Cấm trường đại học đào tạo cao đẳng là phạm luật?
Luật Giáo dục Đại học (ĐH) không cấm trường ĐH đào tạo trình độ cao đẳng (CĐ), trường đại học đào tạo cao đẳng (GDNN) cho phép cơ sở Giáo dục ĐH được hoạt động GDNN. Vì thế, lãnh đạo nhiều trường ĐH đề nghị vẫn được đào tạo CĐ.
Học sinh lớp 12 được tư vấn và trải nghiệm công việc trước khi chọn nghề. Ảnh: Trần Oanh
Mong chờ thông báo mới
Mấy ngày nay, câu chuyện trường ĐH không được đào tạo trình độ CĐ tiếp tục khiến nhiều trường như “ngồi trên đống lửa”. Trước đó ngày 17/7/2019, Tổng cục GDNN gửi công văn yêu cầu 45 trường ĐH không tuyển sinh các ngành trình độ CĐ. Nhưng chỉ 12 ngày sau (29/7/2019), sau khi bị các trường phản ứng, Tổng cục GDNN lại có văn bản để các trường ĐH tiếp tục tuyển sinh ngành, nghề trình độ CĐ năm học 2019 – 2020. Tuy nhiên, sau năm 2020, việc không được tiếp tục tuyển sinh CĐ, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, quy định này đã vi phạm Luật Giáo dục ĐH.
Theo Chủ tịch HĐQT trường ĐH FPT Lê Trường Tùng, Luật Giáo dục ĐH mới không có điều nào cấm trường ĐH đào tạo CĐ. Những gì luật không cấm, trường ĐH được phép làm. Thực tế, trên thế giới, các quốc gia Australia, Malaysia, Singapore, trong trường ĐH đào tạo cả CĐ.
Lãnh đạo các trường ĐH thiên về ứng dụng, mới nâng cấp đều cho biết không đồng tình với đề nghị dừng tuyển sinh CĐ. Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội Hoàng Xuân Hiệp nêu rõ: Về mặt pháp lý, đến thời điểm này, Tổng cục GDNN chưa có văn bản yêu cầu các trường ĐH không tuyển CĐ năm học 2020 – 2021. Một số trường ĐH lớn như Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh không tuyển sinh CĐ là do nhu cầu của họ. Nhưng các trường đặc thù, mới từ CĐ lên ĐH, ĐH ở địa phương vẫn rất cần đào tạo trình độ này.
Video đang HOT
Hơn nữa, mỗi năm khối DN đang cần 5.000 – 7.000 nhân lực dệt may nhưng các trường chỉ đáp ứng được 2.500 – 3.000, nếu phải dừng đào tạo CĐ là không ổn. Mặt khác, Điều 19 Luật GDNN quy định, các cơ sở giáo dục ĐH được hoạt động GDNN. Vì thế, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Hà Nội Phạm Văn Bổng cho biết, năm 2002, trường vẫn tuyển sinh trình độ CĐ bình thường. Trong trường hợp Tổng cục GDNN yêu cầu dừng tuyển sinh CĐ, nhà trường sẽ có công văn đề nghị được tuyển sinh trình độ này, bởi đang thực hiện các dự án của Nhật Bản, chủ yếu ở lĩnh vực nghề.
Trường đại học nên thực hiện mục tiêu chính của mình
Theo tôi, tất cả các trường ĐH đều đủ điều kiện để đào tạo trình độ CĐ. Tuy nhiên, các trường ĐH không đào tạo CĐ sẽ có tác dụng tích cực. Vì các trường có thể dành nguồn lực cho mục tiêu chính là đào tạo trình độ cao (thạc sĩ, tiến sĩ) và thực hiện nghiên cứu khoa học. Còn về phía các trường CĐ, nguồn tuyển sinh có thể cao hơn. Nhưng, thực tế hiện nay, có nhiều trường CĐ cố nâng cấp để được lên thành trường ĐH. Sau đó, chính những trường ĐH đó lại muốn tiếp tục được đào tạo CĐ để thu hút học sinh. Với cách làm đó, ảnh hưởng đến việc quy hoạch hệ thống giáo dục nghề nghiệp, cần phải giải bài toán này.
Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội Nguyễn Khắc Kiểm
Bất lợi cho nhà trường, học sinh
Theo quy định của Luật GDNN, các trường ĐH được phép hoạt động GDNN đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên; nếu không đào tạo CĐ nữa sẽ rất lãng phí. Về phía học sinh muốn vào trường ĐH học CĐ, sau khi tốt nghiệp sẽ liên thông thuận lợi hơn.
Theo TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, các trường ĐH ứng dụng, ĐH địa phương được đào tạo CĐ, thậm chí trình độ thấp hơn. Vì thế, nếu Tổng cục GDNN yêu cầu trường ĐH dừng đào tạo CĐ là không hợp lý. Ông Khuyến đề nghị Tổng cục GDNN xem xét, không phá đi sự liền mạch cơ cấu. Các trường ĐH đào tạo CĐ là đúng sở trường bởi họ đi lên từ CĐ chuyên nghiệp. Còn, các trường CĐ bên Tổng cục GDNN đi lên từ trung cấp nghề. Khi hai mạch đào tạo CĐ khác nhau, người học liên thông ĐH rất khó. Nhất là khi, Tổng cục GDNN hướng các trường CĐ đào tạo nghề theo module; phía Bộ GD&ĐT, các trường ĐH đào tạo trình độ CĐ chuyên nghiệp theo hệ thống tín chỉ.
“Các trường ĐH khác có cơ sở dạy nghề bảo đảm, với đầy đủ trang thiết bị và đội ngũ giáo viên, đào tạo có chất lượng. Nếu Tổng cục GDNN ra một văn bản gạt hết các trường ĐH đào tạo CĐ sẽ không hay bởi có cơ sở gây dựng được thương hiệu từ rất lâu” – PGS.TS Lê Hữu Lập – nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông nêu quan điểm.
Theo kinhtedothi
Trường đại học hạn chế dần đào tạo cao đẳng
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về trường ĐH không được đào tạo CĐ, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, khẳng định, đây là chuyện lớn, chứ chẳng phải không quản lý được thì cấm.
Thưa ông, tháng 7/2019, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) yêu cầu 45 trường ĐH không đào tạo CĐ. Nếu điều này xảy ra sẽ dẫn đến hệ quả gì?
- Thứ nhất, Điều 7, Luật GDNN đã quy định xã hội hóa GDNN bằng việc huy động mọi nguồn lực để đào tạo nghề. Vấn đề là do khâu quản lý hệ thống các cơ sở hoạt động GDNN. Nếu cơ quan quản lý Nhà nước thấy khó quản lý các trường ĐH đào tạo CĐ mà cấm, cần phải xem lại. Bây giờ, thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN, rất nhiều địa phương có trường trung cấp (TC), CĐ sáp nhập vào trường đại học (ĐH). Nếu trường ĐH không được đào tạo các ngành nghề trình độ CĐ, vậy đội ngũ giáo viên TC, CĐ đi đâu? Thứ hai, tại những địa bàn đó, thị trường lao động đang cần nhân lực TC, CĐ nhưng các trường ĐH lại không được đào tạo trình độ này. Chẳng lẽ, người dân cho con về TP học sẽ rất tốn kém tiền thuê nhà trọ, di chuyển, ăn uống.
Cũng có những ý kiến cho rằng, trường ĐH nên tập trung đào tạo ĐH và cao học, tiến sĩ?
-Về tương lai, các trường ĐH nên hạn chế dần đào tạo trình độ CĐ; nhất là trong trường hợp trên địa bàn đã có trường CĐ, TC đào tạo những nghề đó rồi. Không thể nhiều trường cùng đào tạo ngành Kế toán, lấy ai học, gây lãng phí. Trường hợp, đối với những lĩnh vực nhân lực rất quan trọng (chế tạo máy, công nghệ, chế biến...) đòi hỏi nhân lực lớn nhưng khối trường tư không đào tạo, trong khi các trường ĐH đào tạo trình độ CĐ có những nghề này, Tổng cục GDNN cho họ tiếp tục. Tuy nhiên, các trường ĐH phải thực hiện trên tinh thần đảm bảo chất lượng, đảm bảo trang thiết bị và đội ngũ giảng viên. Thực tế, tôi thấy các nước vẫn cho phép trường ĐH đào tạo các ngành nghề trình độ CĐ nhưng vẫn quản lý được, đảm bảo chất lượng.
Nhưng Luật GDNN cho phép các trường ĐH được hoạt động GDNN khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện?
-Đành rằng đáp ứng yêu cầu nhưng không thể "trăm hoa đua nở, gây lãng phí. Tổng cục GDNN cần có quy hoạch, xác định rõ thị phần đào tạo, chính sách cho trường ĐH được đào tạo CĐ, bảo đảm thực hiện xã hội hóa GDNN theo đúng quy định của Luật GDNN. Và thực hiện nguyên tắc rõ ràng, công khai, tránh trường hợp cho phép cơ sở giáo dục ĐH này đào tạo CĐ nhưng lại cấm cơ sở kia.
Tôi cho rằng, trường ĐH đào tạo CĐ là câu chuyện quản lý Nhà nước. Và đây không phải chỉ là mạng lưới các trường, mà bản chất những ngành nghề đào tạo đừng chồng chéo với nhau. Vì thế, Tổng cục GDNN cần có hướng dẫn, giải pháp cụ thể cho từng trường, chứ không thể soạn một văn bản gửi tới tất cả với yêu cầu giống nhau.
Xin cám ơn!
Theo kinhtedothi
Trường phổ thông thực hành gặp khó khăn gì khi tự chủ tài chính? Khi thực hiện tự chủ tài chính, các trường phổ thông thực hành phải đối mặt với những khó khăn về tài chính, đội ngũ giáo viên, kế hoạch dạy học và tuyển sinh. Trường thực hành nhiều cấp học trong các trường đại học địa phương đã tạo môi trường cho sinh viên rèn nghề, thực hành nâng cao tay nghề, tiếp...