kiên”), ông có nhận xét gì về tiến trình tố tụng của cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án?
Video đang HOT
Đây là vụ án trọng điểm năm nay. Vụ án Nguyễn Đức Kiên rất nghiêm trọng, hoạt động, hành vi phạm tội tinh vi, liên quan đến chính sách pháp luật quản lý tài chính, tiền tệ, trong đó có nhiều quy định luật và văn bản dưới luật. Khi xem xét, định tội trong xét xử hình sự, đối với loại án kinh tế không chỉ đơn thuần các quy định trong BLHS mà còn liên quan quy định trong các văn bản pháp luật khác nữa. Trong quá trình theo dõi, tôi thấy các luật sư bào chữa cho bị cáo, họ tìm mọi cách gỡ tội, lật lại vấn đề. Nhưng cơ quan tố tụng đã dựa vào bằng chứng xác thực do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đưa ra, đủ cơ sở để buộc tội. Kết quả như đã tuyên, các tội danh truy tố, xét xử là đúng pháp luật. Trong bối cảnh hiện nay, nhân dân cả nước rất quan tâm việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn, nếu vụ việc này không được làm rõ, không xử lý nghiêm minh sẽ làm giảm niềm tin trong quần chúng nhân dân về nỗ lực đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.
- Quá trình xét xử, các luật sư đưa ra nhiều quan điểm khác nhau, trong khi Nguyễn Đức Kiên và nhiều bị cáo quanh co không nhận tội. Trong dư luận cũng có những ý kiến trái chiều. Với tính chất phức tạp như vậy, ông đánh giá gì về chứng cứ kết tội của của cơ quan tiến hành tố tụng?
Trong vụ án này dù rất phức tạp, dư luận có những ý kiến khác nhau nhưng cơ quan tiến hành tố tụng đã đưa ra được các căn cứ pháp lý thuyết phục, đó là sự cố gắng lớn của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án. Tôi thấy rằng, các căn cứ kết tội là rất khách quan. Trong thời gian vừa rồi, có nhiều vụ án phức tạp như vụ Dương Chí Dũng, vụ Huyền Như, vụ Nguyễn Đức Kiên…, thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đã thể hiện năng lực, trình độ cũng như bản lĩnh trước các ý kiến, dư luận đa chiều.
- Không ít luật sư phủ nhận cáo buộc của Viện, Tòa, cho rằng bị cáo vô tội?
Kể cả luật sư, họ có hiểu biết pháp luật nhưng vì họ là người bảo vệ cho thân chủ nên họ tìm mọi lý lẽ để bảo vệ, vì thế nhiều khi lập luận của họ thiếu khách quan, họ tìm cách gỡ tội chứ đâu tìm chứng cứ buộc tội. Trước các lý lẽ gỡ tội của luật sư, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có lập luận của mình, đảm bảo chắc chắn, dựa trên kết luận điều tra, cáo trạng của VKS cũng như quá trình xét xử tại tòa, đảm bảo khách quan.
- Đảm bảo yêu cầu pháp luật là nền tảng trong xét xử các vụ án, đặc biệt với vụ án có ảnh hưởng lớn tới dư luận như vụ Nguyễn Đức Kiên?
Đúng như vậy. Việc xem xét mức án cao nhất hay thấp nhất của khung hình phạt dựa vào nhiều yếu tố nhưng phải đảm bảo quy định của pháp luật, rồi về bối cảnh xã hội, khi loại tội phạm đó được xác định nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng thì khung hình phạt phải càng nghiêm khắc. Yêu cầu mấu chốt là yêu cầu pháp luật, phải đảm bảo chứng lý cụ thể.
- Có ý kiến cho rằng, việc truy tố, xét xử Nguyễn Đức Kiên với 4 tội danh là chặt chẽ về pháp lý nhưng mức án chưa đảm bảo nghiêm khắc. Chẳng hạn, với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng trăm tỉ đồng và gây ảnh hưởng lớn về an ninh tài chính ngân hàng, cần phải có mức án nghiêm khắc hơn (tòa sơ thẩm chỉ tuyên 20 năm tù về tội danh này)?
Để đánh giá sát thực, như với số tiền chiếm đoạt đặc biệt nghiêm trọng thì phải cân nhắc để xử lý mức hình phạt cao, không những đảm bảo tính nghiêm khắc trong vụ án đó mà còn nhằm phòng ngừa, răn đe tội phạm nói chung. Sau này, khi mà Luật Tổ chức tòa án sửa đổi có hiệu lực theo tinh thần Hiến pháp mới, có vấn đề tổng kết kinh nghiệm xét xử với án lệ thì những hành vi, loại tội như thế này sẽ là mẫu, tiền lệ để cho các vụ án sau áp dụng khi có đủ cơ sở.
- Trong trường hợp này, VKSND tối cao có thể kháng nghị xét xử nghiêm minh hơn theo trình tự phúc thẩm?
Đúng rồi, đó là thẩm quyền của Viện Kiểm sát. VKS khi thấy mức án chưa thỏa đáng thì VKS có quyền kháng nghị tăng nặng hình phạt.
- Cùng việc điều tra, khám phá các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian gần đây, ông có đánh giá gì về vai trò cơ quan điều tra Bộ Công an và các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương?
Theo quan sát của tôi, chúng ta đang tập trung xử lý các vụ án trọng điểm về tham nhũng, kinh tế, liên quan chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng đã có sự nỗ lực rất lớn. Khi pháp luật chúng ta quy định việc bồi thường Nhà nước, đương nhiên các cơ quan khi thi hành pháp luật đều phải thận trọng. Những vụ án lớn như thế này càng phải đảm bảo tính chặt chẽ về pháp lý, thận trọng, bởi nếu như để xảy ra oan, sai sẽ gây hậu quả lớn, từ trách nhiệm bồi thường Nhà nước đến các hậu quả khác. Cho nên, tôi thấy các vụ án phức tạp, nghiêm trọng như thế này đã được các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, làm rõ, xét xử, đảm bảo tính chặt chẽ, đầy đủ cơ sở pháp lý, điều đó thể hiện sự cố gắng, quyết tâm lớn. Chúng ta mong muốn trong thời gian tới tiếp tục làm rõ, xử lý nghiêm ở các vụ án khác, điều đó sẽ củng cố niềm tin của nhân dân đối với quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.
- Cảm ơn Tiến sĩ!
Theo Công An Nhân Dân
Cái giá khi làm ăn bất chính
Sau nhiều ngày xét xử, tranh cãi, cuối cùng rồi phiên Tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và đồng phạm cũng đã kết thúc. Bầu Kiên đã phải nhận cái mức án 30 năm tù, nộp phạt bổ sung 75 tỷ đồng do trốn thuế cùng 100 triệu đồng do hành vi lừa đảo. Các bị cáo khác tùy theo mức độ nặng nhẹ mà chịu hình phạt, thấp nhất cũng 2 năm tù.
Dư luận quan tâm đến mức án một phần (đương nhiên vi phạm pháp luật, làm ăn bất chính thì phải trả giá, đó là lẽ công bằng), tuy nhiên, cái mà dư luận nhiều ngày qua quan tâm là những thủ đoạn, chiêu thức làm ăn của bầu Kiên. Cùng với những kẽ hở của pháp luật, sự lỏng lẻo với các lỗ hổng trong quản lý của các cơ quan liên quan, đã để bầu Kiên và đồng phạm giở các mánh khóe để làm giàu, rút tiền của nước, của dân. Việc làm xiếc, đi trên dây, lợi dụng, cơ hội, làm ăn kiểu bất chính này của bầu Kiên và không ít doanh nghiệp một thời đã làm đảo lộn giá trị, trật tự xã hội. Chuyện thành lập 6 công ty để kinh doanh cổ phần, cổ phiếu của Kiên cũng chẳng khác gì nhiều công ty ma trước đó được thành lập để mua hóa đơn khống, hoàn thuế, chiếm đoạt tiền của Nhà nước, nhưng việc làm của Kiên tinh vi hơn, ranh ma hơn.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên ngoái nhìn người thân khi bị lực lượng tư pháp dẫn giải ra xe chở phạm nhân.
Đành rằng, cuối cùng thì việc làm ăn bất chính, phi pháp nào rồi cũng phải trả giá, "đi đêm lắm rồi cũng có ngày gặp ma". Ma mãnh của bầu Kiên, ngờ đâu gặp phải sự ma cô của Huỳnh Thị Huyền Như. Những chiêu trò giá cả nhiều lúc vơ tiền đẫy túi, nhưng rồi lắm khi rỗng ruột. Và dù cho Kiên có cố tình biện bạch, ngụy biện, nhưng những chiêu trò lách giỏi đến mấy vẫn không thể lọt lưới pháp luật.
Theo dõi vụ án bầu Kiên, người ta thấy cái ông bầu này quả là rất tài, bản lĩnh. Chẳng kể cái tài thao túng, khuynh đảo thương trường, cướp cả diễn đàn mà ngay việc quay đảo trước Tòa, biện minh cho những hành vi của mình cũng khiến nhiều người thấy nể. Tiếc rằng, hành vi, mưu mẹo của ông bầu cũng như nhiều vị quan khác cuối cùng chẳng qua cũng chỉ là để..."vét cho đầy túi tham" mà thôi. Giá như với cái bản lĩnh ấy, cái tài ấy thực sự đem đóng góp, phục vụ lợi ích chung cho nước, cho dân thì đâu dẫn đến cái kết cục này.
Vụ án tạm thời khép lại. Tuy nhiên, đằng sau nó vẫn còn nhiều câu hỏi cần phải có thời gian mới giải đáp hết. Cũng như hai vụ án mới: kinh doanh trái phép và lừa đảo cũng đã được khởi tố tại Tòa- sau việc khởi tố tại Tòa trong vụ án Dương Chí Dũng thì đây cũng lại là một bước đột phá của ngành Tòa án nói chung, TAND TP Hà Nôi nói riêng. Đồng thời, nhiều vấn đề tranh cãi, những lỗ hổng pháp lý, quản lý khác rất cần nhanh chóng xử lý, lấp đầy, chấn chỉnh. Trách nhiệm của cả hệ thống, trách nhiệm của nhiều cơ quan, nhất là ngành ngân hàng đều đã và đang đặt ra. Từ một bầu Kiên, cũng khiến cho không ít cá nhân phải nhìn nhận lại mình, về số phận, về lương tâm, trách nhiệm đối với xã hội.
Theo Đại Đoàn Kết
Xét xử Bầu Kiên: Tuyên án xong Nguyễn Đức Kiên, vụ án vẫn chưa kết thúc Theo cáo trạng của VKS và tài liệu của vụ án cho thấy, dù tòa có tuyên án Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm thì vụ án này vẫn chưa thể kết thúc. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại tòa sơ thẩm. Cục trưởng C46 - Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh - người trực tiếp có mặt chỉ huy phá án chia...