Campuchia nêu lý do ngăn Mỹ thăm toàn bộ căn cứ hải quân
Giới chức Campuchia cho biết phía Mỹ yêu cầu thăm địa điểm tại căn cứ Ream không có trong thỏa thuận trước đó nên từ chối yêu cầu này.
Bộ Quốc phòng Campuchia ngày 12/6 ra thông cáo xác nhận nước này từ chối cho phái đoàn Mỹ tiếp cận toàn bộ cơ sở bên trong căn cứ hải quân Ream trong chuyến thăm một ngày trước đó.
Bộ này cho hay họ “rất thiện chí” khi tổ chức chuyến thăm căn cứ Ream cho phái đoàn của tùy viên quân sự Mỹ theo quyết định của Thủ tướng Hun Sen, và đã tổ chức “một số hoạt động quan trọng” bên trong căn cứ.
“Các hoạt động này bao gồm cuộc họp kéo dài hơn một tiếng, chuyến thăm hai tòa nhà mới xây làm nơi ở cho công nhân, tham quan bến tàu và chiến hạm, thăm xưởng sửa chữa tàu do Australia xây dựng, thăm bệnh viện và tới đảo Koh Preab thị sát tiến trình xây dựng Sở Chỉ huy Chiến thuật mới của Ủy ban Hàng hải Quốc gia”, thông cáo cho biết.
Chuyến thăm bắt đầu lúc 9h30 và kéo dài trong khoảng ba tiếng. “Tuy nhiên, ngoài những địa điểm đã được yêu cầu và nằm trong thỏa thuận, phía Mỹ đột ngột yêu cầu thăm một địa điểm khác không có trong yêu cầu ban đầu”, Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết.
Địa điểm này được cho là cơ sở do Trung Quốc nâng cấp bên trong căn cứ Ream. Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh hôm 2/6 thừa nhận Trung Quốc đang hỗ trợ nước này xây dựng, nâng cấp căn cứ. “Sau khi hoàn thành, họ sẽ bàn giao nó cho Campuchia. Campuchia có toàn quyền sử dụng căn cứ”, ông nói thêm.
Binh sĩ và chiến hạm Campuchia tại căn cứ hải quân Ream tháng 7/2019. Ảnh: AFP .
Video đang HOT
“Nhận thức được bất thường và xác định rằng chủ quyền của Campuchia không được tôn trọng cùng ý định bỏ qua việc đảm bảo bí mật quân sự, phía Campuchia từ chối yêu cầu trên. Tùy viên quân sự Mỹ vẫn khăng khăng đưa ra yêu cầu này, song đây là điều không thể chấp thuận được”, thông cáo của Bộ Quốc phòng Campuchia có đoạn.
Sau khi rời căn cứ Ream, đại sứ quán Mỹ tại Campuchia ra thông cáo báo chí cho biết nước sở tại từ chối cho đại tá Marcus Ferrara, tùy viên quân sự, “tiếp cận toàn bộ cơ sở hạ tầng” trong chuyến thăm. Ferrara kết thúc chuyến thăm và đề xuất phía Campuchia sắp xếp lại chuyến thăm khác với đầy đủ quyền tiếp cận vào thời điểm sớm nhất.
Bộ Quốc phòng Campuchia nhận định phản ứng của đại sứ quán Mỹ là “cố tạo ra những vấn đề mới và xuyên tạc sự thật, có thể gây ra tác động tiêu cực đối với quan hệ quốc phòng giữa hai nước”. Bộ Quốc phòng Campuchia đánh giá các biện pháp mà nước này thực hiện là “đúng đắn và chuyên nghiệp”.
“Bộ Quốc phòng Campuchia kêu gọi đại sứ quán Mỹ ngừng tạo ra các tình huống mới gây tiêu cực, yêu cầu Mỹ tôn trọng chủ quyền và bí mật quân sự của Campuchia”, thông cáo cho biết.
Bộ Quốc phòng Campuchia tuyên bố sẽ xem xét kỹ lưỡng các yêu cầu trong tương lai, song khẳng định toàn bộ hoạt động được phê duyệt trong cơ sở quân sự “là các chuyến thăm, không phải thanh tra hay khám xét”.
Chuyến thăm hôm 11/6 được tổ chức theo thỏa thuận giữa Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, cùng đề nghị của tùy viên quân sự Mỹ Ferrara.
Khu vực tòa nhà do Mỹ tài trợ (phía dưới) hồi tháng 7/2020 và cơ sở mới được xây dựng (phía trên) ngày 21/5. Ảnh: CSIS .
Trong báo cáo công bố ngày 21/5 và cập nhật một tuần sau đó, tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) phát hiện hai tòa nhà được xây dựng cấp tốc tại gần nơi từng là sở chỉ huy chiến thuật của Ủy ban An ninh Hàng hải Quốc gia Campuchia, vốn được Mỹ tài trợ xây dựng ở căn cứ Ream.
Giới chức Campuchia hồi cuối năm ngoái san phẳng công trình do Mỹ xây dựng rồi xây dựng hai tòa nhà mới, làm dấy lên lo ngại Trung Quốc có thể hưởng lợi từ hoạt động nâng cấp căn cứ hải quân Ream. Sở chỉ huy mới đang được xây dựng trên đảo Koh Preab với tốc độ chậm hơn công trình lớn vừa hoàn thành tại căn cứ Ream.
Mỹ nói Campuchia không cho thăm toàn bộ căn cứ nghi liên quan Trung Quốc
Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh cho biết tùy viên quốc phòng nước này không được cho phép tiếp cận toàn bộ căn cứ quân sự của Campuchia.
Căn cứ hải quân Ream ở Campuchia (Ảnh: EPA).
"Trong chuyến thăm ngắn ngủi, các quan chức quân sự Campuchia đã từ chối cho phép tùy viên quốc phòng (Mỹ) tiếp cận đầy đủ căn cứ hải quân", Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia cho biết trong thông cáo ngày 11/6.
Tùy viên quốc phòng của Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia Marcus M. Ferrara đã tới thăm căn cứ hải quân Ream vào ngày 10/6.
"Khi biết rõ rằng sẽ không được cho phép tiếp cận toàn bộ căn cứ, Đại tá Ferrara đã kết thúc chuyến thăm và yêu cầu các quan chức quân sự Campuchia lên lịch lại chuyến thăm và cho phép tiếp cận đầy đủ trong thời gian sớm nhất", tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ cho biết thêm.
Đại sứ quán Mỹ khẳng định các chuyến thăm thường xuyên của các tùy viên quốc phòng Mỹ và các nước khác tới căn cứ sẽ hải quân Ream sẽ là một bước quan trọng nhằm hướng tới sự minh bạch và tin cậy lẫn nhau.
Ouk Seyha, chỉ huy của căn cứ hải quân Ream, từ chối bình luận khi được hỏi về chuyến thăm của tùy viên quốc phòng Mỹ. Chhum Socheat, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Campuchia, cũng không đưa ra bình luận về vụ việc.
Lầu Năm Góc từng bày tỏ quan ngại về thông tin các cơ sở do Mỹ tài trợ ở căn cứ hải quân Ream đã bị phá hủy. Washington đề nghị phía Campuchia giải thích cho việc phá dỡ này, cho rằng quyết định của Campuchia có thể liên quan tới kế hoạch cho phép Trung Quốc triển khai quân đội tới đây.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman ngày 1/6 đã đến Campuchia, bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc và việc xây dựng các cơ sở ở căn cứ hải quân Ream.
Bà Sherman cảnh báo, một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Campuchia sẽ đe dọa an ninh khu vực và ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa Mỹ và Campuchia. Bà cũng yêu cầu phía Campuchia giải thích rõ về việc phá bỏ các tòa nhà do Mỹ tài trợ ở căn cứ Ream.
Sau cuộc gặp với Thứ trưởng Sherman, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã đồng ý để đại sứ quán Mỹ thực hiện các chuyến thăm thường xuyên tới căn cứ Ream và tùy viên quốc phòng Mỹ đã được mời đến căn cứ trong tuần này.
Thủ tướng Hun Sen nhiều lần bác tin Campuchia cho phép Trung Quốc sử dụng cảng của nước này cho mục đích quân sự, cũng như triển khai khí tài quân sự trên lãnh thổ Campuchia. Ông Hun Sen cho biết tàu chiến từ mọi quốc gia, bao gồm Mỹ, đều có thể neo đậu tại căn cứ Ream.
Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh ngày 2/6 xác nhận Trung Quốc đã giúp Campuchia hiện đại hóa và mở rộng căn cứ hải quân Ream. Tuy nhiên, ông Tea Banh khẳng định Campuchia sẽ sử dụng cơ sở này cho sự phát triển của quốc gia và cảng sẽ không bị kiểm soát bởi Trung Quốc.
Trung Quốc đã trở thành một đồng minh kinh tế, chính trị ngày càng quan trọng của Campuchia. Trung Quốc là nước viện trợ phát triển hàng đầu cho Campuchia với việc đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở quốc gia Đông Nam Á. Khi đại dịch Covid-19 càn quét, Trung Quốc cũng viện trợ vắc xin cho Campuchia.
Mỹ lo ngại hiện diện Trung Quốc trong căn cứ Campuchia Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại việc Campuchia phá công trình do Washington tài trợ tại căn cứ Ream và hiện diện quân sự Trung Quốc ở đây. "Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về hiện diện quân sự và việc xây dựng các công trình của Trung Quốc tại căn cứ hải quân...