Campuchia khởi công dự án kênh đào Funan Techo
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, sáng 5/8, Vương quốc Campuchia đã tổ chức lễ động thổ, chính thức khởi công dự án kênh đào Funan Techo.
Việt Nam mong muốn Campuchia sớm cung cấp thông tin, tham gia nghiên cứu chung về tác động Dự án kênh đào Funan Techo
Đề nghị Campuchia phối hợp chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của kênh đào Funan Techo
Toàn cảnh lễ khởi công dự án kênh đào Funan Techo ở tỉnh Kandai, Campuchia, ngày 5/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Thủ tướng Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet và phu nhân Pich Chanmony, cùng đông đảo lãnh đạo cấp cao Campuchia, khách mời quốc tế và đại diện các tầng lớp nhân dân tham dự sự kiện. Lễ khởi công được tổ chức tại thôn Prek Takeo, xã Samrong Thom, huyện Kean Svay, tỉnh Kandal, cách trung tâm thủ đô Phnom Penh khoảng 35 km, cũng là điểm khởi đầu của kênh đào Funan Techo tương lai.
Đúng lúc 9 giờ 9 phút ngày 5/8 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Hun Manet và phu nhân Pich Chanmony đã thực hiện nghi thức nhấn nút khởi công dự án kênh đào Funan Techo.
Kênh đào Funan Techo là dự án vận tải đường thủy nối từ sông ra biển có tổng chiều dài 180km, trải dài qua địa phận 4 tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep của Campuchia.
Dự án có tổng kinh phí đầu tư 1,7 tỷ USD từ nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, được thực hiện theo hình thức xây dựng, vận hành và chuyển giao (BOT), dự kiến hoàn thành sau 48 tháng thi công.
Video đang HOT
Cái chết bí ẩn của diễn viên phim "Cánh Đồng Chết"
Gần nửa đêm 25/2/1996, bác sĩ Haing Ngor cho chiếc Mercedes màu vàng của mình dừng lại trong một con hẻm phía sau căn hộ của ông ở thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ.
Khi ông vừa bước khỏi xe để về nhà thì mấy tiếng súng vang lên. Một người hàng xóm cho biết lúc chạy ra xem có chuyện gì thì thấy Ngor đã chết.
28 năm trôi qua, cái chết của Haing Ngor, người từng đoạt giải Oscar trong bộ phim "Cánh Đồng Chết" vẫn là bí ẩn...
1. Là người Campuchia sinh ở tỉnh Takeo, trong giai đoạn Polpot kiểm soát quốc gia này (1975-1979), bác sĩ sản khoa Haing Ngor đã phải giả làm nông dân và phải đi cuốc đất đào mương thủy lợi trong công xã tập thể nhằm tránh bị giết nhưng vợ ông - bà Chang My Huoy qua đời khi sinh con trong cái nhìn bất lực của ông vì chẳng có thuốc men gì để chặn đứng cơn băng huyết.
Haing Ngor (trái) vai phiên dịch Dith Pran trong phim "Cánh đồng chết".
Đầu năm 1979, Haing Ngor vượt biên sang Thái Lan rồi được cho đi định cư ở Los Angeles, Mỹ. Tiếp tục học lại để lấy bằng bác sĩ, Ngor mở phòng khám tại Khu phố Tàu (China Town), Los Angeles đồng thời tích cực tham gia các chương trình hỗ trợ di dân Campuchia. Ngã rẽ cuộc đời đến với ông năm 1982, lúc đạo diễn Roland Joffé thực hiện bộ phim "Cánh đồng chết" (The Killing Fields), nói về 1,7 triệu người Campuchia mất mạng vì nạn diệt chủng dưới thời Pol Pot thì Haing Ngor được Roland Joffé mời vào vai Dith Pran, thông dịch viên của tờ New York Times.
Bộ phim sau khi phát hành (1984) đã nhận được vô số lời khen của giới phê bình điện ảnh Hollywood cùng sự ca ngợi ở nhiều quốc gia trên thế giới vì đó cũng là lần đầu tiên phương Tây biết tường tận về những gì đã diễn ra ở Campuchia trong 4 năm Polpot nắm quyền, dẫn đến giải Oscar nam diễn viên xuất sắc nhất thuộc về bác sĩ Haing Ngor.
Theo đạo diễn Roland Joffé, do đã có gần 1.200 ngày sống dưới sự cai trị tàn khốc của Khmer Đỏ nên bác sĩ Haing Ngor nhập vai rất hoàn hảo: "Những trường đoạn có sự xuất hiện của Dith Pran (Haing Ngor) hầu như không phải bấm máy lại lần nào. Anh ấy chỉ đọc kịch bản một lần rồi cứ thế mà diễn". Sam Waterston, bạn diễn với Haing Ngor trong vai phóng viên của tờ New York Times nói thêm: "Khi quay cảnh những hố chôn tập thể và mặc dù chỉ là dựng lại, Ngor đã khóc. Tôi biết là anh ấy khóc thật".
2. Trở lại với việc Haing Ngor bị giết. Khi cảnh sát đến hiện trường, họ thấy Ngor chết trong tư thế gục đầu vào tay lái với 3 phát đạn, 1 ở trán, 1 ở gò má và 1 ở cổ. Chìa khóa của chiếc Mercedes nằm dưới sàn xe, 2.900 USD trong áo khoác của Ngor ở ghế sau và 800 USD trong túi quần vẫn còn nguyên. Sĩ quan Adalberto Luper là người đầu tiên có mặt lúc nhận được tin báo về vụ giết người cho biết: "Thoạt đầu, tôi loại trừ khả năng giết người cướp của mà cho rằng Ngor chết vì bộ phim ông ấy đóng. Có thể những nhà lãnh đạo Khmer Đỏ đã ra lệnh cho các thành viên dưới vỏ bọc tị nạn ở Mỹ giết Ngor...".
Lời khai của nhân chứng cho biết trước khi phát hiện bác sĩ Haing Ngor chết, ông thấy "ba người đàn ông bỏ chạy khỏi chiếc xe hơi" nhưng vì trời quá tối nên ông không nhìn rõ mặt. Tuy nhiên khi ra tòa, nhân chứng rút lại lời khai này.
Với cộng đồng người Campuchia ở Mỹ, hầu như ai cũng cùng suy nghĩ như sĩ quan Adalberto Luper. Thommy Nou, 62 tuổi, ở Long Beach, anh họ của Ngor nói: "Tôi tin vụ giết em tôi là do Khmer Đỏ dàn dựng. Tôi đã nghĩ đến điều ấy khi xem phim "Cánh đồng chết", nhất là khi em tôi đoạt giải Oscar. Khmer Đỏ muốn bưng bít tội ác tày trời của họ". Ngay cả sau này, khi Chính phủ Campuchia với sự hậu thuẫn của Liên hợp quốc mở phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh tại Phnom Penh năm 2009, Kang Kek Iew, được biết đến dưới cái tên Duch, giám đốc nhà tù Toul Sleng, Phnom Penh, kẻ đã trực tiếp ra lệnh giết hơn 17.000 người, phần lớn là giới trí thức Campuchia và chỉ có 14 người sống sót khi Quân tình nguyện Việt Nam giải phóng Phnom Penh khai trước tòa: "Haing Ngor bị giết vì xuất hiện trong phim "Cánh đồng chết". Polpot không muốn thế giới biết gì về Campuchia dưới sự lãnh đạo của ông ta...".
Sĩ quan Adalberto Luper nói tiếp: "Vì bác sĩ Haing Ngor nổi tiếng là người chỉ trích Khmer Đỏ một cách không khoan nhượng nên chúng tôi phải tham khảo ý kiến của Bộ An ninh nội địa (DHS), Cục Điều tra liên bang (FBI) và Bộ Ngoại giao nhưng 3 nơi này cho biết chưa tìm thấy chứng cứ nào chứng tỏ cái chết của Ngor có bàn tay Khmer Đỏ. Tôi nghĩ câu trả lời cũng có thể đúng bởi năm 1987, cái ghế của Khmer Đỏ ở Liên hợp quốc đã bị Hội đồng Bảo an truất phế nhưng vẫn có quốc gia muốn nó tồn tại. Vì thế sau khi Ngor chết, trên một số tờ báo xuất hiện thuyết âm mưu, rằng quốc gia này đứng đằng sau vụ giết Ngor...".
Vẫn theo sĩ quan Adalberto Luper, bước đột phá đầu tiên trong cuộc điều tra xảy ra khi Sophia, cháu gái Ngor hỏi về chiếc đồng hồ Rolex trị giá 6.000 USD và mặt dây chuyền vàng có hình người vợ quá cố của Ngor. Những món đồ này không được tìm thấy khi cảnh sát kiểm tra xác Ngor. Đến cuối tháng 4, hai tháng sau khi Ngor bị giết, cảnh sát Los Angeles bắt Tak Sun Tan, Jason Chan và Indra Lim, cả 3 là người Campuchia gốc Hoa nhập cư, thành viên băng nhóm tội phạm Oriental Lazy Boyz. Họ bị cáo buộc đã giết Haing Ngor để cướp tài sản!
3. Tháng 6/1998, tòa án Los Angeles mở phiên xét xử. Tại tòa, công tố viên Craig Hum lập luận rằng Tak Sun Tan, Jason Chan và Indra Lim đã giết Ngor để lấy tiền mua cocaine. Họ bắn Ngor khi ông không chịu đưa chiếc mặt dây chuyền vàng có hình người vợ quá cố. Tuy nhiên, bạn bè Ngor và cộng đồng người Campuchia ở Mỹ tỏ ra nghi ngờ bởi lẽ vụ án xảy ra vào lúc nửa khuya, trong một con hẻm vừa vắng vừa tối, không người qua lại. 3 tên cướp có đủ thời gian để lấy 3.700USD trong áo khoác và túi quần Ngor cùng chiếc Mercedes vì băng nhóm tội phạm Oriental Lazy Boyz từ lâu đã nổi tiếng với những vụ cướp xe nhưng tại sao chúng lại bỏ qua, chỉ lấy cái mặt dây chuyền trị giá chưa đến 400USD.
Riêng cái đồng hồ Rolex, cũng chẳng có chứng cứ cụ thể để khẳng định Tak Sun Tan, Jason Chan và Indra Lim đã lấy bởi lẽ kết quả thu thập vân tay, xét nghiệm DNA của 3 nghi phạm trên tử thi Ngor đều không được công bố. Sĩ quan John Garcia, cùng tham gia điều tra vụ giết Haing Ngor nói: "Giới truyền thông liên tục gọi điện cho tôi, đặt câu hỏi mà tôi không có câu trả lời nào. Tôi phải chịu một áp lực rất lớn trong quá trình làm án, không chỉ với cấp trên mà ngay cả với chính tôi nữa".
Haing Ngor lúc nhận giải Oscar.
Cũng trong phiên tòa xét xử vụ giết bác sĩ Haing Ngor, luật sư Joy Wilensky, người bảo vệ quyền lợi của Ngor đã ám chỉ đến mối liên hệ giữa cái chết của Ngor với Khmer Đỏ. Ông nói: "Nó có vẻ giống như một vụ tấn công chính trị. Một số nhân chứng cho biết trước khi có tiếng súng, họ nghe thấy một chiếc xe hơi chạy đến rồi sau khi súng nổ, chiếc xe nhanh chóng rời đi. Những kẻ ám sát chính trị đã lấy mặt dây chuyền và chiếc đồng hồ để tạo dựng hiện trường như một vụ cướp. Khẩu súng bắn Ngor chưa bao giờ được tìm thấy, xét nghiệm đạn đạo cũng không cho biết nó được bắn đi bằng loại súng gì".
Nou, anh họ của bác sĩ Ngor lúc ra làm chứng trước tòa cũng nói: "Sau khi đoạt giải Oscar, em tôi ngày càng lo lắng về sự an toàn của bản thân. Có lần nó nhận được một cuộc điện thoại từ Thái Lan nhưng khi nó "alô" thì phía bên kia cúp máy, nhưng cúp bằng cách dằn mạnh điện thoại xuống như một dấu hiệu cảnh báo. Chuyện này xảy ra khi nó chuẩn bị đến Bangkok, Thái Lan để gây quỹ cứu trợ nạn nhân Campuchia".
Kết thúc phiên tòa, mặc dù cả ba nghi phạm đều kêu oan, cho rằng họ chỉ tình cờ có mặt lúc xảy ra vụ bắn Ngor và vì quá sợ hãi nên họ bỏ chạy nhưng Tak Sun Tan, 21 tuổi vẫn bị kết án 56 năm tù, Indra Lim, 21 tuổi 26 năm tù còn Jason Chan, 20 tuổi tù chung thân không ân xá. Đến khi đồ tể Duch khai trước phiên toà xét xử tội diệt chủng, rằng "Haing Ngor bị giết vì ông ấy xuất hiện trong bộ phim Cánh đồng chết" thì cả ba làm đơn kháng án nhưng tòa liên bang từ chối tái thẩm.
Luật sư Joy Wilensky, người bảo vệ quyền lợi của Ngor nói: "Tôi thừa nhận lời kết tội của bồi thẩm đoàn đối với Tak Sun Tan, Indra Lim và Jason Chan, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng không ai buộc đồ tể Duch phải khai những gì ông ta đã làm, những gì Pol Pot đã sử dụng để loại bỏ những người chống đối dù mới chỉ nghi ngờ nhưng tiếc thay, tòa đã không đi sâu vào chuyện đó. Thậm chí tôi đã đề nghị được đến Campuchia để trực tiếp thẩm vấn Duch cùng những kẻ liên quan nhưng câu trả lời tôi nhận được là: "Anh cứ đi nếu muốn vì đó là quyền tự do của anh, nhưng những chứng cứ anh đem về sẽ không được đưa vào hồ sơ vụ án".
4. Sau khi bác sĩ Ngor qua đời, người thân của ông ở Mỹ đều lo sợ cho tính mạng mình bởi lẽ khi "Cánh đồng chết" được trình chiếu ở nhiều nơi trên thế giới thì từ một căn cứ ở Anlong Veng, Campuchia, Pol Pot đã muốn xem bộ phim này. Sau khi xem xong, Polpot chỉ nói một câu: "Thằng này (ám chỉ bác sĩ Haing Ngor) phải chết". Câu nói của Polpot được xác nhận bởi một cận vệ của ông ta và người này cũng chính là người đã trực tiếp thiêu xác Pol Pot khi ông ta chết (15/4/1998).
Chưa kể Ieng Thirith, vợ Ieng Sary, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Khmer Đỏ, người được mệnh danh là "đệ nhất phu nhân Khmer Đỏ" lúc nói chuyện với một nhà báo Thái Lan đã úp mở rằng "Haing Ngor bị giết theo lệnh của Pol Pot và chồng bà". Tuy nhiên thông tin này không thể kiểm chứng bởi lẽ trong phiên tòa xét xử tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ diễn ra tại Pnompenh hồi tháng 2/2009, Ieng Thirith được trả tự do vì mắc bệnh mất trí nhớ (Alzheimer).
Theo nhà phát hành phim Arthur Dong, năm 2012, khi ông trình chiếu bộ phim "Cánh đồng chết" ở tỉnh Takeo, Campuchia, quê hương của bác sĩ Haing Ngor, đám đông xem phim đã la hét ầm ĩ. Ông nói: "Tôi không hiểu được tiếng Campuchia nhưng người phiên dịch bảo rằng cần nhanh chóng gọi bộ phận bảo vệ vì phần lớn người xem hôm ấy đã từng tham gia Khmer Đỏ. Họ vẫn tin vào Polpot và bày tỏ sự căm thù nhân vật Dith Pran (Haing Ngor) trong phim. Vì thế, nếu những người này nằm trong số di dân Campuchia đến Mỹ, chẳng lý do gì khiến họ phải ngần ngại khi bắn Ngor...".
Cho đến nay, 28 năm đã trôi qua kể từ ngày bác sĩ Haing Ngor bị giết, cộng đồng Campuchia ở Mỹ hầu hết vẫn cho rằng Khmer Đỏ là tác giả của vụ bắn Ngor. Tuy nhiên ngoại trừ Pol Pot đã chết, ba kẻ còn lại là Ieng Sary, Khieu Samphan và Noun Chea, là những người có thể biết Haing Ngor bị giết do lệnh của ai và những ai đã thi hành - nếu chuyện này có thật như lời tự thú của đồ tể Duch trước tòa - nhưng cả ba đều cũng đã chết.
Jack Ong, người bạn lâu năm của Haing Ngor và là người đứng đầu Quỹ Tiến sĩ Haing Ngor, làm nhiệm vụ giám sát các dự án phi lợi nhuận ở Campuchia nói: "Tôi vẫn tin vào nguyên nhân vì sao bạn tôi phải lìa bỏ cuộc sống nhưng tôi không thể chứng minh được. Trong trái tim tôi, nó sẽ luôn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp, một bí ẩn khiến tôi cứ mãi đau buồn cho đến cuối đời ...".
Thủ tướng Hun Manet ra lệnh, Campuchia bắt 250 thành viên băng nhóm Giới chức Campuchia vừa công bố số thành viên băng nhóm bị bắt hơn một tuần sau khi Thủ tướng Hun Manet ban hành lệnh thực thi luật chống băng nhóm. Sau khi Thủ tướng Campuchia Hun Manet ban hành lệnh thực thi luật chống băng nhóm cách đây hơn một tuần, giới chức nước này đã bắt giữ 250 thành viên của...