Cấm viếng vòng hoa: Tuyên truyền là chính
Nghị định không cấm, chỉ tuyên truyền trong đối tượng hạn hẹp là cán bộ, công chức, viên chức, và những đối tượng này sẽ tuyên truyền cho người thân của mình và hạn chế gia đình không nên làm.
Theo nghị định về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức vừa được ban hành, các đoàn đến viếng không mang vòng hoa, không rắc vàng mã… Về những quy định này, phóng viên NTNN đã trao đổi với ông Đỗ Chí Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ VHTTDL), người tham gia soạn thảo nghị định.
Thưa ông, nghị định vừa được ban hành về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức đặt mục tiêu hướng đến sự trang trọng văn minh, tránh phô trương, lãng phí… Song, có những ý kiến cho rằng không nên can thiệp quá sâu và cụ thể chi tiết tới các vấn đề thuộc về văn hóa tâm linh trong lễ tang. Quan điểm của Ban soạn thảo ra sao?
- Đây là nghị định được kế thừa từ Quy chế 62/2001. Dự thảo nghị định đã được gửi đến các bộ, ngành, địa phương và nhận được sự nhất trí cao. Đến tháng 11 vừa rồi, khi đưa ra tham khảo và các thành viên Chính phủ đều nhất trí cho ban hành nghị định này. Sở dĩ tôi nói như vậy để mọi người hiểu quy trình của nghị định này ra đời, được soạn thảo rất chặt chẽ, khách quan, thận trọng và có cả sự cân nhắc lẫn chỉ đạo ở T.Ư.
Nhiều vòng hoa đến đám tang sẽ gây lãng phí (ảnh minh họa).
Tôi thấy những quy định mới giúp tiết kiệm cũng như tránh được việc gây ảnh hưởng môi trường cũng như trật tự an ninh. Chẳng hạn là việc tiết kiệm khi mang vòng hoa đến đám hiếu. Nếu như ai cũng mang vòng hoa, thì thử hỏi hàng trăm vòng hoa để làm sao hết được nơi an táng, đấy là chưa kể sẽ mất một khoản tiền không nhỏ cho việc vận chuyển chúng.
Người Việt Nam chúng ta vẫn hay quan niệm, rắc vàng mã dọc đường đi để linh hồn người đã mất không quên đường về nhà, và rải tiền thật làm lộ phí khi đi qua cầu, phà, sông ngòi. Nhưng những con đường đang sạch sẽ, đẹp đẽ mà khi có đám tang đi qua thì đầy rác với những thỏi vàng, những tờ vàng mã bay tứ tung… Như thế vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường.
Nhưng việc rải vàng mã là một tập quán đã ăn sâu vào đời sống tâm linh của người VN, nếu cấm thì e rằng sẽ khiến tâm lý của họ không thật sự thoải mái vì lo rằng người thân của mình sẽ thiếu thốn khi sang thế giới bên kia…
Video đang HOT
- Trong nghị định này đã nêu rất rõ, “không rắc, đốt vàng mã”, tức là đã có sự cân nhắc, “không” ở đây là bao hàm vừa có biện pháp hành chính, vừa tuyên truyền vận động. Vận động tuyên truyền ở mức giới hạn, có định hướng của pháp luật để điều chỉnh cuộc vận động. Bởi rất nhiều cuộc vận động mà tôi từng thấy đã không đạt được hiệu quả cao, bởi không có quy định hành chính, quy định luật pháp cho cuộc vận động đó.
Nghị định không cấm, chỉ tuyên truyền trong đối tượng hạn hẹp là cán bộ, công chức, viên chức, và từ những đối tượng này sẽ phải tuyên truyền cho gia đình, người thân của mình và hạn chế gia đình không nên làm.
Cho đến một thời gian nhất định nào đó, khi những vấn đề mà nghị định đề cập đã đi vào trật tự, quy củ, tất cả mọi người có ý thức thì lúc đó mới dùng biện pháp cấm ở mức độ cao hơn.
“Sau khi thực hiện nghị định như 5 hay 10 năm, khi trật tự xã hội ở mức cao hơn, mê tín dị đoan giảm dần, ý thức của mọi người cao hơn thì lúc đó ta sẽ có chế tài cao hơn. Còn hiện nay mới chỉ ở mức phê bình, và xử phạt hành chính”.
Ông Đỗ Chí Hùng
Như vậy, nghị định này chỉ là “nâng cao” một bước Quy chế 62 và chưa ban hành kèm theo những chế tài xử phạt những cán bộ, công nhân viên chức khi vi phạm?
- Tại Điều 58 của nghị định về xử phạt đã nêu rõ: Các tổ chức cá nhân vi phạm về tổ chức lễ tang theo quy định này thì tuỳ theo mức độ vi phạm bị phê bình, hoặc xử phạt hành chính. Tức là nghị định mới chỉ đặt ra việc xử lý vi phạm đang ở mức độ nhẹ.
Ông có thể cho biết cụ thể về mức xử phạt hành chính?
- Nghị định mang tính định hướng, và Thủ tướng vừa ký ban hành ngày 17.12.2012, nên mới chỉ là đề ra nguyên tắc, chỉ đạo, còn sau đó khi đi vào thực tiễn sẽ có xử lý như thế nào sẽ còn phải nghiên cứu, bổ sung tiếp.
Mục đích của nghị định là tuyên truyền vận động và từng bước xây dựng chế tài cho các cơ quan, đoàn thể liên quan đến đối tượng của mình, ngược lại những đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức phải nghiêm túc thực hiện nghị định đó. Phải nói thật từ cái gốc là những nghị định như thế này, trong quá trình thực tiễn, vận động chúng ta mới dần dần điều chỉnh, chứ yêu cầu một cách cầu toàn, không có một văn bản, điều luật nào khi đưa ra có thể hoàn thiện ngay lập tức.
Xin cảm ơn ông!
Theo 24h
Cấm viếng đám tang bằng vòng hoa: Có khả thi?
UBND tỉnh Bình Dương vừa ra quy định yêu cầu các cơ quan, đoàn thể, cán bộ công chức không mang vòng hoa khi đi viếng đám tang để thực hiện nếp sống văn minh. Quy định này đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
Tiết kiệm và đỡ ô nhiễm
UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành quy định "Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh". Quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày 27.9 với nội dung: "Tổ chức phúng viếng theo hướng dẫn của gia đình hoặc Ban tổ chức lễ tang (nếu có). Hạn chế viếng vòng hoa và câu đối, bức trướng đắt tiền, mang tính phô trương lãng phí.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức và thân nhân của cán bộ công chức, viên chức khi từ trần (ông bà, cha mẹ, anh chị em... của hai bên vợ/chồng), các cơ quan, đoàn thể, cán bộ công chức không mang vòng hoa khi đi viếng đám tang"...
Mang vòng hoa đến viếng người đã mất cũng là một nét văn hóa truyền thống (ảnh minh họa)
Quy định này chắc chắn là rất có lợi nếu xét về khía cạnh tiết kiệm và thực hiện nếp sống văn minh và đã nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân.
Độc giả Hoàng Xuân Nghĩa ở huyện Bến Cát cho biết: "Tôi hoàn toàn ủng hộ việc tiết kiệm chống xa hoa, lãng phí trong hiếu, hỉ. Bởi tôi đã từng chứng kiến đám hiếu có tới gần 300 vòng hoa và vài chục bức trướng, mà trung bình mỗi vòng hoa giá 350.000 đồng. Vậy thì hơn trăm triệu đồng cho những vòng hoa bức trướng chỉ ít lâu rồi trở thành tro tàn hay bị vứt bỏ thì quá lãng phí mà lại gây ô nhiễm môi trường. Nên theo tôi cần cấm các cơ quan nhà nước dùng tiền ngân sách mua vòng hoa, phúng điếu".
Đồng quan điểm, độc giả Lương Trọng Hiền (Dầu Tiếng) cho rằng: "Nếu quyết định này được đưa ra có lộ trình, từ trên xuống, từ T.Ư đến địa phương và được áp dụng khắp cả nước thì tôi nghĩ sẽ chống được lãng phí và tiết kiệm, cuộc sống sẽ văn minh và tiến bộ hơn".
Tuy nhiên, nhưng cũng có nhiều ý kiến trái chiều và đứng dưới góc độ tâm lý lại cho rằng việc này có những ảnh hưởng không nhỏ trong cuộc sống. Ông Lê Tiến Nguyên ở phố Trường Thi, TP.Thanh Hóa cho biết: "Phúng điếu vòng hoa, câu đối, bức trướng lâu nay vẫn thường được coi là một nét văn hóa thuộc về tâm linh được truyền qua nhiều thế hệ và ăn sâu vào quan niệm của người Việt Nam.
Chính vì thế việc cấm đoán, ban hành quy định đối với cán bộ công chức không mang vòng hoa tôi thấy dường như không đúng lắm với nếp sống của người Việt. Mà cấm cũng khó vì ngoài đời, cán bộ công chức cũng là người dân bình thường. Nếu họ làm vậy thì có sai phạm?".
Nên giáo dục, vận động
GS-TS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa thuộc Viện khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, đây là vấn đề khá nhạy cảm, bởi người Việt có truyền thống khi đến viếng đám tang bao giờ cũng có vòng hoa hoặc các bức trướng, bày tỏ tình cảm với người đã mất và thân nhân họ... Theo ông, không nên đưa ra một quy định nào đó mà hãy vận động, giáo dục người dân để họ thay đổi nhận thức dần dần, hạn chế được lãng phí hơn là ra lệnh cấm.
Ông Quốc Huy - Phó phòng Nếp sống văn hóa (Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL) nhận định: "Việc vòng hoa, bức trướng xuất hiện nhiều trong các lễ tang những năm gần đây, theo cá nhân tôi thật sự rất lãng phí. Tôi thấy có những đám tang có vài trăm vòng hoa cùng rất nhiều trướng, số tiền không hề nhỏ chút nào. Vì thế, việc Bình Dương quy định cấm và hạn chế việc này, tôi hoàn toàn ủng hộ.
Đồng quan điểm, một giảng viên Khoa xã hội học Trường Đại học Công đoàn cho rằng: "Theo tôi việc hiếu, hỉ là một việc liên quan đến văn hóa dân tộc cho nên trước khi quyết định một vấn đề gì đó cũng cần phải xem ý kiến người dân như thế nào. Riêng việc hiếu thì quan điểm của tôi là nên tùy theo văn hóa của từng địa phương để làm sao cho phù hợp mà không nên cấm đoán".
Nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa phân tích: "Tổ chức ma chay thuộc về nếp sống văn hóa của người dân, có từ lâu đời. Nên khi đưa ra quy định nào đó để cấm những nếp lâu đời ấy thì cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh sự bất hợp lý, bất cập nảy sinh. Ví dụ là Nhà nước từng cấm nhạc trong đám ma, nhưng sau đó thì nhận ra sự bất hợp lý vì dân ta coi đó là một nét đẹp tiễn đưa người đã khuất...".
Theo 24h
TP HCM hạn chế tổ chức hội nghị để tiết kiệm Nhằm tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, UBND TP HCM vừa yêu cầu các sở, ngành quận huyện rà soát thật kỹ ngân sách, hạn chế chi mua xe công, tổ chức hội nghị, tổng kết... Thành phố đề nghị Sở Tài chính phối hợp với Kho bạc Nhà nước thành phố thường xuyên rà soát, quản lý chặt chẽ...