Cần áp dụng mức án cao nhất cho những vụ tạt axít
Nhiều vụ tạt axít để trả thù hay dằn mặt nạn nhân xảy ra trong thời gian qua, gây hậu quả hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần người bị nạn trong một thời gian dài, thậm chí là suốt cuộc đời.
Tuy nhiên, hung thủ thường được tuyên những bản án nhẹ, chưa có tính răn đe. Vì thế, loại tội phạm này ngày càng manh động. Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Đăng Liêm, hiệu trưởng trường đại học Công nghệ thông tin Gia Định, thành viên Hội Luật gia Châu Á.
Hành vi man rợ phải truy tố tội giết người
Những vụ án tạt axít thường gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nạn nhân suốt cuộc đời. Nhưng những bản án mà tòa đã tuyên thường rất nhẹ, chưa có tính răn đe. Ông nhận định sao về vấn đề này?
Sát hại người yêu rồi tự tử nói chung và tạt axit vào người yêu vì mâu thuẫn, vì bị từ chối tình yêu nói riêng… là những bi kịch không hiếm trong xã hội ngày nay. Những vụ án xảy ra thường rất đau lòng, khiến dư luận bàng hoàng và phẫn nộ. Tất nhiên, những kẻ gây án phải trả giá trước pháp luật cho hành vi của mình. Còn những nạn nhân của các vụ tạt axit thường phải gánh chịu hậu quả nặng nề hơn, khi thân thể bị hủy hoại, tinh thần hoảng loạn, không ít người bị hàng xóm và dư luận dị nghị.
Đó thật sự là những bi kịch, khi người gây án thì đáng trách, còn nạn nhân thì đáng thương. Thực tế, những hung thủ gây ra các vụ tạt axit người khác bị xử lý về tội cố ý gây thương tích và được tuyên với mức án nhẹ khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, tòa án cũng đã căn cứ vào pháp luật để định tội. Theo tôi, đây chính là một lỗ hổng của pháp luật khi xử phạt chưa nghiêm những vụ án kinh hoàng này.
Thưa ông, việc nhiều người chọn cách giải quyết mâu thuẫn bằng cách tạt axit khiến nạn nhân bị bỏng nặng, có nhiều trường hợp tử vong, gây bức xúc trong dư luận, theo ông nguyên nhân là do đâu?
Nguyên nhân của những vụ án đau lòng này là do những người trong cuộc cho rằng người mình yêu thuộc quyền “sở hữu” của riêng mình. Đến khi người yêu đi chung với người khác, hay ghen tuông, giận hờn, sợ người mình yêu bỏ rơi… nên dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực. Hành vi phạm tội là kết quả của những dồn nén, những bức xúc của người phạm tội khi không kiểm soát được hành vi của mình.
Để xảy ra những vụ án đau lòng này là vì cả người bị hại và hung thủ chưa có những kỹ năng giải quyết mâu thuẫn và khả năng vượt qua những ức chế nhất thời. Khi không giải quyết được những xung đột này, nhiều bạn trẻ chọn cách giải quyết vấn đề một cách mù quáng, để rồi chính họ rơi vào những bi kịch khó lường.
Video đang HOT
Luật sư Nguyễn Đăng Liêm.
Một nguyên nhân khác nữa khiến tội ác này ngày càng gia tăng là do luật xử phạt còn chưa nghiêm. Loại tội phạm này thường gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe thể xác và sức khỏe tinh thần của người khác nên phải xử lý nghiêm khắc. Trong nhiều vụ án nghiêm trọng, cần xem xét hành vi và mức độ phạm tội để đưa ra những phán quyết công tâm, thậm chí có thể truy tố tội giết người nếu có hành vi man rợ.
Vậy theo ông, khi gặp phải những xung đột mà hai người không thể giải quyết, họ cần phải làm thế nào để không để lại hậu quả đau lòng?
Tạt axit vào người khác là một tội ác đáng lên án, người phạm tội thường có quá trình chuẩn bị rất kỹ, có chủ ý. Tức là người phạm tội có thời gian để suy nghĩ lại vấn đề nhưng vẫn phạm tội. Thay vì giải quyết vấn đề một cách mù quáng, người trong cuộc nên chia sẻ những khó khăn của mình cho người thân, người đáng tin cậy để tìm những lời khuyên và hướng xử lý hợp lý. Không để những bức xúc này kéo dài, sự ức chế nếu kéo dài sẽ gây nên những hậu quả khôn lường cho bản thân và xã hội.
Nhiều tình tiết tăng nặng
Trước thực trạng axit được bày bán công khai, không thấy cơ quan nào quản lý, ai cũng có thể mua được hóa chất này. Theo ông, về mặt quản lý, các cấp các ngành nên có nên đưa ra những quy định chặt chẽ về việc bày bán công khai chất lỏng nguy hiểm này không?
Hiện nay, chất axit được bày bán công khai, theo quy định, những người từ đủ 18 tuổi trở lên thì được mua axit, người bán cũng chỉ bán cho những người đủ số tuổi này. Tuy nhiên, vì dễ dàng mua nên hầu như cứ ai hỏi là bán, người có nhu cầu mua cũng dễ dàng. Khó có thể đưa ra những quy định về việc bày bán hóa chất độc hại này. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không làm được.
Theo tôi, về mặt quản lý, các cấp các ngành nên siết chặt quản lý bằng cách chỉ bày bán tại những điểm nhất định, không bán cho cá nhân nhỏ lẻ. Những điểm bán axit phải có giấy phép của cơ quan chức năng, quản lý việc bày bán hóa chất độc hại này theo địa bàn. Lực lượng chất năng cần thường xuyên rà soát hoạt động buôn bán axit, cần yêu cầu, ngăn chặn những người bán axit nhỏ lẻ chấm dứt ngay tình trạng này. Sau khi nhắc nhở, nếu ai bán cho cá nhân, mà cá nhân đó dùng số axit vừa mua gây hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý nghiêm trước pháp luật.
Thưa ông, có nên kiến nghị sửa đổi theo hướng tăng nặng hình phạt những vụ án tạt axít vì tình hay trả thù không, thưa ông?
Luật pháp quy định xử lý tội danh rất rõ ràng, bất cứ hành vi nào vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm. Những kẻ mang axit đi tạt người khác là những kẻ man rợ, không còn một chút nhân tính nào. Tội phạm tạt axit vào người khác vì có chủ ý, phải coi hành vi này là giết người, do đó cần xử phạt nghiêm.
Kiến nghị sửa đổi Bộ luật Hình sự về tội phạm tạt axit người khác là điều cần thiết để có tính răn đe, phòng ngừa chung. Các cấp tòa án cần áp dụng triệt để những tình tiết tăng nặng khi định án. Mỗi tội danh đều có khung hình phạt, theo tôi, sau khi xem xét hành vi, xét các tình tiết tăng nặng cần áp dụng hình phạt cao nhất trong khung hình phạt dành cho tội danh này.
Theo Người Đưa Tin
Hoa hồng và a-xít
Từ lâu hoa hồng vẫn được coi là tượng trưng cho tình yêu, có lẽ vì nó rực rỡ, quyến rũ, quý phái, mềm mại, lại tỏa thứ hương thanh khiết.
Kẻ dùng a-xít để minh chứng tình yêu của mình, đích thị là quỷ sứ.
Còn a-xít là thứ dung dịch gây bỏng, ăn mòn, hủy hoại, làm tiêu tan mọi thứ. A-xít không có trong từ điển biểu tượng văn hóa nhân loại, nhưng nếu có chắc chắn nó là kẻ thù của tình yêu và tượng trưng cho sự chết của thứ tình cảm quý phái này.
Kẻ dùng a-xít để minh chứng tình yêu của mình, đích thị là quỷ sứ.
Không biết trong thời gian cầm ca a-xít trong tay ngồi rình chờ người mình yêu đơn phương đi qua để hắt thẳng vào mặt, khuôn mặt từng khiến anh ta mất ăn mất ngủ suốt bao nhiêu đêm-như chính lời anh ta thú nhận- kẻ thủ ác tên là Nguyễn Văn Dũng nghĩ gì trong đầu? Giá kể biết rõ từng ý nghĩ của anh ta lúc ấy, hẳn ngành tội phạm học lại có thêm việc thú vị để làm còn xã hội thì biết trước mà cảnh giác với những loại người như vậy. Có thể sẽ còn rất nhiều suy đoán, nhưng một điều chắc chắn là những ý nghĩ ấy sẽ rất lạnh lùng, thẳng băng như kẻ chỉ dẫn một lèo đến hành động đê hèn, khác xa với một tâm hồn đang yêu thực sự, thường mặc cảm, hồi hộp, lo sợ, luôn bối rối, không rõ ràng về trạng thái cảm xúc. Nhưng đấy chỉ là do tôi đoán thế, dựa trên một vài hiểu biết, bởi rất có thể não của kẻ phạm tội kia chẳng có nhiều thứ như ta đang hình dung, ngoài một cục đất sét.
Nguyễn Văn Dũng không phải là trường hợp duy nhất hắt a-xít vào người mình yêu nhưng không được đáp lại. Chuyện đó đã từng xảy ra. Bản thân tôi đã gặp vài đối tượng trong những vụ tương tự, cả phía bị hại và phía gây tội ác. Tôi gặp họ khi mọi sự đã an bài, vì thế tự thấy có cơ hội để tò mò khám phá điều gì xảy ra với họ sau thảm kịch. Và tôi có thể đưa ra vài nhận xét như thế này: Nạn nhân, thường là bị biến dạng khuôn mặt, trở nên xấu xí, mặc cảm, tuyệt vọng, khép mình, đau khổ có thể cả thù hận nữa, nhưng không ai trong số những người tôi gặp cho thấy họ hối hận vì hành động từ chối tình yêu của mình với đối tượng và vì thế mà bị hại. Còn với những kẻ gây án, sau khi nhận sự trừng phạt, bị nguyền rủa, xa lánh, cũng có phần khép mình, mặc cảm nhưng phần lớn trong số đó (ít nhất cũng là những người tôi biết) không cảm thấy (hoặc không thể hiện ra bên ngoài) sự hối lỗi về hành vi của mình. Đây là điểm dị biệt đáng chú ý với các loại tội ác khác. Thậm chí họ còn ngầm thoả mãn khi mục đích của mình coi như đã đạt được. Một vẻ đẹp không thuộc về họ đã bị phá nát, bị hủy hoại vĩnh viễn. Từ nay dù nó có thuộc về ai nữa cũng không còn gì để tiếc. Với hành động ấy, coi như họ đã giải toả được nỗi ghen tuông có thể kéo dài đến hết đời.
Lẽ tất nhiên những trường hợp cụ thể tôi vừa nêu chưa đủ để khái quát thành một kết luận mang tính khoa học. Nhưng chỉ như vậy cũng đáng để tôi suy ngẫm về hiện tượng nguy hiểm này. Và tôi thiết nghĩ, xã hội cần phải có sự chú tâm thích đáng với hành động nhân danh tình yêu, rất khó phán xét, rất khó loại bỏ nếu chỉ đứng dưới góc độ tội phạm học. Nhiều người gọi đơn giản đấy là căn bệnh cuồng yêu. Tôi không hoàn toàn nghĩ như vậy. Cuồng yêu, như một thứ tình cảm u mê, có thể gây sự lố bịch, khó chịu, đáng thương trước mắt người mình yêu và người xung quanh. Nhưng nó cũng có nét đáng để trân trọng. "Yêu là chết trong lòng một chút"-như lời Xuân Diệu than thở là lời của kẻ cuồng yêu. Yêu đến mức khi bị từ chối, người ta ở vậy cho đến khi chết già, đó là cuồng yêu. Yêu đến mức chỉ nhìn thấy đối tượng xuất hiện trên tivi cũng khóc rưng rức, đập đầu vào thành giường như nhiều trường hợp tôi chứng kiến, là cuồng yêu. Yêu và không được đáp lại bèn nằm lên đường ray cho tầu cán đứt đôi là cuồng yêu. Chính tôi đã từng thấy một cô gái hét lên giữa đám đông rồi khóc hu hu khi ai đó nói xấu thần tượng của cô ta, đó là cuồng yêu. Một điều chắc chắn là, với những kẻ như tôi vừa nêu, họ có thể đáng thương, thậm chí đáng giận, đáng cười nhưng không đáng sợ. Thứ nguy hiểm nhất phải lường ở họ là nguy cơ họ tự hủy hoại bản thân.
Còn trường hợp như chuyện đau lòng vừa xảy ra, kẻ cũng được gọi là "cuồng yêu" đã cầm cả ca a-xít mà hắn ta kỳ công mua về, rình người mình yêu hàng tiếng đồng hồ, bình tĩnh xác định chính xác mục tiêu rồi hắt thẳng vào mặt, thực hiện hành vi tội ác đến cùng ngay cả khi đã bị ngăn chặn; (hoặc những trường hợp tương tự, tẩm xăng đốt bạn tình, hạ thủ bằng thuốc kịch độc, buộc chân tay ném xuống nước cho chết ngạt ngay trước mắt...) thì biết rất rõ việc mình làm, không thể bảo là mất khả năng kiểm soát lý trí. Kẻ mất kiểm soát lý trí thường rơi vào tình trạng điên loạn. Còn trong những trường hợp vừa nêu, tội ác mà họ thực hiện đều đã qua quá trình tính toán kỹ, với hình dung đầy đủ về thảm hoạ mà hành động gây ra.
Vậy nguồn gốc của tội phạm ở đây là gì? Liệu có thể coi đó như một thứ tội ác nhân danh tình yêu?
Viết đến đây thì chính tôi cũng thấy bí khi muốn định danh bản chất của một hành động man rợ. May thay tôi có trong tay cuốn Từ điển biểu tượng Văn hoá thế giới, tập hợp gần như đầy đủ quan niệm của nhân loại, dưới dạng biểu tượng, về những vấn đề gắn với văn hóa. Tôi bèn tra mục Tình yêu để xem nó có những biểu hiện gì, được biểu tượng như thế nào ở các dân tộc khác nhau. Hoá ra, từ nhiều ngàn năm trước, so với bây giờ, có không biết bao nhiêu thứ thay đổi, nhưng tình yêu thì không. Thứ tình cảm này mãi mãi cổ điển. Hầu như tất cả đều có chung quan niệm tình yêu là sự dâng hiến, hy sinh, quên bản thân; tình yêu là cho đi, là hoà nhập vào với người khác, là nung chảy bản thân mình để làm vật liệu xây nên hạnh phúc trong một tâm hồn khác biệt. Tổng cộng có khoảng một trăm định nghĩa tiêu biểu. Tôi hồi hộp đọc tiếp và cuối cùng cũng thấy những lời giải thích cho kiểu hành động như tạt a-xít của Nguyễn Văn Dũng:
"Tình yêu là một nguồn lực bản thể của sự đi lên, chừng nào nó quả là một sự hòa hợp chứ không chỉ là sự chiếm hữu. Khi bị suy đồi thì thay vì sự cho là trung tâm hòa hợp được tìm kiếm, nó trở thành một nguyên lý của sự phân rã và sự chết. Sự suy đồi của tình yêu biểu hiện ở mọi sự triệt hạ giá trị của người khác hòng bắt nó làm nô lệ cho mình một cách ích kỷ. Sai lầm cơ bản trong tình yêu là khi một bộ phận tự xem là tất cả".
Gốc rễ của vấn đề chính là ở hai chữ suy đồi.
Không biết có bao nhiêu bạn trẻ đang yêu, sắp yêu đọc được những dòng này, để suy ngẫm trước khi có bất cứ hành động nào liên quan đến tình yêu? Nhưng đó không phải là đòi hỏi bắt buộc. Họ không đọc những lời ấy cũng không sao, bởi tình yêu, với tất cả những biểu hiện tình cảm cao thượng nhất mà con người đạt được qua quá trình trưởng thành, cũng là một sản phẩm văn hóa mang tính thừa kế. Vấn đề chính là các thế hệ đi trước quan tâm đến quá trình thừa kế của con em mình như thế nào. Nếu như tất cả cùng có mối lo lắng rằng, vô vàn bài học đẹp đẽ về tình yêu, về đạo lý yêu đương, thể hiện trong kho tàng văn hóa, trong thơ ca, âm nhạc, hội họa, ngôn ngữ đời sống, trong chính sự phong phú và đầy thiện tính của tự nhiên hay trong những tấm gương của các bậc phụ huynh... vẫn luôn không đủ đảm bảo cho một đứa trẻ đang lớn có thể tự lập về mặt tình cảm, tự đưa ra những quyết định sáng suốt khi thất bại trong tình trường, thì không thể bỏ mặc chúng với bất cứ lý do gì, nhất là trong những tình huống quẫn bách nhất, khi chúng ở giữa hoa hồng và a-xít.
Theo Xahoi
Chân dung kẻ cuồng yêu mù quáng tạt axit nhiều người Biết tin người trong mộng chuẩn bị về quê làm lễ cưới với người khác. Đối tượng Nguyễn Văn Dũng đã tự vạch ra một kế hoạch trả thù vô cùng hèn hạ. Khoảng 12h45, ngày 3/11, hắn thủ sẵn can axit trong người, đứng đón đường chị H.K.H. (SN 1990, quê Kiên Giang) cùng với những người chị em của mình xuất...