Cảm ơn em, cô giáo dũng cảm của đời tôi
Ai cũng nói em dịu dàng, đằm thắm nhưng chỉ có tôi và gia đình mới biết, đằng sau sự dịu dàng đó, em dũng cảm và quyết đoán cỡ nào.
Hơn 10 năm làm vợ chồng, nhưng tình cảm của tôi dành cho em – người vợ, người mẹ của các con tôi không những không thay đổi mà ngày càng sâu sắc hơn. Nếu không có sự kiên định, dũng cảm của em, có lẽ tôi đã không có được hạnh phúc như ngày hôm nay.
Em là cô giáo mầm non. Sự dịu dàng, tình yêu thương của em đối với con trẻ đã hút hồn tôi ngay từ lần đầu tiên gặp mặt, khi tôi thay anh trai đưa cháu tới nhà trẻ. Vừa vào đến lớp, vậy mà một thằng bé nhút nhát, sợ gặp người lạ như cháu tôi lại vùng vẫy khỏi tay tôi, miệng kêu liên hồi “cô Nhi, cô Nhi”, rồi ba chân bốn cẳng chạy lại ôm chân cô giáo.
Em dịu dàng, bế cháu tôi lên vừa nhẹ nhàng hỏi han, vừa bế nó ra chào tôi. Thấy tôi lạ, em hỏi anh là gì của bé Tuấn. Khi tôi giới thiệu mình là chú của Tuấn, em mỉm cười: “Giờ bé Tuấn phải vào học rồi, anh có thể yên tâm về nhà, Tuấn rất ngoan”. Nhìn thấy đôi mắt trong veo của em, tôi biết “mình đã yêu”.
Em dịu dàng, bế cháu tôi lên vừa nhẹ nhàng hỏi han, vừa bế nó ra chào tôi. Thấy tôi lạ, em hỏi anh là gì của bé Tuấn. (ảnh minh họa)
Rồi qua lời kể câu được, câu mất của Tuấn, qua lời anh trai, chị dâu, tôi được biết em là cô giáo trẻ mới được điều động về dạy ở trường mầm non gần nhà tôi. Em hiền lành, dịu dàng và rất được bọn trẻ yêu quý. Em cũng rất được lòng các bậc phụ huynh.
Từ đó, hễ khi nào có thời gian, tôi lại giành với anh chị nhiệm vụ đưa, đón Tuấn đến trường.
Video đang HOT
Thời gian không phụ lòng người, tôi đã có được số điện thoại của em. Sau nhiều lần thất bại, với phương châm “đẹp trai không bằng chai mặt”, tôi cũng đã mời được em đi uống nước.
Dần dần, em cũng mở lòng với tôi. Phải đến gần một năm theo đuổi, tôi mới chính thức nhận được cái gật đầu của em. Thế nhưng, tình yêu của chúng tôi lại bị gia đình em kịch liệt phản đối. Lý do: Em ruột của tôi bị nghiện ma túy, phải đưa đi trại cai nghiện. Gia đình em là gia đình công chức, không thể chấp nhận một người con rể mà trong nhà có người dính dáng đến pháp luật, tù tội. Còn tôi chỉ là một anh lái taxi, công việc không ổn định.
Hơn một năm qua, khi theo đuổi em, tôi chưa từng nghĩ đến những điều xa xôi vậy. Tôi chỉ biết mình yêu em và muốn lấy em làm vợ. Nên khi bị gia đình em phản đối, nói thẳng rằng tôi không xứng với em, tôi thấy thật tự ti. Tôi nghĩ, có lẽ em xứng đáng lấy được một người chồng tốt hơn tôi.
Nghĩ thế, tôi nói lời chia tay với em. Khi biết lý do chia tay, em chỉ hỏi tôi: Anh có yêu em không? Khi nhận được câu trả lời khẳng định của tôi, em mỉm cười: Nếu yêu em thì hãy dũng cảm để giành được em, đừng vì một vài khó khăn, trở ngại đã buông tay em. Nếu toan tính đến những điều đó, ngay từ đầu, em đã không nhận lời yêu anh.
Em nói: Anh chỉ cần đóng vai trò người con rể tốt là được, về phần bố mẹ, em sẽ thuyết phục họ. Nhưng bố mẹ em cũng khó tính, bảo thủ lắm, nên cuộc chúng ta sẽ có một “cuộc kháng chiến trường kỳ”, anh có can đảm để đi tiếp không? Có can đảm để bỏ qua hết tất cả những lời nói chối tai không?
Hơn 6 năm yêu đương và đấu tranh, 10 năm là vợ chồng, dù vẫn có những lúc cơm không lành, canh không ngọt, nhưng em mãi là điểm tựa, là động lực để tôi và các con vươn lên trong cuộc sống. (ảnh minh họa)
Chỉ cần được ở bên em, tôi đâu có ngại gì. Đúng như lời em nói, bố mẹ em vô cùng bảo thủ, kiên quyết không chấp nhận tôi. Tôi đến nhà, ông bà không thèm tiếp, nói không ít lời khó nghe. Nhưng vì em, tôi không ngừng cố gắng, lời nói khó nghe của ông bà tôi nghe tai này rồi cố gắng cho ra tai kia.
Còn em, em cũng kiên định rằng: Nếu không lấy tôi, em sẽ ở vậy suốt đời. Bố mẹ em có bắt ép em thế nào, em cũng kiên quyết không gặp gỡ người nào khác ngoài tôi. Sau 5 năm, em từ 24 tuổi đã bước sang tuổi 29, tôi cũng sang tuổi 34, bố mẹ em mới chịu “đầu hàng”. Lúc này, em trai tôi cũng đã cai nghiện thành công.
Trong đám cưới của chúng tôi, bạn bè tôi ai cũng bảo: Vợ mày trông hiền thế mà cũng dũng cảm gớm. Người khác có khi bỏ cuộc từ lâu.
Khi nghe tôi nhắc lại câu này, em cười: Ai bảo em hiền, hiền có lúc thôi chứ. Không dữ làm sao quản lý được tụi “hổ con” kia. Anh không biết nghề của bọn em được coi là “cô giáo nuôi dạy hổ à”…
Hơn 6 năm yêu đương và đấu tranh, 10 năm là vợ chồng, dù vẫn có những lúc cơm không lành, canh không ngọt, nhưng em mãi là điểm tựa, là động lực để tôi và các con vươn lên trong cuộc sống.
Nhân ngày 20.11, không có món quà nào có thể nói hết được tình yêu của tôi dành cho em. Tôi muốn nói với em rằng: Cảm ơn em, cô giáo của đời tôi!
Theo VNE
Người phụ nữ đẹp nhất đời tôi
Mãi cho đến ngày thành vợ thành chồng, tôi mới có dịp nhìn kỹ khuôn mặt tròn đầy đặn, làn da bánh ít và đôi mắt tròn đen sâu thẳm của vợ mình.
ảnh minh họa
Đó là kết quả của một đám cưới mai mối bởi người hàng xóm, nên tôi chưa một lần ngắm vợ. Cũng phải thôi, ở quê tôi là vậy, trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng đều từ mối lái chứ yêu nhau thì rất hiếm. Nên việc "xa lạ" với vợ là điều tất nhiên.
Sau ngày cưới, ba má cho chúng tôi ra riêng với cái chòi lợp bằng lá dừa nước bên mỏm sông nhỏ trước nhà. Tuy không từng yêu nhau, không hiểu về tâm tính của nhau nhưng chúng tôi lần lượt cho ra đời bốn cô công chúa bé bỏng cách nhau một, hai năm. Với hai công đất mía cằn cỗi, một mình tôi không thể lo nổi cho vợ và bốn đứa con nhỏ. Khi con Út tròn năm tuổi, vợ tôi bàn bạc sắm một chiếc ghe nhỏ để mua bán khoai lang, bắp, thơm, mắm... từ miệt Sóc Trăng, Cần Thơ về bán lẻ ở các chợ nhỏ quanh nhà. Thấy vợ nói có lý, tôi mượn ba má số vốn mua ghe và hai vợ chồng gửi con cái cho ông bà nội giữ, rồi xuôi ghe về miệt Tứ giác Long Xuyên mua hàng. Tranh thủ những ngày lênh đênh sông nước, vợ tôi còn làm mắm, làm khô (do tôi chài và câu được) để đem về quê bán lại. Rồi sau mỗi chuyến hàng, cô ấy một tay bế con, một tay bưng mẹt khắp các chợ quê để chào hàng, giao hàng cho các tiệm tạp hóa. Dưới cái nắng như thiêu như đốt của ngày hạ, tôi cảm nhận được mùi khét lẹt của tóc vợ khi cô ấy bước vào nhà. Vợ tôi trông như già đi trước tuổi bởi làn da đen, chai sạm và gương mặt lúc nào cũng hằn lên nỗi âu lo.
Tuy việc đi buôn có cực khổ nhưng bù lại chúng tôi đủ để nuôi các con ăn học đàng hoàng. Ấy thế nhưng sự đời lại tréo ngoe. Số tiền dành dụm của vợ chồng tôi vơi dần vì các con cứ thi nhau bệnh. Hết con lớn sốt xuất huyết, đứa thứ hai cảm nặng, đến đứa út mổ ruột thừa... Cứ thế cho đến ngày gả chồng các con, vợ chồng tôi chưa bao giờ có đồng tiền dư dả để hậu thân...
Nghèo khổ, chạy ăn từng ngày, vay mượn khắp nơi nhưng cô ấy vẫn quyết cho các con học đến nơi đến chốn. Để cho con đi học bằng tiền mượn từ bạn bè, người thân, vợ tôi phải khóc lóc, van xin, chịu sự sỉ nhục của họ để khất nợ. Khổ nhục kể sao cho hết. Tôi còn nhớ cái ngày con Tư nhà tôi thi tốt nghiệp cấp II, lệ phí thi chưa đến 30.000 đồng mà vợ chồng tôi kiếm không ra. Tội nghiệp con bé, chẳng nói chẳng rằng, chỉ lặng lẽ ngồi khóc trong xó bếp. Vợ tôi xót con, leo dừa tìm dừa non để bán, chưa bẻ được trái nào đã ngã từ trên cao xuống đất, chân sưng vù phải đi cà thọt mấy tháng. Tôi lại phải chai mặt đi vay nợ mấy người bạn để cho con đi thi, lo cho vợ bệnh. Con người ta thi đậu đại học mổ heo ăn mừng, cả làng hoan hỉ. Còn con gái nhà tôi, chẳng có gì ngoài bữa cơm rau nhưng không khí gia đình lúc nào cũng vui vẻ.
Có những lúc vợ tôi tưởng chừng gục ngã, nhất là cuối năm 1999, khi tôi bệnh nặng nằm liệt giường. Cô ấy một tay chăm sóc tôi, vừa làm lụng kiếm tiền nuôi con. Cho đến giờ, di chứng bệnh tật khiến tôi chẳng làm được việc gì nặng nhọc, phải cực thân cô ấy lo cho tôi, rồi gả chồng cho các con chu đáo. Ngẫm nghĩ ngần ấy thời gian qua, tôi thấy mình thật may mắn và có phước. Suốt một đời, vợ tôi chưa bao giờ mặc được cái áo đẹp, chưa bao giờ dùng đến mỹ phẩm, hay tiêu tiền trong các shop thời trang. Từ chén cơm cho đến miếng thịt ngon, cô ấy đều dành hết cho chồng, cho con... Tôi nợ cô ấy quá nhiều!
Nếu được làm lại cuộc đời bao nhiêu lần đi nữa, thì tôi vẫn cầu xin trời phật ban cho tôi cái diễm phúc được sống bên cạnh vợ tôi, dù đói nghèo hay bệnh tật. Dẫu chưa có một ngày yêu đương hò hẹn, nhưng đã hơn 30 năm, vợ chồng tôi chưa bao giờ có chyện cãi vã hay giận hờn. Dù khó khăn gian khổ, nhưng vợ chồng tôi vẫn sống với nhau đầm ấm đến tuổi lục tuần, con cháu đủ đầy. Tôi thầm cảm ơn bà mai, vì nhờ có sự mối lái năm xưa, tôi mới tìm được người phụ nữ đẹp nhất của đời tôi!
Theo VNE
Vợ hay là cục nợ đời tôi? Vợ tôi luôn căn dặn tôi rằng: 'Giờ gia đình của anh không phải là mẹ anh, các anh chị em nhà anh mà là em và con'. Ảnh minh họa Vợ tôi luôn căn dặn tôi rằng: " Giờ gia đình của anh không phải là mẹ anh, các anh chị em nhà anh mà là em và con". Mỗi khi nhắc...