“Cầm tay chỉ việc” dạy nghề cho nông dân
Không chỉ đẩy mạnh dạy nghề sơ cấp, tại Lạng Sơn nhiều mô hình dạy nghề cầm tay chỉ việc, thông qua khuyến nông được triển khai. Dù học nghề ngắn hạn hay chuyển giao kỹ thuật thì các mô hình này đều mang đến hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Phát huy thế mạnh khuyến nông
Quán triệt tư tưởng dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, dạy nghề gắn với cây con chủ lực hoặc hiệu quả tại địa bàn, nhiều năm qua Chi cục PTNT tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh dạy các nghề nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi.
Ông Phạm Tuyến – Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết: Chi cục đã gửi công văn đăng ký nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp nông thôn năm 2018 cho UBND huyện, thành phố và các xã về đích nông thôn mới năm nay. Trong đó, định hướng nội dung dạy nghề đối với cây, con chủ lực hoặc có hiệu quả tại địa bàn gắn với mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất.
Đồng thời, triển khai ký kết hợp đồng với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Bắc Sơn để tổ chức dạy nghề.
Một lớp dạy nghề chăn nuôi cho lao động nông thôn ở huyện Đình Lập. ảnh: Thùy Anh
Hiện nay, chi cục đang tổ chức dạy 9 nghề cơ bản gồm: Kỹ thuật chăn nuôi lợn, dê, gà, cá nước ngọt, kỹ thuật trồng hồi, trồng cây ăn quả, trồng rừng kinh tế, trồng rau an toàn, trồng lạc. Được biết, hết năm 2017 đơn vị này đã mở được 13 lớp dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT), thu hút trên 440 LĐNT tham gia học nghề nông nghiệp, đạt 100% kế hoạch đề ra. Trong 6 tháng đầu năm 2018 đơn vị đã tổ chức dạy được 8 lớp nghề trồng cây ăn quả, chăn nuôi thú y.
Chị Vi Thị Oanh, thôn Quang Hòa (xã Cường Lợi, huyện Đình Lập, Lạng Sơn) cho biết: Vừa rồi, tôi được học lớp kỹ thuật chăn nuôi gà do Trung tâm Khuyến nông tỉnh dạy. Sau khi học xong, tôi vay tiền mua một lứa gà để nuôi theo phương pháp được học. Hiện tại gà đang sinh trưởng, phát triển tốt, hy vọng sẽ kịp bán dịp tết.
Theo đánh giá của Chi cục PTNT tỉnh, qua học nghề, có khoảng 80% học viên biết áp dụng kiến thức, kỹ năng được học vào thực tế sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động. Để chủ động mở các lớp dạy nghề nông nghiệp cho LĐNT trong năm 2018, chi cục đặt mục tiêu phối hợp với các đơn vị khác mở 123 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT với hơn 4.300 người tham gia.
Video đang HOT
Trong đó có 75 lớp dạy nghề trồng trọt cho trên 2.620 người học; 48 lớp dạy nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản cho trên 1.680 người tham gia.
Mở rộng dạy nghề phi nông nghiệp
Ngoài dạy nghề nông nghiệp, thời gian gần đây tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh dạy nghề phi nông nghiệp nhằm giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh nhà.
Bà Trương Thị Hợp – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Lạng Sơn cho biết: Trong những năm qua, ngành LĐTBXH luôn
thực hiện đạt và vượt 3 chỉ tiêu chính theo nghị quyết HĐND tỉnh, đó là: Chỉ tiêu giảm nghèo bền vững 3%/năm; chỉ tiêu về đào tạo nghề tăng 2%/năm và chỉ tiêu 12.500 lao động có việc/năm. Riêng năm 2017, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào nghề được hơn 9.000 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45,5%, tăng 2,1%. Số LĐNT học nhóm nghề phi nông nghiệp đạt trên 70%, tỷ lệ LĐNT có việc làm sau học nghề đạt trên 80%, chủ yếu tự tạo việc làm.
Do lựa chọn nghề phù hợp nên công tác đào tạo nghề đã đáp ứng được cho hầu hết số học viên sau khi kết thúc khóa học. Một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp sau khi sáp nhập đã dần ổn định.
Bà Hợp cho biết: Một số ngành, nghề đào tạo đã mang lại hiệu quả cao, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực nông thôn như: Lớp kỹ thuật sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi lợn nái, chăn nuôi gà, kỹ thuật trồng cây, trồng rau an toàn… .
Ông Đinh Quang Trí – Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐTBXH Lạng Sơn cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tuyển sinh học sinh về học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, cơ cấu đào tạo nghề của tỉnh hiện nay chưa hợp lý, chủ yếu đào tạo nhóm nghề nông nghiệp, thiếu nhóm nghề phi nông nghiệp như: Dịch vụ khách sạn, nhà hàng, nghiệp vụ du lịch…
Thời gian tới, chúng tôi làm việc với các đơn vị hướng tới việc dạy nghề trọng điểm, mở rộng liên kết với doanh nghiệp. Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề – ông Chí nói.
Theo Danviet
Dạy nghề theo "đơn đặt hàng", nông dân không lo thất nghiệp
Là địa phương có tốc độ phát triển sản xuất công nghiệp tương đối cao với nhiều khu công nghiệp hoạt động hiệu quả, từ nhiều năm nay, các cấp Hội Nông dân (ND) tỉnh Bắc Ninh đã đẩy mạnh đào tạo các nghề phi nông nghiệp, người lao động ở nông thôn Bắc Ninh đã dần có thêm cơ hội việc làm để tăng thêm thu nhập và ổn định cuộc sống.
Học nghề không lo thất nghiệp
Là một trong những học viên tham gia lớp dạy nghề nấu ăn do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (HTND) thuộc Hội ND tỉnh Bắc Ninh tổ chức, chị Phạm Thị Vẽ ở thôn Khả Lễ, phường Võ Cường (TP.Bắc Ninh) cho biết: Trước đây, tôi và gia đình sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, nhưng bây giờ diện tích đất bị thu hẹp, điều kiện canh tác khó khăn mà thu nhập chẳng được là bao.
Khi trung tâm đứng ra tổ chức các lớp dạy nghề, tôi mạnh dạn đăng ký học nấu ăn. Sau gần 3 tháng học tập, tôi đã tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích và nâng cao kỹ năng nấu nướng. Sau khóa học, nếu không xin được việc ở bếp ăn tập thể của các công ty, doanh nghiệp, chúng tôi sẽ thành lập một nhóm làm nghề nấu cỗ thuê. Nghề nấu ăn tuy vất vả, nhưng cũng cho thu nhập tương đối khả quan.
Từ học nghề đan mây tre, nhiều nông dân Xuân Hội, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du đã có thu nhập ổn định. Ảnh: Thu Hà
Còn anh Phạm Văn Đông (Yên Phong, Bắc Ninh) sau khi tốt nghiệp lớp học nghề nấu ăn tại Trung tâm Dạy nghề và HTND tỉnh Bắc Ninh dạy nghề đã trở thành một trong những đầu bếp có tay nghề cứng ở nhà hàng tại TP.Bắc Ninh.
Anh Đông chia sẻ: Nhà tôi ở Yên Phong, đất nông nghiệp cơ bản được thu hồi để phục vụ mở rộng các khu công nghiệp. May nhờ được theo học lớp dạy nghề nấu ăn do Trung tâm Dạy nghề và HTND tỉnh tổ chức nên tôi đã tìm được việc làm ổn định. Đến nay, với thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/tháng, tôi đã có thêm tiền để lo cho gia đình.
Cũng được học nghề ở Trung tâm Dạy nghề và HTND của Hội ND tỉnh, chị Nguyễn Thị Hằng ở thôn Xuân Hội, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du lại thành công với nghề mây tre đan.
Vừa kiểm tra lại sản phẩm chuẩn bị bàn giao cho thương lái, chị Hằng vừa tâm sự: Gia đình tôi vốn làm nông nghiệp, song thu nhập có được chẳng là bao. Sau khi tham gia lớp dạy nghề mây tre đan, tôi đã tranh thủ thời gian để làm thêm. Học nghề này không khó mà lại có thể làm được quanh năm. Tôi chỉ mất 2,5 tháng là có thể làm được sản phẩm để bán.
Hiện nay, ở thôn Xuân Hội không chỉ có gia đình chị Hằng mà còn có trên 700 lao động khác cũng tham gia sản xuất mây tre đan trong các hợp tác xã, công ty, tổ hợp sản xuất...
Ông Đặng Ngọc Giáp - Phó Chủ tịch Hội ND xã Lạc Vệ cho biết: Các lớp học nghề do Hội ND xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và HTND theo nhu cầu thực tế của các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn. Do đó, sau lớp học nghề mây tre đan, hầu hết sản phẩm của người dân trong xã Lạc Vệ làm ra đều được Công ty TNHH Ngọc Quyết và Hợp tác xã Mạnh Cường thu mua với giá cả ổn định để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Nhờ đó, tuy là nghề phụ song thu nhập của người sản xuất có thể được 150.000 - 170.000 đồng/ngày.
Hiện có tới 80% hộ dân trong thôn Xuân Hội tham gia làm nghề mây tre đan. Tổng giá trị sản xuất đạt 30-40 tỷ đồng mỗi năm, chiếm khoảng 30% GDP toàn xã. Nhiều người gọi vui Xuân Hội là làng không ai thất nghiệp cũng vì lẽ đó - ông Giáp tự hào.
Dạy nghề theo đơn đặt hàng doanh nghiệp
Ông Đào Trọng Đại - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và HTND tỉnh Bắc Ninh cho biết: Từ năm 2010 đến nay, trung tâm đã phối hợp với Hội ND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức 86 lớp đào tạo nghề cho 2.604 lao động nông thôn. Sau đào tạo, trên 80% học viên có việc làm. Hầu hết các lớp dạy nghề do trung tâm tổ chức đều được mở tại xã hoặc thôn, xóm, gắn lý thuyết và thực hành tại chỗ nên rất thuận lợi cho hội viên, nông dân theo học.
Theo ông Đại, đối với nhóm nghề phi nông nghiệp như may công nghiệp, nấu ăn, mây tre đan, tin học... Trung tâm đào tạo dạy nghề theo đơn đặt hàng, có địa chỉ đầu ra, dạy nghề theo thực tế cần thiết của các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn.
Yếu tố quan trọng nhất để việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn mang lại hiệu quả bền vững chính là cần bảo đảm sự liên kết giữa trung tâm dạy nghề, học viên và doanh nghiệp - ông Đại nhấn mạnh.
Ông Trần Đăng Sâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Ninh cho biết: Trung tâm Dạy nghề và HTND được thành lập năm 2002. Hiện, trung tâm là một trong những đơn vị tổ chức tốt nhất dạy nghề tại Bắc Ninh. Ngoài dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ, trung tâm còn liên kết đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh, nông nghiệp; đào tạo lái xe cho bộ đội xuất ngũ.
Đặc biệt, đối với các lao động nữ từ 35 - 40 tuổi, trung tâm tập trung đào tạo nghề nấu ăn cho họ, sau học nghề 100% các lao động nữ này có việc làm trong các bếp ăn tập thể của các công ty, doanh nghiệp ở khu công nghiệp hoặc mở quán ăn tại nhà. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng khai thác cơ sở vật chất đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn xuất khẩu lao động sang các thị trường lao động tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản với thu nhập hơn 1.000USD/tháng.
Theo Danviet
Trường nghề "đắt hàng" mùa tuyển sinh Do được định hướng nghề nghiệp, trong mùa tuyển sinh năm nay nhiều học sinh đã chủ động đăng ký học nghề thay vì đua nhau nộp hồ sơ vào đại học. Chọn nghề theo xu hướng thị trường Không như những mùa tuyển sinh trước đó, năm nay, các trường nghề trên cả nước đã nhận được khá nhiều hồ sơ xét...