Campuchia có ‘dính’ chiêu cũ của Trung Quốc?
Trung Quốc tuyên bố viện trợ quân sự cho Campuchia không kèm theo các điều kiện song giới phân tích đã chỉ ra nhiều điểm bất lợi…
Trung Quốc mạnh tay đầu tư
Hãng tin Reuters dẫn ý kiến giới phân tích cho rằng cùng với các hợp đồng bán vũ khí và hàng tỷ USD đầu tư, viện trợ quân sự đã góp phần thắt chặt quan hệ giữa Trung Quốc với Campuchia, qua đó mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh ra toàn khu vực, kể cả ở vùng Biển Đông.
Theo hãng Reuters, biểu hiện rõ nhất của viện trợ quân sự Trung Quốc cho Campuchia là Học viện Quân sự, được thành lập năm 1999 tại tỉnh Kampong Speu, cách Phnôm Pênh khoảng 80 km.
Kể từ năm 2009, mỗi năm học viện này tuyển sinh khoảng 200 học viên cho các khóa học kéo dài 4 năm, theo chương trình học do Bộ Quốc phòng Trung Quốc và các cố vấn Trung Quốc đề ra. Đội ngũ giáo viên người Campuchia cũng sẽ chịu sự giám sát của các cố vấn người Trung Quốc này.
Chương trình học còn bao gồm 6 tháng huấn luyện bắt buộc tại các học viện quân sự ở Trung Quốc.
Video đang HOT
Cố vấn Trung Quốc trao quân hàm cho học viên Campuchia tốt nghiệp Học viện Quân sự vào tháng 3/2012
Một quan chức chính phủ cao cấp Campuchia cho biết các học viên tốt nghiệp từ Học viện Quân sự được giao nắm giữ những vị trí quan trọng, trong đó có chỉ huy các lữ đoàn. Theo quan chức này, Trung Quốc chi trả phần lớn chi phí xây dựng học viện và chi phí hoạt động.
Kể từ khi Trung Quốc mạnh tay rót một khoản vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng của ngôi trường này, cho tới nay đã có hơn 70 tòa nhà được xây dựng trên diện tích 148 ha.
Giáo sư Carl Thayer – chuyên gia về an ninh Đông Nam Á tại Học viện Quốc phòng Australia – cho rằng học viện quân sự ở Campuchia là nỗ lực đầu tiên của Bắc Kinh nhằm xây dựng một hệ thống các cơ sở quy mô lớn kiểu này ở Đông Nam Á.
Ông Thayer nói: “Đối với Trung Quốc, đây là bước đầu của một chiến lược dài hạn nhằm giành ảnh hưởng trong quân đội Campuchia bằng cách đào tạo quân nhân cho nước này. Trung Quốc chắc chắn sẽ lưu giữ rất kỹ các dữ liệu tình báo về tất cả học viên. Có thể nói rằng tại Đông Nam Á, không có nơi nào Trung Quốc lại có nhiều ảnh hưởng như tại đây”.
Trong khi đó, các hợp đồng vũ khí và viện trợ quân sự của Trung Quốc cho Campuchia cũng đang gia tăng đáng kể. Năm 2013, Campuchia đã tiếp nhận 12 trực thăng Harbin Z-9 mua bằng khoản vay 195 triệu USD của Trung Quốc. Trong năm tới, quân đội Campuchia cũng sẽ tiếp nhận 26 xe tải và 30.000 bộ quân phục từ Trung Quốc.
12 chiếc Z-9 Trung Quốc bán cho Campuchia bằng chính khoản vay của Trung Quốc
Tuy Trung Quốc tuyên bố những trợ giúp về mặt quân sự cho Campuchia không kèm theo các điều kiện chính trị và không làm tổn hại tới lợi ích của bất kỳ bên thứ ba nào, song giới phân tích chỉ ra điều ngược lại.
Viện trợ của Trung Quốc cho Campuchia hiện nay lớn hơn nhiều so với viện trợ của Mỹ. Vào năm 2010, Mỹ đã hủy việc bàn giao 200 xe quân sự cho Campuchia sau khi Phnôm Pênh trục xuất một nhóm người xin tị nạn Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc vào năm 2009. Hai ngày sau vụ trục xuất, Trung Quốc và Campuchia đã ký các hợp đồng trị giá khoảng 850 triệu USD.
Tiếp đến, vào năm 2013, Phnôm Pênh đã tuyên bố ngừng một số hợp tác quân sự với Mỹ sau những chỉ trích của các nghị sĩ Mỹ về cuộc bầu cử tại Campuchia.
Tuy nhiên, tới năm 2014, Washington đã thông qua khoản viện trợ tài chính và huấn luyện trị giá 1 triệu USD cho Campuchia, và 12 sỹ quan quân đội nước này cũng đã được tới Mỹ để tham dự khóa huấn luyện về nhân quyền và “xây dựng năng lực hải quân”.
Mọi chuyện không dễ dàng
Dù “đầu tư” rất mạnh vào Campuchia song như thế không có nghĩa là Trung Quốc có thể chủ động trong tất cả các vấn đề.
Nhìn lại chỉ 2 năm trước đây, người Campuchia đã cho thấy chính sách của họ “phức tạp” như thế nào.
Sau cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào tháng 7/2013, làn sóng biểu tình do đảng Cứu quốc phát động nổ ra trong nhiều tuần.
Ngay khi nhận thấy thái độ “xa lánh” của Trung Quốc, chính phủ của ông Hun Sen đã tiến hành những bước đi điều chỉnh quan hệ đối ngoại mà theo giới phân tích là mở rộng khôn ngoan.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen
Trong chuyến thăm Campuchia của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (tháng 11/2013), Thủ tướng Hun Sen và người đồng cấp Shinzo Abe đã đưa ra một tuyên bố bất thường về hợp tác an ninh hàng hải song phương, nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các cuộc xung đột bằng biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Hai bên nhất trí tăng cường các mối quan hệ quân sự, với việc các chuyên gia Nhật Bản (gồm cả những chuyên gia của các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản) dự kiến sẽ huấn luyện cho các binh sĩ Campuchia để tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong tương lai.
Hoàn toàn trái ngược với Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Phnom Penh (năm 2011), tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Nhật Bản ở Tokyo (tháng 12/2013), Campuchia đã không phản đối việc đưa vấn đề Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Trung Quốc tại biển Hoa Đông ra thảo luận.
Theo Đất Việt