Cảm ứng điện trở và điện dung khác nhau thế nào?
Màn hình cảm ứng nói chung bao gồm khá nhiều loại như cảm ứng điện dung, điện trở, hồng ngoại, sóng âm,… nhưng đối với điện thoại di dộng, smartphone hay máy tính bảng hai công nghệ cảm ứng điện dung và điện trở được sử dụng nhiều hơn cả.
Cảm ứng điện trở
Cảm ứng điện trở là công nghệ cảm ứng dựa trên áp lực của tay, bút cảm ứng hay bất kì vật nhọn nào tác động lên màn hình.
Cấu tạo của loại màn hình cảm ứng này gồm một tấm kính hoặc nhựa acrylic mỏng bao phủ hai lớp tương tác là lớp dẫn xuất điện và lớp cảm biến điện trở. Hai lớp này được phân tách bởi một lớp đệm gồm các điểm và khoảng trống mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Trên bề mặt của mỗi lớp tương tác được phủ một hợp chất gọi là ITO (oxit thiếc và Indi), dòng điện với các mức điện thế khác nhau sẽ được truyền qua hai lớp này.
Trong quá trình sử dụng, khi có sự tác động lên màn hình, hai lớp tương tác sẽ “chạm” nhau và mạch điện sẽ được kết nối đồng thời cường độ dòng điện chạy qua mỗi lớp cũng sẽ thay đổi. Lớp phía trên sẽ lấy điện thế từ lớp phía dưới và ngược lại lớp phía dưới sẽ lấy điện thế của lớp phía trên để từ đó bộ điều khiển xác định được tọa độ xy của điểm cảm ứng.
Màn hình cảm ứng điện trở được chia làm ba công nghệ chính là 4,5 và 8 dây, trong đó loại 5 giây được sử dụng nhiều nhất. Bên cạnh đó, người ta còn chế tạo ra loại màn hình có 3 lớp nhằm nâng tuổi thọ của loại màn hình này lên 35 triệu lần chạm thay vì 1 triệu lần chạm như loại 2 lớp truyền thống.
Để có thể nhận biết được tác động của tay người dùng hay bút cảm ứng, các màn hình cảm ứng điện trở cần phải có lớp tương tác mềm phía trên. Điều này khiến nhiều người tỏ ra lo ngại về độ bền của chiếc điện thoại bởi khi thao tác màn hình cảm ứng điện trở đòi hỏi một lực tác động lớn hơn cảm ứng điện dung. Một nhược điểm nữa của loại màn hình này đó là việc ngăn chặn đến 30% lượng ánh sáng từ đèn nền bên dưới do có quá nhiều lớp thành phần bên trong.
Tuy nhiên với đặc điểm là giá thành rẻ và chịu được môi trường khắc nghiệt, các loại màn hình vẫn còn được sử dụng trong khá nhiều thiết bị cảm ứng nơi công cộng. Riêng ở lĩnh vực điện thoại và smartphone, loại màn hình này chỉ phổ biến trong thời gian trước đây với các sản phẩm như HTC Touch Diamond, Samsung SGH-i900 Omnia, Nokia N97, còn hiện nay hầu như chỉ có ở một số dòng cấp thấp.
Cảm ứng điện dung
Không như màn hình cảm ứng điện trở, màn hình cảm ứng điện dung chỉ sử dụng một lớp tương tác (lưới điện) được bao phủ bởi một lớp dẫn xuất điện làm từ hợp chất ITO tạo nên một ma trận lưới các tụ điện bao phủ toàn bộ màn hình và không có lớp đệm. Với đặc điểm này màn hình cảm ứng điện dung sẽ cho ánh sáng đi qua nhiều hơn, lên đến 90%.
Cách thức hoạt động của loại màn hình này dựa trên sự hút điện của bàn tay khi chúng ta chạm lên màn hình. Nó sẽ làm mất điện ở các tụ điện nơi tiếp xúc kéo theo sự thay đổi giá trị điện dung để từ đó thiết bị điều khiển có thể nhận dạng, xác định được toạ độ xy của điểm cảm ứng. Chính nhờ việc sử dụng thuộc tính điện năng trên cơ thể con người mà loại màn hình này có thể “hiểu” được những thao tác dù là rất nhẹ giúp việc cảm ứng trở nên nhẹ nhàng và dễ dàng hơn các loại màn hình khác. Nhưng cũng chính điều này làm cho việc sử dụng bút hay găng tay không còn phát huy tác dụng.
Video đang HOT
Với ưu điểm nhanh, nhạy và chính xác cao của mình, màn hình cảm ứng điện dung đang ứng dụng rất nhiều ở các lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, chúng đang là công nghệ cảm ứng dẫn đầu trong thế giới của các thiết bị giải trí cầm tay mà điển hình là smartphone.
Cảm ứng đa điểm
Có thể chúng ta đã khá quen thuộc với các khả năng “làm xiếc” của những chiếc smartphone khiến cho bàn tay chúng ta dường như có “ma lực” với hàng loạt các thao tác như vuốt, kéo, lật, bóp,… Đằng sau những hiệu ứng rất “ảo” ấy chính là công nghệ đa chạm hay còn được gọi là cảm ứng đa điểm.
Khái niệm về cảm ứng đa chạm không phải là một điều mới mẻ gì trong ngành điện toán và điện tử. Nó đã bắt đầu xuất hiện từ mãi những năm 80 khi các kỹ sư ở đại học Toronto phát triển thành công chiếc màn hình cảm ứng đa điểm đầu tiên. Từ đó, họ bắt đầu chuyển sang nghiên cứu sâu hơn về giao diện cũng như phần mềm và nền móng cho công nghệ mang tính đột phá ấy sau này.
Tuy nhiên, mãi đến ngày chiếc iPhone đầu tiên được ra mắt, cụm từ “đa chạm” mới trở nên quen thuộc thậm chí tạo nên cơn sốt với nhiều người. Với thành công ấy, iPhone nhanh chóng trở thành hiện tượng của năm và cũng trở thành chiếc smartphone làm thay đổi hoàn toàn xu thế người dùng đồng thời mở ra một làn sóng mới trong cuộc đua điện thoại di động đã có phần bão hoà.
Với việc hỗ trợ đa chạm, các nhà sản xuất có nhiều lựa chọn hơn để thiết lập các thao tác trên màn hình cảm ứng. Từ đó, đem đến cho người dùng những trải nghiệm thú vị hơn. Tuy nhiên, không phải chiếc điện thoại cảm ứng nào cũng có các thao tác cảm ứng giống nhau, điều đó phụ thuộc vào hệ điều hành mà thiết vị đó sử dụng. Với cùng một thao tác, có thể trên iOS bạn sẽ được chức năng này nhưng ở Android lại là một chức năng hoàn toàn khác.
Hầu hết các nền tảng lớn hiện nay đã hỗ trợ đến tối đa cùng lúc 5 điểm chạm cho 5 đầu ngón tay. Mặc dù vậy, các thao tác 3,4 hay 5 chạm vẫn còn ít được sử dụng bởi việc đặt quá nhiều ngón cùng lúc lên màn hình sẽ gây khó khăn cho người dùng.
Bên cạnh đó các hãng sản xuất cũng có thể tham gia vào cải thiện khả năng cảm ứng cho những chiếc smartphone của họ nhằm đem đến những trải nghiệm thú vị hơn cho người dùng. Lấy ví dụ điển hình như với Xperia Sola, Sony đã tích hợp một công nghệ gọi là Floating Touch giúp màn hình của chiếc điện thoại này có thể hiểu được cử chỉ của ngón tay mà không cần phải chạm sát lên màn hình, bạn chỉ cần thao tác trong khoảng cách khoảng 2cm là máy đã có thể hiểu được. Tuy nhiên, khả năng này chỉ mới được rất ít ứng dụng hỗ trợ, có lẽ trong tương lai sẽ được phát triển nhiều hơn.
Màn hình cảm ứng điện trở hay điện dung đều hỗ trợ công nghệ đa điểm. Nhưng với lợi thế về độ nhạy, sự chính xác và khả năng kiểm soát nhiều điểm tiếp xúc dễ dàng, màn hình cảm ứng điện dung được sử dụng phổ biến hơn cả. Nguyên lý hoạt động của đa điểm cũng tương tự như đơn điểm chỉ khác nhau ở chỗ đa chạm sẽ xác định nhiều toạ độ cùng lúc trên màn hình. Vì vậy, khả năng đáp ứng theo thời gian thực rất được chú trọng để có thể xác định chính xác thao tác của người dùng.
Theo Vietbao
Những điều chưa biết về định dạng nhạc MP3
Tuy hiện nay đã có rất nhiều định dạng âm thanh được sử dụng thường xuyên nhưng MP3 vẫn là một định dạng tập tin âm thanh rất phổ biến. Vậy nhưng định dạng MP3 chính xác là gì? Nó được tạo ra khi nào? ...
Chúng ta sẽ có một cái nhìn sâu sắc hơn về MP3 trong nội dung bài viết này.
MP3 là gì?
MP3 là viết tắt của MPEG-1 Audio Layer 3. Thoạt nhìn thì trông những từ ngữ này có vẻ phức tạp nhưng đơn giản mà nói thì MP3 chỉ là phần mở rộng của một tập tin âm thanh. Hay chính xác hơn là một định dạng mã hóa âm thanh kỹ thuật số, được dùng để tạo ra các tập tin với dung lượng được giảm đi rất nhiều, trong khi chất lượng thu được vẫn gần giống như những gì thể hiện trên một máy nghe đĩa CD.
Các tập tin MP3 thường được chúng ta tải về từ internet hoặc được tạo ra từ việc sử dụng những chương trình chuyên dụng. Nó có thể được phát bằng những phần mềm nghe nhạc thông dụng ngay trên máy tính hay đa số các thiết bị di động ngày nay.
MP3 được tạo ra khi nào? Ai là người tạo ra MP3?
Như chúng ta vẫn biết, đa số các định dạng phổ biến ngày nay vẫn thường được tạo ra bởi một tổ chức nào đó trên thế giới và MP3 cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ. Nó được thiết kế bởi Moving Picture Experts Group (MPEG), đây là một tập đoàn chịu trách nhiệm về thiết lập tiêu chuẩn mã hóa cho các loại âm thanh hay video.
Thật sự thì rất khó để xác định chính xác ngày mà MP3 được tạo ra cũng như ngày mà nó bắt đầu trở nên phổ biến trong xã hội. Nhưng chúng ta vẫn có thể biết được rằng, các tập tin MP3 đầu tiên bắt đầu xuất hiện vào khoảng những năm 1990 và được công bố chính thức vào năm 1993. Khi mà Internet và mạng ngang hàng (peer to peer) đang dần trở nên phổ biến thì MP3 cũng nhanh chóng trở thành định dạng âm thanh được lựa chọn nhiều nhất bởi chất lượng tốt và kích thước nhỏ.
Vậy tại sao nó lại phổ biến?
Trong những ngày đầu của máy tính và truyền thông, không gian lưu trữ trong ổ cứng còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, dưới sự xuất hiện của Internet thì nhu cầu chia sẻ thông tin của con người cũng được nâng cao, nhất là nhu cầu chia sẻ những nội dung giải trí. Người dùng không thể nào gửi cả một CD nhạc với dung lượng lên đến 700 MB qua mạng chỉ bằng việc sử dụng đường truyền Dial-Up 56 Kbps.
Do đó, các nhà nghiên cứu và các tổ chức lớn đã cố gắng tìm ra những định dạng âm thanh mới, sử dụng những thuật toán riêng nhằm giảm bớt dung lượng dữ liệu của các tập tin âm thanh, trong khi vẫn giữ cho âm thanh được tạo ra gần với âm thanh gốc nhất. Chính vì những lý do đó mà MP3 ra đời, và đương nhiên, nó trở thành một định dạng phổ biến trong lĩnh vực định dạng và mã hóa âm thanh. MP3 đã chứng tỏ mình là một sự lựa chọn hàng đầu khi có khả năng làm giảm kích thước tập tin gấp nhiều lần so với kích thước ban đầu. Thêm vào đó là việc tạo ra các tập tin MP3 cũng rất dễ dàng mà vẫn không làm mất đi tính rõ ràng của âm thanh.
Mp3 giảm dung lượng như thế nào?
Các thuật toán mã hóa MP3 làm việc dựa trên các quy tắc về mức độ cảm nhận âm thanh của tai người. Tai con người chỉ có khả năng cảm nhận được những âm thanh nằm trong khoảng tần số từ 16 Hz 20 KHz, âm thanh nằm ngoài dải tần số đó coi như vô nghĩa. Hơn nữa tại cùng một thời điểm, khi nghe những âm thanh với âm lượng lớn, người dùng sẽ khó có thể cảm nhận được những âm thanh có âm lượng rất nhỏ. Bằng cách sử dụng các thuật toán riêng giúp MP3 có thể phân biệt được các đoạn âm thanh có tần số quá cao hay quá thấp, và loại bỏ những tạp âm không cần thiết.
Nói một cách khái quát hơn là nó có thể nén các tập tin bằng cách loại bỏ đi những âm thanh dư thừa bao gồm cả tiếng ồn, âm tầng quá cao hoặc quá thấp và âm nhiễu của sóng điện do dụng cụ thu âm gây ra. Đây cũng là những âm thanh chiếm khá nhiều dung lượng của bản nhạc.
Một thông số quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh của tập tin MP3 đó chính là bit rate. Luôn có một sự liên quan tỷ lệ thuận giữa bit rate và kích thước tập tin khi tạo ra một file MP3. Tỷ lệ bit rate càng lớn cũng đồng nghĩa với việc dung lượng của file MP3 được tạo ra cũng lớn. Các bit rate thường thấy trên những tập tin Mp3 có giá trị vào khoảng 128 Kbps, 192 Kbps, 256 Kbps, 320 Kbps. Đây vẫn là con số khá thấp so với 1411 Kbps trên các CD có âm thanh chuẩn. Chính việc giảm bit rate xuống thấp cũng góp phần làm giảm kích thước của các tập tin MP3.
Song, bên cạnh quá trình loại bỏ những âm thanh không cần thiết, MP3 vẫn có một số thuật toán để bù đắp lại những chỗ mất mát mà nó đã lược bỏ bằng cách tạo ra những âm thanh méo mó so với âm gốc, mà vẫn không làm giảm chất lượng cảm nhận khi so sánh với các tập tin chưa qua nén MP3. Tuy nhiên, với những tập tin được nén với bit rate càng thấp thì hiện tượng méo mó âm thanh xảy ra càng nhiều.
Chính việc loại bỏ đi những âm thanh ở tần số cao hoặc thấp cũng làm cho MP3 trở nên yếu thế hơn so với các chuẩn nhạc lossless. Nhất là trong việc thể hiện âm thanh của nhạc cụ trong các buổi biểu diển nhạc hoà tấu hay nhạc cổ điển vì những âm thanh do nhạc cụ này phát ra thường rất trầm (tần số cực thấp) hoặc rất bổng (tần số cực cao). Và khi chúng được nén bằng MP3, dãy tần số này bị loại bỏ hoặc điều chỉnh khác đi so với thực tế, đối với một số người thì điều này thực sự không thể chấp nhận được.
MP3 giảm được bao nhiêu dung lượng?
Nếu một tập tin MP3 được tạo ra bằng cách sử dụng bit rate ở mức 128 kbps với thời lượng 4 phút sẽ có dung lượng khoảng 3,5 MB so với 40 MB trên các tập tin gốc. Điều này có nghĩa là dung lượng của nó sẽ được giảm xuống 11 lần. Nói đơn giản hơn là với những tập tin này, người dùng có thể tăng số lượng bài hát lưu trữ trên thiết bị lên thêm 11 lần. Hoặc giảm thiểu thời gian download xuống 11 lần so với việc sử dụng các tập tin trên đĩa CD được tạo ra từ nguồn âm thanh ban đầu.
Lời kết
Sự thành công của MP3cũng tạo nên một "cơn ác mộng" cho ngành công nghiệp âm nhạc khi các tập tin này được chia sẻ một cách bất hợp pháp. Đôi khi người dùng chia sẻ các tập tin MP3 cho nhau nhưng họ không hề biết rằng chính bản thân họ lại đang vi phạm bản quyền âm nhạc. Và vì lẽ đó, có thể sẽ làm mất đi vị thế độc tôn của MP3 trong tương lai, khi các chuẩn định dạng mới ra đời. Ngoài việc nén dữ liệu tốt hơn, các chuẩn mới sẽ có khả năng chống sao chép. Tuy nhiên, việc MP3 có bị thay thế hay không đó là chuyện của tương lai, còn bây giờ chúng ta vẫn phải cần đến nó.
Theo Vietbao
Infographic: Facebook 2012 - Những điều chưa biết Cùng nhau tìm hiểu Facebook 2012 có những điều gì thú vị nhé. Theo VNE