Cấm xe máy: Đi xe bus đắt hơn đi xe máy
Bỏ xe máy đi xe buýt cũng được, nhưng không phải ai cũng có thể đi được xe buýt.
Đi xe buýt còn đắt hơn cả xe máy
Chị Nguyễn Vân Anh (Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ, đoạn đường đi làm từ nhà chị tới chỗ làm là Trung Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội) khoảng 22km, tức là 44km cả đi và về.
Nếu chị đi bằng xe máy mà không bị tắc đường sẽ mất khoảng 45 phút, những hôm tắc đường thì có thể là 1 tiếng đồng hồ, thậm chí nhiều hơn.
Sự kết nối giữa các loại hình giao thông còn rời rạc
Tính trung bình, mỗi ngày chị tiêu tốn hết khoảng 20.000 – 25.000 đồng tiền xăng. Trung bình một tháng khoảng 600.000 – 700.000 đồng/tháng.
Nếu bây giờ bảo chị bỏ xe máy để đi xe buýt thì chi phí chắc chắn không rẻ hơn mà khó khăn sẽ nhiều hơn.
“Từ nhà tôi ra đường quốc lộ khoảng 6km, nếu bỏ xe máy tôi sẽ mất khoảng 50.000 đồng tiền taxi một lượt, 100.000 đồng/ngày để ra được điểm xe buýt đầu tiên. Từ điểm xe buýt đầu tiên, tôi bắt tuyến xe số 57 để ra Mỹ Đình, rồi từ Mỹ Đình lại bắt tiếp tuyến nữa để quay ngược lại Trung Hòa.
Nếu mua vé tháng thì cũng mất khoảng 250.000 đồng/tháng, cộng thêm mỗi tháng 1.500.000 đồng/tháng tiền taxi.
Chưa tính tới những khó khăn như phải chờ đợi, phải nhảy điểm, không chủ động được giờ giấc thì rõ ràng chi phí đi xe buýt đối với một người có lộ trình như tôi đang bị đắt hơn gần gấp 2 lần so với đi xe máy”, chị Vân Anh nhẩm tính.
Có lộ trình tương tự, anh Bùi Thanh Thiên (44 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội) nêu khó khăn.
Ngoài việc phải đi taxi hoặc xe ôm khoảng 3km để ra bến xe buýt thì anh phải sử dụng hai loại hình thanh toán xe buýt khác nhau.
Video đang HOT
Anh cho biết, xe buýt ngoại thành đi từ Quảng Bị lên Chúc Sơn không cho phép hành khách sử dụng vé tháng mà phải mua vé ngày. Như vậy, mỗi ngày anh đã mất ít nhất 30.000 đồng tiền taxi, cộng thêm 10.000 đồng tiền xe buýt/ngày để ra được trạm xe buýt trung chuyển tiếp theo.
Cộng thêm tiền vé tháng khoảng 250.000 đồng/tháng. Tính trung bình mỗi tháng anh cũng tốn cả tiền triệu cho việc đi lại. So sánh với việc đi bằng xe máy anh Thiên nói: “Đi xe buýt đắt hơn nhiều mà còn bất tiện nữa”.
Chị Nguyễn Thanh Hằng (35 tuổi, Yên Nghĩa, Hà Đông) cũng chia sẻ, chặng đường chị đi làm bắt đầu tư Yên Nghĩa tới Xã Đàn cũng phải đi qua hai tuyến xe buýt khác nhau.
Nếu sử dụng một vé xe buýt tháng chi phí có thể chỉ tương đương với xe máy. Nhưng cái bất tiện nhất theo chị là việc sử dụng vé xe buýt không linh hoạt.
Hiện chị đang phải dùng cả vé tháng cho xe buýt nhanh và một vé tháng cho xe buýt thường. Chị Hằng giải thích: “Theo quy định, vé dành cho xe buýt thường không thể sử dụng để đi xe buýt nhanh và ngược lại. Trong khi, xe buýt nhanh còn hạn chế, mới đáp ứng được một vài điểm. Vì vậy, tôi phải chấp nhận mua cả hai để tiện cho việc đi lại”, chị Hằng nói.
Tương tự, anh Phạm Ngọc Hùng cũng than thở, từ nhà anh đi đến chỗ làm có 10km. Bình thường anh đi xe máy nếu đổ xăng A95, mỗi tháng anh hết khoảng hơn 150.000 đồng tiền xăng/tháng. Thời gian đi lại mất khoảng 20 phút, vừa chủ động, vừa không bị tắc đường.
Ngược lại nếu đi xe buýt, có thể anh Hùng chỉ mất 100.000 đồng/tháng nhưng sẽ mất khoảng 3km đi taxi để ra đến trạm xe buýt đầu tiên. Từ điểm đầu tiên anh sẽ đi thêm một tuyến xe buýt nữa mới tới được cơ quan.
Chưa hết, từ điểm đỗ cuối cùng, anh cũng mất 2km đi taxi nữa mới vào được tới cơ quan. Cứ như vậy ngày hai lượt, theo tính toán của anh thì chi phí đi xe buýt thực sự cao hơn nhiều đi xe máy.
Không thể cấm
Nói thêm về đề xuất cấm xe máy của cả TP.HCM và Hà Nội, một vị chuyên gia nói thẳng: “Không ai dám làm đâu”.
Vị chuyên gia chỉ rõ, vấn đề trên đã được đặt ra từ nhiều năm nay song chưa ai dám đặt ra lệnh cấm xe máy cả. Tất cả vẫn rất khiên cưỡng sử dụng các cụm từ như: “hạn chế dần xe máy” hoặc “thay thế dần xe máy” chứ không ai dám cấm xe máy.
Ông cho biết, cá nhân ông cũng đang sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại và ông nhận thấy sự tiện lợi thực sự của của loại hình phương tiện này. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận không phải ai cũng có điều kiện thuận lợi để một bước là lên được xe, xe dừng là đỗ tại cổng cơ quan như ông để mà lựa chọn.
Theo quan sát của ông, nếu người dân sinh sống và làm việc tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM bị buộc phải đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng thì phải giải quyết được những vấn đề sau.
Thứ nhất, ông cho biết điều kiện giao thông và quy hoạch mạng lưới giao thông công cộng hiện còn rất nhiều bất cập. Từ nhà ra điểm xe buýt còn xa, chưa thuận tiện đối với phần đông những người tham gia giao thông bằng loại hình này.
Thứ hai, lưu lượng phương tiện xe công cộng và loại hình vận chuyển còn rất hạn chế. Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy, muốn giảm ùn tắc bắt buộc phải kết hợp nhiều giải pháp.
Cụ thể là phải quy hoạch hình thái đô thị đa trung tâm. Trong đó, cần quyết liệt trong quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư phải ứng với quy hoạch mạng lưới giao thông công cộng.
Mạng lưới giao thông của đô thị với quy hoạch cụm dân cư phải tương thích với nhau, đáp ứng được cho nhau. Việc này Việt Nam còn lúng túng, chưa thực hiện được.
Tiếp đến là vấn đề phát triển theo định hướng giao thông công cộng. Trong đó, phát triển đường trên cao kết nối 3 tầng giao thông metro – trên mặt đất – trên cao hiện còn rời rạc, không thực hiện được.
“Khi phương tiện giao thông công cộng tốt, tiện lợi tự người dân sẽ có cân nhắc, tự từ bỏ xe máy”, vị chuyên gia nói.
Theo Đất Việt
Chuyên gia: Hà Nội không dễ cấm xe máy trong 14 năm tới
Hà Nội muốn cấm xe máy trong 14 năm tới, tuy nhiên chuyên gia giao thông lo ngại phương tiện công cộng ở thủ đô đến lúc đó mới đáp ứng được 20-25%, nên mục tiêu này không khả thi.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải vừa cho biết, dự thảo đề án quản lý phương tiện cá nhân ở thủ đô dự kiến đến 2025 cấm xe máy các quận nội thành, nhưng do hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được, có khả năng lùi đến 2030.
"Từ nay đến đó, người dân có khoảng 14 năm để chuẩn bị, thành phố cũng hoàn thiện được hạ tầng, hệ thống giao thông công cộng", ông Hải nói.
Theo Bí thư Hà Nội, việc thực hiện cấm xe máy sẽ có lộ trình để người dân có thời gian chuẩn bị. Với ôtô, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu quản lý bằng cách quy định cho lưu thông theo "ngày chẵn, ngày lẻ", không được thoải mái chạy như lâu nay. Người dân có quyền quyết định thời điểm cụ thể trong tương lai sử dụng phương tiện công cộng hay đi ôtô cá nhân.
Nhiều tuyến đường ở thủ đô thường xuyên ùn tắc. Ảnh: Ngọc Thành
Giải thích thêm về thông tin trên, ông Lê Đỗ Mười (Viện phó Chiến lược và Phát triển giao thông, đơn vị tư vấn đề án) cho biết, trước đây cơ quan soạn thảo dự kiến áp dụng hạn chế xe máy từ năm 2025, song sau khi lấy ý kiến và nghiên cứu thì thấy rằng việc áp dụng từ năm 2030 sẽ phù hợp với tốc độ phát triển hạ tầng giao thông của thủ đô. Thành phố cần có thêm thời gian để xây dựng các tuyến tàu điện, tăng xe buýt để phương tiện công cộng đáp ứng phần lớn nhu cầu đi lại, cùng với đó người dân có thêm thời gian chuẩn bị để từ bỏ xe cá nhân.
Theo ông Mười, việc hạn chế xe máy, ôtô chỉ áp dụng ở nội thành từ vành đai 3 trở vào, phương tiện xe cá nhân ngoại tỉnh cũng phải tuân theo quy định như phương tiện đăng ký ở Hà Nội.
TS Đinh Thị Thanh Bình (Đại học Giao thông Vận tải) cho rằng, thời điểm hạn chế xe cá nhân phụ thuộc vào điều kiện hạ tầng giao thông công cộng của thành phố. Nếu lãnh đạo thành phố không quyết liệt kêu gọi vốn, đốc thúc tiến độ thì việc xây dựng hạ tầng đủ đáp ứng mục tiêu hạn chế xe cá nhân trong nội thành, trong đó có cấm xe máy sẽ kéo dài tới 20-30 năm. Các nghiên cứu cho thấy, khi nào phương tiện công cộng đạt được 50-60% nhu cầu đi lại, chính quyền mới có thể hạn chế xe cá nhân.
"Với tốc độ hiện nay, trung bình 10 năm chúng ta mới làm xong một tuyến tàu điện, nên thời gian tới cần quyết tâm rất mạnh của lãnh đạo thành phố thì mới đẩy nhanh tiến độ được", bà Bình nói. Trước mắt, ngành giao thông có thể dùng các biện pháp kinh tế như tăng phí trông giữ xe, thu phí vào trung tâm để giảm nhu cầu sử dụng xe cá nhân của người dân và có các biện pháp ưu tiên xe buýt để nâng thị phần.
Hà Nội hiện có hơn 5 triệu xe máy và hơn 500.000 ôtô các loại. Ảnh: Đ.Loan
Về đề xuất lưu thông xe biển số chẵn lẻ theo ngày chẵn lẻ, bà Bình cho rằng khó khả thi vì cơ quan chức năng rất khó ngăn chặn, xử phạt khi chưa có hệ thống nhận biết biển xe tự động và phạt tự động. Do đó, có thể 100 xe vi phạm thì cảnh sát giao thông chỉ phạt được một vài xe.
TS Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia giao thông) phân tích, trong 10-15 năm tới, dự kiến tỷ lệ giao thông công cộng ở Hà Nội mới tăng lên được 20-25%, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đến năm 2030, Hà Nội chưa thể hoàn thành toàn bộ 5 tuyến đường sắt đô thị vì số tiền đầu tư lớn (1-2 tỷ USD mỗi tuyến), xe buýt cũng khó tăng thêm khoảng 1.000 xe, vì vậy nếu hạn chế phương tiện cá nhân thì "người dân không biết đi bằng gì".
Do đó, theo ông Thủy, Hà Nội vẫn nên cho lưu hành xe máy để phục vụ nhu cầu của người dân. Khi giao thông công cộng thuận tiện thì người dân sẽ tự điều chỉnh thói quen đi lại mà không cần cấm. "Ở Bangkok có khoảng 30% người dân sử dụng xe máy, nhiều thành phố Đông Nam Á không cấm xe máy, song vẫn phát triển giao thông công cộng phục vụ người dân", ông Thủy nói.
Trái với ý kiến ông Thủy, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Hà Nội cho rằng, thời điểm 2030 Hà Nội áp dụng hạn chế xe máy là hợp lý vì khi đó tình hình kinh tế xã hội đã phát triển, người dân sẽ chuyển dần đi xe công cộng và ôtô cá nhân.
"Mạng lưới xe buýt cần lưu thông mọi nơi, trên các tuyến phố cách 500 m phải có một điểm đỗ. Trong tương lai, người dân sẽ có thói quen đi bộ và tự điều chỉnh việc đi lại cho phù hợp khi thành phố cấm xe máy", ông Liên nói.
Đoàn Loan
Theo VNE
Hà Nội có 14 năm chuẩn bị trước khi cấm xe máy Việc cấm xe máy ở các quận nội thành Thủ đô sẽ được áp dụng với lộ trình 14 năm để người dân chuẩn bị, cũng như chính quyền xây dựng hạ tầng và phát triển giao thông công cộng. Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 28/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết,...