Cam Ranh và SubicSự khác biệt tạo vị thế Việt Nam
Vai trò vị trí quan trọng của Cam Ranh (Việt Nam) và Subic (Philippines) trên Biển Đông tuy có thể là giống nhau, nhưng sách lược sử dụng nó đã tạo ra sự khác biệt Việt Nam và Philippines.
Chẳng cần phải nói rõ vị trí, tầm quan trọng của Cam Ranh và Subic trên Biển Đông làm gì, vì ai cũng hiểu. Chỉ biết rằng, Cam Ranh và Subic đã từng đối đầu nhau trong cuộc chiến tranh lạnh. Khi đó Liên Xô và Việt Nam là liên minh quân sự với nhau và Liên Xô lấy Cam Ranh làm căn cứ, còn Mỹ thì liên minh quân sự với Philippines và lấy Subic làm căn cứ.
Thời thế đổi thay, Cam Ranh và Subic không còn là căn cứ quân sự của nước ngoài nào nhưng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc kéo theo tình hình tranh chấp căng thẳng trên Biển Đông, một lần nữa, Cam Ram Ranh, Subic lại được sự quan tâm lớn của giới quân sự, ngoại giao và của các bên liên quan.
Tại sao Philippines “không còn gì để mất” với Trung Quốc?
Tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines xảy ra quyết liệt khi bãi cạn Scarborough bị Trung Quốc dùng tàu cá có hộ tống của tàu Hải giám chiếm đoạt và bãi Cỏ May (một trong 9 đảo của quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Philippines đang chiếm) đang bị Trung Quốc lăm le chiếm nốt khi tuyên bố chủ quyền ngang ngược.
Thực tế thì đã có vài lần Philippines đàm phán “song phương” với Trung Quốc nhưng ở vào thời điểm thế lực của Hải quân quá yếu trong khi tham vọng của Trung Quốc quá lớn, không thể kiềm chế, thì đàm phán trong vị thế đó làm sao thành công cho Philippines.
Rốt cuộc, khi Philippines đã thấm hiểu được “ý chí” của Trung Quốc thì cái giá phải trả là mất bãi cạn Scarborough. Và, cho đến giờ, phải chăng giữa Trung Quốc và Philippines thì “không còn gì để nói với nhau”, “các biện pháp ngoại giao đã cạn” trong tranh chấp chủ quyền trên biển?
Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì vi phạm UNCLOS với cái gọi là “đường lưỡi bò”; Philippines tăng cường sức mạnh với tốc độ nhanh cho lực lượng Hải quân, không quân; Philippines làm mới nóng liên minh quân sự với Mỹ; Philippines là nước ở châu Á-TBD duy nhất công khai bày tỏ ủng hộ Nhật Bản tái vũ trang…là sự đáp trả rất quyết liệt, nhưng với Trung Quốc, nếu chỉ vậy thôi thì đây là chuyện nhỏ. Philippines sử dụng căn cứ Subic như thế nào mới là chuyện lớn, đáng quan tâm, lo ngại của Trung Quốc.
Vị trí xuất phát tấn công bảo vệ chủ quyền biển đảo của hạm đội tàu ngầm Hải quân Việt Nam là quân cảng Cam Ranh
Rõ ràng là cả Trung Quốc và Philippines đều biết chính xác là Mỹ không đem quân sang để đánh nhau với Trung Quốc bởi mấy đảo đá, bãi cạn của Philippines tranh chấp vì đó không phải là lợi ích quốc gia của Mỹ. Philippines cũng đã có bài học của Gruzia quá tin vào NATO, Mỹ sẽ đối đầu quân sự với Nga nên có hành động “xỉa răng cho cọp”.
Nói chung, ít có một quốc gia nào đi bảo vệ một quốc gia nhỏ bé mà sẵn sàng đụng đầu với một đối thủ ngang ngửa, đặc biệt quốc gia thực dụng như Mỹ thì không bao giờ có.
Hiện diện quân sự của Mỹ ở Subic không phải cùng trực tiếp với Philippines tranh chấp chủ quyền mà để không chế Biển Đông và eo biển Malacca khi cần, ngăn cản Trung Quốc đang ham muốn và ráo riết thực hiện.
Khi Mỹ hiện diện tại Subic thì cái gọi là “vòng dây xiết quanh cổ Trung Quốc” càng chặt lại là điều Trung Quốc, một siêu cường, không thể chấp nhận.
Video đang HOT
Có thể nói, đụng độ tranh chấp với Philippines, Trung Quốc đã không ngờ gây ra một mâu thuẫn trong chiến lược Biển Đông rất khó giải quyết. Đó là, Trung Quốc phải lựa chọn giữa việc đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông hay lôi thôi với mấy cái đảo đá chìm để “dọn chỗ VIP trên Biển Đông” cho Mỹ…
Đương nhiên, muốn chiếm Biển Đông và khống chế eo biển Malacca thì Trung Quốc bắt buộc không những phải loại bỏ Philippines, Mỹ mà còn các quốc gia liên quan khác nhưng không phải, không thể bây giờ.
Tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông bằng thế lực Philippines bây giờ là quá khả năng, do đó, chỉ có thể dựa vào Mỹ để “mặc cả, chia chác” với Trung Quốc có lợi nhất hơn là không có gì.
Nên nhớ rằng, quần đảo Trường Sa là của Việt Nam, do đó, mọi thỏa thuận của bất cứ quốc gia nào với nhau trên quần đảo Trường Sa là phi pháp.
Cam Ranh, Việt Nam đủ khả năng khai thác, sử dụng
Philippines và Việt Nam cũng có tranh chấp căng thẳng về chủ quyền biển đảo với Trung Quốc. Cam Ranh của Việt Nam còn có lợi thế hơn Subic nhiều lần…Vậy tại sao Việt Nam và Philippines có cách khai thác sử dụng 2 cảng nổi tiếng đó khác nhau?
Philippines có liên minh quân sự với Mỹ nên không sợ Trung Quốc tấn công. Việt Nam không liên minh quân sự với ai cả nên phải tăng cường cảnh giác, tự lực tự cường, “thắt lưng buộc bụng” để nâng cao năng lực phòng thủ bảo vệ Tổ quốc sẵn sàng giáng trả quân xâm lược, bắt chúng phải trả giá đắt.
Với Cam Ranh, giới quân sự thì đánh giá Cam Ranh có một vị trí vô cùng quan trọng và lợi hại trong khu vực. Rằng, ai có Cam Ranh thì khống chế được Biển Đông, ai có Trường Sa cũng khống chế được Biển Đông và cuối cùng thì ai khống chế được Biển Đông là làm chủ toàn khu vực…
Điều lý thú là Việt Nam có cả Cam Ranh và Trường Sa nhưng lại không có ý tưởng khống chế Biển Đông để làm chủ khu vực ngay cả khi nếu có đủ khả năng để phục vụ cho ý tưởng đó.
Việt Nam đã, đang chỉ có đủ khả năng, tìm mọi khả năng, tăng cường mọi khả năng, sử dụng, khai thác một cách hợp lý, sáng tạo vị trí Cam Ranh, Trường Sa nhằm một mục đích là bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên Biển Đông được quốc tế công nhận mà không nhằm làm hại hay để đối phó với một quốc gia nào.
Đó cũng là điều giải thích rõ ràng quan điểm nhất quán của Việt Nam là không liên minh quân sự với quốc gia nào để chống nước thứ 3 (lẽ dĩ nhiên điều đó đồng nghĩa với việc sẽ không có chuyện cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự).
Cho nên, Cam Ranh chỉ là căn cứ quân sự liên hợp gồm không quân, hải quân hiện đại của Việt Nam, chỉ phục vụ mục đích quân sự duy nhất cho Việt Nam. Đồng thời, Cam Ranh cũng là nơi cung cấp dịch vụ (hàng hải, hậu cần, kỹ thuật) cho tàu thuyền quân sự hay dân sự của bất cứ quốc gia nào.
Đó cũng là sự khác biệt giữa Việt Nam và Philippines. Sự khác biệt đó bắt nguồn từ vị trí địa lý quốc gia, từ tính cách dân tộc và đặc biệt là từ năng lực bảo vệ chủ quyền…của 2 quốc gia khác nhau.
Tại sao Cam Ranh của Việt Nam không giống như Subic của Philippines? Tại sao Việt Nam không liên minh quân sự với cường quốc số 1 hay số 2 thế giới để dựa dẫm vào họ?…
Ít nhiều ta đã có câu trả lời.
Theo Đất Việt
Căn cứ quân sự khét tiếng của Mỹ khó hồi sinh
Cảm thấy bị bắt nạt trong chuyện tranh giành chủ quyền trên Biển Đông, Philippines muốn Mỹ trở lại căn cứ quân sự nổi tiếng ở Subic, nhưng Lầu Năm Góc thấy việc đó ít ích lợi về quân sự và đắt đỏ về tài chính.
Năm 1991, khi thượng viện Philippines đóng cửa căn cứ quân sự ở Subic, căn cứ lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài lúc bấy giờ, thượng nghị sĩ Agapito Aquino, với giọng đầy xúc cảm, nói ra những gì mà đa số người dân nước này đang nghĩ đến: một "bình minh mới của đất nước" Philippines.
Thế rồi người Philippines đứng tiễn biệt con tàu USS Belleau Wood, đưa những thủy quân lục chiến Mỹ cuối cùng rời vịnh Subic đến Okinawa tháng 11/1992. Tống tiễn người Mỹ khỏi căn cứ hải quân Subic và căn cứ không quân Clark gần đó, theo nghị sĩ Aquino, là hành động "giải thoát đất nước khỏi kìm kẹp" của những ông chủ thực dân.
Nhưng giờ đây người Philippines lại đang muốn quân đội Mỹ trở lại vịnh Subic, ngõ hầu tăng cho họ sức mạnh trong cuộc đối đầu với người Trung Quốc trên biển Đông. Ngay phía tây vịnh Subic, các tàu chiến của Trung Quốc đã lập rào chắn bãi cạn Scarborough - một trong những ngư trường giàu có nhất thế giới và nằm trong vùng 200 hải lý tính từ bờ biển Philippines.
Tàu đổ bộ USS Tortuga của Mỹ tại vịnh Subic năm 2012. Ảnh: US Navy/HO.
Tháng này, Manila vừa đưa ra những bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị xây các công trình kiên cố trên bãi cạn, như họ từng làm trên nhiều hòn đảo và bãi đá khác khắp Biển Đông. Về phía nam, các tàu bán quân sự của Trung Quốc đã đuổi các tàu thăm dò khai thác của Philippines tại Bãi Cỏ Rong. (Bãi này thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng Philippines và Trung Quốc cũng đều tuyên bố có chủ quyền).
Trung Quốc đã mời Philippines khai thác chung, và khẳng định họ không xây công trình kiên cố ở Scarborough, nhưng Philippines vẫn cảm thấy đang bị bắt nạt. E ngại Trung Quốc đang là tâm lý phổ biến, và việc bàn thảo để đưa quân đội Mỹ trở lại Subic cũng như các địa điểm khác ở quốc đảo này đang được tiến hành.
Về mặt kỹ thuật, quân đội Mỹ có thể trở lại Subic bất cứ lúc nào. Cơ quan quản lý đô thị Subic, hiện quản lý vịnh này như một cảng tự do, vẫn duy trì những khu nhà lợp tôn sóng từng là nơi ở của các lính Mỹ. Nhà của sĩ quan - thường là các công trình xây cất bằng gạch và bê tông tử tế và có cửa sổ nhìn ra biển - vẫn đang được sử dụng để cho thuê. Một số ngôi nhà được khách thuê là những thương nhân người Hàn Quốc sửa chữa lại cho đẹp. Người Hàn đến đây để đầu tư vào các ngành điện tử và đóng tàu.
Sân bay Subic còn thừa công suất chưa dùng hết. Đường băng của nó đủ dài để đáp ứng các máy bay ném bom nặng nề đáp xuống, nhưng giờ chỉ dùng cho các cú hạ cánh nhẹ tênh của phản lực riêng của các công ty hoặc các máy bay du lịch, thể thao.
Cầu cảng nơi những hàng không mẫu hạm Mỹ từng dừng chân nay vẫn bỏ không, dù xung quanh nó đầy các câu lạc bộ du thuyền với những con thuyền sang trọngcủa các tỷ phú Hong Kong thường bay đến để nghỉ cuối tuần.
Nhưng trên thực tế, việc đưa những người lính Mỹ trở lại đây không đơn giản. Lý do của cái không đơn giản ấy minh họa cho sự trỗi dậy mãnh liệt về quân sự của Trung Quốc. Nước này giờ đây sở hữu nhiều hạm đội tàu chiến hiện đại, các tàu ngầm hạt nhân, tên lửa đạn đạo và chiến đấu cơ tàng hình. Đây chính là điều mà các nhà tính toán chiến lược của Mỹ ở châu Á phải tính đến.
Để bắt đầu tiến trình hồi sinh căn cứ, người Philippines phải tự thay đổi điều luật cấm các lực lượng nước ngoài thiết lập căn cứ quân sự vĩnh viễn trên đất nước. Cứ cho là điều đó thành hiện thực, thì người Mỹ cũng chưa chắc đã quan tâm. Các căn cứ cố định sẽ dễ dàng trở thành con vịt buộc, làm mồi ngon cho các tên lửa của Trung Quốc. Ngoài ra, căn cứ quân sự rất tốn tiền. Trong bối cảnh phải cắt giảm ngân sách như hiện nay, sẽ rẻ hơn nếu ký hiệp ước thân thiện với các nước, để quân đội Mỹ được quyền tiếp cận sân bay hay cảng của nước đó trong những tình huống cần thiết. Nói theo cách của nhà binh, Mỹ "cần chỗ đứng chứ không cần căn cứ".
Điều quan trọng là, mọi biến động quân sự của Mỹ ở châu Á phải tính sao cho không chọc tức Trung Quốc, trong khi căng thẳng đang rất cao ở Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết vùng biển này, bao gồm trong đó nhiều đảo nhỏ, các rạn san hô và bãi cạn. Vùng biển này là đối tượng tranh chấp chủ quyền không chỉ giữa Trung Quốc với Philippines mà còn với nhiều nước ASEAN khác. Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp, nhưng vẫn có thể bị cuốn vào một cuộc xung đột một khi nó bùng lên.
Mỹ còn thận trong không muốn chọc giận Trung Quốc vì những lý do khác nữa. Bắc Kinh hiện nay đã cảm thấy bị bao vây bởi các đồng minh quân sự của Mỹ, từ Nhật Bản xuống đến Australia. Nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng Trung Quốc không phải là Liên Xô. Bắc Kinh có những vũ khí khác ngoài quân sự, với tư cách là một đối tác thương mại và là ông chủ nợ lớn nhất của Mỹ, là điểm đến quan trọng cho dòng đầu tư của các công ty ô tô, máy bay và bán lẻ Mỹ.
Vậy Mỹ và Philippines sẽ thu xếp với nhau như thế nào?
Roberto Garcia, chủ tịch Cơ quan quản lý đô thị Subic, nói rằng một trong các khả năng được tính đến là đặt một phi đội không quân Philippines tại sân bay, làm cơ sở hỗ trợ cho không quân Mỹ. căn cứ Subic hiện vẫn là cảng của các tàu hải quân Philippines, và tàu chiến của hải quân Mỹ có thể tiếp cận với mức độ hạn chế. Quyền tiếp cận này có thể được mở rộng.
Mỹ cũng đã điều thêm hai tàu tuần duyên già cỗi đời 1960 đến Subic để làm "nhà". Các tàu này hiển nhiên là không phải loại hiện đại gì, như lời làu bàu của một cựu nghị sĩ Philippines, nhưng hai chiếc tàu đó nay đang là những chiến hạm hiện đại và lớn nhất của quốc đảo, dẫn đầu những con tàu tuần tra có niên đại từ Thế chiến II.
Hai nước có hiệp ước phòng thủ chung, và quân đội Mỹ cũng đang giúp quân đội Philippines dẹp loạn Hồi giáo ở đảo miền nam Mindanao. Nhưng những ngày sôi động ở Subic, với tư cách là căn cứ quân sự lớn nhất, dường như sẽ chỉ vang bóng một thời Chiến tranh Lạnh mà thôi, cho dù Mỹ và Philippines có đạt thỏa thuận gì sau những cuộc đàm phán hiện nay.
Mitch Schranz, sĩ quan tuyên úy của quân đội Mỹ nay đã nghỉ hưu, là một trong những người Mỹ cuối cùng rời Subic năm 1992. Sau đó ông quay lại đây lập gia đình với một phụ nữ Philippines. Schranz nhớ lại những buổi tiệc tùng túy lúy mỗi khi tàu sân bay Mỹ trở lại Subic sau nhiều tháng trên biển, khi hàng nghìn thủy thủ "sổ lồng" và lao vào những quán bar thâu đêm suốt sáng trong tiếng nhạc chói tai.
"Bầu không khí lúc đó như là ngày 4/7, năm mới và lễ hội carnival Mardi Gras gộp làm một", Schranz nhớ lại.
Để phục vụ những mối tình nảy nở từ các đêm tiệc tùng ấy, Subic còn mở một trường mang tên "Trường học Cô dâu" dành cho các phụ nữ Philippines tìm cách để quen với cuộc sống người Mỹ, học từ cách dùng máy làm bỏng ngô trở đi.
Người Mỹ khi đó tuyển dụng tới 30.000 nhân công bản địa, tất cả đều được trả lương cao. Những nhân viên xuất sắc và có nhiều tiền người Philippines thậm chí còn lập một giải đấu bowling cho riêng họ.
Khi căn cứ Subic đóng cửa, "có một nỗi buồn chung", Scharanz nói. "Sau 100 năm tồn tại - đùng một cái - mọi thứ tan biến hết".
Theo VNE