Cẩm Phả: Đầu tư, nâng cấp các công trình thuỷ lợi
TP Cẩm Phả có trên 1.050ha nuôi trồng thuỷ sản ven biển và trên 1.200ha canh tác nông nghiệp. Mặc dù diện tích sử dụng cho ngành nông nghiệp không nhiều, nhưng lại tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 2 vạn lao động.
Vì vậy, thời gian qua, song song với việc triển khai nhiều chương trình, dự án để khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thành phố đã chú trọng đầu tư nâng cấp, xây mới những công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất, tưới tiêu mùa vụ.
Công trình hồ chứa nước tại thôn Hà Loan, xã Cộng Hoà (TP Cẩm Phả) đang phát huy tác dụng cung cấp nước canh tác nông nghiệp.
Khu vực sản xuất nông nghiệp của TP Cẩm Phả nằm chủ yếu ở 3 xã là Cộng Hoà, Dương Huy và Cẩm Hải. Diện tích đất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản ở các địa phương này có đặc điểm là nhỏ lẻ lại nằm xen kẽ với khu dân cư. Nhiều khu vực lại cách trở bởi lạch sông, lạch biển. Mặt khác, thời gian qua, do việc khai thác tài nguyên, khoáng sản ở thượng nguồn các sông, suối diễn ra mạnh mẽ làm thay đổi dòng chảy, cạn kiện nguồn nước sinh thuỷ, dẫn đến tình trạng nhiều diện tích nông nghiệp bị ngập lụt vào mùa mưa, thiếu nước canh tác nghiêm trọng vào mùa khô. Đặc biệt, nhiều khu vực chỉ canh tác được một vụ trong năm, còn lại để hoang hoá. Đây là những khó khăn lớn trong việc đầu tư hệ thống thuỷ lợi của địa phương nếu không có giải pháp hữu hiệu.
Đứng trước thực trạng đó, vài năm trở lại đây, TP Cẩm Phả đã chủ động triển khai đánh giá tổng thể các công trình thuỷ lợi, tiềm năng đầu tư xây dựng mới các hồ chứa nước, hệ thống kênh mương thuỷ lợi để tiếp tục phân bổ nguồn lực xây dựng thêm các công trình đáp ứng tốt nhu cầu nước tưới tiêu cho nông nghiệp. Hiện nay, ở vùng nông thôn của thành phố có 14 hồ, đập chứa nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu, phòng, chống lũ quét.
Hệ thống cây xanh khu vực đầu nguồn đập Lựng Do, xã Dương Huy (TP Cẩm Phả) được chăm sóc, bảo vệ tốt góp phần bảo vệ an toàn công trình thuỷ lợi ở khu vực hạ lưu.
Từ việc phân tích, đánh giá thực tiễn thực trạng cụ thể, thời gian qua, thành phố đã phối hợp triển khai đầu tư nâng cấp các công trình phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cũng như nhu cầu tưới, tiêu trong nông nghiệp. Cụ thể, từ các nguồn vốn của chương trình xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2017-2020, TP Cẩm Phả đã nâng cấp 3,5km kênh dẫn nước, cải tạo, nâng cấp 4 hồ chứa nước gồm: Cao Vân, Tân Tiến, Lựng Do, Đầm Đá. Tổng kinh phí dành cho các công trình này lên tới 46 tỷ đồng.
Với cách làm này, TP Cẩm Phả đã kiên cố hoá toàn bộ hệ thống hồ, đập chứa nước, kênh, mương thuỷ lợi phục vụ tưới, tiêu và cấp nước sinh hoạt. Khu vực sản xuất nông nghiệp của thành phố đã có tới 90,1% diện tích được cung cấp nước tưới tiêu. Kết quả đó đã tạo điều kiện quan trọng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đáp ứng tốt yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời thiết thực giảm nhẹ thiên tai.
Cùng với việc triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hệ thống thuỷ lợi được hoàn thiện đã giúp cho thu nhập bình quân của người làm nông nghiệp trên địa bàn TP Cẩm Phả tăng lên sau mỗi năm. Nếu như năm 2013, thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn của thành phố là 25,89 triệu đồng/người/năm thì hiện nay đã tăng lên 51 triệu đồng/người/năm. Năm 2019, cả 3 xã vùng nông thôn của thành phố đều đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện nay, toàn thành phố đã có 1.086 vườn mẫu nông thôn mới và trên 80% gia đình ở khu vực nông thôn, miền núi đạt gia đình nông thôn kiểu mẫu. Diện mạo nông thôn có sự đổi thay rõ nét.
Nông dân TP Cẩm Phả thu hoạch vụ mùa năm 2020.
Video đang HOT
Mặc dù hiện nay, hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu cung cấp nưới tưới, tiêu cho khu vực nông nghiệp, nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường do biến đổi khí hậu. Vì vậy, thành phố đang phối hợp nghiên cứu để đầu tư nâng cấp thêm một số hồ, đập chứa nước để phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Trước mắt, thành phố đang tập trung nghiên cứu để cải tạo, nâng cấp hồ Khe Giữa (xã Dương Huy), hồ Ao Cói và hồ Rừng Miếu (xã Cộng Hoà)…
Hiệu quả chuyển đổi cây trồng trên đất lúa
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại Nam Trung bộ do Viện KHKTNN Duyên hải Nam Trung bộ thực hiện.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thăm các mô hình trong dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước tại Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Quốc Doanh vừa kiểm tra một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả trong vụ hè thu tại Bình Định.
Đây là mô hình nằm trong khuôn khổ Dự án Khuyến nông Quốc gia do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ thực hiện.
Theo TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKTNN Duyên hải Nam Trung bộ, mục tiêu của mô hình nhằm nêu bật sự hiệu quả của việc chuyển đổi những diện tích đất lúa bị thiếu nước sang trồng những loại cây lạc, vừng và ngô sinh khối, để từ đó nhân rộng.
Đây là giải pháp căn cơ để sản xuất nông nghiệp trong vùng Nam Trung bộ có thể "chung sống" với nạn hạn hán do ảnh hưởng biến đổi khí hậu.
Tại Bình Định, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã đi thăm các mô hình trồng ngô sinh khối cung ứng cho chăn nuôi đại gia súc tại 2 xã Mỹ Châu và Mỹ Hiệp thuộc huyện Phù Mỹ, diện tích thực hiện tại mỗi xã là 5ha; mô hình trồng lạc với diện tích 10ha tại xã Mỹ Lộc (huyện Phù Mỹ) và mô hình trồng vừng ở xã Mỹ Phong (huyện Phù Mỹ) với diện tích 5ha.
Theo TS Vũ Văn Khuê, Trưởng bộ môn rau, hoa và cây cảnh thuộc Viện KHKTNN Duyên hải Nam Trung bộ, ngoài ra, tại xã Tam Giang, huyện Núi Thành (Quảng Nam), Viện cũng đã xây dựng 1 mô hình trồng vừng với diện tích 5ha và 1 mô hình trồng lạc tại xã Bình Phú, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) với diện tích 10ha.
Còn ở Quảng Ngãi, trong năm nay Viện cũng đã xây dựng 2 mô hình trồng vừng trên đất lúa tại xã Phổ Cường (huyện Đức Phổ) và xã Tịnh Hiệp (huyện Sơn Tịnh), mỗi mô hình có diện tích 5ha.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (thứ nhất từ trái sang) kiểm tra sinh trưởng phát tiển cây lạc trồng trên đất lúa tại xã Mỹ Lộc (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.
Cũng theo TS Khuê, đối với cây ngô sinh khối, do canh tác trên đất lúa, nên Viện hướng dẫn nông dân tham gia mô hình quan tâm đến công tác làm đất, lên luống để mở lối thoát nước cho diện tích ruộng trồng ngô trong đợt mưa Tiểu mãn. Thứ đến là hướng dẫn nông dân sử dụng những giống ngô cho sinh khối lớn để cung cấp cho Nhà máy sữa Vinamilk.
"Đặc thù của trồng ngô sinh khối là thời gian canh tác ngắn hơn. Nếu như trồng ngô lấy hạt phải từ 95 - 100 ngày mới thu hoạch thì trồng ngô sinh khối thì chỉ 80 - 85 ngày là cho thu hoạch, do đó chế độ chăm sóc cũng khác.
Trồng ngô sinh khối do thời gian sinh trưởng ngắn hơn nên phải được bón phân sớm hơn. Năng suất ngô trong vụ hè thu này dự kiến đạt từ 50 - 60 tấn/ha/vụ; lợi nhuận trên 30 triệu đồng/ha, ít nhất là gấp 2 lần so với làm lúa", TS Khuê cho hay.
Cây lạc do được trồng trên đất lúa nên khâu làm đất cũng phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là phải thoát nước tốt để tránh ngập úng do mưa Tiểu mãn. Đặc biệt là cần chú ý tăng cường bón phân hữu cơ, do đất lúa thường thiếu hụt lượng hữu cơ...
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kiểm tra mô hình trồng ngô sinh khối trên đất lúa tại xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.
Cả 2 giống lạc nói trên đều thích ứng với điều kiện thời tiết nắng nóng của vụ hè thu và ít nhiễm bệnh, có thể thay thế các giống cũ bà con làm xưa nay.
Trồng lạc trên đất lúa trong vụ hè thu cần phải bón phân cân đối, bón vào thời điểm tưới nước đủ ẩm để phân bón không bị thất thoát do tác động của nhiệt độ cao. Năng suất lạc trong mô hình hướng đến mục tiêu đạt khoảng trên 2 tấn lạc vỏ/ha/vụ. Với giá hiện nay 2 tấn lạc sẽ thu vào 40 triệu đồng, có mức thu nhập gấp 2 lần so với làm lúa", TS Khuê cho hay.
Riêng về cây vừng, theo TS Vũ Văn Khuê, đây là loại cây rất phù hợp trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa trong vụ hè thu ở khu vực Nam Trung bộ. Bởi vừng chịu hạn tốt và có đầu ra thênh thang, nhất cung cấp cho các cơ sở ép dầu.
Tuy nhiên, canh tác vừng trên đất lúa trong vụ hè thu nông dân cần phải làm đất, lên luống thật kỹ, nhất là phải xử lý lúa rụng trên đất sau khi thu hoạch vụ đông xuân. Nếu không, trong quá trình cây vừng sinh trưởng thì cây lúa sẽ lớn vượt nhanh, cạnh tranh sự sống với cây vừng.
"Năng suất vừng trong vụ hè thu này chúng tôi đặt mục tiêu phải đạt trên 1 tấn/ha, thu nhập gấp 1,5 lần so với làm lúa trên cùng diện tích", TS Khuê cho hay.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá các mô hình do Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ cho thấy hiệu quả thiết thực, nhất là tiết kiệm được 50 - 60% lượng nước tưới so với làm lúa. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Theo TS Hồ Huy Cường, dự án này được triển khai 3 năm liên tiếp trên địa bàn 3 tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam, bắt đầu từ năm 2020.
"Năm nay dự án triển khai muộn, lại gặp dịch Covid - 19 nên triển khai không đạt kế hoạch. Ví như cây ngô sinh khối mục tiêu đặt ra mỗi năm phải thực hiện 50ha thì năm nay do dịch Covid - 19 nên không đi chọn được nhiều điểm, nên chỉ mới triển khai được 10ha.
Các năm sau, riêng cây ngô sinh khối mỗi năm chúng tôi sẽ triển khai tối thiểu là 50ha, mục tiêu là sẽ nhân rộng đạt tối thiểu 25% diện tích của dự án, riêng cây lạc và cây vừng ít mở rộng hơn", TS Hồ Huy Cường cho hay.
Quảng Trị: Trồng sâm Bố Chính tốt bời bời, dân mong đổi đời Dự án trồng sâm Bố Chính nhằm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) và chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương. Ông Nguyễn Ngọc Lương - Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh...